Đêm trước của mùa xuân

06:03, 15/03/2020

Đêm trước của mùa xuân

 

Minh họa: Phan Nhân
Minh họa: Phan Nhân
 
- Chị Hồng ạ, em thích đi bộ đội lắm mà không được đi.
 
- Vì sao thích mà không được đi? Hay là vì không đủ sức khỏe, hay vì lý do gì?
 
- Không ạ.
- Hay là cậu có nhiều anh trai đã ra trận, cậu phải ở nhà, trong diện tạm hoãn.
 
- Không, em là con cả, dưới còn ba em gái và một trai út mới chín tuổi.
 
 
- Hay là gia đình cậu có vấn đề về lý lịch? Ông, cha, chú, bác có ai làm cho Tây không?
 
- Dạ không ạ.
 
- Thế thì sao nhỉ?
 
- Thì cứ từ từ, em sẽ kể chị nghe.
 
* * *
 
Đại đội Thanh niên xung phong số 1 do tôi làm đại đội trưởng, đã vào Trường Sơn được 4 tháng rồi. Ai cũng biết nhiệm vụ của thanh niên xung phong là mở đường, sửa đường cho quân ta ra trận. Đại đội có 127 cán bộ, chiến sỹ thì có đến 84 là nữ, còn lại là nam ở các xã trong huyện tụ họp lại. Mọi người đoàn kết, làm việc rất hăng say. Tôi là đại đội trưởng kiêm chính trị viên nên thường gần gũi các chiến sỹ để tâm sự, tìm hiểu hoàn cảnh từng người, trong đó có Quý. Tôi chỉ có một thắc mắc nhỏ trong lòng là tại sao xã của Quý chỉ có ba người ở đại đội này, một mình Quý là trai ở một thôn, còn hai cô gái ở thôn khác. Vào Trường Sơn họ mới biết nhau.
 
Quý nói tiếp:
 
- Em là lao động chính của gia đình, bố bị bệnh dạ dày kinh niên, nhà nghèo, nhưng anh em của em đều được đi học. Ăn cơm không đủ no mà đứa nào cũng học khá. Em gái đầu của em đã học hết đại học năm thứ nhất ngành sư phạm, em thứ hai đang học lớp 9/10. Em thứ ba học lớp 6/10, trai út lớp hai. Em học xong hệ 10/10, thi không đỗ đại học, em ở nhà giúp bố mẹ. Em ao ước được đi bộ đội, thứ nhất là vì… nhìn các anh bộ đội oai lắm, quân phục, rồi mũ có ngôi sao. Cùng tuổi với em, họ đi bộ đội, về phép, gái làng chạy theo ầm ĩ. Còn em chả cô nào thèm nhòm ngó. Hai mươi hai tuổi rồi, trai thời loạn, gái thời bình, ở nhà thì hèn quá. Lúc đất nước hết giặc lại tiếc hùi hụi. Lý do thứ hai để em thích đi bộ đội là… được ưu tiên, nghĩa là bố mẹ được ưu tiên. Mỗi tháng Nhà nước cấp cho mỗi người mười đồng. Đã thế lại được đong thóc của hợp tác xã theo giá rẻ - Nhà nước quy định, gọi là ăn thóc “điều hòa” ấy mà. Chị hiểu không?
 
- Chị hiểu rồi, cả miền Bắc ta đều thế mà.
 
