Mỗi nhà thơ cần và phải trở thành đặc sắc như Pờ Sảo Mìn

09:05, 10/05/2018

Dịp cuối tháng 4, tôi ra Bắc theo đoàn công tác của Hội Nhà báo và Đài PTTH tỉnh Hưng Yên lên giao lưu văn nghệ chủ đề "Hát với biên cương" với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long và xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai)...

Dịp cuối tháng 4, tôi ra Bắc theo đoàn công tác của Hội Nhà báo và Đài PTTH tỉnh Hưng Yên lên giao lưu văn nghệ chủ đề “Hát với biên cương” với cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Pha Long và xã Tả Ngài Chồ (huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai). Chuẩn bị cho chuyến đi, các hội viên - nhà báo đóng góp được gần 130 triệu đồng để tặng 75 triệu đồng cho Quỹ học bổng Bùi Nguyên Khiết, tặng quà cho xã Tả Ngài Chồ và Đồn biên phòng Pha Long... Nguyên do tôi là khách mời bởi 33 năm trước khi còn là sinh viên Học viện Báo chí Tuyên truyền Hà Nội, nhân đợt đi thực tập gần 2 tháng ở Báo Hoàng Liên Sơn (nay tỉnh tách thành Yên Bái và Lào Cai) tôi được Chi đoàn Báo viết Khóa 5 ủy quyền mang trên 100 cuốn truyện, 300 bì thư và cây đàn gui-ta lên tặng Chi đoàn Biên phòng Pha Long - một cao điểm ở vùng biên giới xã Tả Ngài Chồ. Nơi đây nhà báo, nhà văn Bùi Nguyên Khiết (Báo Hoàng Liên Sơn) vào ngày 17/2/1979 đã anh dũng hy sinh khi cùng bộ đội địa phương và dân quân chiến đấu ngoan cường chống quân xâm lược bành trướng, góp phần bảo vệ biên giới Tổ quốc. Sau khi hy sinh, Nhà báo - liệt sỹ Bùi Nguyên Khiết được công nhận hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. 
 
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn (ngoài cùng bên trái)
Nhà thơ Pờ Sảo Mìn (ngoài cùng bên trái)
PỜ SẢO MÌN
 
Bản hòa tấu của bầy chim di trú
 
Vâng! 
Trên cánh chim bay trên trời cao
Tôi đã thấy!
Đại ngàn Tây Nguyên
Đắk Lắk, Đắc Nông, Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng
Rừng tiêu rừng điều xen lẫn rừng thông
Bát ngát, mênh mông
Lộng nắng và lộng gió
Có rừng già triệu năm gửi lại
Cả sử thi Đam San, Xinh Nhã
Trên đỉnh Trường Sơn đã hát năm xưa
Cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam
Hôm nay non sông liền dải
Trên rừng già Đắk Lắk, Đắc Nông 
Gia Lai, Lâm Đồng...
Cứ mỗi chiều
Có bầy chim di trú
Hót gọi nhau về tổ
Bản người Thái, người Mường
Bản người Nùng, người Dáy
Miền Việt Bắc, Tây Bắc
Mời gọi nhau gặp gỡ Tây Nguyên
Cả tiếng cồng tiếng chiêng
Người Ê đê, Ba na, Mơ nông ngân dài
Theo dòng sông Mẹ Sêrêpốk
Khúc êm đềm khúc thác cười vang
Dray Sáp, Dray Nur
Mang về ánh sáng
Sáng rọi mặt người
Của bầy chim di trú đang cười
Múa điệu sạp Tây Bắc năm xưa
Đàn tính tẩu ngân vang
Giữa đại ngàn Tây Nguyên lộng nắng
Âm thầm chữ Thái cổ...
Trên bảng đen phấn trắng.
*
Lại đâu đó vọng về
Khúc dân ca Tây Bắc xa xăm
Của người Mông, người Nùng, 
người Mường, người Thái
Một dải Tây Nguyên
Đầy tiếng chim di trú
Đang hát, đang múa và đang ca
Trên dãy Trường Sơn hùng vĩ của ta.

