Xanh trong nắng ấm Ba Đình

05:09, 04/09/2021

Mùa thu là một trong những mùa đẹp nhất trong năm và mùa thu Hà Nội là mùa thu đẹp nhất cả nước. Khi nhìn lên trời cao, ta có cảm giác vòm trời trong và xanh vời vợi như nâng bổng tâm hồn ta lên, khi gợi mở những mùa hy vọng mới...

 

Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Ảnh: Internet
Quảng trường Ba Đình Hà Nội. Ảnh: Internet
 
Mùa thu là một trong những mùa đẹp nhất trong năm và mùa thu Hà Nội là mùa thu đẹp nhất cả nước. Khi nhìn lên trời cao, ta có cảm giác vòm trời trong và xanh vời vợi như nâng bổng tâm hồn ta lên, khi gợi mở những mùa hy vọng mới. Những chiếc lá vàng thu ánh lên rực rỡ; và đẹp nhất, tươi nhất, quyến rũ nhất là sắc nắng ấm Ba Đình. “Người về đem tới ngày vui - Mùa thu nắng tỏa Ba Đình...” - Đó là câu hát “ca ngợi Hồ Chủ tịch” của cố nhạc sĩ Văn Cao. 76 năm trôi qua, nắng lung linh trên quảng trường Ba Đình lịch sử làm xao xuyến những con tim gợi nhớ về một ngày mùa thu: Ngày 2/9/1945, nơi đây Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc “Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ba Đình là tên gọi một căn cứ chống thực dân Pháp nổi tiếng ở Thanh Hóa trong thời kỳ 1885 - 1888 đã được đặt tên cho quảng trường Ba Đình. Ngày đó, một lễ đài cao bằng gỗ căng vải đỏ vươn lên như một đài hoa chiến thắng. Đông đảo Nhân dân Hà Nội và các tỉnh đã nườm nượp về đây dự ngày hội lớn cuồn cuộn như một đại dương dậy sóng, sóng người và sóng cờ. Đây là cuộc hội tụ Nhân dân lớn nhất chưa từng có trong lịch sử từ trước tới nay. Trong kí ức mọi người ngày ấy còn nguyên vẹn hình ảnh vị Chủ tịch nước xuất hiện thật giản dị và thân thiết gần gũi biết bao. Bác đội chiếc mũ vải đã ngả màu vàng, mặc bộ quần áo kaki cổ cao, đi dép cao su với dáng vẻ hoạt bát. Lời nói của Bác đầm ấm khúc chiết rõ ràng. Đây là tiếng nói chứa đựng một tình cảm sâu sắc lớn lao; một ý chí kiên quyết đầy tự tin, từng câu từng chữ thấm vào lòng người. Nhà thơ Tố Hữu, trong trường ca “Theo chân Bác” đã khắc họa hình ảnh Bác Hồ bằng những câu thơ xúc động tha thiết ân tình: “Người đọc tuyên ngôn… rồi chợt hỏi - Đồng bào nghe tôi nói rõ không - Ôi câu hỏi hơn một lời kêu gọi - Rất đơn sơ mà ấm bao lòng”. Có lẽ không khí hào hùng của những ngày thu lịch sử ấy là nguồn cảm xúc bất tận và say đắm truyền cho nhạc sĩ Bùi Công Ký viết thành công ca khúc cách mạng nổi tiếng “Ba Đình nắng” phổ thơ của Vũ Hoàng Địch, mà khi cất lên ai cũng thấy rạo rực phấn chấn ngỡ như mình đang hòa dòng người bước đi rầm rập dưới nắng thu vàng, với gió thu lồng lộng để lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên bầu trời trong xanh. Đó là âm vang náo nức giai điệu với lời ca phơi phới lòng người: “Gió vút lên ngọn cờ trên kì đài phấp phới - Gió vút lên đây bao nguồn sóng mới - Tôi về đây lặng nghe theo tiếng gọi - Của mùa thu cách mạng, màu vàng sao”.
 
Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, sức mạnh của dân tộc ta với ý thức độc lập, đoàn kết để giữ gìn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ là nền tảng vững chắc đúc kết nên những bản tuyên ngôn độc lập bất hủ của đất nước ta qua từng giai đoạn lịch sử. Trong cuộc chiến đấu chống quân Tống xâm lược bảo vệ nền độc lập của dân tộc ở thế kỉ XI, trước sức mạnh đồng tâm, đồng lòng khí thế đánh giặc ngút trời của dân Đại Việt, danh tướng Lý Thường Kiệt đã hào sảng viết bài thơ “Nam quốc sơn hà”. Đây được xem như bản tuyên ngôn độp lập đầu tiên khẳng định chủ quyền lãnh thổ đất nước. Bài “Bình Ngô đại cáo” do Nguyễn Trãi thay mặt Lê Lợi soạn thảo và tuyên đọc sau cuộc chiến đấu trường kỳ chống quân Minh xâm lược, khôi phục nền độc lập dân tộc, chủ quyền của đất nước ở thế kỷ XV được xem như bản tuyên ngôn độc lập thứ hai. Bản tuyên ngôn này còn nêu rõ nước ta “Vốn xưng nền văn hiến đã lâu”, nhằm làm sáng tỏ sức mạnh của Nhân dân, giá trị nhân văn của việc yên dân, khoan dung với kẻ thù của các bậc minh vương. Bản tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt toàn Đảng, toàn dân soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 là tuyên ngôn thứ ba. Tuyên ngôn độc lập này kế thừa những tinh hoa của hai bản tuyên ngôn độc lập trước đây. Đó là nhấn mạnh hơn nữa quyền làm chủ đất nước và bảo vệ chủ quyền đất nước của Nhân dân mới giành lại được qua cuộc đấu tranh gian khổ, hy sinh anh dũng của toàn dân tộc. Chúng ta vẫn còn nghe âm vang sang sảng giọng nói tuyên bố khẳng định của Bác Hồ: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”. Sau này Bác Hồ đã đúc kết thành một chân lý thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập tự do”. 
 
Giá trị rất quan trọng của bản Tuyên ngôn Độc lập là một văn bản pháp lý rất hiện đại, phù hợp với sự phát triển của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của tất cả các dân tộc bị áp bức, bị nô dịch trên toàn thế giới, nó khẳng định địa vị pháp lý của nền độc lập và chủ quyền một quốc gia với toàn nhân loại. Ngôn ngữ “Tuyên ngôn độc lập” là ngôn ngữ chính luận của một áng văn đầy cảm xúc và một ý chí sắt đá được Bác viết rất giản dị, với hàm lượng tri thức trí tuệ văn hóa cao, bởi vốn ngoại ngữ phong phú của Người có sức thuyết phục và lan tỏa lớn. Ngôn ngữ của “Tuyên ngôn độc lập” là ngôn ngữ một văn kiện chính trị lớn hướng đến một công chúng với đối tượng là “Quốc dân và thế giới” trong một cảm hứng hào sảng cao độ, các cảm xúc dâng trào ngọn bút qua hai từ độc lập và tự do. Lối văn của Bác ở đây kết tinh một thứ tiếng Việt mới mẻ hiện đại mà cũng rất dân tộc và đại chúng. Hồn Việt đã loan tỏa và thấm nhuần, tạo ra sự hài hòa truyền cảm lớn. Đây là bản tuyên ngôn về các giá trị con người mang đầy đủ hào khí Việt của con người Việt bằng nội lực giống nòi, bằng hồn thiêng sông núi, bằng khí phách dân tộc…
 
