Cô giáo Hồng

09:11, 22/11/2018

Sáng nay, Trường Trung học cơ sở Đạ Loan tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Chưa đến bảy giờ, sân trường đã nhộn nhịp hơn mọi ngày. Từng nhóm học sinh tụ tập dưới những tán cây bàng, cây viết cao to, xõa bóng mát. Em nào cũng mặc đẹp, khăn quàng đỏ thắm trên vai, có em nâng niu những bông hoa tự kiếm quanh nhà, tươi tắn đầy màu sắc.

Sáng nay, Trường Trung học cơ sở Đạ Loan tổ chức kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Chưa đến bảy giờ, sân trường đã nhộn nhịp hơn mọi ngày. Từng nhóm học sinh tụ tập dưới những tán cây bàng, cây viết cao to, xõa bóng mát. Em nào cũng mặc đẹp, khăn quàng đỏ thắm trên vai, có em nâng niu những bông hoa tự kiếm quanh nhà, tươi tắn đầy màu sắc.
 
Bảy giờ, dưới sân trường, hai sân bóng chuyền dành cho nam và nữ bắt đầu thi đấu giao hữu. Hàng trăm học sinh đứng quanh sân hò reo cổ vũ cho thầy cô giáo - những cầu thủ không chuyên. Nhiều pha bóng qua lại dài tới vài phút mà bóng vẫn trong cuộc.
 
9 giờ, các hoạt động vui chơi tạm dừng. Hội đồng nhà trường tổ chức tọa đàm nội bộ nhân ngày truyền thống của ngành mình. Sau khi nhìn khắp lượt, thầy Khoa - Hiệu trưởng hỏi:
 
- Sao không thấy cô Hồng nhỉ? Có ốm đau gì không?
 
Cô Lan chủ tịch công đoàn cho biết, sáng nay vẫn thấy cô tập thể dục sớm. Thầy Khoa lẩm bẩm, lạ thật, ngày nhà giáo mà cô giáo vắng mặt. Không tham gia hoạt động thể thao, cũng không dự họp… kỷ luật để đâu chứ! Tôi đề nghị tổ Văn cần kiểm điểm nghiêm khắc, công đoàn chú ý xếp loại thi đua cuối học kỳ.
 
Cả phòng họp lao xao. Những con mắt nhìn nhau, dò hỏi.
 
Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
Ngay từ chiều mười chín - trước ngày diễn ra kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, Hồng đã tất bật với việc ủi phẳng những bộ quần áo cũ, phân loại rồi chia thành từng bọc nhỏ, gói thật cẩn thận. Vừa làm cô vừa nghĩ: “Bộ này dành cho thằng Mập, tên nó là Khanh nhưng nó lớn nhanh so với tuổi, bạn cùng lớp gán cho nó cái tên Khanh Mập. Nhà nó nghèo, lại đông em. Bố thì gà trống nuôi con, suốt ngày làm lụng ngoài đồng. Được cái nó ngoan và học giỏi... Bộ này dành cho Huệ Tồ, con gái, dáng người mảnh khảnh, khi lao động trên trường, việc gì cũng nhận làm. Thật như đếm, chả giấu ai chuyện gì. Bộ này… bộ này…bộ này…”. Cứ thế, Hồng xếp gọn từng bọc vào hai chiếc bao tải, buộc sẵn lên xe máy.
 
Sáng hôm sau, tập thể dục xong, Hồng phóng xe máy đến một số nhà học sinh do cô chủ nhiệm. Vừa đến cổng nhà thằng Mập, cô gặp ngay ông Lành, ông đon đả:
 
- Chào cô, hôm rày hai mươi tháng mười một, sao cô không đến trường?
 
- Dạ, cháu đến cho em Mập mấy bộ quần áo. Khổ, đi học mà quần áo chưa lành. Bạn bè có đứa không hiểu còn chê cười…
 
Mập trong nhà chạy ra:
 
- Em chào cô. Em không nhận đâu. Cô cho bạn khác đi ạ.
 
- Mập này, em có thương cô không. Đây là quà cô tặng cho em vì em chăm ngoan và học giỏi mà.
 
