Hòa cảm với xứ sở không chỉ trong những mùa lễ hội

06:12, 20/12/2019

"Tôi đã muốn được kể câu chuyện của hoa thông qua số phận lịch sử, dòng chảy văn hóa đô thị, cảm xúc hàm chứa cốt cách của cư dân các sắc tộc, các vùng miền từng sinh ra, di trú, lập cư, lập nghiệp và hòa thân xác giữa nơi chốn này",...

“Tôi đã muốn được kể câu chuyện của hoa thông qua số phận lịch sử, dòng chảy văn hóa đô thị, cảm xúc hàm chứa cốt cách của cư dân các sắc tộc, các vùng miền từng sinh ra, di trú, lập cư, lập nghiệp và hòa thân xác giữa nơi chốn này”, nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu, người từng chấp bút viết kịch bản - lời bình cho nhiều lễ khai mạc, bế mạc Festival Hoa Đà Lạt - Lâm Đồng, đã nói như vậy.
 
* PV: Được biết, tiền thân của Festival Hoa ban đầu được gọi là Lễ hội sắc hoa Đà Lạt và chính anh là người chấp bút cho kịch bản - lời bình ngay sự kiện được tổ chức lần đầu tiên đó. Vậy đâu là cơ duyên?
 
* NB Uông Thái Biểu: Đà Lạt của chúng ta là xứ sở của hoa, của tổng hòa thiên nhiên mộng mơ, khoáng đạt và sâu thẳm một bề dày lịch sử, văn hóa, cốt cách nhân sinh. Đó là một không gian hiếm, thể hiện sự kiêu sa, sang trọng của kiến trúc, tốt tươi của hoa lá, xúc cảm và thức nhận nhiều cung bậc, màu sắc và sự khác biệt của cư dân các sắc tộc, vùng miền tụ cư qua nhiều thế hệ. Dù lịch sử có những biến thiên nhưng ngay từ những ngày đầu lập phố và cho đến bây giờ thì những mỹ danh dành cho đô thị trên cao nguyên Lang Bian hình như đã được ấn định. Việc chính quyền và các nhà tổ chức đưa ra ý tưởng, thực thi một sự kiện dành riêng cho hoa, tôn vinh hoa và con người xứ sở như là một tất yếu biểu cảm thay suy nghĩ và cảm xúc của nhiều người. Du khách và người dân mọi miền cũng hướng tâm hồn về Đà Lạt và họ mong muốn được thỏa mãn mỹ cảm đối với sự kiện này. Điều đó thể hiện rằng, một lễ hội dành riêng cho hoa là một lựa chọn đúng.    
 
Nói là cơ duyên thì hơi to tát nhưng sự đồng điệu thì có. Khi bắt đầu khởi lập chương trình, anh Vũ Hoàng - Tổng đạo diễn toàn bộ sự kiện Lễ hội sắc hoa Đà Lạt năm 2004 đã nghĩ đến tôi. Chúng tôi đã trò chuyện và chia sẻ cùng nhau, với mục tiêu làm cách nào để thực sự dẫn dắt cảm xúc của công chúng trong một lễ hội “có một không hai ở Việt Nam” và “lần đầu tiên tổ chức”. Từ tổng chương trình do anh Vũ Hoàng khởi dựng, tôi đã chấp bút kịch bản - lời bình Lễ hội sắc hoa 2004 bằng sự hòa cảm. Các mùa lễ hội sau này mà tôi tham gia cũng vậy, bắt đầu từ những sẻ chia đồng điệu. Tôi cũng muốn nói thêm, bản thân mình đã hòa cảm với xứ sở này không chỉ trong những mùa lễ hội...    
 
* PV: Để hiểu Đà Lạt, kể câu chuyện của Đà Lạt thông qua “nhân vật” hoa không ai bằng người Đà Lạt. Anh có bị áp lực bởi điều này không? Và mỗi lần chấp bút, thổi hồn cho kịch bản - lời bình những lễ khai mạc hoặc bế mạc Festival Hoa thì những chất liệu nào được anh chọn lựa?
 
