Dông, lốc, sét, mưa đá và các biện pháp phòng trong thời kỳ chuyển mùa

TRẦN XUÂN HIỀN 20:08, 18/04/2023

(LĐ online) - Khi những tia chớp, sét chạy ngoằn ngoèo kèm theo tiếng sấm rền vang liên hồi, gió thổi dữ dội và mưa như trút nước gây cho ta một ấn tượng đặc biệt sâu sắc. 

Thiết bị đo khí tượng tự động
Thiết bị đo khí tượng tự động


HIỆN TƯỢNG DÔNG, LỐC, SÉT, MƯA ĐÁ Ở LÂM ĐỒNG
Dông là hiện tượng phóng điện trong khí quyển dưới dạng tia chớp kèm theo tiếng sấm. Cùng với gió lốc, mưa đá cũng thường xuất hiện trong các cơn dông. Mưa đá được xác định là giáng thủy ở thể cứng dưới dạng hòn, cục hay tinh thể băng rơi xuống mặt đệm (mặt đất, mặt nước, thảm thực vật,...) từ những khối mây tích vũ hay mây cốc vũ đồ sộ. 
Trong thực tế mưa đá thường chỉ xảy ra trong các cơn dông tố mạnh và đi kèm với mưa rào cường độ lớn trong khoảng thời gian tương đối ngắn. Hình dạng, kích thước của viên nước đóng băng trong mưa đá thường rất khác nhau, hay gặp nhất là hình cầu, nón, thấu kính lồi, khối đa diện và một vài hình thù dị dạng khác; đường kính từ khoảng 0,5mm tới 20 - 30mm; trọng lượng từ vài gam đến vài trăm gam. Mưa đá thường chỉ xảy ra khi có dông, song không phải trong cơn dông nào cũng có mưa đá. Tần suất xuất hiện mưa đá trong cơn dông chỉ vào khoảng 10%. Mưa đá rơi trong khí quyển với vận tốc rất lớn và tăng tỷ lệ với kích thước, trọng lượng của viên đá, dao động trong khoảng 30 - 60m/s, cá biệt có thể tới 90m/s. Với vận tốc như vậy, các cục băng rơi xuống các đồ vật hay thảm thực vật luôn để lại những dấu vết và gây ra nhưng tiếng ồn tương đương với tiếng tầu hỏa hay xe tải nặng, hoặc xe bánh xích đi qua cầu. 
Mưa đá là hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Những trận mưa đá kéo dài từ vài phút trở lên có thể hủy hoại đáng kể cây trồng, làm mất mùa một phần hoặc toàn phần, ảnh hưởng đến các công trình kiến trúc, nhà cửa, phương tiện giao thông gây thương tích hoặc có làm chết gia súc, gia cầm và có khi là cả con người; đặc biệt mưa đá có ảnh hưởng đến hoạt động của hàng không dân dụng, đe dọa an toàn các chuyến bay. Có thể kể đến hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá diễn ra trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng trong 10 năm qua như sau:
(1) Khoảng 14 giờ 30 chiều ngày 07/5/2013 tại khu vực đường Trần Quang Khải, phường 8, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, xảy ra mưa đá trên diện rộng làm hàng chục vườn rau, hoa nhà kính bị hư hại...

