Hình tượng người phụ nữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu

07:10, 20/10/2022
(LĐ online) - Nguyễn Đình Chiểu là một tác gia lớn, có những đóng góp tiên khu cho văn học và văn hoá Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỉ XIX. 
 
Thơ văn của ông được Nhân dân ở miền Bắc và miền Trung biết đến có lẽ là từ khi được đưa vào giảng dạy trong nhà trường; nhưng đối với dân chúng miền Nam thì lại khác, thơ văn Nguyễn Đình Chiểu được truyền từ người này qua người khác mà không cần đến sách vở, thậm chí có người không biết chữ nhưng thơ của Đồ Chiểu thì họ thuộc nằm lòng. 
 
Lý do tại sao Nguyễn Đình Chiểu và tác phẩm của ông lại được Nhân dân Nam Bộ biết đến và yêu thích như vậy? Sở dĩ có hiện tượng đó là vì con người cũng như sáng tác của ông mang đậm màu sắc Nam Bộ. Từ tư tưởng, hình tượng nhân vật cho đến ngôn ngữ… ít hay nhiều đều có nét riêng đặc sắc rất Nam Bộ, nó vừa gần gũi vừa thân thiết như máu thịt với đồng bào Nhân dân ở đây. 
 
Trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu ngoài hình tượng những con người kết tinh nét đặc sắc, riêng biệt của vùng văn hoá Nam Bộ với những anh hùng nghĩa hiệp, hình tượng người lãnh tụ nghĩa binh và đặc biệt là hình tượng người nghĩa binh nông dân Nam Bộ, chúng ta còn thấy Đồ Chiểu đề cập tới hình tượng người phụ nữ và trẻ em. Đây cũng là những hình tượng nhân vật mang đậm nét phong cách Nam Bộ.
 
Hình tượng người phụ nữ Việt Nam ngay từ xưa đã đi vào ca dao dân ca trở thành những nhân vật trữ tình với hình ảnh “thân em” được lặp đi lặp lại rất nhiều nhằm nói lên thân phận người phụ nữ:
 
- Thân em như tấm lụa đào,
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai.
- Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các hạt ra ngoài đồng.
...
 
Và từ cuối thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX thì hình tượng người phụ nữ đã trở thành đối tượng phản ánh của văn học giai đoạn này, trong thơ của rất nhiều tác giả như: Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương... Những tác gia này đã lên tiếng bênh vực cho thân phận người phụ nữ và đấu tranh đòi quyền tự do, bình đẳng cho họ trong xã hội phong kiến. Chính sự lên tiếng của rất nhiều tác giả về người phụ nữ đã hình thành nên trào lưu nhân đạo chủ nghĩa trong văn học Việt Nam giai đoạn nửa cuối thế kỷ XIII – nửa đầu thế kỷ XIX.
 
Cho đến thơ văn Nguyễn Đình Chiểu thì hình tượng người phụ nữ đã trở nên quá quen thuộc. Thế nhưng, viết về hình tượng người phụ nữ và trẻ em sống trong hoàn cảnh đất nước bị giặc Pháp đô hộ, chà đạp thì Nguyễn Đình Chiểu chỉ tập trung nói đến nỗi khổ và đau thương trước sự giày xéo của quân thù. Họ chính là nạn nhân chủ yếu của cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp gây ra. 
 
Hình tượng người phụ nữ trong thơ văn Nguyễn Đình Chiểu là người phụ nữ Việt Nam nói chung nhưng họ mang những đức tính riêng của người phụ nữ Nam Bộ như: Kiên cường, giàu đức tính hy sinh, giàu tình thương yêu chồng con và rất chịu thương, chịu khó trong lao động. 
 
Đúng như nhận xét của Trịnh Hoài Đức trong sách Gia Định thành thông chí: “Gia Định có nhiều người trung dũng khí tiết, trọng nghĩa khinh tài, dầu hàng phụ nữ cũng thế” (Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng, Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 52). Chúng ta thấy rất rõ qua cuộc đời của Nguyễn Đình Chiểu với hình ảnh người mẹ và người vợ của ông và qua sáng tác của ông với hình ảnh những nhân vật phụ nữ như: Kiều Nguyệt Nga, vợ Dương Từ, vợ Hà Mậu và một số hình ảnh người phụ nữ được nêu lên trong những bài văn tế.
 
Cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu được gần gũi với hai người phụ nữ quan trọng nhất trong đời ông đó là người mẹ - bà Trương Thị Thiệt – người đã sinh thành ra ông và người vợ đã gắn bó, gần gũi với ông – bà Lê Thị Điền. Bà mẹ ông vốn là người phụ nữ được sinh ra và trưởng thành trên vùng đất Gia Định, trung tâm văn hoá Lục tỉnh. Cho nên trong con người bà đã mang sẵn những nét văn hoá đặc sắc nhất của quê hương Gia Định. Bà thuộc lòng những câu ca dao cho đến những lời ru êm ái của người Đồng Nai – Gia Định để rồi khi sinh thành và nuôi nấng Nguyễn Đình Chiểu, bà đã truyền dưỡng cho tâm hồn Đồ Chiểu. 
 
Những câu ca dao đậm chất Nam Bộ đã theo lời ru của mẹ mà nuôi nấng tâm hồn ông lớn dần như: “Ví dầu cầu ván đóng đinh...”, “Nhà bè nước chảy phân hai...”, những “Chiều chiều con quạ lợp nhà...”, “Chèo ghe sợ sấu cắn chưn, Xuống bưng sợ đỉa lên rừng sợ ma”, “Dấn mình vô chốn trông gai, Kề lưng cõng bạn ra  ngoài thoát thân”, “Vai mang bức tượng Di Đà, Hiếu trung ta giữ gian tà mặc ai...”. 
 
Thế nhưng, những ngày tháng được sống bên mẹ của ông cũng không kéo dài được bao nhiêu vì ông phải xa mẹ ra kinh đô học hành và thi cử. Khi đã đỗ tú tài chưa kịp đền đáp công ơn mẹ, chẳng may mẹ lại qua đời sớm. Điều đó làm cho Nguyễn Đình Chiểu càng xót xa, đau đớn biết nhường nào, khi người mẹ hiền thân yêu của ông qua đời, ông đã dằn vặt khóc thương mẹ mình đến nỗi loà cả hai con mắt bỏ dở cả kỳ thi, công danh dang dở để về chịu tang mẹ. Chữ “hiếu” trong ông vẫn chưa kịp thực hiện mà chữ “danh” cũng bị lỡ dở. Từ tấm lòng thương yêu, quý trọng người mẹ của mình như thế, ông đã mở rộng tấm lòng mình ra để thương yêu, cảm thông sâu sắc đối với những người phụ nữ khác trên vùng đất Nam Bộ đang bị quân thù chà đạp.
 
Người phụ nữ thứ hai trong đời Đồ Chiểu đó là người vợ rất mực yêu quý, đã gắn bó trọn đời, chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với ông trong suốt cuộc đời. Bà Lê Thị Điền cũng là một người rất trọng nhân nghĩa do vậy bà lấy Nguyễn Đình Chiểu cũng là vì cảm thông và quý trọng con người nhân nghĩa ở ông.
 
Từ hình ảnh người mẹ và người vợ trong cuộc đời Nguyễn Đình Chiểu với những đức tính tốt đẹp, rất mực thương yêu chồng con như thế, đã hình thành nên trong ông tình cảm thương yêu đối với người phụ nữ, đặc biệt người phụ nữ là nạn nhân của cuộc chiến tranh phi nghĩa do thực dân Pháp gây nên. 
 
Hình tượng người phụ nữ trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu được thể hiện qua một số tác phẩm như: Lục Vân Tiên, Dương Từ Hà Mậu, thơ văn yêu nước và Ngư Tiều y thuật vấn đáp. Ít hay nhiều tác phẩm nào cũng đề cập đến hình tượng người phụ nữ. Nhưng điều chúng ta quan tâm ở đây là tại sao Nguyễn Đình Chiểu lại đề cập đến người phụ nữ và trẻ em? Sở dĩ, ông đề cập đến hai đối tượng phụ nữ và trẻ em vì đây là những con người bé nhỏ, yếu đuối nhất trong xã hội lúc bấy giờ. Hơn nữa, họ là những con người tiêu biểu cho đạo đức truyền thống của dân tộc. 
 
