Thêm một nét xuân

09:02, 08/02/2018

Thêm một mùa xuân mới đang về. Trời se lạnh, một vài bông mai vàng nở sớm đang cố giữ trên mình giọt sương lóng lánh như hạt kim cương khỏi rơi xuống. Trên con đường hẻm, người đàn ông lầm lũi đẩy chiếc xe rùa. Chiếc xe chở đầy rác, thỉnh thoảng lại hộc lên hai tiếng "khổ… cực, khổ… cực". 

Thêm một mùa xuân mới đang về. Trời se lạnh, một vài bông mai vàng nở sớm đang cố giữ trên mình giọt sương lóng lánh như hạt kim cương khỏi rơi xuống. Trên con đường hẻm, người đàn ông lầm lũi đẩy chiếc xe rùa. Chiếc xe chở đầy rác, thỉnh thoảng lại hộc lên hai tiếng “khổ… cực, khổ… cực”. Đó là hình ảnh ban đầu về một người chuyên việc thu gom rác thải, tại mỗi gia đình, tận hang cùng, ngõ hẻm của một tổ dân phố. 
 
Ông Công đang thu gom rác ở một ngõ hẻm.  Ảnh: NTT
Ông Công đang thu gom rác ở một ngõ hẻm. Ảnh: NTT

Nhớ lại cách đây 4 năm, trong một cuộc họp tổ dân phố, ông tổ trưởng nói:
 
- Mình đăng ký xây dựng khu dân cư văn hóa mà nhà ai cũng tống hết rác ra đường. Vừa xấu cảnh quan vừa mất vệ sinh. Ông bà nào xung phong thu gom rác thải thì giơ tay?
 
Im lặng một lúc. Vài tiếng xôn xao:
 
- Ôi dào, ai có người nấy lo. Tự đem ra đường lớn cho xe nó chở.
 
- Rác thì đủ loại, đến chó còn chê, ai mà thu với gom.
 
Ông tổ trưởng hết giải thích, động viên, kêu gọi nhưng hàng trăm con người vẫn im như đống thóc.
 
Đúng lúc ấy, từ trong bóng tối cuối sân, một cánh tay giơ lên:
 
- Tôi, để tôi!
 
Mọi người đều nhìn về phía tiếng nói nhỏ nhưng mà chắc. Tất cả ùa lên: “Ồ, ông Công”.
 
Vâng, ông là Nguyễn Văn Công, một lão nông tri điền ở Tổ dân phố 4A thị trấn Đạ Tẻh, huyện Đạ Tẻh, đến xuân này vừa tròn 65 tuổi. Sinh ra từ quê nghèo vùng chiêm trũng Thanh Liêm - Hà Nam. Đất hẹp, người đông quanh năm chật vật với cái ăn cái nấu. Kiếm hạt gạo đã khó, tìm nhánh củi đun còn gian nan hơn nhiều. Nghe trong Nam dễ làm ăn, năm 1995, ông cùng vợ con lặn lội vào Đạ Tẻh lập nghiệp.
 
Gần 23 năm trên quê mới, không có việc gì mà ông từ chối. Từ cày thuê, cuốc mướn đến chăn lợn, nuôi trâu ai gọi là ông đến. Mà đã làm thì hết mình, nên ai cũng yêu mến. Cái tuổi như ông, bây giờ nghỉ ngơi cũng được rồi. Nhà có, vườn có, con cái lớn đã có cuộc sống ổn định.
 
Sau cái buổi họp tổ dân phố về, đứa con trai đầu của ông cằn nhằn: “Làm gì không làm, bố lại nhận đi gom rác thải”. Còn ông em thì can ngăn: “Bác thì có khỏe mạnh gì. Thức khuya, dậy sớm lại toàn đi dọn cái đồ… thiên hạ thải ra thì thơm tho cái gì!”. Ông im lặng, tính ông thế, đã quyết là làm. Ngay sáng hôm sau, ông ra chợ huyện mua ngay 1 chiếc xe rùa. Về nhà, ông lấy sơn nắn nót viết hàng chữ: “Sạch nhà, đẹp phố” ngay hai bên thành xe. Và từ ngày ấy, đã 4 năm nay, ông không bỏ một buổi nào, công việc cứ thế trôi chảy.
 
