Làm cho văn hóa truyền thống thêm sâu gốc bền rễ trong đời sống tinh thần của đồng bào

09:04, 21/04/2016

Vùng đất trù phú dọc bên sông Đạ Đờng là nơi cư trú lâu đời của đồng bào K'Ho. Tiếng cồng chiêng từng vang vọng xua đi cái lạnh khi đêm xuống nơi núi rừng thâm u, xua bầy thú dữ, gọi lửa ấm về bên nhà sàn, gọi buôn làng quây quần trong đêm hội cúng Yàng… 

Vùng đất trù phú dọc bên sông Đạ Đờng là nơi cư trú lâu đời của đồng bào K’Ho. Tiếng cồng chiêng từng vang vọng xua đi cái lạnh khi đêm xuống nơi núi rừng thâm u, xua bầy thú dữ, gọi lửa ấm về bên nhà sàn, gọi buôn làng quây quần trong đêm hội cúng Yàng… Đó là kí ức mà Già làng K’Chung (buôn Tân Lin - xã Tân Văn - Lâm Hà) vẫn luôn hồi tưởng. Năm 1987, huyện Lâm Hà được thành lập, vùng đất trù phú khi xưa nay thêm ấm hơi người với 30 dân tộc anh em từ khắp mọi miền đất nước về đây sinh sống tạo nên đa sắc màu văn hóa. Đồng bào K’Ho chỉ chiếm 12% dân số của toàn huyện với 17.164 người vẫn cư trú chủ yếu ở các buôn làng dọc bên sông Đạ Đờng. 
 
Đoàn nghệ nhân Lâm Hà biểu diễn đầy ngẫu hứng tại Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng lần thứ X - 2016.
Đoàn nghệ nhân Lâm Hà biểu diễn đầy ngẫu hứng tại Lễ hội văn hóa cồng chiêng tỉnh Lâm Đồng
lần thứ X - 2016

Xác định văn hóa là nội lực thúc đẩy phát triển kinh tế, là sợi dây đoàn kết gắn bó giữa nhân dân các dân tộc anh em, ngay từ những ngày đầu thành lập huyện, bên cạnh việc phát triển các hoạt động văn hóa của các dân tộc khác nhau, khuyến khích người dân phát huy các loại hình văn hóa truyền thống, diễn xướng dân gian của mọi vùng miền; ngành văn hóa huyện đã song song tập trung nghiên cứu, sưu tầm nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống của người K’Ho bản địa. Qua nhiều đợt điền dã nghiên cứu, sưu tầm, đến nay đã ghi âm được 7 bài bản chiêng: Wă rô năc (mừng khách), dinh biap dinh gon, pep tô run, cing ting, lô na, piap j’rê, cing yô. Sưu tầm, ghi âm và chỉnh lý được 20 làn điệu dân ca các loại, 5 điệu kèn m’puốt và r’ken. Sưu tầm, chỉnh lý và phục dựng được 4 lễ hội của đồng bào K’Ho: Mừng lúa mới, Cúng thần lửa, Lễ cưới người K’Ho, Mừng lúa trổ bông (Nhô Wer). Bên cạnh đó, Trung tâm văn hóa huyện đã thực hiện 2 đề tài nghiên cứu cấp huyện về “Phục hồi, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc K’Ho huyện Lâm Hà (năm 2010 và 2014).
 
Cốt lõi nhất trong việc bảo tồn những nét đẹp văn hóa truyền thống là việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng, làm cho văn hóa cồng chiêng sâu gốc bền rễ trong đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào. Đội cồng chiêng của Trung tâm văn hóa huyện là nơi hội tụ những nghệ nhân xuất sắc nhất, có uy tín nhất của các buôn làng trong huyện. Không chỉ luyện tập biểu diễn trong những hội diễn lớn, các nghệ nhân còn đi cơ sở truyền dạy cồng chiêng cho các đội cồng chiêng xã như những cộng tác viên tích cực của trung tâm văn hóa. Bên cạnh đó, huyện đã thành lập các CLB cồng chiêng ở những khu dân cư có đông đồng bào sinh sống, các CLB thường xuyên tập luyện. Đặc biệt, Lâm Hà đã đi đầu, mạnh dạn thành lập 2 đội cồng chiêng nữ ở Đinh Văn và Phi Tô, tạo nét mới trong công tác bảo tồn và gìn giữ văn hóa cồng chiêng của người K’Ho. Trung tâm văn hóa Lâm Hà đã chủ động phối hợp cùng Trường Dân tộc nội trú huyện mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho các em học sinh, tạo lớp người trẻ kế tục có trách nhiệm, có hiểu biết đầy đủ để tiếp nối những gì cha ông truyền lại.
 
Năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định lấy ngày 19/4 hàng năm là “Ngày văn hóa các dân tộc Việt Nam”.
 
