Chuyện một đóa hồng trong chiến trận

06:07, 21/07/2022
Một buổi sáng đặc biệt hơn tất cả buổi sáng khác, con gái út của má được chị Hội trưởng Hội Phụ nữ đến nhà xin cho lên Sài Gòn “công tác”. Cuộc đời mới của Chính Nghĩa, cô gái "đất thép" 17 tuổi bắt đầu từ đó. Cô là người phụ nữ duy nhất tham gia trận đánh vào Dinh Độc Lập, Tết Mậu Thân 1968. Người con gái tuổi đôi mươi lần đầu tham gia một trận đánh lớn, chứng kiến và khắc ghi mãi những hy sinh của đồng đội, anh em mình. 
 
Cô gái
Cô gái "đất thép" Chính Nghĩa lúc tuổi đôi mươi
 
•  ƯỚC MƠ ĐÁNH QUÂN XÂM LƯỢC
 
Khi đó, Chính Nghĩa nhớ lại hình ảnh một anh đoán chừng là biệt động trong nội thành về, chiều qua vừa đi ngang mình. Dáng người anh gầy, che mặt che mũi kín mít, chỉ lộ ra hai con mắt bé xíu xiu để không bị nhận diện. Lúc ấy cô nhìn anh như nhìn một thần tượng. Các anh chị ấy là người đánh Mỹ xâm lược. Ai dè, bây giờ chỉ cần gật đầu nhận lời là mình cũng sẽ có ngày trở thành người như các anh chị ấy.
 
Lại nghĩ đến chuyện anh Nguyễn Văn Trỗi vừa bị tử hình cách đây chưa lâu, Chính Nghĩa sôi gan. Chỉ ước mong được đi đánh quân ác ôn, xâm lược.
 
Những bài học đầu tiên trước khi vào hoạt động trong nội thành Sài Gòn là nghiên cứu bản đồ, học thuộc những con đường trong thành phố, học đo cự li bằng bước chân, tập đi xe Mobylette. 
 
Khác với suy nghĩ ban đầu của Chính Nghĩa, lo sẽ nhớ mẹ khi về Sài Gòn, hóa ra chẳng có thời gian nào dành cho buồn với nhớ. Các anh trong đội nhờ thím chủ nhà dẫn cô đi mua áo dài và giày cao gót về mặc cho ra dáng con gái thành thị. Chân cô phồng rộp lên cả tháng vì không quen mang giày cao gót. Từ Củ Chi lên, từ dáng đi, dáng ngồi của cô vẫn đậm vẻ quê kiểng, không cẩn thận sẽ khó lọt qua những đôi mắt cú vọ của tụi cảnh sát. 
 
•  NHIỆM VỤ ĐẦU TIÊN 
 
Ngay trận đánh đầu tiên, Chính Nghĩa được đội trưởng Bảy Bê cho tham gia điều nghiên và đưa vũ khí vào thành phố đánh Tổng nha Cảnh sát cùng một đồng đội nam khác. Theo kế hoạch, hai anh em ngồi uống nước gần điểm đánh Tổng nha Cảnh sát Sài Gòn. Chờ khi anh Bảy Bê đánh mìn xong, anh Năm và Nghĩa sẽ chạy thoát ra và cùng chạy xe máy về để yểm trợ, cắt đuôi theo dõi của cảnh sát.
 
Đó là những phút giây như siết từng vòng quay của kim đồng hồ vào tim thật sự. Đồng hồ chậm lê từng mũi kim giây. Hai anh em ngồi uống cà phê chưa được nửa ly thì tiếng nổ đinh tai nhức óc gần đó dội lên rung chuyển quán xá quanh khu vực. Người dân xung quanh nháo nhào bỏ chạy vào nhà. Trong khoảnh khắc ấy, Bảy Bê chạy vụt tới, leo lên xe. Anh Năm nhanh chóng phóng vụt xe đi mất. Cả hai anh quá nhanh, bỏ quên cô em gái lại quán cà phê trong cảnh trớ trêu hết sức. Về đến nhà, cả hai ngớ ra nhìn nhau, nhận ra sai sót nghiêm trọng, mặt hai anh túa mồ hôi như vừa ngụp lặn vào nước.
 
Mọi ngả đường dẫn đến Tổng nha Cảnh sát ngay lập tức bị chặn lại. Trong lúc đó, bà chủ quán giục Chính Nghĩa về để đóng quán, tránh liên lụy. Lấy hết bình tĩnh, Chính Nghĩa sáp ngay lại chỗ tay cảnh sát trẻ đang dẫn lính lục tung từng góc phố tìm “quân khủng bố”. Cô tươi cười chào và vờ hỏi hướng về đường Phan Thanh Giản. “Bà dì em chở qua nhà bả chơi rồi bả đi vắng, cầm luôn chìa khóa không vô nhà được. Giờ em không biết đường về…”. Cô tỏ thái độ bực bội vì đến thăm bà dì trong hẻm này mà “bả” vô tâm, lại gặp vụ khủng bố nguy hiểm. Viên cảnh sát nhìn cô gái trẻ xinh đẹp một lượt, không nghi ngờ gì vì nghĩ Việt cộng làm gì có ai ngu ngơ không biết đường biết sá như vậy? Rất ga lăng, viên sĩ quan còn kêu giùm cô em một chiếc xe xích lô máy rồi quay lại hò hét lính tiếp tục lùng sục. 
 
