Văn học nghệ thuật là nền tảng tinh thần của xã hội

08:06, 19/06/2018

Ðó là khẳng định của đồng chí Trần Ðức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới".

Ðó là khẳng định của đồng chí Trần Ðức Quận - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về “Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”.
 
Sau 10 năm bền bỉ xây dựng và phát triển, VHNT đã tạo điều kiện để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp trên mảnh đất Lâm Đồng. Ảnh: N.N
Sau 10 năm bền bỉ xây dựng và phát triển, VHNT đã tạo điều kiện để phong trào văn nghệ quần chúng
phát triển rộng khắp trên mảnh đất Lâm Đồng. Ảnh: N.N

Chuyển biến về nhận thức
 
Ngay khi Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” được ban hành; Đảng bộ, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời cụ thể hóa và thực hiện. Từ đó các huyện, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy có cơ sở đưa nội dung văn học, nghệ thuật (VHNT) vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ được Tỉnh ủy Lâm Đồng đặc biệt quan tâm, thường xuyên chỉ đạo Hội Văn học - Nghệ thuật Lâm Đồng chú trọng phát hiện, đào tạo, kết nạp hội viên trẻ, người dân tộc thiểu số (DTTS)...
 
Vào năm 1987, khi mới thành lập, Hội VHNT chỉ tập hợp vài chục văn nghệ sĩ, đến nay, Hội VHNT Lâm Đồng đã xây dựng được một đội ngũ văn nghệ sĩ hùng hậu gồm 273 hội viên. Trong 10 năm qua, Hội VHNT đã tổ chức 71 trại sáng tác, các đợt đi thực tế sáng tác trong và ngoài tỉnh, thu hút trên 1.400 lượt hội viên tham dự, sáng tác hơn 4.000 tác phẩm (văn, thơ, nhạc, họa, nhiếp ảnh…) phản ánh chân thực và sinh động đời sống xã hội. Ông Hà Hữu Nết - Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng khẳng định: Đội ngũ văn nghệ sĩ Lâm Đồng đã thể hiện rõ vai trò là “cầu nối” giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; phát huy vai trò phản biện xã hội để sáng tác những tác phẩm có giá trị sắc bén ca ngợi, bảo vệ cái tốt, nhân văn; đồng thời, phê phán, đấu tranh loại bỏ cái xấu, cái ác, nhất là những luận điệu xuyên tạc, phản động của các thế lực thù địch lợi dụng VHNT để tuyên truyền gây hoang mang trong đời sống xã hội. Qua đó, định hướng các giá trị thẩm mỹ, nhân văn, phản ánh, cổ vũ, động viên nhân dân thực hiện tốt đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. 
 
Đặc biệt, sau 10 năm bền bỉ, nỗ lực thực hiện nội dung Nghị quyết, VHNT đã tạo điều kiện để phong trào văn nghệ quần chúng phát triển rộng khắp ở hầu hết các xã, phường, thị trấn và ở các thôn, buôn, tổ dân phố. Toàn tỉnh hiện có 818 đội văn nghệ quần chúng tham gia các hội thi, hội diễn khá sôi nổi phục vụ nhân dân và khách du lịch; có 16 đội (nhóm) cồng chiêng thường xuyên tổ chức hoạt động biểu diễn phục vụ nhu cầu tìm hiểu, giao lưu văn hóa của du khách tại các địa bàn huyện Lạc Dương, Đạ Huoai, Đức Trọng, Bảo Lộc, Đà Lạt. Các liên hoan, hội diễn đã góp phần tăng cường giao lưu trao đổi, học tập giữa các địa phương, đơn vị, từng bước nâng cao chất lượng hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, đáp ứng các yêu cầu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương...
 
“Hoạt động VHNT ở Lâm Đồng đã có những bước phát triển mới ngày càng phong phú, đa dạng, từng bước nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và nhu cầu sáng tạo, thưởng thức nghệ thuật của nhân dân” - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy khẳng định.
 
Cần có chính sách phù hợp để VHNT phát triển
 
Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 23, bà Nguyễn Thị Nguyên - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cơ quan tham mưu cho UBND tỉnh về công tác quản lý văn hóa cho rằng: Cần thẳng thắn nhìn nhận, trong công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực VHNT trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế. Mức độ quan tâm về lĩnh vực này ở một số địa phương chưa đúng tầm. Đầu tư kinh phí cho lĩnh vực VHNT chưa tương xứng. Công tác xã hội hóa các hoạt động VHNT còn nhiều hạn chế. Sự chênh lệch về mức hưởng thụ VHNT giữa các vùng còn cách biệt. Việc phối hợp giữa các đơn vị liên quan trong thực hiện Nghị quyết còn nhiều hạn chế...
 
Ông Trần Công Chánh - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Lạc Dương nhấn mạnh thêm: Lâm Đồng nói chung và Lạc Dương nói riêng là địa bàn có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Chính sự đan xen, hòa quyện này đã tạo cho nhiều địa phương ở Lâm Đồng có kho tàng văn hóa, văn học, nghệ thuật dân gian đặc sắc, phong phú, đa dạng và mang đậm bản sắc riêng. Tuy nhiên, đội ngũ văn nghệ sĩ người DTTS, cũng như văn nghệ sĩ khai thác đề tài về văn hóa các dân tộc còn hạn chế. Việc phát triển VHNT còn gặp nhiều khó khăn, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa...
 
Nhiều vấn đề khó khăn đặt ra nhằm tiếp tục phát huy vai trò, sứ mệnh cao quý của VHNT và của đội ngũ văn nghệ sĩ, tạo điều kiện cho VHNT phát triển tương xứng với yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong thời kỳ mới. Trong chỉ đạo nhiệm vụ phát triển VHNT trong thời gian tiếp theo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Trần Đức Quận đã chỉ rõ: Cần nâng cao trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp và văn nghệ sĩ... để tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thực hiện nhiệm vụ phát triển VHNT. Các cơ quan cần tham mưu để đề xuất ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện địa phương nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động VHNT. Đẩy mạnh xã hội hóa trong xây dựng các công trình nghệ thuật, thiết chế văn hóa để phát triển VHNT. Cơ quan quản lý nhà nước về VHNT, các cơ quan truyền thông cần phối hợp chặt chẽ với Hội VHNT để quảng bá những sản phẩm chất lượng, góp phần định hướng thẩm mỹ cho quần chúng. Hội VHNT tỉnh tập trung kiện toàn nâng cao chất lượng hoạt động và vai trò của Hội, chú trọng phát triển đội ngũ hội viên trẻ, hội viên người DTTS và hội viên mạnh về nghiên cứu, lý luận, phê bình VHNT. VHNT được đánh giá là nền tảng tinh thần của xã hội nên cần có nhiều sản phẩm sắc bén và mang đậm tính nhân văn, góp phần làm phong phú hơn đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu nhiệm vụ phát triển của địa phương. 
 
N.NGÀ