Ông kể tôi nghe: “Tôi được giao nhận 3 tuyến ngõ hẻm, chiều dài khoảng 1.500 mét, có trên 70 hộ sinh sống. Mỗi tuần gom rác vào các sáng thứ hai, thứ tư và thứ sáu. Cứ 4h30, tôi dậy, gom 3 tuyến khoảng gần 50 bịch rác, tổng cộng trên dưới 200 kg. 5 giờ sáng phải tập kết xong tại điểm quy định để xe rác của huyện tới kịp chuyển đi”.
 
Tôi nói đùa: “Mai ông cho tôi theo với được không?”.
 
Vậy mà sáng hôm sau, đúng 4h30 ông gọi tôi thật. Ông đẩy xe đi trước, tôi rảo bước theo ông. Tuyến đường hẻm từ hội trường tổ dân phố vào sâu phía trong. Không có điện. Đường lồi lõm. Đầy tiếng chó sủa. Qua cổng mỗi nhà, đã thấy từng bịch nilon đựng rác, cái treo trên cây, cái để bên ngõ… tất cả như chờ đợi để được đưa đi. Ông cặm cụi, cần mẫn nhặt từng túi, từng túi xếp lên xe rùa. Tôi đưa chuyện:
 
- Làm thế này, ông có kỷ niệm nào đáng nhớ không? 
 
Ông kể: - Có một lần, nhà ông Tình đêm trước có tiệc cưới. Khỏi phải nói sáng hôm sau rác nhiều như thế nào. Nhưng nhiều thì không đáng nói, mà là… 
 
Ông chậm rãi châm một điếu thuốc, rít một hơi sảng khoái rồi tiếp: - Cái đáng nói là, họ vứt lung tung. Có bịch thì để chó tha, cắn tung tóe. Mình góp ý thì thằng con ông ấy lại văng tục: “Không nhặt thì thôi. Bố mày phải đóng tiền đấy”. Chao ôi, anh tính tổ dân phố quy định, mỗi hộ một tháng đóng 15 ngàn. Tôi làm cả tháng như vậy mới có thu nhập hơn một triệu đồng. Nếu không vì mọi người, vì cái tổ dân phố văn hóa này thì tôi không bao giờ nhận làm. 
 
Nhìn ông, gân cổ nổi lên, mặt mày đỏ rựng, tôi hiểu ông nói thật. và cảm nhận ra cái tâm của người thu gom rác này. 
 
Đã là rác thải thì đâu có sạch. Có lần bước qua đống rác đã gom, một mùi nồng nặc bốc lên, vừa phả hơi nóng, vừa hôi thối, tôi chỉ kịp bịt mũi, chạy thật nhanh và nhả nước bọt. Vậy mà…
 
Tôi hỏi tiếp: - Đấy là kỷ niệm buồn, còn có đận nào vui không ông? Ông cho hay: - Có chứ anh. Tôi cũng sắm điện thoại đây. Khi đi mua, vợ tôi bảo: - Ông đi nhặt rác thì mua điện thoại mà làm gì? Nhưng, có một lần, chưa đến 4 giờ sáng, điện thoại réo vang. Tôi bật dậy nghe, bên kia đầu dây nói: - Bác Công phải không? 4h30 sáng nay, xe đón cả nhà em ra Bắc một tuần. Bác sang gom rác chỗ em trước, kẻo em đi vắng, để lâu mất vệ sinh ạ! Ôi, tưởng gì, thế là tôi bật dậy đi ngay, sớm hơn mọi ngày 30 phút đấy anh ạ. Ngoài ra, tôi cũng dùng điện thoại để khi thì dặn dò, khi thì nhắc nhở các hộ gia đình đóng rác chu đáo để tôi gom cho thuận tiện. Được việc lắm.
 
