Hội về nơi đất thánh

09:01, 01/01/2019

Trong các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, giải pháp thúc đẩy không gian du lịch văn hóa và di sản được Cát Tiên coi trọng. Tiếng chiêng nguồn cội, chủ đề của Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S'Tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I do UBND huyện Cát Tiên cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng tổ chức vào hạ tuần tháng 12 năm 2018 có thể xem là những khởi phát ban đầu trên tiến trình đó.

Trong các giải pháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng du lịch - dịch vụ, giải pháp thúc đẩy không gian du lịch văn hóa và di sản được Cát Tiên coi trọng. Tiếng chiêng nguồn cội, chủ đề của Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I do UBND huyện Cát Tiên cùng Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lâm Ðồng tổ chức vào hạ tuần tháng 12 năm 2018 có thể xem là những khởi phát ban đầu trên tiến trình đó.
 
Giã gạo trong đời sống cộng đồng Mạ và S’Tiêng. Ảnh: T.Chu
Giã gạo trong đời sống cộng đồng Mạ và S’Tiêng. Ảnh: T.Chu

Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I - năm 2018 chính thức khép lại. Nhưng ấn tượng mà ngày hội mang lại cho người dân và du khách thì chưa bao giờ dừng lại. Nó vẫn tiếp tục mở ra như một câu chuyện dài kỳ về sức sống mạnh mẽ của những giá trị văn hóa Mạ và S’Tiêng độc đáo. “Ngày hội nhằm khơi dậy nét đẹp văn hóa Mạ và S’Tiêng, để chủ nhân nền văn hóa đó yêu hơn, hiểu thêm những giá trị văn hóa nguồn cội. Yêu và hiểu những giá trị văn hóa truyền thống, người Mạ và S’Tiêng sẽ có ý thức hơn trong việc gìn giữ, cũng như tìm cách phát huy nét văn hóa đặc trưng ấy trong thời đại mới”, ông Trần Đình Thái, Phó Chủ tịch UBND huyện Cát Tiên, Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I, chia sẻ. 
 
11 đoàn nghệ nhân Mạ và S’Tiêng đã hội tụ về Di tích Quốc gia đặc biệt Khảo cổ Cát Tiên để sống trong một không gian xưa cũ. Nghệ nhân Điểu K’Hen không giấu được niềm xúc động: “Nét độc đáo của văn hóa người Mạ và S’Tiêng nằm ở tính cố kết cộng đồng. Vì vậy, muốn bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Mạ và S’Tiêng, phải bắt đầu từ không gian sống và cộng đồng Mạ và S’Tiêng. Chúng tôi rất vui khi được sống lại trong những căn nhà dài cùng những nghi lễ truyền thống”. Ông Phan Văn Thành, Bảo tàng Đồng Nai, cũng đánh giá rất cao việc tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng của UBND huyện Cát Tiên. Theo ông Phan Văn Thành, chỉ khi Nhà nước tổ chức ngày hội thì người dân Mạ và S’Tiêng mới có dịp sống lại những nghi lễ truyền thống. “Trong cuộc sống thường ngày, với những nghề nghiệp khác nhau, địa bàn cư trú lại tản mác, người Mạ và S’Tiêng dù có muốn sống trong không khí lễ hội cũng rất khó, vì việc tổ chức lễ hội không phải ai cũng làm được”, ông Phan Văn Thành nói. Bà Điểu Thị Prợt, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Nai Thượng, thì bảo: “Nhất là người già, họ tỏ ra rất háo hức, vì Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng chính là nơi để họ thực hành các nghi thức, lễ thức như nghi lễ dựng cây nêu, nghi lễ dựng nhà mới, nghi lễ tấu chiêng. Ngoài ra, ngày hội còn là dịp để những người biết đan lát, dệt thổ cẩm... khoe tài. Cùng đó, đây cũng là dịp để các chàng trai, cô gái trẻ Mạ và S’Tiêng trổ tài phóng lao, bắn nỏ...”.   
 
Tuy nhiên, một số người dân bày tỏ, Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng sẽ còn tốt hơn, mang lại nhiều xúc cảm hơn nếu như thời điểm tổ chức không trùng với mùa thu hái cà phê và mùa điều trổ bông. Trao đổi về vấn đề này, ông Lưu Văn Lịch, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao huyện Cát Tiên, Phó Trưởng Ban tổ chức Ngày hội Di sản văn hóa Mạ và S’Tiêng huyện Cát Tiên lần thứ I, nói: “Vì là lần đầu tiên tổ chức nên thiếu sót là điều khó tránh khỏi. Chúng tôi sẽ rút kinh nghiệm để những lần tổ chức sau được tốt hơn”.

Phóng lao, nét đẹp truyền thống. Ảnh: T.Chu
Phóng lao, nét đẹp truyền thống. Ảnh: T.Chu

 

Đan gùi, nghề truyền thống được tái hiện trong ngày hội. Ảnh: T.Chu
Đan gùi, nghề truyền thống được tái hiện trong ngày hội. Ảnh: T.Chu

 

Đan gùi, nghề truyền thống được tái hiện trong ngày hội. Ảnh: T.Chu
Phụ nữ dệt thổ cẩm. Ảnh: T.Chu

TRỊNH CHU