Người ta thường nói phụ nữ là người giữ gìn và lưu truyền các truyền thống dân tộc. Như cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng từng nói: “Đứa trẻ tiếp thu văn hoá loài người, lần đầu tiên chính là qua người mẹ... Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải điều hay... Chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần giữ gìn và lưu truyền văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác” (Lê Trí Viễn, Nguyễn Đình Chiểu ngôi sao càng nhìn càng sáng, Nxb. Giáo dục, 2006, tr. 137).
 
 Người ta sẽ tìm thấy các nhân vật trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu như: Kiều Nguyệt Nga, hai người vợ của Dương Từ và Hà Mậu, Kim Liên cho đến Xuân Tuyết và Thu Băng những đức tính cần cù lao động, chịu thương chịu khó, lòng yêu nước, thương nhà và thương người bao la, tinh thần kiên trinh bất khuất... Đó là đạo đức của người Việt Nam nói chung và người phụ nữ Nam Bộ nói riêng, cũng chính là đạo đức nhân dân, dân tộc ta từ nghìn xưa. Nhìn vào phụ nữ mà thấy được những nét tiêu biểu chung cho nhân dân, dân tộc như vậy, chẳng phải là cách nhìn rất tiến bộ sao?
 
Cũng cần phải nhắc lại rằng, Nguyễn Đình Chiểu là người được sinh ra trong một gia đình Nho giáo, lại được học hành dưới “cửa Khổng sân Trình”. Ông còn sống dưới chế độ phong kiến triều Nguyễn, một triều đại tôn sùng Nho giáo đến tột mức. Trong tình hình ấy, Nguyễn Đình Chiểu không thể không tránh khỏi sự ràng buộc của hệ tư tưởng Nho giáo mà tư tưởng Nho giáo lại có những quy định rất khắt khe đối với người phụ nữ. Chính vì vậy mà những người phụ nữ sống trong xã hội ấy chỉ là những kẻ “nâng khăn sửa túi” cho đức ông chồng của mình và chịu sự ràng buộc của “tam tòng, tứ đức” người phụ nữ không có quyền tự do tìm hạnh phúc cho riêng mình mà họ phải chịu cảnh “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”. 
 
Trong thực tế, dưới triều Nguyễn đã có hàng loạt các loại sách “dạy đàn bà” như: “Nữ phạm, Nữ tắc, Nữ huấn...” Thế nhưng, con mắt và tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu đã vượt trước thời đại và có những cái nhìn rất tiến bộ về người phụ nữ và trẻ em. Phải chăng đó cũng là cái nhìn khoáng đạt của người dân Nam Bộ. Điều đó được thể hiện rất rõ qua hệ thống nhân vật từ Nguyệt Nga, Kim Liên, hai người vợ của Dương Từ và Hà Mậu cho đến hai đứa trẻ Xuân Tuyết và Thu Băng. Tất cả đều là những con người lao động thực sự trừ mẹ con Võ Thể Loan là kẻ xấu và Nguyệt Nga là xuất thân từ con quan nhưng là quan nhỏ cho nên ít nhiều cũng phải lao động. Do vậy khi viết về hình ảnh người phụ nữ chủ yếu là nông dân lao động này, Nguyễn Đình Chiểu đã có sự cảm thông sâu sắc và có thái độ trân trọng đối với họ.
 
Trước hết, Nguyễn Đình Chiểu nhìn người phụ nữ với cái nhìn thật thấm thía và cảm thông sâu sắc. Phụ nữ trong tác phẩm của ông không phải là những người cung nữ hay nô tì chỉ biết hầu hạ, làm theo sự chỉ bảo của chủ nhân mà họ là những con người lao động thực sự: Bà lão trong truyện Lục Vân Tiên làm nghề dệt vải và cô Nguyệt Nga ở với bà rồi cũng yên tâm được. Tấm lòng của bà cụ làm nghề dệt vải đó là chỗ dựa vững chắc cho thân phận bơ vơ kia, nhưng điều làm cho nàng yên dạ chính là công việc bình thường ấy của bà lão và những người phụ nữ khác cùng làm nghề dệt vải trong căn nhà đó:
 
Bước vào thấy những đàn bà,
Làm nghề bô vải lụa là mà thôi.
Nguyệt Nga đành dạ ở rồi,
Từ đây mới hết nổi trôi trốn nào.
 
