Xã hội hóa phát triển văn hóa đọc

09:12, 15/12/2022
Cùng với việc hoàn thiện hệ thống thư viện công cộng, những năm qua, Thư viện Lâm Đồng không ngừng đẩy mạnh xã hội hóa phát triển văn hóa đọc với nhiều hoạt động như luân chuyển sách cho các thư viện trong hệ thống, phát động phong trào tặng sách của các tổ chức, cá nhân; phục vụ lưu động; kết hợp trưng bày sách chuyên đề, phát triển các hình thức đọc sách, các mô hình phục vụ độc giả…
 
Không gian đọc sách ở Khu du lịch Làng Cù Lần
Không gian đọc sách ở Khu du lịch Làng Cù Lần
 
Hiện nay, hệ thống thư viện công cộng tỉnh Lâm Đồng có 37 thư viện, gồm: 1 thư viện tỉnh; 11 thư viện cấp huyện; 28 thư viện cấp xã. Năm 2022, đã thành lập mới 11 tủ sách cộng đồng tại Đức Trọng, Đà Lạt, Đơn Dương và đưa sách về vùng sâu, vùng xa.
 
Hệ thống thư viện trường học đã được quan tâm đầu tư, toàn tỉnh có 702 cơ sở giáo dục đều thành lập thư viện và hoạt động có chất lượng phục vụ học sinh đọc sách.
 
Không ngừng xây dựng làm phong phú vốn tài liệu, trong năm 2022, Thư viện Lâm Đồng đã bổ sung được 16.349 sách, báo, tạp chí, nâng tổng số tài liệu hiện có trong thư viện là 309.467 tài liệu; trong đó, tài liệu truyền thống 281.241 bản, tài liệu điện tử 28.226 bản. 
 
Thực hiện hỗ trợ mạng lưới thư viện cơ sở, làm mới nguồn sách phục vụ độc giả, Thư viện Lâm Đồng đã luân chuyển 8.003 bản sách về Khu cách ly tập trung ở Trung đoàn Bộ binh 994 (Đức Trọng), Thư viện Kiến trúc và Nghệ thuật Đà Lạt, các thư viện huyện, Trại giam Đại Bình - Bộ Công an (Bảo Lâm); Trung tâm hoạt động Thanh, thiếu nhi tỉnh Lâm Đồng; chung cư Yersin và 58 điểm bưu điện văn hóa xã. Phục vụ thư viện lưu động đa phương tiện tại 57 điểm trường tiểu học, THCS các huyện, thành. 
 
Thực hiện Đề án Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, Thư viện Lâm Đồng đã đẩy mạnh xã hội hóa trong hoạt động thư viện và coi đây là một trong những giải pháp tối ưu hỗ trợ thư viện phát triển đa dạng nguồn tài liệu, đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư trang thiết bị ngoài nguồn kinh phí từ ngân sách. Hàng năm, hàng chục tổ chức, cá nhân đã thực hiện biếu, tặng thư viện nhiều cuốn sách hay để chia sẻ đến nhiều người, làm phong phú thêm nguồn tư liệu phục vụ độc giả. Riêng năm 2022, Thư viện Lâm Đồng đã nhận được hơn 2.357 bản nhận biếu, tặng của các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh. 
 
Bên cạnh hệ thống thư viện công cộng, dù chưa hình thành thư viện tư nhân phục vụ cộng đồng, nhưng trên địa bàn tỉnh nhiều hình thức, mô hình khuyến khích đọc sách đã ra đời như tủ sách cộng đồng, cà phê sách, câu lạc bộ sách... Phát triển văn hóa đọc đã có sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng xã hội đưa sách mới đến với đông đảo độc giả. 
 