“Em muốn chiến đấu trực tiếp. Em muốn được như các anh. Làm biệt động phải vào ra những nơi nguy hiểm, đánh những trận cảm tử, chứ chỉ làm giao liên, thăm dò vị trí chuyển vũ khí như em thì…" - Chính Nghĩa chủ động đòi như các anh, lao vào vòng nguy hiểm.
 
Bắt đầu từ hôm đó, các anh tập bắn súng, tập võ cho cô thường xuyên hơn. 
 
Kết thúc đẹp cho mối tình Chính Nghĩa - Bảy Bê
Kết thúc đẹp cho mối tình Chính Nghĩa - Bảy Bê
 
•  TÌNH YÊU TỪ HOẠN NẠN
 
Trong các anh chung đội, Chính Nghĩa có tình cảm đặc biệt với Bảy Bê. Tình cảm ấy tình cờ phát sinh từ những lần công tác cùng nhau, cùng vào vai những cặp tình nhân dạo phố để che mắt địch. Thực chất là đi nghiên cứu địa bàn hoạt động của đối phương. Bảy Bê hội tụ tất cả những đặc điểm của người anh thân thiện, của người anh hùng dũng cảm, xông pha. Những trận đánh của anh cũng là những trận vang dội của biệt động Sài Gòn. Đằng sau những giờ phút cảm tử ấy, Bảy Bê lại là ông anh tâm lí, sẻ chia những vui buồn cuộc sống với cô. Một cô gái mới lớn, chưa từng yêu ai lại có tình cảm với người thủ trưởng như vậy không có gì là lạ. Điều tréo ngoe là anh đã có gia đình, hôn nhân ấy đang gặp trắc trở. Cô luôn dặn mình phải giữ khoảng cách nhất định với anh. 
 
Một lần hai anh em đi từ căn cứ về lại Sài Gòn phải vượt qua sông. Bên này là địa phận du kích, bên kia là đồng dù. Khiêng được xe Mobylete lên thuyền, đi được gần nửa dòng thì máy bay địch quần sát trên đầu. Bác lái đò quýnh quáng nhảy xuống sông lặn mất hút vì sợ. Bảy Bê bình tĩnh vớ lấy tay chèo. Trên đầu, hai tên cú vọ vẫn quần qua quần lại sát rạt. Ở dưới, Bảy Bê vẫn không biểu lộ chút cảm xúc trên khuôn mặt, anh ráng sức chèo thuyền cập bến.
 
Chiếc máy bay lại sà thấp xuống hơn nữa. Chiếc Mobylete bị vào nước, đạp mãi không nổ. Trong cốp xe đầy thuốc nổ TNT và mìn C4. Bảy Bê vừa sửa xe, vừa nói nhỏ với Chính Nghĩa:
 
- Chắc tụi nó sẽ xuống xét xe. Phải có một người về còn báo tình hình cho anh em. Bây giờ, em đi về bên phải, qua cây sộp đằng kia là an toàn rồi. Tụi nó xuống đây anh sẽ có cách đối phó.
 
"Anh em mình đi có nhau thì về cũng phải có nhau. Sống cùng sống, chết cùng chết" - Chính Nghĩa đáp.
 
Lúc này đây, Bảy Bê muốn dùng quyền của một thủ trưởng để bắt cô gái bé nhỏ trước mắt mình phải nghe. Nhìn vào ánh mắt cô ấy, anh biết cô đã quyết tâm đến cùng. Anh im lặng, lại cúi đầu bình tĩnh sửa xe. Sửa xong xe, hai anh em bàn tính liều lĩnh tìm cách băng qua đồng dù (vùng đất của địch) về Hóc Môn. Chiếc máy bay sau khi sà xuống mức thấp nhất, cảm giác thêm chút nữa sẽ đụng đầu hai anh em, bỗng bất ngờ nâng độ cao và quay hướng khác.
 
Tối đó, Bảy Bê nhìn Chính Nghĩa nói: "Qua hoạn nạn mới hiểu lòng nhau". 
 
Ánh mắt ấm áp ấy, sau cơn sống chết ấy, mãi mãi chẳng bao giờ cô quên được. Cũng từ đó, tình cảm hai anh em sâu đậm hơn.
 
•  TRẬN ĐÁNH LỊCH SỬ
 
Giao thừa Tết Mậu Thân - 1968. Đó là giao thừa ấn tượng nhất trong cuộc đời Chính Nghĩa.
 