Nguyệt Nga vốn là một cô gái “vóc ngọc mình vàng”, “má đào mày liễu dung nhan lạnh lùng” lại có tài làm thơ, vẽ tranh. Thế nhưng, khi vào nơi ở của những người phụ nữ làm nghề bô vải này nàng đã đành dạ ở cùng, rồi cũng đến ba năm “ở đây tính đã hơn ba năm rồi”. Trong suốt thời gian này nàng làm gì? Chẳng lẽ nàng lại khoanh tay ngồi nhìn mọi người lao động và chờ người ta hầu hạ như ở nhà mình hay sao? Không thể có điều đó ở con người của Kiều Nguyệt Nga được, mà trong ba năm ấy nàng đã hoà mình vào cuộc sống của những người lao động ấy, học tập lao động như họ, và hơn nữa, nàng đã học tập được đức tính cần cù giản dị ở họ. Cô gái buồng khuê lại có trí thức ấy mà được bà lão cùng những người đàn bà trong căn nhà đó yêu thương, quý mến chắc đã rèn luyện được mình như thế.
 
Đến tác phẩm Dương Từ Hà Mậu thì hình ảnh người phụ nữ ở đây là Đỗ Thị - vợ Dương Từ và Liễu Thị - vợ Hà Mậu, hai đứa trẻ Xuân Tuyết, Thu Băng. Nếu như trong tác phẩm Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm, nhân vật người vợ chăm lo cho cha mẹ chồng và dạy dỗ con cái thay chồng là để chồng yên tâm ra đi làm nhiệm vụ đánh giặc cứu nước thì ở đây người vợ của Dương Từ và vợ Hà Mậu đã phải vất vả, khổ cực biết nhường nào để nuôi con lay lắt sống cho qua ngày. Qua đó Nguyễn Đình Chiểu lên án thái độ của người làm chồng làm cha mà vô trách nhiệm để đến nỗi vợ con phải khổ cực.
 
Đỗ Thị vợ Dương Từ, là một người phụ nữ lao động chân chính. Vì người chồng Dương Từ bỏ nhà đi tu Phật để lại cho nàng một nách hai đứa con dại, phải dệt mướn làm thuê đầu tắt mặt tối mà vẫn không đủ nuôi con:
 
Họ Dương từ thưở ly hương,
Một mình Đỗ Thị náu nương quê nhà.
Hai con thuở mới lên ba,
Đến khi năm tuổi trong nhà nghèo thêm.
Đỗ nương cánh gửi nghề êm,
Bữa đi dệt mướn còn hiềm thiếu ăn.
 
Qua cảnh tượng hai đứa trẻ phải cực nhọc kiếm ăn chúng ta chứng kiến sau đây càng chứng tỏ họ thiếu thốn, tội nghiệp đến mức nào:
 
Anh em nay vũng mai bàu,
Hái rau câu cá nuôi nhau năm dài.
 