- Gạo chợ đen là ba đồng một cân, nhưng nếu được mua thóc theo giá điều hòa thì một cân gạo chỉ là bốn hào! Lý do thứ ba là vào bộ đội, bớt được một khẩu phần ăn trong gia đình. Làm ruộng bây giờ được nhiều công điểm thì ăn nhiều, ít thì đói. Mà có nhiều công điểm vẫn thiếu ăn. Này nhé, một ngày công ở quê em chỉ có tám lạng thóc. Một năm làm đủ 350 ngày công mới được 310 kg thóc, một mình ăn cũng thiếu. Do đó, đi bộ đội, có lợi cho mình và cho gia đình… vậy mà, khám tuyển sáu lần, đều hỏng. Lý do là thế này: Lúc em 11 tuổi, trong ngày mồng một tết nguyên đán, em cùng với các bạn ra đình đốt pháo. Có đứa thách em cầm quả pháo đùng (pháo to) rồi đốt, sau thì tung lên trời. Em làm theo. Châm lửa xong, em chưa thấy khói ở dây cháy chậm, em chờ. Thực ra, trong ánh nắng, em không nhìn thấy khói mỏng của dây cháy chậm, nên em chưa tung lên trời. Lúc định tung thì pháo nổ, dập nát ngón tay trỏ và một phần ngón tay giữa, ra nhiều máu lắm, phải cắt bỏ ngón ấy. Khi lớn lên, ngay đợt khám tuyển đầu tiên ở tuổi 18, em bị loại vì ngón tay trỏ của bàn tay phải cụt rồi, không bóp được cò súng. Em nói, sẽ tập bằng ngón tay trỏ tay trái, nhưng cán bộ tuyển quân không nghe. Thế là em bị ế. Buồn quá chị Hồng ạ.
 
- Sao cậu không tiếp tục ôn thi đại học hoặc làm việc khác.
 
- Em thi đại học ba lần không đỗ do học phổ thông chỉ ở mức trung bình. Đi công nhân thì em không thích, thi trượt trung cấp sư phạm, người ta cho xuống học sơ cấp, dạy cấp 1 (từ lớp 1 đến lớp 4) em chê là giáo viên cấp 1 thì… xoàng, trong khi bạn cùng lớp, đa số được đi bộ đội hoặc đi đại học. Vậy nên, em cứ ước mơ… thế rồi đành phải đi thanh niên xung phong khi mà gia đình chưa có ai đi bộ đội. Đi thanh niên xung phong không được cầm súng, tiếc lắm, nhưng còn hơn ở nhà!
 
* * *
 
Quý rất khỏe, cậu thường tranh vác những hòn đá to, chạy vù ném vào hố bom cho mau đầy, rồi khiêng cây thì chọn đầu gốc, nặng. Lúc rỗi rãi, ra suối gánh nước, bổ củi giúp tổ nấu ăn của đại đội. Là học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng là con nông dân nên Quý cũng biết cày bừa, tát nước, gánh phân rất thành thạo. Tôi tin điều này khi cậu ta kể bởi chỉ qua công việc ở Trường Sơn những tháng qua đã chứng tỏ cậu ta không phải là loại học sinh “dài lưng tốn vải…”.
 
Có lẽ, điều mà nhiều chị em, anh em trong đại đội không ưa Quý là cậu nói thẳng thừng, thẳng ruột ngựa, dễ làm người nghe mất lòng. Ví như, khi sinh hoạt văn nghệ, cứ mỗi người hát xong, Quý nói ngay: “Tấn kia, từ mai đừng hát nữa, chua lắm, không nghe được đâu”, hay “Cả cậu Hải kia, giọng khê như cơm ám khói mà cũng xung phong lên hát. Vô duyên”.
 
Với bạn nữ, người ta không trêu ghẹo gì, Quý cũng nói vỗ mặt:
 
- Ê, ê, cô Đào kia kìa, người như… như một mụ béo trong trong truyện cổ tích mà cũng thích hát à. Hát đi, để tớ gõ thùng bắt nhịp nhé.
 
- Chà chà, đại đội ta toàn những gái già. Mấy cô trẻ thì lại xấu xí, hề... hề, lạ thật cho… thanh niên xung phong chúng ta!
 
- Này em Loan lùn, cắt cành cây mà buộc vào cho hai chân cao lên, chứ lùn như thế, lấy sao được người đàn ông cao cẳng, to người chứ. Lùn thì chỉ lấy lùn mà thôi. Phải đẹp gái như em Yến kia kìa, sẽ lấy được chồng đẹp trai!
 
Anh chị em bật cười, vì Quý nói chuyện cũng có duyên và cô gái tên Yến thật ra lại không phải là cô gái đẹp.
 
Nhưng cũng không ai giận Quý khi mà cậu ta thường nhận những việc nặng nhọc về mình.
 
* * *
 
Một hôm, trong bữa ăn chiều, tôi vô tình nghe bên tiểu đội nam, một chiến sĩ tên là Nam nói to:
 
- Cái thằng cụt thì làm được trò gì mà nói khoác!
 
