Đại hội Chi hội Văn nghệ Dân gian lần thứ 4

07:08, 14/08/2022
(LĐ online) - Ngày 14/8, Chi hội Văn nghệ Dân gian (thuộc Hội VHNT Lâm Đồng) đã tổ chức Đại hội lần thứ 4 nhiệm kỳ 2022 - 2027 với sự tham dự của lãnh đạo Hội VHNT Lâm Đồng, lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt, Khoa Ngữ văn - Lịch sử, các cựu sinh viên, cộng tác viên, cùng toàn thể hội viên, nhà nghiên cứu văn nghệ dân gian.
 
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt tặng hoa chúc mừng
Đại diện lãnh đạo Trường Đại học Đà Lạt tặng hoa chúc mừng
 
Chi hội Văn nghệ Dân gian hiện có 22 hội viên; trong đó, có 14 hội viên Trung ương, hội viên cao tuổi nhất 66 tuổi, thấp nhất 36 tuổi, 17/22 hội viên là đảng viên, có 1 phó giáo sư, tiến sỹ, 9 tiến sỹ, 4 thạc sỹ đang nghiên cứu sinh. 
 
Công việc của các hội viên là sưu tầm, nghiên cứu, công bố về văn hóa, các dân tộc bản địa; tác phẩm của các hội viên chủ yếu là các đề tài khoa học các cấp, các luận văn, luận án liên quan đến văn hóa, văn nghệ dân gian, các bài viết mang tính học thuật được công bố trên các tạp chí khoa học, các công trình sưu tầm nghiên cứu được xuất bản theo dạng sách riêng và sách chung.
 
Ban Chấp hành ra mắt Đại hội
Ban Chấp hành ra mắt Đại hội
 
Trong 5 năm qua, Chi hội đã có nhiều thành tích nổi bật trong sưu tầm, nghiên cứu, công bố tác phẩm: Công bố 3 công trình tập thể gồm: Nghiên cứu văn học và văn hóa theo loại hình, Nghiên cứu văn nghệ dân gian Lâm Đồng 2017 - 2022, Những vấn đề Ngữ văn - Lịch sử; 397 tác phẩm gồm 125 bài báo, bài tham luận trên các tạp chí, hội thảo, hội nghị, 50 in sách chung, 28 bài tham dự các trại viết, 27 lượt thành viên tham gia hoặc làm chủ nhiệm đề đài, dự án các cấp, 7 sách in riêng của các hội viên: Đoàn Bích Ngọ, Lê Thị Quỳnh Hảo, Võ Thị Thùy Dung, Nguyễn Cảnh Chương, Lê Thị Nhuấn, Lưu Thị Hồng Việt, Phạm Văn Hóa. 
 
Ngoài ra, Chi hội đã tham gia nghiên cứu đề tài Gìn giữ và phát huy phong cách người Đà Lạt Hiền hòa, thanh lịch, mến khách do TS. Lê Hồng Phong làm chủ nhiệm. Chi hội chủ trì chuyên môn cho hội thảo khoa học kỷ niệm 255 năm ngày sinh, 200 năm ngày mất của Đại thi hào Nguyễn Du (năm 2020), sản phẩm là một kỷ yếu và một số tạp chí đặc biệt về Nguyễn Du. 
 
Ban Chấp hành Chi hội chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên
Ban Chấp hành Chi hội chụp hình lưu niệm cùng lãnh đạo Hội và toàn thể hội viên
 
Nhiều hội viên đã tích cực tham gia các số chuyên đề của Tạp chí Khoa học Đại học Đà Lạt, 2 số chuyên đề Tạp chí Nghiên cứu Văn học; tham dự thành công 5 trại sáng tác văn nghệ dân gian do Hội VHNT Lâm Đồng và Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tổ chức; các hội viên đã giảng dạy 43 giáo trình về văn học và văn hóa dân gian, tự thực hiện và hướng dẫn 23 luận văn, luận án khác nhau về các vấn đề văn nghệ dân gian.
 
Với những đóng góp trong sưu tầm, nghiên cứu, công bố tác phẩm, các hội viên trong Chi hội đã nhận được nhiều giải thưởng lớn của Trung ương và địa phương; tập thể Chi hội được tặng bằng khen của UBND tỉnh các năm 2017, 2019; giấy khen của Hội VHNT Lâm Đồng 5 năm 2017 - 2021. 
 
Phát biểu tại Đại hội, NSNA Hà Hữu Nết - Chủ tịch Hội VHNT Lâm Đồng biểu dương những thành quả Chi hội Văn nghệ Dân gian đạt được trong nhiệm kỳ qua với số lượng và chất lượng các công trình khoa học, nghiên cứu văn nghệ dân gian đã công bố. Đó là những viên ngọc sáng lấp lánh trong nền văn nghệ dân gian nói riêng và văn học Việt Nam nói chung. 
 
Chất lượng hội viên của Chi hội với đội ngũ các nhà nghiên cứu, giảng viên đại học là tiến sĩ, thạc sĩ rất đáng tự hào, trong nhiệm kỳ đã có thêm 8 hội viên trở thành hội viên Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam. Thời gian tới, Chi hội nên có chiến lược dài hơi về nghiên cứu văn nghệ dân gian, nên rà soát lại các công trình nghiên cứu, những tác phẩm đã công bố từ khi thành lập Chi hội từ 2009 đến nay, hình thành một tuyển tập dày dặn để có cái nhìn toàn diện, trở thành ấn phẩm “xương sống” giúp cho tỉnh Lâm Đồng nhìn lại bức tranh về văn nghệ dân gian Lâm Đồng xưa và nay. Với sự đam mê và sức sáng tạo không ngừng, Chi hội cần tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu và công bố về văn hóa, văn nghệ dân gian, các dân tộc Lâm Đồng, nghiên cứu mở rộng trên phạm vi Tây Nguyên, Việt Nam và khu vực.
 
Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Chi hội gồm 3 thành viên, bầu Hội đồng nghệ thuật gồm 3 thành viên; TS. Lê Hồng Phong được tín nhiệm tái cử làm Chi hội trưởng.
 
QUỲNH UYỂN