Một năm ''đặc biệt'' dành cho hộ nghèo

NGUYỆT THU 06:34, 17/02/2023

Nói là một năm “đặc biệt” bởi đã qua 2 năm đại dịch COVID-19 nhưng thực tế cuộc sống của người dân vẫn còn gặp khó khăn. Vì thế, từ Trung ương đến địa phương đã dành tình cảm, trách nhiệm rất lớn cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 vừa qua, toàn hệ thống chính trị đã tập trung thực hiện công tác này rất hiệu quả, tạo niềm vui, sự ấm áp trong mỗi nếp nhà. 

Với tinh thần “Cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, các thành viên và các huyện, thành phố, phường, xã trên địa bàn toàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực chăm lo cho đối tượng chính sách, người có công, người nghèo và người yếu thế trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Ủy ban MTTQ tỉnh đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ sở tập trung huy động các nguồn lực, chăm lo, giúp đỡ người nghèo, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng. Kết quả, vận động Quỹ “Vì người nghèo” các cấp trong tỉnh đạt hơn 83,5 tỷ đồng; trong đó, Quỹ “Vì người nghèo” tỉnh tiếp nhận được hơn 58,2 tỷ đồng, cấp huyện 11,4 tỷ đồng, cấp xã 8 tỷ đồng.

Riêng TP Đà Lạt vận động được 2,6 tỷ đồng, vượt 30,19% so với kế hoạch giao. TP Bảo Lộc vận động được 2,2 tỷ đồng, vượt 15,7%; huyện Đức Trọng đạt hơn 3,2 tỷ đồng, vượt 80,1%; Lâm Hà hơn 3,4 tỷ đồng, vượt 90,15%... Ngay sau đó đã phân bổ, hỗ trợ với số tiền hơn 61,2 tỷ đồng, để xây dựng 301 căn, sửa chữa 54 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách khó khăn trên địa bàn tỉnh; tặng 30.323 suất quà Tết cho người nghèo. Thống kê cho thấy, riêng TP Bảo Lộc, tổng kinh phí trợ cấp, trao tặng quà, chăm lo Tết cho các đối tượng được hưởng thụ trên toàn địa bàn hơn 25,3 tỷ đồng. Trong đó, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước là 16 tỷ đồng được trao hỗ trợ Tết cho hơn 20.400 đối tượng như: người có công, cán bộ hưu trí, mất sức, đối tượng bảo trợ xã hội, hộ nghèo, cận nghèo, trẻ em khó khăn, hộ đồng bào dân tộc thiểu số, bệnh nhân nghèo...; các đơn vị, doanh nghiệp, nhà hảo tâm đã trao tặng cho người khó khăn, yếu thế với tổng giá trị gần 9,3 tỷ đồng. 

Ông Bon Yô Soan - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh cho biết, phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới, Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu là “điểm tựa” vững chắc giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, nhất là hộ nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định, giảm nghèo nhanh; Chương trình Hỗ trợ sinh kế đã và đang được MTTQ các cấp triển khai tích cực, hiệu quả, thiết thực, qua đó tạo động lực, niềm tin giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Được biết, các huyện Đam Rông, Lạc Dương, Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Đạ Tẻh, Cát Tiên đã phối hợp tổ chức khảo sát, triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế cho 1.259 hộ nghèo thuộc các xã khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với tổng kinh phí 18,5 tỷ đồng. Điển hình như các mô hình: Trồng chuối Laba; trồng dâu nuôi tằm; trồng rau, trồng chanh dây; cải tạo, trồng xen cây ăn trái, cây sầu riêng trong vườn điều và cà phê già cỗi; chăn nuôi gia cầm, nuôi dúi, nuôi dê, nuôi heo đen... Đây là cách làm mới nhằm thay đổi cách thức hỗ trợ cho các hộ nghèo, tạo điều kiện cho hộ nghèo tự đăng ký nội dung (sinh kế) và đề xuất số tiền hỗ trợ để chủ động có kế hoạch thực hiện vươn lên thoát nghèo bền vững. 

Đến nay, nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đã cho thu nhập ổn định, từng bước thoát nghèo. Điển hình như Mô hình Trồng dâu nuôi tằm, trồng chanh dây, nuôi dúi trên địa bàn xã Sơn Điền và mô hình trồng dâu nuôi tằm, trồng rau trên địa bàn xã Đinh Trang Thượng đã giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo của xã tiếp cận mô hình mới và tạo việc làm ổn định, tạo nguồn thu từ sức lao động chính đáng của bà con. Qua đó, khắc phục dần tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Trong quá trình triển khai hỗ trợ sinh kế giúp hộ nghèo, MTTQ các cấp đã tăng cường chỉ đạo, hỗ trợ thành lập các “nhóm hộ”, “tổ giúp nhau sản xuất” trong Nhân dân để trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình thực hiện mô hình trồng trọt, chăn nuôi đã đăng ký. Hỗ trợ thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã liên kết sản xuất và tiêu thụ ổn định các sản phẩm lá dâu, kén tằm, heo đen cho các nông hộ, nhất là những hộ tham gia mô hình. Sau khi được hỗ trợ sinh kế thực hiện các mô hình sản xuất, MTTQ huyện sẽ phối hợp với các ngành thực hiện nghiệm thu và thanh toán kinh phí hỗ trợ cho người dân. Hiện nay, chương trình đã và đang tiếp tục được triển khai, theo dõi, giám sát, động viên hộ nghèo chăm chỉ làm ăn, phát triển sản xuất, tạo thu nhập, thoát nghèo bền vững.