Ngày Quốc khánh 2/9/1945 từ lâu đã trở thành Tết Độc lập, đồng bào các dân tộc đã chọn ngày này làm hội vui của các bản làng. Bao sắc màu áo thổ cẩm thêu dệt vào đó sắc nắng vàng thu của hoa văn cùng với những nhạc cụ dân tộc đã tấu lên bản hòa ca ngợi ca đất nước, con người và đặc biệt là ngợi ca hình ảnh Bác Hồ kính yêu. Đó là ngày hội kết đoàn chung sức, đồng lòng, đưa ánh sáng ấm no đến với các bản làng heo hút, làm sống dậy, thức dậy một đời sống mới với một chất lượng sống mới cao hơn, hoàn thiện hơn. Tôi vẫn còn nhớ như in trong kí ức tuổi thơ của mình ngày Quốc khánh 2/9, các miền quê nông thôn nơi có những cánh đồng thẳng cánh cò bay, với sắc chín lúa vàng gắn bó với những con sông mang bao cái tên thân thương giàu tình nhân ái: sông Thương, sông Hương và mang cả trữ lượng hào khí sông Hồng đỏ nặng phù sa, 9 nhánh dòng Cửu Long vươn tỏa những dáng rồng; rồi sông Mã tung bờm ngựa trắng và sông La hiền hòa như một nốt nhạc. Những con sóng đất nước chảy uốn lượn ven rặng tre làng ngả bóng xanh tươi bền chặt bốn mùa, là nơi tổ chức những hội thi bơi chải. Những con thuyền rẽ sóng với hàng chục tay chèo lực lượng cùng hòa nhịp trong tiếng hò reo, thể hiện sức mạnh ý chí kiên cường, dẻo dai sức trai chí lớn từ sức mạnh truyền thống thượng võ ngàn đời. Và nhịp trống giục giã ngân vang từ nhịp trống đồng với hoa văn con Rồng cháu Lạc. Có thể nói ngày khai sinh cho đất nước chính là khai sinh cho mỗi người, cho mỗi thế hệ. Sức mạnh của dân tộc Việt Nam là sức mạnh nguồn cội, một cội nguồn văn hóa lâu đời bền vững đã từng khẳng định: “Nam quốc sơn hà Nam đế cư” (Lý Thường Kiệt) ; hay “Xã tắc từ đây vững bền - Giang sơn từ đây đổi mới” (Nguyễn Trãi). Và đặc biệt là Chủ tịch Hồ Chí Minh - vị anh hùng dân tộc, một nhà văn hóa lớn đã khẳng định vị thế dân tộc trong “Tuyên ngôn Độc lập”: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe đồng minh chống Phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc phải được độc lập”. 
 
Những ngày thu lịch sử này, lòng chúng ta luôn hướng về Hà Nội - Thủ đô của cả nước, hướng về Quảng trường Ba Đình lịch sử nơi đó có lăng Bác như một đài hoa bất tử. Hà Nội những ngày này cũng như cả nước đang căng mình bước vào một trận chiến mới cam go và ác liệt chưa từng có trong tiền lệ: Đó là đẩy lùi, ngăn chặn dịch COVID-19, kẻ thù vô hình giấu mặt, một kẻ thù gieo nỗi kinh hoàng của cả nhân loại, gây bao xáo trộn trật tự thế giới. Chưa bao giờ tình yêu Tổ quốc, yêu cộng đồng, yêu con người với truyền thống đạo lý “Người trong một nước phải thương nhau cùng”, mang trong mình hào khí ngày độc lập. Có thể giãn cách, cách ly xã hội nhưng không thể xa mặt, cách lòng. Cuộc chiến này có thể hy sinh mất mát như chúng ta đã từng đổ máu trong các cuộc chiến tranh giữ nước, nhưng lại có những dòng máu đỏ huyết thắm hiến máu nhân đạo để cứu và truyền thêm sự sống cho người bệnh. Và sắc nắng Ba Đình hôm nay trong nắng vàng tươi, nắng ngọt có cả tình người nắng ấm bao la, lan tỏa yêu thương, lan tỏa quyền hy vọng, khát vọng, lan tỏa tình yêu Tổ quốc hướng tới một tương lai tươi đẹp.
 
Tùy bút: HÀ HUY