Đội tình báo trên con đường huyền thoại

08:10, 18/10/2018

Ở tuổi tròn 90, nhà văn Nguyễn Thái Huyền vừa cho ra mắt tiểu thuyết Đội K32 - Đường Tây Trường Sơn do NXB Công an Nhân dân ấn hành, tiếp tục khẳng định sáng tạo nghệ thuật không kể tuổi tác và sức viết không mệt mỏi của ông. 

Ở tuổi tròn 90, nhà văn Nguyễn Thái Huyền vừa cho ra mắt tiểu thuyết Đội K32 - Đường Tây Trường Sơn do NXB Công an Nhân dân ấn hành, tiếp tục khẳng định sáng tạo nghệ thuật không kể tuổi tác và sức viết không mệt mỏi của ông. 
 
Nhà văn Nguyễn Thái Huyền. Ảnh: Q.U
Nhà văn Nguyễn Thái Huyền. Ảnh: Q.U
Nhà văn Nguyễn Thái Huyền từ quê hương Xô Viết Nghệ Tĩnh đặt chân đến phố núi mù sương từ thuở thiếu thời vào những năm 30 của thế kỷ XX. Ông có mặt trong dòng người tiến về khu Hòa Bình trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền Cách mạng tháng Tám 1945 tại Đà Lạt. Để tránh sự mật kích khi Pháp quay trở lại, ông rời Đà Lạt và tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, góp sức làm nên chiến thắng “lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu”, rồi tiếp tục lao vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước làm chiến sĩ giao bưu thông tin tích cực trên chiến trường Bình Trị Thiên khói lửa. Trở về Đà Lạt sau ngày đất nước thống nhất, ông công tác tại Bưu điện tỉnh Lâm Đồng cho đến ngày nghỉ hưu (1988). Là người may mắn được chứng kiến những thời khắc lịch sử, những mốc son chói lọi của dân tộc, ông viết thơ ca, hò, vè, tiểu phẩm trong mọi hoàn cảnh chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Nhưng mãi đến khi nghỉ hưu, ông mới bắt tay viết tiểu thuyết như một sự thôi thúc, bởi chỉ có “những trang viết trường kỳ” mới trải hết được những sự kiện, chuyện lòng, chuyện đời. 
 
Tiểu thuyết Đội K32 - Đường Tây Trường Sơn là cuốn sách thứ 9 của nhà văn Nguyễn Thái Huyền, trong đó có 4 tiểu thuyết tình báo, trinh thám như Nội tuyến A3, Mai Anh Đào, Thám tử đội Hướng Dương trước đó đã gây được tiếng vang trong làng văn Lâm Đồng. Không chỉ là vốn sống mà còn là trải nghiệm thời còn là cán bộ giao bưu thông tin (Bưu điện Lâm Đồng) trong gần 3 năm, ông được đi cùng ông Phạm Thuần (Chín Cán) lúc đó là Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk và ông Nguyễn Xuân Du (Tám Cảnh), Bí thư Tỉnh ủy Lâm Đồng trong một đoàn cán bộ lão thành đi về chiến khu xưa của Tỉnh ủy Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng, Liên khu ủy 5, Liên khu ủy 6, đi dọc tuyến đường Tây Trường Sơn trải dài trên Tây Nguyên đến các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ. Trong chuyến đi, ông gặp các chiến sĩ giao lưu báo vụ, các chiến sĩ hoạt động nội thị, nghe những câu chuyện, những ký ức đẹp đẽ một thời đã qua. Trên từng bước chân đi qua, chiến tranh lùi xa, cuộc sống bình yên ở từng buôn làng, đồng bào Tây Nguyên luôn nặng nghĩa tình... Những con người, những nhân vật, những số phận ông gặp trên đường về lại chiến trường xưa khiến ông xúc cảm viết nên cuốn tiểu thuyết dày 285 trang với ăm ắp những tư liệu lịch sử. 
 
