Thăm thẳm hồn quê

09:01, 31/01/2017

Cuối năm, về thăm quê. Sáng ra, chú cháu rủ nhau leo xe hơi rời làng lên phố ăn cháo lươn Nghệ, uống cà phê Trung Nguyên. Từ làng lên phố ngày trước thấy xa vời vợi mà nay sao lại gần đến thế, chỉ vài cái nhấn ga là tới. Ngồi cà phê phố thị mà nghĩ về cái điều suy ngẫm của NSND Trần Văn Thủy, vị đạo diễn tài hoa từng làm phim tài liệu "Hà Nội trong mắt ai" và "Chuyện tử tế" nổi tiếng một thời. 

1. Cuối năm, về thăm quê. Sáng ra, chú cháu rủ nhau leo xe hơi rời làng lên phố ăn cháo lươn Nghệ, uống cà phê Trung Nguyên. Từ làng lên phố ngày trước thấy xa vời vợi mà nay sao lại gần đến thế, chỉ vài cái nhấn ga là tới. Ngồi cà phê phố thị mà nghĩ về cái điều suy ngẫm của NSND Trần Văn Thủy, vị đạo diễn tài hoa từng làm phim tài liệu “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” nổi tiếng một thời. 
 
Chuyện là, trong cuốn sách “Nếu đi hết biển” của ông Thủy, cái câu hỏi từ thời niên thiếu ông thắc mắc với bà vú già: Nếu đi hết làng mình thì đến đâu hả vú? Vú già giải thích: Đi hết làng mình thì đến làng bên. Đi hết làng bên thì sẽ đến đâu? Qua xã khác. Hết xã khác? Ra phố huyện. Hết phố huyện? Đến tỉnh. Hết tỉnh? Thì ra đến biển… Vậy, nếu đi hết biển thì đến đâu hả vú? Đến đoạn này thì vú già đành chịu lắc đầu. Câu hỏi từ thưở để chỏm, gần hết đời người, bước chân đã lê khắp cả năm châu bốn biển, vị đạo diễn già mới ngộ ra một chân lý là nếu đi hết biển… cứ đi mãi đi mãi rồi thì sẽ về đến… làng mình. Đó chính là cái chốn lần đầu tiên mình đặt bàn chân đỏ hỏn lên đất. Lẽ giản đơn mà càng ngẫm lại càng thấy thấm. 
 
Làng là nơi ta gắn bó máu thịt nhất, gần gũi nhất. Làng là chốn duy nhất mà mỗi người con tha hương không đo đếm bằng khoảng cách địa lý, không bao giờ cảm thấy xa xôi, dù có đi đến góc biển chân trởi. Làng ở trong tiềm thức, trong da diết nỗi nhớ mỗi người. Một nỗi nhớ tự nhiên, thường trực và vô điều kiện. Hình như ai cũng vậy. Người trên đời, có ai trên trời rơi xuống đâu, cùng giống nhau ở chỗ từ đất sinh ra. Đất thì ở làng, đất ở nơi lam lũ bần hàn và nghĩa tình. Đất ở nơi cả lúa và cỏ cùng thi nhau mọc lên. Đất và làng cùng hòa làm một. Đất và làng có một góc vườn xưa chôn khúc rau, cuống rốn. Làng cũng chính là quê, là nhà, là những người thân thích. Xưa tới nay, hai chữ ấy thường gắn với nhau. Con người thì có căn có cốt, làng quê có tính có hồn. Cái cốt cái hồn ấy xâm chiếm trong ta, làm nên nỗi nhớ. Chân không bám đất, thân mất phương hướng. Quên lối về làng, ta đánh mất mình. Từ đồng bằng cho đến núi cao, từ dân tộc Kinh cho đến người Thượng, cái “án kỷ luật” mà từ thưở ngàn xưa ai cũng vô cùng sợ hãi là bị đuổi khỏi làng. Làng mà xua đuổi thì cũng đồng nghĩa với cái chết. Xưa, người nào bị làng hắt hủi, ghẻ lạnh thường chọn khúc sông vắng mà gieo mình tránh nhục…  
 
Ảnh: Trường Thi
Ảnh: Trường Thi

2. Tiền nhân dạy: dân thực vi tiên. Đúng vậy, người dân thì phải lo cái ăn làm đầu. Không trọng miếng ăn nhưng biết lấy cái ăn làm trọng. Không thực thì làm sao mà vực nên đạo. Về quê ngày cuối năm, tôi nhớ lại câu vè của người anh họ hồi những năm đất nước mới thống nhất. Câu vè anh tôi viết bằng củi than đen ngòm lên chiếc xà nhà mối mọt: “Trời ơi! Biết đến khi mô - Sớm chiều xúc ló trong bồ ra xay…”. Chỉ là câu văn vần giản dị thôi mà bao nhiêu năm rồi trong tôi không nguôi ám ảnh. Nhớ lại mà nghẹn lòng! Những năm tháng đói quay đói quắt ấy, làm sao mà quên được. Cơn đói của làng làm cho củ khoai không kịp lớn, con tép không thể thành tôm. Cái lá cái lay bờ rào cũng thành canh rau. Gốc chuối, thân cây đu đủ đổ bão làm món ăn mỗi bữa. Phiên chợ sáng ba mươi tết giữa làng nghèo vẫn còn đâu đó những rổ khoai lang, vài mớ cua đồng lẫn giữa những tờ câu đối hồng điều chữ vàng chữ đỏ. 
 
