Sáng mãi ngọn đuốc sống Đặng Thị Ngọc Tuyền

QUỲNH UYỂN 10:08, 30/04/2023

Chiến tranh đã lùi xa, nhưng cuộc tự thiêu của nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền cùng 6 bức thư tuyệt mệnh và cao trào học sinh, sinh viên Đà Lạt chống chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam vào mùa hè 1966 như vẫn sục sôi trong tâm khảm người trong cuộc.

Chân dung cùng kỷ vật của cô Đặng Thị Ngọc Tuyền
Chân dung cùng kỷ vật của cô Đặng Thị Ngọc Tuyền

Bị thất bại liên tiếp tại Việt Nam, từ đầu năm 1965, Mỹ mở cuộc “leo thang” phá hoại miền Bắc bằng không quân và hải quân hòng đè bẹp ý chí quyết tâm thống nhất đất nước của Nhân dân ta. Cuộc chiến tranh bước vào giai đoạn tàn khốc, nhà máy, trường học bị ném bom, người dân vô tội bị thảm sát. Học sinh, sinh viên miền Nam sôi sục phản chiến trên khắp các đô thị. Ở Đà Lạt, “Lực lượng Nhân dân, học sinh, sinh viên tranh thủ dân chủ” được thành lập tập hợp được đông đảo quần chúng biểu tình đấu tranh đòi “Mỹ phải tôn trọng chủ quyền Việt Nam”, “Đòi quyền tự quyết”, “Đấu tranh cho tự do, dân chủ”…; tổ chức những đêm không ngủ để “đốt đuốc lên soi rõ mặt quân thù” tạo thành làn sóng mạnh mẽ, không chịu khuất phục trước sự khủng bố, đàn áp tàn bạo của kẻ thù.
Cuộc vận động dân chủ vì đạo pháp và dân tộc của Phật giáo cũng ngày càng quyết liệt khi nhiều chùa chiền bị bắn phá, nhiều thượng tọa, tăng ni, đồng bào Phật tử bị mưu sát, bắt bớ, đánh đập. Từ giữa tháng 5 đến cuối tháng 6/1966, phong trào đấu tranh của Nhân dân Đà Lạt phát triển dưới hình thức đấu tranh của Phật giáo với sự tham gia tích cực của các tăng ni, Phật tử. Đỉnh điểm của cuộc đấu tranh phản chiến khi nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền hóa thân thành ngọn đuốc sống, tự thiêu lúc 4 giờ sáng ngày 23/6 (tức Đoan ngọ mùng 5 tháng 5 Bính Ngọ) tại sân chùa Linh Sơn để phản đối tổng thống Mỹ Johnson và chính quyền Sài Gòn, phản đối chiến tranh, cầu nguyện cho dân tộc và đạo pháp sớm thoát khỏi thảm cảnh đã gây chấn động dư luận lúc bấy giờ.

Hình ảnh Nhân dân Đà Lạt biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng
Hình ảnh Nhân dân Đà Lạt biểu tình phản đối chiến tranh xâm lược của Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Lâm Đồng

Nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền, pháp danh Quảng Xuyên, sinh năm 1947 tại làng Đại Lộc, quận Hương Điền, tỉnh Thừa Thiên trong gia đình sùng tín Phật giáo. Theo gia đình vào Đà Lạt, ngoài giờ học, cô thường đến phụ giúp việc chùa, không quản khó nhọc. Trước khi tự thiêu, cô Đặng Thị Ngọc Tuyền đã để lại 6 bức thư tuyệt mệnh. Mỗi con chữ, mỗi ý tứ trong các bức thư tuyệt mệnh của nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền là lời đấu tranh, tố cáo tội ác của Mỹ và chính quyền Sài Gòn.
Bức thư tuyệt mệnh thứ nhất gửi Thượng tọa Trí Quang, cô nói lên suy nghĩ của mình trước thực trạng đất nước và Phật giáo đang lâm nguy. Bổn phận của một Phật tử không thể khoanh tay đứng nhìn cảnh chết chóc diễn ra, nghe tiếng kêu than thảm thiết vì sự đàn áp tàn ác, dã man của chính quyền Sài Gòn khắp miền Nam, cô nguyện xin “đốt mình” để cầu nguyện cho thảm cảnh đó sớm chấm dứt.
Bức thư tuyệt mệnh thứ hai gửi chư tọa, đại đức, tăng ni, Đặng Thị Ngọc Tuyền cho biết không thể ngồi yên trước tình cảnh đất nước và đạo pháp đang lâm nguy. Cô xin phép được âm thầm phát nguyện “đốt mình” để cầu nguyện.
Bức thư tuyệt mệnh thứ ba gửi Tổng thống Hoa Kỳ Johnson như một lời cảnh cáo đanh thép của một thiếu nữ Việt Nam đến Tổng thống Mỹ. Cô cho rằng Johnson đã thực hiện chính sách quá sai lầm ở Việt Nam và khuyên ông hãy bỏ mộng thống trị nơi này, đó chỉ là thứ ảo mộng hão huyền. Cô khẳng định dòng máu của dân tộc Việt là dòng máu bất khuất không dễ gì bị khuất phục, không thể làm nô lệ cho kẻ xâm lược. Nếu cứ tiếp tục gieo rắc chết chóc đau thương lên đất này thì cuối cùng cũng chỉ chuốc lấy thất bại thảm hại mà thôi.

Thế hệ trẻ hôm nay tham quan Bảo tàng xúc động, tự hào trước những lá thư tuyệt mệnh cùng hình ảnh của cô Tuyền
Thế hệ trẻ hôm nay tham quan Bảo tàng xúc động, tự hào trước những lá thư tuyệt mệnh cùng hình ảnh của cô Tuyền

Bức thư tuyệt mệnh thứ tư, cô gửi nhân dân Hoa Kỳ, những người yêu chuộng hòa bình, tự do, dân chủ. Cô gửi lời cầu cứu của một cô gái 19 tuổi từ đất nước Việt Nam, nơi đã có bao nhiêu người ngã xuống để phản đối chiến tranh. Cô cầu nguyện chấm dứt sự đau khổ và chết chóc mà những kẻ nhân danh thế giới văn minh gây ra. Đặng Thị Ngọc Tuyền kêu gọi những người yêu chuộng hòa bình, tự do hãy cùng Nhân dân Việt Nam siết chặt tay, mang mối tình đồng loại để đập tan âm mưu của những kẻ bạo tàn.
Bức thư tuyệt mệnh thứ năm gửi hai tướng Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ của chính quyền Sài Gòn, nhắc hai ông về dòng máu bất khuất trải qua bốn ngàn năm văn hiến, chưa bao giờ chịu làm nô lệ. Cô nguyện “đốt mình” với mong muốn thức tỉnh và nhắc nhở hai ông rằng không ai sống trên xương máu của đồng bào mà bền vững được.
Bức thư tuyệt mệnh thứ sáu gửi gia đình với những lời chất chứa yêu thương, cô Tuyền nói với mẹ và các em trong khi nước nhà và đạo pháp đang lâm nguy, cô không thể đứng nhìn như người ngoài cuộc. Cô cầu xin mẹ đừng buồn, hãy tiếp tục sống, nuôi dưỡng tinh thần tranh đấu thật mãnh liệt cho dân tộc và đạo pháp. Cô nhắn nhủ hai em hãy trở thành những đứa em ngoan, học hành chăm chỉ, nối tiếp con đường của cô đã đi, đấu tranh cho dân tộc và đạo pháp.
Trước sự hy sinh cao cả của nữ sinh Đặng Thị Ngọc Tuyền, những vần thơ xót thương, cảm phục ý chí của cô gái trẻ từ khắp nơi được đăng trên các diễn đàn, tạo làn sóng đấu tranh mạnh mẽ, ý chí quyết tâm tranh đấu đến cùng của học sinh, sinh viên trên khắp miền Nam. Trong “Thư gửi người em gái” của tác giả Bảo Quốc gửi từ Nha Trang vào ngày 27/6/1966, sau vụ tự thiêu 4 ngày: “Từ phương xa nghe tin em ngã gục/ Lòng nghẹn ngào đôi mắt lệ trào dâng/ Thân xác em là ngọn đuốc sáng bừng/ Sẽ thức tỉnh lũ người khát máu”…
Thời gian có thể xóa nhòa mọi thứ, nhưng 6 bức thư chất chứa những lời đanh thép phản đối chiến tranh cùng di vật của cô Đặng Thị Ngọc Tuyền là minh chứng cho một thế hệ sẵn sàng hy sinh vì hòa bình, độc lập, tự do cho dân tộc. Đến Bảo tàng Lâm Đồng hôm nay, đứng lặng trước 6 bức thư tuyệt mệnh trước khi biến mình thành ngọn đuốc sống, xúc động trước bức chân dung và di vật cô để lại khiến những người trẻ tuổi hôm nay lắng lòng, rưng rưng.