Tiểu thuyết viết về Đội tình báo K32, hoạt động ở vùng rừng núi Tây Nguyên suốt 9 năm từ 1954 - 1964 với không gian rộng lớn bao trùm khắp 5 tỉnh Tây Nguyên. Mở đầu tiểu thuyết là cuộc chia tay lưu luyến giữa những người đi tập kết ra Bắc và người ở lại nằm vùng gây dựng nuôi dưỡng phong trào cách mạng trong lòng đồng bào Tây Nguyên. Người đi, kẻ ở, dẫu biết rằng sinh ly tử biệt nhưng vẫn lạc quan vào một niềm tin son sắc về ngày chiến thắng. Hiệp định Giơnevơ được ký kết (1954) cũng là lúc cuộc chiến đấu thầm lặng của đội tình báo K32 bắt đầu. Có lúc âm thầm, nhỏ lẻ, có lúc cao trào, rầm rộ, nhưng xuyên suốt 9 năm không ngơi nghỉ để khai thông huyết mạch đường Tây Trường Sơn nối liền Nam Bắc. Quân địch xảo quyệt, vũ khí tối tân, trăm phương ngàn kế, truy lùng, vây ráp, mua chuộc, lôi kéo, hù dọa, bắt giam, tra tấn, bắn giết cũng không làm họ lung lay ý chí, suy giảm sức chiến đấu. 
 
Tiểu thuyết tình báo “Đội K32 - Đường Tây Trường Sơn”. Ảnh: Q.U
Tiểu thuyết tình báo “Đội K32 - Đường Tây Trường Sơn”. Ảnh: Q.U
Trí nhớ, óc sáng tạo, sự mẫn cán, nhà văn Nguyễn Thái Huyền đã tái hiện sống động những cam go, thử thách với biết bao sự kiện, biết bao câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa”, bao tên tuổi cả ta và địch. Những hoạt động bí mật, những trận đánh kinh động bất ngờ, lòng quả cảm... đã tạo thành một ngọn lửa cách mạng trong lòng Tây Nguyên những năm đầu chống Mỹ. Hơn 100 nhân vật cả sĩ quan tướng tá đối phương và cán bộ chỉ huy cách mạng, cả người dân tộc và người Kinh tham gia kháng chiến được tác giả khắc họa rõ nét. Các chiến sĩ tình báo chỉ có mật số từ đội trưởng K1 đến K14, ai cũng gan góc, quả cảm, sáng tạo, linh hoạt; các cô gái Y Ngân, Trà Mi, Lệ Mỹ, Bích Thảo, Phượng Yến... ai cũng mưu trí, dũng cảm, thông minh và xinh đẹp. Họ đều tuyệt đối trung thành với cách mạng, hết lòng với đồng chí đồng đội, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp độc lập, tự do, thống nhất đất nước. 
 
Không khô khan, tác giả đã đi vào những tình tiết sống động đời thường, cảnh núi rừng Tây Nguyên buổi chiều tà, nước suối trong vắt chảy róc rách, đêm xuống bên bếp lửa nhà sàn, đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào Tây Nguyên. Có cả những cuộc “chạm trán” đụng độ, đấu trí, đấu mưu với kẻ thù, tất cả được mô tả cặn kẽ bằng ngòi bút trinh thám, ly kỳ, hấp dẫn. Với bút pháp dùng văn để diễn đạt sự kiện, dùng tiểu thuyết để viết sử, tác giả đã xây dựng hình tượng hợp logic lịch sử, thật hơn cả sự thật. 
 
Đọc tiểu thuyết K32 - Đường Tây Trường Sơn của nhà văn Nguyễn Thái Huyền càng hiểu thêm thế hệ đi trước đã hy sinh gian khổ chiến đấu và chiến thắng, thấu hiểu sâu sắc cái giá của độc lập, tự do để thêm trân trọng gìn giữ hòa bình. Đó cũng là câu chuyện nặng nghĩa nặng tình của những người con Tây Nguyên một lòng sắt son theo cách mạng, càng hiểu thêm sức mạnh của đại ngàn “rừng che bộ đội, rừng vây quân thù”, thêm yêu quý núi rừng, ra sức bảo vệ không gian sinh tồn đẫm màu xanh của dân tộc.
 
 
QUỲNH UYỂN