Sau đó là tiếng của Quý:
 
- Mày nói gì thế, mày đẹp thì yên phận đẹp của mày, hãy vui lòng mà khoe cái bộ tóc rễ tre, cái đầu trông như bàn cuốc, cái mặt đầy mụn trứng cá, cái mũi có hai lỗ to như mũi sư tử hếch lên kia kìa, rồi cái răng vàng khè đầy bựa bẩn… chứ việc gì mà bới móc người khác.
 
- Thì rõ ràng mày cụt còn gì, ha ha cụt mà còn ra vẻ ta đây.
 
Quý nói:...
 
... - Tao tha cho cái thằng chuột nhắt. Vì kỷ luật chiến trường, chứ nếu ở nhà thì tao vặn gãy cổ mày bằng cái bàn tay mà mày bảo cụt đấy!
 
Tôi đi đến, mọi người tỉnh bơ như không. Hôm đó, vào nửa đêm, bỗng nghe bom nổ phía mặt đường, nổ rất lâu. Tôi thầm nghĩ lại có một đoạn đường hỏng do bom Mỹ rồi. Sáng hôm sau, có một đồng chí bộ đội đến gặp tôi, đồng chí ấy nói, đại ý: Tôi là đại đội trưởng đại đội xe vận tải hàng và vũ khí của ta chi viện phía trong, đến đây, bị bom Mỹ hất mất tám xe xuống vực, tám đồng chí lái xe hy sinh, xe hỏng nặng nhưng hàng hóa thì còn nhiều, rất mong các đồng chí giúp chúng tôi bốc hàng lên.
 
Tôi nhận lời, cử bốn mươi đồng chí khỏe mạnh do tôi dẫn đầu đi về hướng vực sâu. Trong số này có Quý. Bất chợt tôi nhìn bàn tay phải của Quý. Cái bàn tay cụt hẳn ngón trỏ, ngón giữa mất một đốt. Nhìn Quý vác những hòm đạn, hoặc những bao gạo rất nhanh, nhẹ nhàng cùng đồng đội leo từ vực lên dốc… thấy nể phục quá. Người ta đủ cả chân tay còn khó, đằng này, mất gần hai ngón tay ở bàn tay phải mà Quý làm việc cứ băng băng…
 
* * *
 
Sau hôm giúp đoàn xe bộ đội tám ngày, Quý lại làm cho tôi ngạc nhiên khi ăn cơm trưa xong mọi người về lán nghỉ để đầu giờ chiều lại ra mặt đường đầm lèn cho kỹ, cho đẹp hơn những nơi mà bom Mỹ phá nát từ tuần trước.
 
Trước khi ra mặt đường buổi chiều, Quý đem về một thùng gánh nước… đầy cá, phải đến gần hai chục kg. Quý nói để tối cải thiện cho cả đại đội. Thì ra, trưa nay Quý không ngủ, mà ra suối bắt cá. Quý kể nhân buổi tắm suối, thấy có nhiều cá. Vốn ở nhà, Quý vẫn đi tát vét ở ao chuôm, nên có kinh nghiệm chỗ nước đục thường nhiều cá. Suối ở Trường Sơn, nhiều chỗ rất trong, nhưng có chỗ rất đục, đó là những vũng nước nhỏ ăn sâu vào hai bên bờ suối. Quý dùng cuốc khai một rãnh rộng khoảng 20 cm cho nó chảy đi chỗ khác, nước sẽ không tràn vào vũng, rồi tháo nước ở vũng cho chảy xuống hạ nguồn, khi nước còn lưng ống chân, Quý dùng tay bắt từng con. Một thùng đầy cá. Mỗi anh em trong đại đội được một con kha khá. Chính Quý đốt lửa nướng lên…
 
* * *
 
Nhìn bàn tay cụt ngón của Quý, tôi nghĩ: Mỗi người ra trận đều có những điều thầm kín, chứ không chỉ đơn thuần là ra trận. Và trong mỗi tập thể lại có những cá thể với tâm tư nguyện vọng khác nhau. Nhưng nghe chuyện của Quý, tôi vẫn cứ chạnh lòng và thêm quý mến cậu. Có lúc tôi thầm ước có người chồng như Quý.
 