Ông Lành xúc động, nước mắt quanh mi, nghẹn ngào: Thôi con, con nghe ba, con nhận cho cô vui. Học giỏi là cô mừng…
Không kịp vào nhà uống nước theo lời mời của ông Lành, Hồng lại tất tả phóng xe đi…
 
* * *
 
Hồng sinh ra trong một gia đình thuần nông thuộc đồng bằng sông Hồng. Bố Hồng tên là Thiện. Năm 1966, Thiện tốt nghiệp phổ thông, thời ấy không phải thi đại học... Thiện có dáng người cao to, đẹp trai, giọng nói vang, ấm, truyền cảm, cuốn hút người nghe. Bố mẹ khuyên anh vào sư phạm làm nghề dạy học vì nó cao quý mà cũng hợp với tạng người. Thiện hồ hởi nộp đơn. Trung tuần tháng tám năm ấy, bạn bè ai cũng nhận được giấy báo nhập trường, riêng Thiện chờ mãi, chờ mãi… Anh khóc sưng cả mắt, bỏ cả ăn uống… Lỡ mất cơ hội được làm thầy giáo.   
 
Năm 1977, Thiện xung phong làm công nhân vùng kinh tế mới tại Lâm Đồng. Năm 1984, khi Hồng tròn 7 tuổi, ông Thiện về quê đón vợ con vào nơi mình công tác. Khi cô tốt nghiệp phổ thông, ông hướng cho con thi vào ngành sư phạm, thực hiện tiếp mơ ước mà ông không có cơ may khi còn trai trẻ. 
 
Hồng thi đỗ Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt. Không nói cũng biết ông Thiện vui thế nào. Ngày nhập trường, ông tự dẫn con bằng xe máy từ vùng Ba, lên tận chợ Đà Lạt mua chăn gối, đồ dùng cá nhân cần thiết, rồi tự tay ôm những vật dụng ấy cho con vào tận ký túc xá. Đà Lạt lạnh mà toàn thân ông vã mồ hôi. Một sự khổ cực sung sướng.
 
Hồng ra trường và được giới thiệu về một huyện phía Nam của tỉnh dạy trung học cơ sở ở một trường vùng núi rất nhiều khó khăn. Những thiếu thốn ban đầu được bù lại bởi tình thương yêu của con trẻ dành cho cô. Hồng là con thứ ba của một gia đình có năm con gái. Cô cao giống bố, dáng đẹp, có gương mặt phúc hậu và rất ưa nhìn. Sau mỗi giờ học, hay ngày nghỉ, học sinh vây quanh cô, đến nhà thăm cô tíu tít, ríu ran… Hồng nhớ một lần, cũng vào ngày trước khi diễn ra kỷ niệm 20 tháng 11, một tốp học sinh ra thăm cô từ rất sớm. Chẳng may một em bị tai nạn. Cô bỏ hết việc nhà, chạy thẳng ra bệnh viện. Ôi con Còi...  nó nằm trong phòng cấp cứu trông như mớ giẻ rách. Nó bị sao vậy. Xây xát nhẹ thôi, nhưng cô ôm trò giàn giụa nước mắt. Sao lại ra nông nỗi này, con ơi? Dạ con ra thăm cô nhân ngày… Hồng quát lên: Dẹp đi, cô không thăm trò thì thôi, sao phải ra thăm cô. Từ năm sau, cô cấm! Những chuyện nhỏ thế, ai chú ý làm gì. Nhưng cũng vì thế mà tình yêu thầy trò ngày càng sâu đậm. 
 
Làm chủ nhiệm lớp 6A, cô hiểu từng trò của mình. Hiếu thích nghịch ngầm. Hà hay ngủ gật. Hoa yêu văn nghệ. Hùng luôn trêu ghẹo bạn. Thành luôn giơ tay phát biểu trong các tiết học để thể hiện mình… Từng ấy học sinh, từng ấy tính cách, nhưng trò nào cũng yêu quý Hồng như yêu quý mẹ mình. Năm học nào, Hồng cũng được bình xét là giáo viên dạy giỏi. Trò của cô đều hạnh kiểm tốt và lên lớp thẳng… Cô còn được công nhận là chiến sỹ thi đua cấp tỉnh.
 
* * *
 
Vậy mà, trong dịp kỷ niệm ngày nhà giáo năm nay, cô bị xem xét tư cách. Khả năng trừ điểm danh hiệu thi đua là có thật. Tin ấy lan rất nhanh. Không đồng nghiệp nào nghĩ cô Hồng sẽ bị khiển trách. Ngay cả một số cha mẹ học sinh cũng biết tin này. 
 
