Cảm thức thẩm mỹ trong bài thơ Ngọn lửa của Nguyễn Thanh Đạm

06:12, 17/12/2020

Thơ hay thường nằm ở cái tứ bất ngờ. "Ngọn lửa" của nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm là một bài thơ đầy bất ngờ như thế.

Thơ hay thường nằm ở cái tứ bất ngờ. “Ngọn lửa” của nhà thơ Nguyễn Thanh Đạm là một bài thơ đầy bất ngờ như thế.
 
 
Toàn vẹn bài thơ mang đến cho người đọc một cảm xúc thẩm mỹ đầy mới mẻ: Mới từ cách thể hiện chủ thể thẩm mỹ: Với hai chủ thể riêng biệt nhưng hòa quện vào nhau, tạo nên một chủ thể chung xuyên suốt bài thơ. Đó là: người đàn bà và ngọn lửa. Người đàn bà là ngọn lửa, hay ngọn lửa là người đàn bà?. Tuy hai mà một. Tuy một mà hai! Cách ví von ấy, cách tạo hình ấy, mang đến cho người đọc đa chiều suy cảm, khơi gợi vỉa tầng sâu thẳm của ngữ nghĩa và làm cho bài thơ có chiều kích sâu, rộng hơn. Cách dùng nghệ thuật so sánh mang tính chất đối lập của tác giả làm cho ta thấy bất ngờ: “Ấp ủ giấc mơ hóa thành ánh sáng/ Nên dường như chưa cháy hết mình”. Thoạt đầu, ta cứ ngỡ đây là một sự mâu thuẫn. Nhưng không, đó hoàn toàn là sự đối lập của hai chủ thể thẩm mỹ đầy dụng ý. Qua đó, tác giả muốn nêu bật lên ý tứ sâu xa hơn tầng nghĩa đen. Đã là ánh sáng, nhưng lại không cháy hết mình. Đó mới là vấn đề! Đó là điểm mấu chốt.
 
Đến với khổ thứ hai, ta sẽ thấy điểm mấu chốt trên được cởi nút: cái cách “thanh thản trút xiêm y” để “gọi hạt mầm trỗi dậy những đồi hoa” đã khơi mở ra mọi vấn đề mà khổ thơ thứ nhất đặt ra. Ta chợt ồ lên kinh ngạc: À, thì ra người đàn bà ấy chưa muốn “cháy hết mình” vì phút giây này đây! Chỉ với tám câu thơ, ta có thể thấy tác giả rất khéo léo và tinh tế khi đặt đối tượng thẩm mỹ vào hoàn cảnh thẩm mỹ một cách tài tình: như người nghệ sĩ điêu khắc tạc một bức phù điêu công phu và tỉ mẩn. Để làm sáng cả một không gian đầy mỹ tính. 
 
Kiến giải cho điều này, có lẽ chúng ta cần bàn sâu thêm đến tính bản thể luận và tính nhận thức luận của thi sỹ Nguyễn Thanh Đạm thể hiện trong bài thơ này: Từ ý thức nguyên sơ về ngọn lửa, đến duy thức đa nguyên về người đàn bà, (hay chính cuộc đời) nhà thơ dường như đã khái quát lên một hình tượng đầy suy cảm. Từ sự phản ánh cái nhìn chân tính của chủ thể thẩm mỹ là tác giả về đối tượng thẩm mỹ - người đàn bà, nhà thơ đã đi đến cái nhìn duy tính về ngọn lửa. Rồi tạo ra trường thẩm mỹ đa nghĩa về khát vọng sống và tận hiến cho đời. Với cách thể hiện này, điểm mấu chốt của bài thơ đặt ra đã được thi vị hóa lên tầm cao mới.
 
Khổ thơ cuối là một cái kết đầy viên mãn. Ở đó, ta thấy sự dâng hiến trọn vẹn của người đàn bà và ngọn lửa đã thỏa khát khao, đã giúp con người vượt qua mọi bão giông của kiếp nhân sinh “nghiệt ngã, giá sương và nắng táp”. Tình yêu lứa đôi, sự hòa quện của tâm hồn và thể xác đã làm nên sức mạnh phi thường: Như ngọn lửa cháy bừng xua tan màn đêm lạnh giá, đưa con người vượt qua muôn vàn khó khăn để thể hiện bản ngã của mình. Hình ảnh “quả ngọt cuối mùa” là một ý thức luận đầy tính chất khái quát để thể hiện rõ bản chất của cái tình trong bài thơ này: Phàm là con người ai cũng ưa của ngon vật lạ, nhưng khi mọi thứ đã đủ đầy thì ta lại thấy nó không còn ngon nữa. Chỉ đến khi quả táo cuối cùng còn sót lại trên cành táo khốc khô cuối mùa, mới làm cho ta thấy sung sướng vỡ òa khi được thưởng thức nó.
 
Cái sự “thao thiết trao nhau” ở đây không nằm ngoài tâm thức ấy!
 
Bên cạnh đó, hàm ý sâu xa của bài thơ là thể hiện một thái độ sống, một nhân sinh quan sống đầy tính tích cực của tác giả: hãy sống trọn vẹn, cống hiến trọn vẹn, yêu người và yêu đời trong từng phút giây ắt sẽ cảm nhận được “trái ngọt” mà cuộc đời ban tặng!
 
Có thể nói: “Ngọn lửa” đã đem đến cho ta cảm thức thẩm mỹ đầy thi vị về một chút tình mê đắm và thao thiết về cuộc đời!
 
LÊ HÒA