Quý kể rằng lúc Quý lên đường mẹ dặn: Con nhớ đừng bỏ ngũ nhé. Đừng làm xấu mặt bố mẹ, các em và dòng họ đấy!
 
* * *
 
Còn hai ngày nữa là Tết Nguyên đán 1973. Vậy mà Nguyễn Văn Thiệu vẫn cho máy bay ném bom xuống vùng giải phóng, xuống đường và rừng Trường Sơn. Trưa 28, cả đại đội chuẩn bị ăn trưa nhưng không thấy Quý đâu. Mọi người xôn xao, tôi lo quá nhưng vẫn nói cứng tất cả hãy bình tĩnh. Nói xong đã thấy Quý về, trong tay ôm chặt một bó to cành hoa mai đã nở vàng. Quý nói: “Chị Hồng ơi, em phát hiện ra nó mọc cách bờ suối hơn trăm bước chân thôi. Chà chà, bạt ngàn mai là mai, vàng như mật của nắng. Giờ này, chắc ngoài Bắc, hoa đào cũng nở rộ để đón xuân về…”.
 
Quý bảo hãy cắm hoa mai vào trong lán ở của mỗi người, thiếu thì cùng tôi đi lấy về. Chúng tôi lần đầu tiên thấy hoa mai. Ở ngoài Bắc, nghe nói hoa mai chỉ có ở miền Nam, nó là đặc sản, như hoa đào là đặc sản của miền Bắc.
 
Mọi người ngắm nghía xuýt xoa, quên cả ăn trưa, tôi phải giục mấy lần, ai nấy mới về chỗ của mình…
 
Gần 11 giờ trưa 29 tháng chạp, chúng tôi chuẩn bị rời mặt đường để ra về thì máy bay giặc lại đến. Bom lại vãi xuống. Mọi người nhanh chóng nhảy xuống hầm cá nhân đào sẵn ở ven đường. Trận bom hủy diệt kéo dài hơn nửa tiếng đồng hồ mới dứt. Khói bom tan, mọi người í ới gọi nhau. Như thường lệ, lúc đi làm hay đi về, một tốp chỉ được năm người, tốp nọ đi cách tốp kia bốn mươi bước chân để giảm thương vong nếu máy bay chúng đến. Hôm nay, cũng như mọi hôm, tôi về sau cùng, như có linh tính mách bảo khi không thấy Quý đi ở tốp nào. Tôi gọi to Quý ơi Quý. Không có tiếng trả lời. Tôi gọi tốp đi sau quay lại tìm kiếm. Không đầy 10 phút sau đã phát hiện ra Quý nằm gục ở ven đường. Lại là bom bi, thứ bom giết người tinh vi và thâm độc nhất của Mỹ được làm ra để ném xuống đất nước ta - từ Nam chí Bắc. Quý ra đi vì loại vũ khí tinh vi và thâm độc ấy như bao người đã ra đi trước đó.
 
* * *
 
Tôi cắm lên mộ Quý 24 cành mai vàng, bằng với số tuổi của Quý. Tuổi bắt đầu bước vào độ chín của một đời người.
 
Cho đến hết hạn 3 năm phục vụ ở Trường Sơn, đại đội tôi còn hy sinh 6 người nữa. Cả đại đội thương tiếc, riêng tôi vẫn ấn tượng nhất với Quý. Ước mơ đi bộ đội để bố mẹ được đong thóc giá cung cấp, đơn giản vậy với mọi thanh niên trong diện nhập ngũ, nhưng với Quý lại quá xa vời bởi ngón tay bóp cò súng bị mất vì cái trò chơi của con trẻ. Nhưng trong cuộc kháng chiến giữ nước này, mỗi người một vị trí, nhân cách của mỗi người được đo bởi chất lượng việc làm ở vị trí mà người ấy đảm nhận. Quý đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
 
… Đêm trước của mùa xuân là những dự định, những việc làm của CON NGƯỜI để cho sáng mai xuân về, người ta thấy thanh thản, không hổ thẹn vì việc làm của mình trong những ngày qua. Tuổi trẻ là mùa xuân, họ dám hy sinh vì Tổ quốc, họ mãi mãi như mùa xuân vĩnh hằng.
 
Truyện ngắn: NGUYỄN THANH HƯƠNG