Giữa lúc mấy anh em đang ăn liên hoan thì thủ trưởng Ba Thanh (anh Tô Hoài Thanh) vỗ vai Chính Nghĩa thông báo: “Em toại nguyện rồi nghe. Trận này em sẽ chiến đấu cùng các anh. Chúng ta sẽ đánh vào Sở chỉ huy Quận 5. Bây giờ, việc của em là đi tìm mua bông băng thuốc đỏ, phòng khi có anh em bị thương”.
 
Mười hai giờ khuya ngày mồng 1, chỉ vài giờ nữa sẽ tới giờ G. Cuộc họp cuối cùng trước khi diễn ra trận đánh, Ba Thanh đã thông báo thay đổi mục tiêu tiến công. Dinh Độc Lập mới là mục tiêu đánh của cả đội. Mười lăm anh em nhìn nhau thoáng chút âu lo vì hoàn toàn khác sở chỉ huy Quận 5, đây là điểm đánh lớn, rất quan trọng. Cả đội cùng nắm tay nhau quyết tâm đánh tới viên đạn cuối cùng. 
 
Khoảng một giờ ba mươi phút ngày mùng 2 Tết Mậu Thân - 1968, đội biệt động mười lăm người trên ba xe tải nhỏ và hai chiếc honda, chỉ duy nhất cô gái mười chín tuổi Chính Nghĩa là nữ được tham gia trận đánh.
 
Đội xuất phát từ hai hướng tiến thẳng vào Dinh Độc Lập. Xe tải đi đầu mang khối thuốc nổ gần 200 kg có nhiệm vụ phá cổng.
 
Khi đoàn xe vào đường Nguyễn Du, những tên lính trong các ụ gác của đối phương nhốn nháo đề phòng. Chiếc xe đi đầu đã tiêu diệt ụ gác đầu tiên rồi nhanh chóng phóng đến cổng sau Dinh Độc Lập để một người lao vào đặt khối thuốc nổ phá cổng. Nhưng khối thuốc không nổ. Năm chiến sĩ trèo qua tường rào, tấn công vào phía trong dinh.
 
Lực lượng phòng vệ của quân đội Mỹ, chính quyền Sài Gòn sau phút hoảng loạn đã bắn trả dữ dội, năm người hy sinh tại chỗ. Bên ngoài, ba xe của quân Mỹ chạy đến tiếp viện bị các chiến sĩ biệt động Sài Gòn tiêu diệt. Tình hình mỗi lúc một gay go, hơn ba mươi phút trôi qua mà vẫn chưa có quân tiếp viện.
 
Anh Ba Thanh bị trúng đạn, Chính Nghĩa hoa mắt khi máu từ vết thương của anh chảy phun ra thành dòng. Chính Nhĩa xé băng để băng vết thương cho anh Ba nhưng anh ngăn lại: “Anh tự biết vết thương của mình… nặng lắm rồi. Chắc không khỏi. Cần để băng mà băng cho các anh em khác”. Trước khi nhắm mắt, anh Ba còn dặn anh em: “Anh không cùng anh em đánh được tới viên đạn cuối cùng rồi. Trụ lại… đánh đến viên đạn cuối cùng nghen các anh em”.
 
Khi đặt anh Ba nằm xuống, tiếp tục cuộc chiến đấu Chính Nghĩa mới phát hiện ra máu ướt thẫm sau lưng mình. Nghĩa đã trúng đạn lúc nào đó mà nỗi đau vừa mất một người anh còn đau hơn thế, khiến cô không nhận ra. 
 
Gần sáng mùng 3 Tết, lợi dụng lúc đối phương chủ quan đi ngủ, bảy anh em dìu nhau vượt qua sân thượng các ngôi nhà bên cạnh. Bước qua vài căn, gặp một căn nhà ngói, các anh em đỡ nhau trổ mái chui xuống. Đến sáng, địch truy theo dấu máu đi tìm. Còn quả lựu đạn cuối cùng, một anh trong đội rút chốt liều chết nhưng lựu đạn bị ngấm nước, không nổ. Cả đám đã bị đối phương bắt xuống đường. 
 
Dù thất bại, phải cùng đồng đội vào chuồng cọp Côn Đảo nhưng trận đánh cảm tử vào Dinh Độc Lập vẫn là khúc bi tráng trong lịch sử dân tộc và là sự tự hào của cô gái trẻ đất Thép. Cô luôn tự hào về thời thanh xuân vào sinh ra tử của mình. Sau những ngày ở chuồng Cọp, cô gặp lại Bảy Bê, người mà cô thầm thương yêu từ những ngày hoạn nạn, vẫn luôn coi là anh hùng trong lòng mình. Đó cũng chính là người mà cô nên duyên khi hòa bình lập lại. 
 
VÕ THU HƯƠNG