Giấc mơ của anh họ tôi, của làng tôi thưở ấy thật giản đơn mà sao khó thế, chỉ là có đủ những bữa ăn. Giữa cái thời đói xanh mắt thắt lòng, tôi vẫn nghe câu “địa linh, nhân kiệt” khi các cụ ngồi chè chát cao hứng vuốt râu mà kể chuyện xưa, người xưa của làng. Cái đạo của người, cái tình của làng không phải vì ngày tháng cơ hàn đói kém mà lắm điều phai lạt. Làng quê bình yên và ấm áp. Tình người bền chặt, chan chứa thân thương như bầu bí chung giàn.      
 
Bao năm bao tháng đi qua trong hơn nửa đời người, hình ảnh làng quê cứ thân thương hiện lên lung linh như nơi chốn gửi cảm xúc lối cũ quay về. Quê là chiều triền đê bên sông miên man những gió. Đêm trăng sáng thênh thang kéo vó bè rồi đưa khúc dân ca ví, giặm. Quê là trập trùng nón lá trên đồng vụ cấy, là tiếng cười vào mùa gặt rộn rã. Quê là những cây cầu nối làng mình sang làng bên như những lối giao tình, giao duyên. Quê là những con đường rợp bóng lũy tre, là thuyền về trước bến, là tiếng mõ trâu, là sợi khói lam chiều, là sáo diều vi vu. Quê là ánh lửa le lói sau bờ rào đầm ấm, yêu thương. Quê là miếng trầu, quả cau, là bát nước chè xanh, là tô canh bưng qua, đĩa cà đưa lại. Quê là cả một miền ký ức rưng rưng se sắt thẳm sâu…
            
3. Rời xa làng đã mấy mươi năm, tuổi cao thêm tí chút tôi lại thèm về làng nhiều hơn. Hồi trẻ nít, cứ hong hóng rời làng đi xa bao nhiêu thì lúc về già lại háo hức về làng bấy nhiêu. Cái háo hức ấy được vun lên từ nỗi nhớ, bởi một nhu cầu trỗi dậy thèm được gột rửa bụi đường trường bằng nước giếng ký ức. Soi gương mặt về miền thơ ngây để giãn bớt những nếp nhăn u ẩn hiện tại.  
 
 Về quê bây giờ không còn nghe chuyện đói. Người quê đã giàu bởi đất đai tăng giá, bởi công nghiệp về làng, bởi nuôi tôm, nuôi cá và buôn gỗ phất lên. Danh sách đại gia “hai lúa” mỗi bận chè xanh thuốc lào lại thấy nhắc dài thêm. Chợ quê đã thành phố thị. Đường làng thảm nhựa, nhiều gara xe hơi xây bên cạnh chuồng trâu. Internet, truyền hình cáp về mỗi góc nhà. Không mấy người như tôi còn nhớ đến giấc mơ thời đói khổ của làng, nhớ đến câu vè “trời ơi…” của ông anh họ. Làng giàu có, khang trang lên, thế mà sao khi trở về lòng tôi lại thấy nao nao vì thiếu một điều gì đó. Phải chăng là mất mát chút gì trong hương vị hồn làng mà tôi từng dưỡng nuôi trong ký ức. Cảm giác tôi man mác buồn buồn. Đi giữa quê hương mà thấy nhớ quê hương… 
 
Làng tôi bây giờ chẳng còn thiếu thứ gì mà thành thị có. Có thiếu chăng là thiếu dần cái nghĩa xóm, tình làng. Có thiếu chăng là bởi làng dần mất đi cái sắc thái tâm tình quê kiểng, cái chất phác, hồn nhiên như lúa như khoai. Có thiếu chăng là câu ca cũ cất lên hụt hơi bởi cánh cò không còn chỗ đậu, bởi giếng nước, bờ tre, cây đa cũ, mái đình xưa dần bỏ làng làm phố. Bao tệ nạn theo phố về làng, làm cho làng mỗi ngày mỗi buồn thêm. Làng lớn hơn, làng sang trọng hơn, nhưng có khi làng đang đánh mất dần cái vẻ đẹp tình tứ, thanh tao của mình. Làng bây giờ như hộp. Làng xấu đi từ quy hoạch, từ kiến trúc, từ mưu toan, ăn xổi ở thì, hãnh tiến, ngạo mạn. Những con đường xóm lát đá ong, lát gạch nghiêng quanh co ngõ trúc, con sông uốn khúc… hình như cũng chìm dần vào cổ tích, ca dao. Phố chưa hẳn đã ra phố, nhưng làng chẳng còn dáng dấp của làng. 
 
Tôi chợt nhớ trong truyện ngắn “Xóm giếng” của nhà văn Tô Hoài viết hồi đầu thế kỷ trước, có một chi tiết cực kỳ tinh tế: từ khi có tiếng giày xăng-đá vang lên trên đường làng là bao nhiêu mối tình quê e lệ, sáng trong thi nhau tan vỡ. Cũng hồi đầu thế kỷ trước, ông Hoài Thanh trong “Thi nhân Việt Nam” có một phép suy luận về sự biến đổi văn hóa thật sâu sắc. Ông nói rằng, khi xuất hiện cái đinh sắt của người phương Tây thay cho cái chốt tre, chốt gỗ thì mọi sự nhận thức, mọi cảm quan triết học, mọi sắc thái đời sống xã hội Việt Nam cũng đang dần biến đổi. Cũng thời ấy, thi sĩ Nguyễn Bính có cô em hàng xóm lên chợ tỉnh một ngày mà mất hết cái tinh khôi quê mùa. Cụ Bính lo lắng, bực bội, trách hờn em “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”. Ngẫm lại những xưa cũ đó để mà cảm nhận sự biến đổi thời nay trong chính làng tôi, trong chính người làng…
 
UÔNG THÁI BIỂU