Nhiều người dành tâm huyết xây dựng các không gian đọc sách cho mọi người, như cô Thuận chung cư Yersin từ nhiều năm qua đã bỏ công sức xây dựng tủ sách cộng đồng cho riêng khu dân cư mình đang sống. Ngoài nguồn sách cô gom góp từ thời tuổi trẻ, vận động anh em, bạn bè, bà con trong khu dân cư đóng góp, cô còn nhận được sự hỗ trợ của Thư viện tỉnh luân chuyển sách để nguồn tài liệu thêm phong phú, luôn luôn mới, hấp dẫn người đọc trong khu dân cư. 
 
Sau khi nghỉ hưu, cô Đào (Tổ dân phố Đa Thiện, Phường 8, Đà Lạt) mong muốn làm một điều gì đó ý nghĩa cho cộng đồng, nên đã thành lập tủ sách cộng đồng ngay tổ dân phố nhà mình. Được các con hỗ trợ tiền mua sách, vận động bạn bè cùng góp sách, được Thư viện tỉnh quan tâm, nguồn tài liệu của tủ sách thêm phong phú. Hàng tuần, cô dành 3 - 4 buổi phục vụ bạn đọc. Phòng sách khang trang sạch sẽ bên cạnh hội trường tổ dân phố đầu con đường ra vào khu dân cư, đám trẻ con trong khu phố cứ đợi phòng đọc mở cửa là ùa vào, cùng nhau đọc sách.
 
Từ nhiều năm qua, ở một góc yên tĩnh trong quán cà phê Mai Xanh trên đường Hùng Vương (Phường 10, Đà Lạt) đã có riêng một không gian dành cho những người thích đọc sách. Kệ sách với đủ loại sách Đông Tây kim cổ được chủ quán đặt để ngăn nắp, bạn đọc có thể vừa ngả lưng trên ghế sofa nệm êm ấm vừa nhâm nhi ly cà phê nóng và tiện với tay lấy sách và lật đọc những tác phẩm văn học kinh điển, những sách truyền kinh nghiệm làm ăn, kỹ năng sống.
 
Những ngày này, đi trên cung đường lãng mạn Lý Tự Trọng đến khúc cua uốn lượn quanh những gốc thông già, ngang qua quán cà phê Stop and Go người ta sẽ ngạc nhiên bởi một “ATM Sách” ngay bên lề đường. Hai chiếc tủ gỗ được sơn màu sắc bắt mắt mang dòng chữ “Bạn thấy cần thì mang đi đọc. Sách dư thì đóng góp cho người khác cần”. ATM Sách đã thu hút nhiều người mang sách đến, nhiều người đọc tại chỗ, nhiều người mang sách đi. Đây là sáng kiến của chủ quán Stop and Go, mong muốn nơi đây không chỉ là không gian thư giãn của âm nhạc mà còn là không gian của sự chia sẻ tri thức. 
 
Các Câu lạc bộ Sách ở Nhà văn hóa Lao động tỉnh, ở Trung tâm hoạt động Thanh, thiếu nhi với vốn tài liệu phong phú, hấp dẫn cùng những hoạt động sinh hoạt chuyên đề như đố vui về sách, vẽ tranh theo sách đã thu hút đông đảo bạn đọc nhỏ tuổi vào dịp cuối tuần. 
 
Sách hiện diện trong quán cà phê, ở nơi sinh hoạt cộng đồng, vui chơi giải trí và cả trong khu du lịch. Đến Làng Cù Lần, bên cạnh không gian văn hóa làng người K’Ho bản địa, có một gian phòng rộng lớn dành đặt để những cuốn sách hay, đa số sách về Đà Lạt, Lâm Đồng. Du khách đến đây có thể tìm hiểu về văn hóa, con người xứ sở ngàn thông, ngàn hoa, để lặng mình trong những trang sách.
 
Cùng với sự kiên trì nỗ lực của Thư viện Lâm Đồng và hệ thống thư viện công cộng trong tỉnh trên hành trình “Sách đi tìm người đọc” đã có sự đồng hành của nhiều tập thể, cá nhân với những việc làm thầm lặng đang từng ngày mang sách đến bạn đọc, góp phần làm cho văn hóa đọc lan tỏa sâu rộng trong đời sống. 
 
QUỲNH UYỂN