 
Nhiều người Đà Lạt lần đầu chứng kiến mưa đá

(2) Ngày 3/7/2021, tại các phường 9, 11 và 12 thành phố Đà Lạt xảy ra mưa đá làm hư hại nhiều diện tích hoa màu của người dân. Khoảng 14h chiều 4/7/2021, tại xã Ka Đô và xã Lạc Xuân huyện Đơn Dương đã xảy ra cơn mưa đá rất lớn kèm theo lốc xoáy làm thiệt hại hàng chục ha hoa màu của nông dân. Nhiều nông dân cho biết đây là cơm mưa đá lớn nhất trong hơn 20 năm qua cơn mưa đá kéo dài khoảng 30 phút với những viên đá có đường kính gần 2 cm và lượng đá dày đặc làm hư hại nhiều hoa màu của người dân xã Ka Đô
(3) Ngày 21/3/2021, trận lốc xoáy khoảng 10 phút đã thổi bay mái hàng chục nhà dân, gây thiệt hại nghiêm trọng. Sáng 22/3, theo thông tin ban đầu, lốc xoáy đã làm hư hỏng 70 căn nhà tại xã Tân Thượng (huyện Di Linh) và làm 2 người bị thương; sét đánh làm 1 người tử vong tại huyện Đạ Huoai, đồng thời gây mất điện nhiều giờ tại địa phương này
(4) Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 04/22 loại hình thiên tai (mưa lớn, mưa đá, lốc xoáy, sét đánh), trong đó có 12 trận mưa lớn, 02 trận mưa đá, 07 trận mưa lớn kèm lốc xoáy, 01 vụ sét đánh làm thiệt hại đến tài sản, tính mạng người dân, cụ thể: thiên tai đã làm 01 người chết, 07 người bị thương; thiệt hại 172 căn nhà, 441 ha cây trồng, trôi 0,8 ha ao cá, hư hỏng 6,7 ha nhà kính nhà lưới; hư hỏng 02 cầu, 01 ô tô và 02 xe gắn máy; hư hỏng 04 điểm trường... Ước tổng thiệt hại khoảng 13 tỷ đồng. (Nguồn Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng). 
Lâm Đồng là một trong những vùng xuất hiện dông tương đối cao so với các vùng khác lân cận. Theo số liệu thống kê cho thấy trung bình hàng năm có khoảng từ 70 đến 80 ngày có dông xuất hiện. Dông xuất hiện nhiều nhất vào thời kỳ giao mùa đó là cuối mùa khô và đầu mùa mưa (từ cuối tháng 3 đến hết tháng 5), đây là thời kỳ chịu ảnh hưởng của sự giao tranh giữa các khối không khí khác nhau gây nên sự bất ổn định khí quyển rất mạnh mẽ, kết hợp với điều kiện địa hình và trong thời kỳ này cũng thường xuất hiện những trận mưa đá có kèm theo gió mạnh.
CÁC BIỆN PHÁP PHONG TRONG THỜI KỲ CHUYỂN MÙA
Hiện nay đang là thời kỳ chuyển mùa, thời tiết có nhiều biến động, là thời kỳ xảy ra nhiều mưa dông kèm theo sấm sét và gió lốc thổi mạnh, có khi có mưa đá. Đây là các hiện tượng thời tiết nguy hiểm, xuất hiện và gây hại nhanh, bất ngờ, rất khó dự báo chính xác về thời gian xuất hiện, vùng ảnh hưởng và mức độ gây hại. 
Trong điều kiện hiện nay công tác Dự báo mưa vẫn còn hạn chế, do vậy chúng ta cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin Dự báo và Cảnh báo cac hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khu vực, kết hợp với các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả thống kê, điều tra xác định những vùng thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, ít bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá,...
Theo nhận định của Đài Khí tượng Thủy văn địa phương thì thời tiết tỉnh Lâm Đồng từ nay đến hết tháng 5 đầu tháng 6 vẫn chủ yếu là: “Đêm có mưa nhẹ vài nơi, ngày mây thay đổi trời nắng, trưa và chiều thường có mưa rào và dông xảy ra”. Do vậy, các cấp, các ngành, chính quyền và Nhân dân các địa phương cần chú ý đề phòng và chủ động các biện pháp hạn chế thiệt hại như chằng chống nhà cửa, tuân thủ các nguyên tắc an toàn khi sử dụng vận hành máy móc thiết bị điện, điện tử dùng trong sản xuất và sinh hoạt; thực hiện các phương pháp thích hợp để bảo vệ cây trồng, bảo vệ mùa màng, và lưu ý một số cách phòng tránh dông sét như sau:
