Đề xuất đầu tư thêm hơn 10km đường dân sinh dọc cao tốc Liên Khương – Prenn

CHÍNH PHONG 13:51, 16/03/2023

(LĐ online) - UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao Sở Giao thông Vận tải xem xét đề xuất của Công ty TNHH Hùng Phát (đơn vị quản lý vận hành cao tốc Liên Khương – Prenn) về việc lập hồ sơ nghiên cứu khả thi để đầu tư thêm 10,1km đường gom dân sinh thuộc phần vốn BOT dọc tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn.

Dọc hai bên cao tốc Liên Khương - Prenn còn hàng chục điểm người dân đấu nối, cũng như đập bỏ dải phân cách trái phép để di chuyển đến nơi sản xuất nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông
Dọc hai bên cao tốc Liên Khương - Prenn còn hàng chục điểm người dân đấu nối, cũng như đập bỏ dải phân cách trái phép để di chuyển đến nơi sản xuất nên luôn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông

Trước đó, năm 2019, Sở Giao thông Vận tải tỉnh Lâm Đồng đề xuất thực hiện dự án đường gom dân sinh dài 1,5km của cao tốc Liên Khương – Prenn với kinh phí hơn 135 tỷ đồng từ nguồn vốn của nhà đầu tư. Tuy nhiên, theo tính toán trong giai đoạn 2019 -2021 tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng xe thấp nên việc thực hiện điều kiện “không làm tăng thời gian thu phí và mức giá thu qua trạm BOT của cao tốc Liên Khương – Prenn” sẽ không đảm bảo hoàn vốn cho dự án.

Tuy nhiên, trong năm 2022, tỷ lệ tăng trưởng lưu lượng xe qua trạm thu phí và ước tính sau tuyến cao tốc Dầu Giây – Liên Khương hoàn thành từng giai đoạn thì tốc độ tăng trưởng lưu lượng xe sẽ tăng cao nên việc thực hiện đường gom với điều kiện nêu trên có thể thực hiện được. 

Do đó, Công ty TNHH Hùng Phát đề xuất UBND tỉnh cho đơn vị tiếp tục lập hồ sơ nghiên cứu khả thi để đầu tư thêm 10,1km đường gom dân sinh thuộc phần vốn BOT dọc tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn. Qua đó nhằm đảm bảo an toàn giao thông và phục vụ sản xuất của người dân.

Hiện nay, tuyến cao tốc Liên Khương – Prenn hiện chỉ có bố trí 2 đoạn đường gom ở hai đầu tuyến và 6 cống dân sinh ngầm thông qua cao tốc. Thực trạng này gây khó khăn cho người dân địa phương khi có nhu cầu di chuyển đến nơi sản xuất nông nghiệp phía trên núi, dẫn đến tình trạng người dân phá bỏ dải phân cách tại một số vị trí để băng qua cao tốc..