* NB Uông Thái Biểu: Dù không sinh ra tại Đà Lạt nhưng từ rất lâu rồi, nhận thức và cảm xúc của cá nhân tôi nương tựa vào không gian nơi này và hình như hơi thở của đất đai, cây cối, nước mây, gió mưa, đồi núi cao nguyên cũng đã thuộc về tôi. Tôi đã nghĩ mình là một phần nhỏ nhoi của thành phố, cùng thức - ngủ, buồn - vui, cùng hòa đời mình vào nắng sớm, mưa mai xứ sở. Cũng như bạn và những người khác đã lựa chọn Đà Lạt để ký thác những năm tháng đời người, tôi luôn coi mình là một thực thể vô danh trong dòng chảy của đô thị này. Và vì vậy, tôi muốn nói với bạn, không hề có một áp lực gì khi được thể hiện tình yêu với nơi chốn mà mình đang sống, mà việc viết kịch bản - lời bình cho mỗi kỳ Festival Hoa là một cơ hội được thể hiện cảm xúc của mình.
 
Chất liệu ư, chỉ là những gì bình dị nhất. Tôi muốn nói với bạn rằng, cùng với một quá trình canh nông lâu đời nơi xứ lạnh, có một “nền văn hóa hoa” đã được hình thành từ lâu ở Đà Lạt. Việc của chúng ta là biểu đạt rõ ràng, sâu sắc và khái quát thêm về điều đó. Tôi đã muốn được kể câu chuyện của hoa thông qua số phận lịch sử của đô thị, dòng chảy cảm xúc hàm chứa cốt cách của cư dân các sắc tộc, các vùng miền từng sinh ra, di trú, lập cư, lập nghiệp và hòa thân xác giữa nơi chốn này...
 
* PV: Để có được những kịch bản - lời bình trong các chương trình khai mạc hoặc bế mạc Festival Hoa Đà Lạt mang lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân và du khách anh đã dẫn dắt cảm xúc của công chúng như thế nào?
 
* NB Uông Thái Biểu: Mỗi người hướng đến, chờ đợi ở Festival Hoa Đà Lạt bằng tâm cảm riêng. Chính quyền chuyên tâm với mục tiêu của chủ thể tổ chức; người dân thể hiện niềm hứng khởi và tự hào với vai trò chủ nhân; du khách là đối tượng thưởng lãm và cộng cảm. Bạn nói rất đúng về cụm từ “dẫn dắt”. Bằng ngôn ngữ dành cho đại chúng, với tôi - một người chỉ tham gia một phần rất nhỏ vào chương trình, luôn có ý thức trong việc cùng các cộng sự bắc nhịp cầu truyền cảm xúc cá nhân hòa vào mạch cảm xúc của đa số công chúng. Muốn làm được điều đó thì bên cạnh sự am hiểu về lịch sử - văn hóa, ngôn ngữ biểu cảm, chủ thể kịch bản - lời bình phải đưa ra được thông điệp rõ ràng và biết cách khái quát trong những hàm ngôn cần được chuyển tải. 
 
* PV: Khởi đầu chỉ là một sự kiện văn hóa của tỉnh, đến nay Festival Hoa Đà Lạt đã được nâng tầm thành một lễ hội quốc gia. Sự kiện Festival Hoa, theo chúng tôi, vừa chuyển tải được những thông điệp mang giá trị truyền thống từ bề dày lịch sử, văn hóa, con người Đà Lạt mà vẫn phải có sự đổi mới trong cách tổ chức để tạo sự hấp dẫn. Vậy đâu là mấu chốt làm nên sợi dây văn hóa xuyên suốt để kết nối câu chuyện về xứ sở ngàn hoa qua các kỳ cho đến Festival Hoa Đà Lạt 2019 này?
 
* NB Uông Thái Biểu: Đại thi hào Nguyễn Du trong Truyện Kiều bất hủ từng viết: “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Bởi vậy, chúng ta luôn nhận thức rằng, con người là trung tâm của vũ trụ, thiên nhiên và kiến trúc. Con người là chủ thể của mọi hoàn cảnh. Tôn vinh xứ sở tốt tươi, tôn vinh nền sản xuất - kinh doanh hoa và những nông phẩm đặc sản “kết tinh kỳ diệu từ đất lành”, quảng bá truyền thống và trầm tích lịch sử - văn hóa, những hình ảnh phát triển tươi mới của thành phố là những mục tiêu mà mỗi mùa lễ hội đặt ra. Nhưng trước hết, hãy biết cách tôn vinh những hệ thống giá trị do cư dân các thế hệ đã dày công tạo lập và ghi nhận tương xứng những thành quả lao động được chắt chiu từ mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của người dân phố núi...
 