    1. Nơi ở, nơi có các công trình, nhà cửa, nơi đặt các máy móc thiết bị, cột điện, ăng ten, ống khói, nơi thường tập trung đông người như trường học, chợ, bệnh viện, công sở, nhà cao tầng... nhất thiết phải có hệ thống chống sét, đó là cột Thu Lôi. Cột Thu Lôi có thể xây thành cột riêng rẽ sát công trình hoặc có thể gắn vào nơi cao nhất của công trình với một thanh sắt có đầu nhọn đặt hướng thẳng đứng lên trời; một dây dẫn điện có một đầu nối với thanh sắt còn đầu kia của dây buộc vào lá kim loại được xẻ làm nhiều nhánh chôn sâu xuống đất. Cột chống sét càng cao thì phạm vi bảo vệ của nó càng lớn. Không gian bảo vệ là một vòng tròn có tâm là chân cột, bán kính bằng chiều cao của cột. Các vật dụng bên trong vòng tròn này được bảo vệ không bị sét đánh. 
2. Khi đang chăn thả gia súc hoặc lao động sản xuất ở nương dãy, ngoài đồng, đi lại ngoài đường nơi không có các hệ thống chống sét mà thấy có cơn dông đến thì cần nhanh chóng tìm cách phân tán đàn gia súc; bản thân để dụng cụ tại nơi làm việc đi nhanh vào nhà hoặc không gần nhà thì tìm đến ngồi yên nơi đất thấp xa cột điện, xa các vật dụng kim loại, xa các nơi có mặt nước như ao, hồ,vv, chờ cơn dông đi qua. Không nên di chuyển (kể cả di chuyển trên các phương tiện giao thông cá nhân); tuyệt đối không nấp dưới các gốc cây to nhất là các gốc cây đứng một mình giữa đồng, dưới các đống rơm, bó lúa, nơi có gò đất nhô cao.
3. Khi có dông cần lưu ý cắt điện các dụng cụ máy móc tiêu thụ điện chỉ để lại những thứ thật cần thiết; cắt nguồn hoàn toàn các thiết bị điện tử, rút dây ăng ten ra khỏi ti vi chuyển sang dây nối đất (tất cả các ăng ten cần được làm dây nối đất dạng như hệ thống thu sét); không nên gọi điện thoại, tắt các ống khói, đóng bớt cửa ngăn gió ẩm vào nhà; bản thân không đi chân trần mà nên đi dày, dép khô... 
4. Khi bị sét đánh cần được cấp cứu khẩn trương theo quy cách: Để nạn nhân nằm nơi đất ẩm, nới rộng quần áo cho dễ thở; pha 5 gam muối Bicarbornate với 300ml nước cho nạn nhân uống từ từ. Nếu thấy nạn nhân có dấu hiệu nặng khó thở, nhịp tim không rõ cần làm các thao tác hô hấp nhân tạo, hỗ trợ tim bằng cách xoa bóp hoặc đấm mạnh vào vùng ngực. Và cuối cùng là nhanh chóng tìm cách gọi xe cấp cúu kịp thời đưa nạn nhân đi bệnh viện. 
5. Trong điều kiện hiện nay công tác dự báo mưa vẫn còn hạn chế, do vậy chúng ta cần thường xuyên theo dõi cập nhật các bản tin Dự báo và Cảnh báo các hiện tượng thời tiết nguy hiểm được phát trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khu vực, kết hợp với các biện pháp phòng chống thụ động dựa vào kết quả thống kê, điều tra xác định những vùng thường xảy ra mưa đá để từ đó bố trí các loại cây trồng ít bị ảnh hưởng, ít bị tàn phá bởi mưa đá hoặc dịch chuyển thời vụ cho phù hợp để cây trồng phát triển, ra hoa kết quả và cho thu hoạch vào thời điểm an toàn nhất; kịp thời che, đậy hạn chế mức độ tàn phá của mưa đá./.