Ấn tượng Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng

NGỌC NGÀ 05:19, 11/05/2023

Vừa qua, Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng lần thứ 3 được tổ chức. Từ đây, nhiều tác phẩm mỹ thuật ấn tượng đã ra đời, góp phần khẳng định vai trò và làm nổi bật hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong thời chiến và thời bình.

Có 31 tác phẩm được 16 họa sĩ sáng tác tại Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng lần thứ 3.
Có 31 tác phẩm được 16 họa sĩ sáng tác tại Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng lần thứ 3

Thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng là nơi được Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ sáng tác Văn học nghệ thuật, -Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chọn tổ chức Trại sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng vào cuối tháng 4 vừa qua. 

Trại sáng tác lần này có 16 họa sĩ trong và ngoài quân đội là hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam tham gia. Trong đó, có 4 họa sĩ đang công tác tại các đơn vị trong quân đội, 5 họa sĩ là cựu chiến binh, 3 họa sĩ là giảng viên các trường văn hóa - nghệ thuật, 5 họa sĩ là Chi hội trưởng Hội Mỹ thuật tỉnh, thành phố, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Sáng tác thuộc Hội Mỹ thuật Việt Nam. 

Họa sĩ say mê sáng tạo trong những ngày dự trại
Họa sĩ say mê sáng tạo trong những ngày dự trại. Ảnh: Quỳnh Uyển 

Trại sáng tác có 4 họa sĩ nữ, cao tuổi nhất có họa sĩ Vũ Quý (Quảng Ninh), họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm (Hà Nội), 71 tuổi; trẻ tuổi nhất là nữ họa sĩ Lê Anh (Hà Nội), 35 tuổi. Nhiều họa sĩ đã có bề dày thời gian gắn bó, cống hiến với hoạt động mỹ thuật quân đội, đạt nhiều giải thưởng trong sáng tác mỹ thuật về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng như Vũ Quý, Nguyễn Hải Nghiêm, Đinh Công Khải, Trịnh Bá Quát, Đào Hoa Vinh... Một số họa sĩ tại ngũ đóng góp hiệu quả trong sáng tác đề tài quân đội như: Nguyễn Tuấn Long, Bùi Anh Hùng…

Đại tá Đinh Xuân Hòa - Phó Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, khẳng định: Trại sáng tác lần này là hoạt động đáp ứng mục đích, yêu cầu, nhiệm vụ tổ chức hoạt động mỹ thuật trọng điểm trong quân đội giai đoạn 2021-2025; đồng thời, tạo điều kiện cho các họa sĩ trong và ngoài quân đội gặp mặt, trao đổi và nghiên cứu tư liệu sáng tác các tác phẩm mới, có giá trị phục vụ hiệu quả cho công tác cổ động, tuyên truyền, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của bộ đội và Nhân dân.

 

Qua 15 ngày hoạt động sáng tác mỹ thuật tại Nhà sáng tác Đà Lạt, 16 họa sĩ với tinh thần trách nhiệm, sự tâm huyết, nhiệt tình say mê sáng tạo về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng đã sáng tác được 31 tác phẩm, gồm các chất liệu: sơn dầu, acrylic, khắc gỗ mộc bản... 

Các tác giả tập trung thể hiện đậm nét tinh thần yêu nước, ý chí quật cường của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến. Tiêu biểu như các tác phẩm: “Binh trạm Trường Sơn” của họa sĩ Nguyễn Thị Bích Hồng, “Đặc công Rừng Sác” của họa sĩ Trịnh Bá Quát, “Căn cứ rừng chàm An Giang” của họa sĩ Đinh Công Khải, “Đường tới Dinh Độc Lập” của họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm... 

Tác phẩm Đặc công Rừng Sác - Trịnh Bá Quát
Tác phẩm Đặc công Rừng Sác - Trịnh Bá Quát. Ảnh: Quỳnh Uyển 

Một số tác phẩm tái hiện khoảnh khắc của thời chiến tranh, như: “Ký ức của họa sĩ” của họa sĩ Bùi Thị Ngoan, “Người đẹp thời chiến” của họa sĩ Nguyễn Hải Nghiêm...