Đáng lẽ ra, ở tuổi của Dương Trân và Dương Bửu chúng phải được ăn no ngủ ấm, chơi bời thoả thích cùng bạn bè. Thế mà, chúng lại phải làm lụng như những đứa trẻ đã khôn lớn lắm rồi, công việc mà chúng làm nào có phải nhàn hạ gì đâu, suốt ngày này sang ngày khác lặn lội ở những vũng, những bàu để hái rau câu cá mà nuôi nhau. Tuổi nhỏ mà không có được những ngày vui, phải làm lụng để cùng với mẹ kiếm ăn khi cha đi vắng thì thật đáng thương quá. Mặc dù lam lũ, cần cù nhưng cuộc sống của ba mẹ con Đỗ Thị vẫn cứ khổ cực, vẫn cứ nghèo đói đến nỗi gia đình lâm vào cảnh “ruộng hoang, vườn rậm cửa nhà quạnh hiu” và phải đi ở nhờ nhà họ hàng bên ngoại. Gia đình như thế là gia đình lao động, chính xác hơn đó là những người nông dân Nam Bộ sống bằng lao động thuần tuý. Chúng ta thấy thái độ của tác giả với những con người lao động ấy, không chỉ là một sự thương mến chung chung mà là một sự hiểu biết cặn kẽ về thân phận người phụ nữ trong cảnh ngộ đáng thương đó, từ đó ông càng trân trọng hơn người phụ nữ Nam Bộ. “Ruộng hoang, vườn rậm” tuy là hình ảnh mà tác giả mượn của người xưa, nhưng vẫn phù hợp với tình cảnh cụ thể ở đây, đặc biệt là lũ trẻ mới chỉ có năm tuổi mà đã “nay vũng mai bàu” rồi, đã phải “hái rau câu cá nuôi nhau” thì đó lại là hình ảnh rất thực từ cuộc sống ở nông thôn Nam Bộ. Hình ảnh đó có lẽ đã lặp đi lặp lại trước mắt ông, để rồi bằng sự cảm thương sâu sắc và tình cảm trìu mến, ông phản ánh vào trong truyện của mình rất chính xác và sinh động biết bao. Đó không chỉ là văn chương, đó là những xúc động sâu sắc của một trái tim lớn đối với những mảnh đời đau khổ của kiếp nông dân được “bứng” vào trang thơ từ cuộc sống đầy đau thương khốn khó của họ.
 
Cùng với Đỗ Thị là Liễu Thị cũng vì người chồng bỏ đi tu để lại cho nàng hai đứa con gái là Xuân Tuyết, Thu Băng. Nàng một mình vò võ nuôi con và chờ chồng, nhưng chồng thì chẳng thấy trở về, chờ đợi mỏi mòn rồi qua đời, hai đứa trẻ trở thành mồ côi cả cha lẫn mẹ. Tuy còn nhỏ nhưng chúng đã kéo nhau đi tìm cha vượt qua bao núi non cách trở mà vẫn chẳng thấy bóng dáng người cha đâu. Chị em vì không biết đường nên đã bị lạc trong rừng sâu, nguy hiểm biết bao khi trong rừng lại nhiều thú dữ. Khi trời tối, hai đứa trẻ hoảng sợ chỉ biết ôm nhau khóc rồi ngủ. Nguyễn Đình Chiểu kể lại:
 
Ôm nhau lên đá nằm co,
Khóc rồi lại ngủ, biết lo phương gì.
Núi non cây cối rậm rì,
Nằm queo lại rủi gặp kì đêm đông.
Thương thay sương tuyết lạnh lùng.
Nằm canh đá nệm cây mùng xiết bao.
Bóng trăng vừa mọc lên cao,
Một bầy thỏ trắng nhảy vào mừng vui.
Nằm khoanh trên núi nối đuôi,
Bao nhiêu sương tuyết lông chùi sạch trơn.
Nằm chung hơi ấm như đờn,
Chị em giấc ngủ nhờ ơn đặng bền...
 
Nguyễn Đình Chiểu phải là một con người có tấm lòng đằm thắm, có sự gần gũi, gắn bó với cuộc sống lam lũ ở nông thôn của những người dân Nam Bộ, chỉ có thể như thế thì bằng trái tim lớn lao của mình ông mới ghi lại được hiện thực tội nghiệp ấy. Miêu tả thân phận của hai bé gái mồ côi ông đã trách người cha của chúng vì chạy theo ảo tưởng mà khiến cho con thơ dại đã phải khổ cực.
 
Khi nói đến thân phận người phụ nữ, Nguyễn Đình Chiểu cũng đề cập đến vấn đề yêu đương và hôn nhân. Điều này được thể hiện qua mối tình của Kiều Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên, có thể nói đây là mối tình đẹp đẽ vì nó được hình thành nên từ đạo đức nhân nghĩa cộng với tình yêu nảy sinh từ việc làm nhân nghĩa của Lục Vân Tiên. Kiều Nguyệt Nga vì được Lục Vân Tiên cứu thoát khỏi tay bọn cướp Phong Lai đã mang ơn chàng vì tấm lòng nghĩa hiệp ấy, nhưng ở nàng việc mang ơn đã chuyển thành tình yêu rất chung thuỷ. Sau khi Vân Tiên đi rồi thì Nguyệt Nga đã cảm thấy trái tim mình có sự rung động khác thường, nàng thốt lên:
 
Nghĩ mình mà ngán cho mình,
Nỗi ân chưa trả nỗi tình vấn vương.
 