Chiều hôm ấy, chưa đến giờ làm việc, trước phòng thầy hiệu trưởng đã có đến sáu, bảy vị cha mẹ học sinh và hơn chục em thuộc lớp cô Hồng chủ nhiệm đứng đợi. Nhiều tiếng bàn ra, tán vào:
 
- Cô Hồng mà bị kỷ luật là cháu… bỏ học.
 
- Phải gặp hiệu trưởng nói rõ chuyện này mới được.
 
- Ôi dào, họ đã tính rồi, khó thay đổi lắm.
 
- Khó là khó thế nào? Cô Hồng có làm điều gì vi phạm đạo đức hay tư cách nhà giáo không? Tôi kiện lên tận Sở Giáo dục cho mà xem.
 
Vừa lúc đó, thầy Khoa - Hiệu trưởng đến. Ông chào mọi người, rồi mở cửa phòng. Không ngờ cả hơn chục con người ùa vào. Thầy Khoa chưa hiểu có chuyện gì, thì một giọng ồm ồm của vị gần bảy mươi tuổi phát ra như một chiếc loa công suất lớn:
 
- Thưa thầy, chúng tôi phản đối việc nhà trường kỷ luật cô Hồng.
 
- Dạ, chúng tôi đã có quyết định gì đâu ạ.
 
- Ngày nhà giáo, trò đi thăm thầy đã xưa như trái đất rồi. Nay, thầy đi thăm trò thì có tội gì cơ chứ? 
 
Một cụ bà chừng gần tám mươi tuổi, miệng nhai trầu bỏm bẻm, vừa nói vừa đưa tay quệt miệng:
 
- Thưa thầy, sáng nay, cô Hồng đến nhà tôi rất sớm. Cô đem chiếc xe đạp, bảo cho con Còi, cháu tôi đây, làm phương tiện để đến lớp hàng ngày. Nhà nó xa trường hơn hai cây số, hôm nào cũng đến muộn, bị nhà trường ghi vào sổ liên lạc… Tôi hỏi, bao nhiêu tiền, nhà tôi không có đâu, cháu đi bộ cũng được. Cô bảo, không tiền bạc gì đâu, cháu tặng bé Còi đấy ạ. Tôi nghễnh ngãng, tưởng cô bảo “đòi bé Còi” gì đó, thế là tôi xua cô ấy ra khỏi nhà. Khi nghe bố cháu nói, tôi mới hiểu tấm lòng cô Hồng đối với học trò nghèo... Tôi hỏi thầy, có người còn ăn nọ, ăn kia… vẫn nhăn răng đấy thôi. Nếu kỷ luật, tôi xin nhận thay cho cô Hồng.
 
Tất cả cười ồ lên vì câu nói của cụ. Thầy Khoa như hiểu ra mọi chuyện:
 
- Thưa các cụ. Nghe các cụ nói, tôi đã hiểu ra rồi. Ừ nhỉ, sao ngày kỷ niệm nhà giáo thì học sinh, hay cha mẹ học sinh cứ phải đến thăm thầy? Những năm trước đây, cũng có hiện tượng, em nào, phụ huynh nào không đến thăm thì… học sinh đó bị điểm thấp hoặc hạnh kiểm thấp. Không thể chấp nhận được. Nghĩ cho đúng thì học sinh là trung tâm trong nhà trường. Phải được đối xử tôn trọng và thương yêu nhất. Ngừng một lát, thầy Khoa nói tiếp:
 
- Thưa các cụ. Chuyện cô Hồng giờ tôi mới biết. Việc làm của cô sẽ là một tấm gương cần được nhân rộng trong trường cho những ngày kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam các năm tiếp theo. Không có trò sao có thầy… Xin cảm ơn các cụ. Mời các cụ ngồi uống nước ạ…
 
Giữa lúc đó, trên loa phóng thanh của trường phát ra lời hát:
 
“Trên những nẻo đường của Tổ quốc xinh tươi có những loài hoa thơm đậm đà sắc hương, có những bài ca nghe rạo rực lòng người. Bài ca ấy, loài hoa ấy đẹp như em người giáo viên nhân dân… Tự hào như em người chiến sĩ văn hóa, lớn lên trong chiếc nôi quê hương Việt Nam”.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THƯỢNG THIÊM