Bởi vậy, dù là kỳ festival nào cũng vậy, phải xác định vai trò chủ thể của người dân trong mỗi lễ hội? Thành công, vẻ đẹp và sức hấp dẫn của mọi lễ hội đều sẽ qua, điều đọng lại là gì? Đó chính là những thông điệp sâu sắc nhất mà nhà tổ chức đã góp sức cùng nhau chuyển tải. Dư âm của một mùa lễ hội không thuộc về những người làm sự kiện mà thuộc về công chúng. 
 
Các tiết mục văn nghệ sôi động trong đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI - năm 2015. Ảnh: Chính Thành
Các tiết mục văn nghệ sôi động trong đêm khai mạc Festival Hoa Đà Lạt lần thứ VI - năm 2015. Ảnh: Chính Thành
 
* PV: Festival Hoa Đà Lạt 2019 anh không trực tiếp chấp bút viết kịch bản - lời bình, nhưng anh có thể chia sẻ với các nhà tổ chức cần những đổi mới, định hướng như thế nào để sự kiện lễ hội văn hóa quốc gia như Festival Hoa Đà Lạt không gây nhàm chán đối với người dân và du khách?
 
* NB Uông Thái Biểu: Đây là một câu hỏi khó, vượt tầm cá nhân tôi, bởi sự thành công, lắng đọng dư âm hay nhạt nhẽo của mỗi kỳ tổ chức Festival hoa phụ thuộc vào rất nhiều người. Mà mấy kỳ lễ hội đã qua tôi chỉ góp một phần hết sức bé nhỏ. Thế nhưng, qua những gì quan sát và cảm nhận, tôi cũng thấy có thể nói đôi điều theo góc nhìn cá nhân. 
 
Bạn nói đúng, một lễ hội quốc gia, định kỳ hai năm một lần, nếu không đổi mới cách làm sẽ dẫn đến sự đơn điệu, cũ kỹ và nhàm chán. Trong thời buổi “cả nước làm lễ hội”, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều những buổi lễ khai mạc, bế mạc, những cảnh diễn nghệ thuật với cách tổ chức na ná nhau, thậm chí mô phỏng nhau. Có nhiều buổi lễ hội, nặng tính phô diễn, tạp kỹ, như một “sô” ca nhạc nối dài cho hết buổi. Đó là những chương trình không mang lại nhiều hiệu ứng cảm xúc bởi thiếu chiều sâu văn hóa, thiếu những biểu tượng nghệ thuật mang tính đặc thù. Điều đó thể hiện sự nghèo nàn trong việc xác lập ý tưởng và phương thức tổ chức thực hiện. Cũng cần nói thêm, công nghệ - kỹ thuật và công nghệ giải trí phát triển đã hỗ trợ rất nhiều cho các lễ hội. Nhưng nói thật lòng, nhiều chương trình tạo nên sự mãn nhãn về mặt thị giác nhưng chỉ dừng lại đó là chính, dư âm của nó không bền, sự đọng lại trong cảm xúc của công chúng không sâu và lâu...  
 
Làm được những chương trình không lặp lại, không cũ và nhàm là điều rất khó. Theo thiển nghĩ của tôi, nếu chính quyền coi trọng những ý tưởng mới mẻ và sâu sắc cho các chương trình trọng tâm của mỗi kỳ Festival Hoa Đà Lạt mới, cần phải có sự lựa chọn kỹ lưỡng các khâu thực hiện, nếu cần thiết thì thông qua đấu thầu. Bởi mấy kỳ qua, tỉnh đã chủ trương xã hội hóa về công tác tổ chức lễ hội, nên thiết nghĩ việc thực hiện điều này không khó.
 
* PV: Xin cảm ơn nhà báo, nhà thơ Uông Thái Biểu!
 
HỒNG THẮM thực hiện