Sự rung động ấy chỉ có nàng mới tự cắt nghĩa được thôi:
 
Hữu tình chi bấy Ngưu Lang,
Tấm lòng Chức Nữ vì chàng mà xiêu.
 
Và nàng đã nguyện thầm trong bụng:
 
Nguyện cùng Nguyệt lão hỡi ông,
Trăm năm cho vẹn chữ tòng mới an.
 
Nguyện thầm một lát nhưng đã thành thuỷ chung một đời. Càng nghĩ chúng ta càng thấy mối tình mà Nguyệt Nga dành cho Vân Tiên càng sâu đậm biết bao. Sâu đậm đến mức Nguyệt Nga đã vẽ ra được chân dung của Lục Vân Tiên – người nàng thầm thương mến. Sâu đậm đến mức khi nghe tin Lục Vân Tiên không còn nàng đã quyết tâm thề nặng:
 
Thân con còn đứng giữa trời,
Xin thờ bức tượng trọn đời thời thôi.
 
Một tình yêu tự do như vậy đâu có hợp khẩu vị phong kiến. Nhưng qua mối tình đó chúng ta thấy Nguyễn Đình Chiểu đã công nhận người con gái có quyền lựa chọn người mình yêu và cha mẹ cũng vì thương con mình mà đành chiều theo lòng con. Trong câu chuyện, chúng ta cũng đã thấy rất rõ điều này, Kiều Công nhìn thấy Nguyệt Nga ôm bức tượng Lục Vân Tiên khóc thảm thiết, là một người làm cha đâu nỡ để con mình phải khổ thêm nên ông thương con và mặc nhiên đã chấp nhận ý định của con.
 
Thái độ của Kiều Công chính là thái độ của Nguyễn Đình Chiểu hay cũng chính là thái độ của người dân Nam Bộ ở trong đó nữa. Bản thân Đồ Chiểu - người viết truyện và những người dân Nam Bộ đều muốn Kiều Nguyệt Nga hành động như thế. Họ cũng vô cùng cảm động khi Nguyệt Nga làm chay cho Lục Vân Tiên và lo việc dưỡng già cho Lục Ông. Đặc biệt hơn, tác giả đã để cho Kiều Nguyệt Nga tự tử bảo vệ tấm lòng thuỷ chung của mình với Lục Vân Tiên khi nàng bị bắt đi cống giặc. Việc nàng tự tử là hoàn toàn trái lệnh vua nhưng nó hoàn toàn chính đáng đối với người con gái nặng tình với người mình yêu thương. Nguyễn Đình Chiểu đã bảo vệ cái quyền tự nhiên ấy của người phụ nữ, tấm lòng của nhà thơ rõ ràng đã nghiêng xuống người phụ nữ và như đại diện cho mong ước của người dân Nam Bộ.
 
Trong tác phẩm Ngư tiều y thật vấn đáp, tấm lòng của Nguyễn Đình Chiểu còn được thể hiện lạ lùng hơn. Tác phẩm đề cập đến hai nhân vật yêu nước đó là ông Ngư và ông Tiều đi tìm thầy học thuốc để chạy chữa cho vợ, cho con. Rất thương vợ, thương con cho nên hai ông không cam lòng khi thấy vợ con của mình bị bệnh tật cướp đi tính mạng yếu đuối, nhỏ nhoi của họ. Là một tác phẩm dạy làm thuốc không ngại nói hết bệnh tình của phụ nữ và trẻ em. Điều này chúng ta thấy khi nói về năm đời vợ của ông Tiều đều mắc các chứng bệnh rất phổ biến ở người phụ nữ như:
 
Nằm hoài biếng nói biếng cười,
Rề rề đau máu, da tươi bàu nhàu.
Bốn người thác trước theo nhau,
Người đau sản hậu người đau thai tiền.
 