Tôi đến Đồn biên phòng Pha Long trước đây là một sự kiện vinh dự, ảnh hưởng lớn tới nghiệp cầm bút của mình. Đôi lần gặp đồng nghiệp làm báo tỉnh Hoàng Liên Sơn cũ hay tâm tình với nhà thơ Pờ Sảo Mìn - tác giả “Cây hai nghìn lá” nổi tiếng, tâm trạng tôi trào lên nỗi niềm xốn xang, bồi hồi khi nhớ một thời lên Tây Bắc. Chừng 7 năm trước, Pờ Sảo Mìn vào dự trại sáng tác tại Đà Lạt, tôi mời ông đi “ăn” (uống) rượu tại quán lẩu bò Phan Rang đường Quang Trung. Chả là từ năm 1985, tôi đã cùng bạn văn đến thăm nhà thơ tại Khu tập thể văn công ở Cầu Giấy - huyện Từ Liêm, Hà Nội. Trên mâm rượu thời bao cấp thiếu thốn nhưng ông luôn chu đáo xoay xở để có đĩa sườn nướng, đĩa đậu phụ luộc, đĩa rau thơm làng Láng… và rượu Mèo thì chẳng bao giờ cạn. Dáng vẻ gân guốc, góc cạnh thô nhám nhưng hiền lành, thường im lặng như tảng đá với phong cách rất “Đagetxtan” quê hương nhà văn Liên Xô Raxun Gamzatop... Câu chuyện chạm tới Mường Khương, ông bỗng trở nên hoạt bát, say sưa giới thiệu: Mường Khương là huyện vùng cao biên giới, cách thành phố Lào Cai trên 60 km, có chiều dài khoảng 100 km biên giới giáp Trung Quốc. Từ xa xưa dân địa phương gọi Mưng Khang (tức Mường Gang), sau đọc là Mường Khương. Mường Khương có 14 dân tộc anh em cùng chung sống, trong đó đông nhất là dân tộc H’mông,... Theo truyền thuyết: Ngày xưa, có một thầy địa lý mang theo túi mật ngựa đi chọn đất đai để sinh cơ lập nghiệp... Vì sao lại mang theo túi mật ngựa, không hay nữa nhưng các cậu nên biết người Pa Dí chúng tớ là một trong những tộc người thuộc ngữ hệ Tày - Thái cũng như các dân tộc khác ở Mường Khương rất giỏi nài ngựa, cưỡi ngựa bắn cung, gắn bó với những con ngựa dũng mãnh của vùng núi cao... Có người thắc mắc về cái bút danh Pờ Seo Cảo tức Bạch Tiểu Mã (con ngựa trắng bé nhỏ) của mình. Lan man chút nhé, khi lên ba, cha hy sinh trên đường tiễu phỉ, lên 7 mẹ mất, không anh em. Còn bé đi ở đợ kiếm cơm, chăn ngựa thuê. 12 tuổi, vì giỏi nghề nuôi ngựa nên được chọn sung vào đội chăn ngựa, làm “Bật mã ôn” của Ủy ban hành chính huyện, kiêm “liên lạc” đưa thư từ, công văn đến các xã, các bản không có đường xe... - Nhấp khẽ ngụm rượu, ông chậm rãi tiếp lời - Trở lại chuyện thầy địa lý, khi đến Mường Khương ông bỗng nhìn thấy dưới lớp đất là một biển nước mênh mông, có hai cột sắt ở giữa và bốn cột gang phía ngoài chống đỡ 4 góc làm cho mảnh đất này tồn tại vững chắc. Nên mới đặt tên Mưng Khang - vùng đất có gang, có thép. 
 
Nhiều lần tâm tình, tôi biết: Pờ Sảo Mìn sinh 1944, tại thôn Na Khui, xã Mường Khương. Năm 1963 học Trường bổ túc Công nông. Sau được cử sang Tiệp Khắc học nghề chế tạo máy, học về động cơ đốt trong của tàu hỏa, tàu thủy. Đàn giỏi, hát hay và mê làm thơ như Pờ Sảo Mìn bộc bạch: “Ta chẳng có gì cái con người lầm lũi/ Suốt cuộc đời tìm kiếm thi ca/ Và bỗng dưng ta giàu hơn tất cả/ Khi ta nghĩ: Bầu trời mặt đất cũng là ta”. Năm 1973 được học lớp Bồi dưỡng viết văn Trẻ khóa 6, tiếp đó học Trường Viết Văn Nguyễn Du khóa 2… Trong sự nghiệp sáng tác, bài thơ “Cây hai ngàn lá” (in trong tập cùng tên năm 1992, giải thưởng Liên hiệp Hội VHNT Việt Nam năm 1996, Giải thưởng Phan-xi-păng của tỉnh Lào Cai lần 2 năm 2007) được độc giả và đồng nghiệp tâm đắc với những câu thơ thấm đẫm chất miền núi chất phác mà phóng khoáng: “Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ như cái cây hai ngàn chiếc lá”…, “Thế kỷ nào ai gieo mầm trong đất/ Để hôm nay cây lớn tỏa sum suê/ Con trai trần trong mặt trời nắng cháy/ Ép đá xanh thành rượu uống hàng ngày./ Con gái đẹp trong buốt giá đông sang,/ Tước vỏ cây thêu áo đẹp tháng năm”. Pờ Sảo Mìn vô cùng tự hào về dân tộc mình khi ông phác họa: “Con trai người Pa Dí/ đã lên yên không bao giờ ngã ngựa./ Con trai người Pa Dí/ không hận thù ghét bỏ với ai/ Đi chín phương là chín phương bè bạn/ Đến mười phương là mười miền thương nhớ”... Trong các nhà thơ dân tộc thiểu số của Việt Nam, Pờ Sảo Mìn với giọng thơ chân mộc, thủ thỉ nhưng trữ tình đã là một dấu son đỏ thắm của miền Tây Bắc giàu bản sắc. Biết nhau thấm thoắt mấy chục năm, tuần trước, hay tin tôi sẽ ra Lào Cai, Pờ Sảo Mìn đang dự Trại sáng tác Văn học các dân tộc thiểu số ở Đăk Lắk đã nóng lòng ríu ran “mình cũng được mời phát biểu cảm tưởng về Bùi Nguyên Khiết, đọc thơ trong đêm giao lưu mà...” và hò hẹn “ăn” rượu ngô, thưởng thức món thắng cố của quê ông.
 