Ngày 19/4/1946, cách đây 70 năm chính là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam. Bức thư mang ý nghĩa và nội dung sâu sắc về vấn đề đại đoàn kết dân tộc, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, cùng chung một nhà của tất cả các dân tộc Việt Nam.
Trong các hoạt động văn hóa, hội diễn, liên hoan văn nghệ quần chúng từ cơ sở đến huyện luôn có sự tham gia của các đội cồng chiêng, nhiều làn điệu dân ca của dân tộc K’Ho được các diễn viên quần chúng biểu diễn một cách tự tin, sống động, đạt chất lượng nghệ thuật cao, thu hút người xem. Huyện thường xuyên tổ chức ngày hội văn hóa thể thao các dân tộc 2 năm một lần, tạo thành ngày hội đại đoàn kết các dân tộc anh em trong huyện với nội dung chủ đạo là sắc màu văn hóa của đồng bào K’Ho, tạo nên không gian văn hóa cồng chiêng và những điệu múa xoang. Trong ngày hội, các trò chơi dân gian của người K’Ho cũng được phục dựng nhằm giới thiệu cho các dân tộc anh em biết và cùng tham gia: Giã gạo, lấy nước bằng bầu khô, ném lao, bắn nỏ, đẩy gậy... Công tác phục hồi có trách nhiệm, qua nghiên cứu, sưu tầm, định âm, văn hóa dân tộc K’Ho được bảo tồn nguyên gốc, mang nét đẹp nguyên sơ, nguyên bản, không bị biến tấu, xê dịch. Vì vậy, nhiều năm liền, các nghệ nhân cồng chiêng Lâm Hà được cử làm đại diện của tỉnh tham dự các liên hoan toàn quốc và khu vực Tây Nguyên. Vào năm 2015 vừa qua, nhóm nghệ nhân K’Bét (55 tuổi), K’Ken (66 tuổi), K’Bát (89 tuổi), K’Binh (25 tuổi) là đại diện của Lâm Đồng tham dự Liên hoan dân ca Việt Nam. Trong đêm chung kết tại Nghệ An, với việc trình tấu chiêng đôi qua Điệu chiêng Cing yô (đấu chiêng đôi), 4 nghệ nhân thuộc 4 thế hệ người K’Ho đã biểu diễn đầy ngẫu hứng và đam mê, mang về 1 giải A và 1 giải đặc biệt cho nhóm nghệ nhân trình diễn ấn tượng nhất liên hoan... Qua các hoạt động, các nghệ nhân càng nhận thức rõ rằng văn hóa của dân tộc mình cũng giống như một bông hoa đẹp trong vườn hoa muôn sắc của văn hóa các dân tộc Việt Nam. Từ đó, tuyên truyền cho bà con cùng nhau bảo tồn và gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống; ngày càng nhiều đồng bào, đặc biệt là lớp thanh thiếu niên yêu thích, tham gia luyện tập cồng chiêng, múa xoang và hát một số làn điệu dân ca của dân tộc mình. 
 
Mặc dù đạt được rất nhiều kết quả trong việc nỗ lực phục hồi, phục dựng, làm sống dậy và hồi sinh bản sắc văn hóa truyền thống và đặc biệt là không gian văn hóa cồng chiêng của đồng bào K’Ho, nhưng nhạc sĩ Nguyễn Tấn Hùng - Giám đốc Trung tâm văn hóa huyện Lâm Hà vẫn còn rất nhiều trăn trở: Với phương pháp trao truyền văn hóa truyền thống của người K’Ho là truyền miệng và truyền tay (chỉ dạy từng động tác), rất dễ bị mai một; rất cần có một dự án nghiên cứu “dài hơi” cho việc sưu tầm, nghiên cứu, ghi chép, mô tả một cách khoa học làm cơ sở để phổ biến và truyền dạy cho thế hệ sau. Cần duy trì thường xuyên hơn nữa, tổ chức nhiều hơn nữa các lớp truyền dạy cồng chiêng do Sở VH-TT-DL tổ chức; cần mạnh dạn đưa văn hóa truyền thống vào giảng dạy trong nhà trường, đặc biệt là các trường dân tộc nội trú; cần mở các lớp dạy chữ K’Ho cho người K’Ho để mọi người K’Ho đều biết viết, biết đọc chữ của dân tộc mình, góp phần quan trọng trong bảo tồn văn hóa. Nên nhanh chóng đầu tư phục dựng tại mỗi huyện một nhà sàn truyền thống; đây chính là nơi sinh hoạt cộng đồng của bà con dân tộc, là nơi lưu giữ những hiện vật văn hóa vật thể, đồng thời là nơi giới thiệu quảng bá nét đẹp văn hóa của cộng đồng các dân tộc bản địa với du khách.
 
QUỲNH UYỂN