Mười người con của ông Ngư thì lại mắc những bệnh thường gặp ở trẻ con như:
 
Đứa thì đau chứng cấp kinh,
Đứa thì cam tích bụng bình rĩnh ra.
Đứa thì hai mắt quáng gà,
Đứa thì túm miệng khóc la rốn lồi...
 
Đặc biệt khi nói về sinh đẻ của người phụ nữ, ông rất am hiểu và cảm thông với sự khó nhọc khi mang thai và đau đớn khi đến kì sinh nở của người phụ nữ, ông viết:
 
Ví như dưa chín cuống rời,
Trái muồi mới thấy bay hơi thơm lành.
 
Dưa chín cuống rời, trái muồi mới thơm, đó là quy luật. Nhưng ví sự sinh nở với trái muồi ngát hương thơm thì đứng về văn học đó là lãng mạn, trong chủ nghĩa nhân đạo đó là việc nâng cao sự sinh đẻ của người phụ nữ thành một chức năng cao cả đến thơm tho. Bởi thế ông rất giận những thầy thuốc quấy quá, những bà mụ thiếu học và thiếu lòng thương, ông đày họ xuống Địa ngục mà chưa hết giận. Cái giận lớn ấy chính là vì ông có lòng thương bao la đối với người phụ nữ.
 
Bình thường người phụ nữ đã chịu thiệt thòi, khổ đau nhiều nhất trong xã hội. Đến khi có giặc ngoại xâm, tình cảnh người phụ nữ lại còn trăm phần cay đắng hơn. Trong truyền thống dân tộc ta thì người phụ nữ cũng đã tham gia vào việc nước non bên cạnh nam giới như: Bà Trưng, Bà Triệu, nữ tướng Bùi Thị Xuân,... họ đã chiến đấu và chết anh dũng, bất khuất. Nguyễn Đình Chiểu không nhìn người phụ nữ như thế mà ông chỉ nói lên vấn đề họ là nạn nhân của chiến tranh mà thôi. Hình ảnh người phụ nữ xuất hiện thưa thớt trong đám nạn nhân bị giày xéo dưới gót giặc.
 
Phạt cho đến người hèn kẻ khó, thâu của quay treo; tội chẳng tha con nít đàn bà, đốt nhà bắt vật.
 
Đó lại là đám nạn nhân đông đảo, trẻ già, quen lạ đều có trong ấy không sao thiếu phụ nữ:
 
Kể mười mấy năm trời khốn khó, bị khảo, bị tù, bị đày, bị giết, trẻ già nào xiết đếm tên, đem ba tấc hơi mỏm bỏ liều, hoặc sông hoặc biển, hoặc núi, hoặc rừng, quen lạ thảy đều rơi nước mắt.
 
Hình tượng người phụ nữ trong bài Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc là hình ảnh bà mẹ già và người vợ trẻ trong cảnh thật đáng thương và cảm động lòng người:
 
Đau đớn bấy mẹ già ngồi khóc trẻ, ngọn đèn khuya leo lét trong lều; não nùng thay, vợ yếu chạy tìm chồng, cơn bóng xế dật dờ trước ngõ...
 
Như vậy, hình tượng con người luôn là nơi thể hiện rõ nhất quan niệm của nhà thơ cũng như bản sắc văn hoá riêng, đặc sắc của từng vùng. Đặc điểm văn hoá vùng cũng quyết định đến tính cách con người sống trong không gian địa lý ở vùng đó. Chính vì vậy, vùng văn hoá Nam Bộ đã tác động đến con người trên mảnh đất này với những nét tính cách riêng biệt chỉ có người Nam Bộ mới có: hào hiệp, nghĩa khí, cởi mở, chất phác, giản dị, trọng nghĩa khinh tài, thẳng thắn và bộc trực... Những nét tính cách ấy chúng ta đã được thấy rất rõ qua hình tượng người nông dân, người lãnh tụ nghĩa binh và hình tượng người phụ nữ và cả trẻ em. Trong sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu tượng người phụ nữ hiện lên đậm nét phong cách Nam Bộ.
 
NGUYỄN CẢNH CHƯƠNG