Lên Mường Khương, trước khi vào xã Tả Ngài Chồ, chúng tôi ghé đón Pờ Sảo Mìn. Nhà ông nằm sau dãy phố thị trấn, nhà cấp 4 khiêm nhường, lợp ngói xi măng, phía trước có khoảng ao nhỏ. Nghe con trai nói ông lên bưu điện, chúng tôi vòng ra không thấy nên đành vào xã trước. Đến chiều, nhà thơ bắt xe ôm vượt hơn mười cây số đường đèo vào hội quân. Dáng gầy, vầng trán cao, ánh mắt ông lão gần 75 tuổi vẫn ngời sáng sự mẫn tiệp, chân tình. Sau cái ôm nồng nhiệt, Pờ Sảo Mìn rút trong túi thổ cẩm ra cuốn thơ “Tiếng chim cao nguyên” tặng tôi. Ông phấn chấn: Xuất bản năm 2015. Có hai phần gồm 52 bài thơ chọn và tuyển 12 bài bằng hữu viết về mình... Ầy, chiều nay đi đánh máy tập thơ sắp xuất bản với hai thứ tiếng Việt và Mông, điện thoại vợ lại cầm nên các bạn đến nhà không gặp, thông cảm nhé! Này, đợt đi Tây Nguyên vừa rồi sướng lắm, viết được nhiều. Chà ở đây, có điếu “ăn” thuốc không nhỉ! Cánh nhà báo trẻ rối rít “có đấy, mời bác vào bàn nước”. Sảng khoái sau hơi thuốc lào, Pờ Sảo Mìn nheo mắt vui khi ai đấy hỏi sức khỏe kỳ này, nhỏ nhẹ: Nghe bài sắp in nhé! Giọng trầm ấm, rõ ràng, ông chậm rãi: ... Tuổi hai mươi anh mạnh như hổ/ Khỏe như trâu/ Tuổi bốn mươi anh mạnh như gấu,/ và khỏe như voi./ Tuổi sáu mươi sức tôi vơi dần/ Xin lỗi nhé! Em còn yêu tôi nữa không?/ Bây giờ tôi đã ngoài bảy mươi/ Chân đã chậm, mắt đã mờ/ tấm lưng cong cong mang hình dấu hỏi/ Vậy bây giờ em có còn yêu tôi nữa không? Mọi người vỗ tay tán thưởng: Nội lực, sức yêu và sức viết của “lão ông” Pa Dí còn thâm hậu lắm. Chúc mừng! Cười khà rung tấm thân gầy, nhà thơ sang sảng đọc tiếp: Bảy năm học bên Tây/ Ba năm học bên Tàu/ Ba năm học bên Ta/ Bây giờ tuổi đã già/ Chữ nghĩa quên hết cả/ Chỉ còn nhớ hai chữ/ Làm CON NGƯỜI viết HOA. 
 
 Gặp lại Pờ Sảo Mìn (bạn văn thường đùa gọi “Pở Xào Mềm”) - “con họa mi của cao nguyên Mường Khương” như gặp lại sự hồn nhiên, trong trẻo và khí phách hào hùng ngất trời của núi rừng biên cương Tây Bắc. Kết thúc bài viết này, xin mượn lời nhà thơ Hữu Thỉnh nhận xét về Pờ Sảo Mìn “Trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 8, Pờ Sảo Mìn ung dung lên đọc thơ ở Văn Miếu. Anh đọc bài thơ “Cây hai ngàn lá”... Độc đáo, bất ngờ, rất Pờ Sảo Mìn, đầy phong cách miền núi. Tiếng vỗ tay dành cho anh vang dội. Tôi ở dưới ngắm lên, lan man nghĩ rằng, đây, một người con biết ơn dân tộc mình và có thể làm sang cho dân tộc mình như thế đấy. Từ trường hợp của Pờ Sảo Mìn, tôi nghĩ, mỗi nhà thơ cần và phải trở thành đặc sắc. Đó là lý do tồn tại. Được như vậy, khó lắm thay. Nhà thơ có trách nhiệm trở thành một của hiếm. Anh phải làm cho người ta cảm nhận ra cuộc sống như mới lần đầu. Thơ phải trở nên như chưa từng có”!
 
NGUYỄN THANH ĐẠM