Có thể kể đến các tác phẩm thể hiện hoạt động trên các lĩnh vực công tác của bộ đội Phòng không - Không quân, Hải quân, Biên phòng, Đặc công... như: “Những người lính canh trời” của họa sĩ Vũ Quý, “Đảo chìm” của họa sĩ Đào Hoa Vinh, “Dáng núi” của họa sĩ Nguyễn Tuấn Long, “Nắng biên cương” của họa sĩ Nguyễn Việt Anh, “Thao trường” của họa sĩ Lê Anh, “Biển thức” của họa sĩ Lương Nguyên Minh, “Đêm trắng” của họa sĩ Nguyễn Thị Hải Nhung... 

Tác phẩm Bình minh Cô Lin - Bùi Thanh Sơn. Ảnh: Quỳnh Uyển 

Nhiều tác giả đi sâu khắc họa nổi bật hình tượng bộ đội Cụ Hồ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Tiêu biểu có các tác phẩm: “Lính công trường” của họa sĩ Mai Xuân Chung, “Nắng thao trường” của họa sĩ Bùi Thanh Tùng... 

Các tác phẩm có ý tưởng sáng tạo nghệ thuật và hình thức ngôn ngữ biểu đạt phong phú, như: “Mây quân cảng” của họa sĩ Nguyễn Dương Đính, “Mắt đêm” của họa sĩ Bùi Anh hùng...

Từ trại sáng tác lần này, họa sĩ Đào Hoa Vinh khẳng định về vai trò của các trại sáng tác mỹ thuật trong thời gian vừa qua, đó là đã tạo điều kiện cho các họa sĩ tiếp tục sáng tạo, nuôi dưỡng ý tưởng và sáng tác nhiều tác phẩm mới chất lượng về đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng, một đề tài còn ẩn chứa nhiều nội dung mang giá trị nhân văn sâu sắc cần được khám phá.

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về tổ chức hoạt động mỹ thuật trọng điểm về văn hóa, văn học - nghệ thuật, báo chí quân đội giai đoạn 2021-2025, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam - cơ quan thường trực vận động sáng tác mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài quân đội tổ chức các hoạt động mỹ thuật sôi nổi, thiết thực. 

Trong đó, việc tổ chức các trại sáng tác tập trung và không tập trung ở cả 3 miền đã từng bước gây dựng lực lượng sáng tác nòng cốt trong các đơn vị quân đội; tạo điều kiện, môi trường sáng tác cho các họa sĩ đã gắn bó lâu dài, các họa sĩ trẻ có nhiệt huyết với mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng. 

Theo thông tin từ Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, 2 trại sáng tác trước được tổ chức vào các năm 2021, 2022 đã thu được 65 tác phẩm của 36 tác giả. Các tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, nội dung phong phú và hình thức thể hiện đa dạng, tiếp tục gửi tham gia các triển lãm của Hội Mỹ thuật Việt Nam. Có 6 tác phẩm tại các trại sáng tác được Tổng cục Chính trị xét, tặng Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” năm 2021, 2022. Năm 2021, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam lựa chọn 10 tác phẩm tiêu biểu qua các trại sáng tác (2016 - 2020) đề nghị Tổng cục Chính trị lưu giữ tại Bảo tàng với mục đích quảng bá các tác phẩm mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng trong các dịp: Triển lãm chuyên đề, kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước, quân đội. Một số tác phẩm được Cục Tuyên huấn xét, chọn in trong tập “Tác phẩm mỹ thuật đề tài Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng qua các trại sáng tác giai đoạn 2016 - 2022” năm 2022. 

Các đóng góp, cống hiến của các tác giả, tác phẩm mỹ thuật đã góp phần hoàn thành tốt chức năng, trách nhiệm chính trị, xã hội của văn học, nghệ thuật, báo chí đối với nhiệm vụ xây dựng Đảng; xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.