 Tôi chen vui: - Thế tiền mua car điện thoại ai chi? Mà còn sắm điện thoại xịn nữa này.
 
Ông cười: - Để khi đi làm, có gì hay hay tôi chụp một vài kiểu ảnh làm kỷ niệm. Còn tiền thì… từ rác mà ra thôi.
 
Thấy ông vui, tôi hỏi đùa: - Ông ạ, khi ông đẩy xe rác đầy, tôi nghe tiếng trục xe kêu hai tiếng đều đều như “khổ cực… khổ cực”, có đúng không. Hay có tuổi rồi ông xin nghỉ hoặc chuyển việc khác cho nhàn hạ, được không.
 
Ông nói: - Cũng có chuyện đó đấy. Thấy tôi nắm chắc địa bàn tổ dân phố, ông tổ trưởng đã quyết cho tôi sang làm ở tổ bảo vệ. Nhưng, tôi vẫn không bỏ việc thu gom rác. Tôi làm cả hai, mà đều tốt cả.   
 
Ông Công nói đúng, hôm lên nhà ông, nhìn lên tường tôi thấy, năm 2014 vừa qua, ông được Chủ tịch UBND huyện khen tặng danh hiệu “Chiến sỹ tiên tiến” trên lĩnh vực bảo vệ.
 
Ông nhìn sang tôi, như có vẻ đắc thắng, nói tiếp: - Còn chuyện cái xe nó kêu “khổ cực” là do anh tưởng tượng ra thế, còn tôi thì lại thấy tiếng nó kêu “sạch đẹp…sạch đẹp” cơ đấy.
 
Ông cười phá lên, vừa ngạo nghễ vừa đáng yêu.
 
Ông Nguyễn Xuân Lương - Bí thư chi bộ tổ dân phố, khoe: - Ông Công rất chịu thương, chịu khó. Trời nắng cũng như trời mưa, ngày lễ cũng như chủ nhật, rác gom đúng giờ, tập kết đúng nơi. Mô hình “tuyến đường không rác” ở 3 ngõ hẻm của tổ dân phố từ 4 năm nay đúng là không có một cọng rác. Tổ dân phố được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện khen vì phong trào “Vườn xanh, ngõ sạch, đường đẹp”.
 
4 năm, 576 buổi làm việc cật lực. Mỗi buổi bình quân 150kg, vị chi trong khoảng thời gian ấy, ông Công đã thu gom được 86.400kg rác thải, một lượng rác không nhỏ. Một ông già, dáng hình nhỏ thó, bên một đống rác khổng lồ. Việc làm như không tên, nhưng ý nghĩa thì lớn lao vô cùng. Cả một tổ dân phố nằm trên diện tích 6 km 2 lúc nào cũng không rác. Cảnh quan thay đổi theo hướng tích cực, môi trường vệ sinh, sạch sẽ đã làm cho khu dân cư trở nên đáng sống.
 
Có người trước đây chê bai công việc của ông, hoặc không cộng tác như vứt rác bừa bãi, không đóng phí thu gom… thì nay đã hiểu việc làm của ông, thêm yêu quý và kính trọng ông. Chính con ông Tình, có lần đã chửi ông sau tiệc cưới, bây giờ gặp ai cũng nói: “Có ông Công, tổ dân phố mới được công nhận danh hiệu văn hóa mấy năm liền. Đúng là, đã có lúc rác ở… trong đầu tôi vậy”.
 
Mùa xuân đến. Đất trời như thay áo mới. Đi trên những đoạn đường sạch đẹp, thông thoáng trong tổ dân phố, chợt nghĩ: Thiên nhiên ban tặng cho con người mùa xuân. Nhưng con người lại làm cho mùa xuân đã đẹp lại càng thêm tươi da thắm thịt. Một trong những tác nhân như thế có ông Nguyễn Văn Công - người chuyên việc thu gom rác thải - cho quê hương thêm một nét xuân.
 
Truyện ký: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM