Đa dạng các hoạt động của bảo tàng

TRỊNH CHU 06:04, 25/05/2023

Trước yêu cầu của Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và xu thế tiêu dùng văn hóa của thời đại, bảo tàng phải đa dạng các hoạt động để một mặt đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa ngày càng cao của người dân, mặt khác tìm cách thu hút công chúng đến với bảo tàng bằng những hoạt động nghiệp vụ chất lượng cao.

Người dân Đà Lạt và du khách tham quan Không gian văn hóa Chăm tại Bảo tàng Lâm Đồng.
Người dân Đà Lạt và du khách tham quan Không gian văn hóa Chăm tại Bảo tàng Lâm Đồng.

Nhu cầu của người dân trong hưởng thụ, tiếp cận các giá trị văn hóa càng ngày càng tăng là một điều kiện thuận lợi để bảo tàng mở rộng cánh cổng chào đón du khách đến tham quan, tìm hiểu. Tất nhiên, đi kèm với đó sẽ là những đòi hỏi về chất lượng nghiệp vụ. Thành ra, phải cần sự đột phá trong hoạt động nghiệp vụ của bảo tàng. Nếu trước đây bảo tàng chỉ thực hiện một số nhiệm vụ chuyên môn: sưu tầm, kiểm kê, bảo quản, trưng bày, giới thiệu các di sản văn hóa, cùng các bằng chứng vật chất về thiên nhiên, con người và môi trường sống của con người, nay cũng vẫn là những hoạt động nghiệp vụ đó nhưng đã được làm mới bởi những câu chuyện mới, gửi gắm những thông điệp mới qua những triển lãm chuyên đề, đi kèm những thông tin, kết quả nghiên cứu trên cơ sở sự trợ giúp của công nghệ, hoặc làm mới bằng cách liên kết, phối hợp với các bảo tàng khác tổ chức trao đổi hiện vật (phiên bản và nguyên bản) để du khách thấy rằng bảo tàng luôn có những cái mới, không hề bị đơn điệu và thụ động.

Nói về việc phối hợp với Bảo tàng Lâm Đồng tổ chức cuộc triển lãm Văn hóa Chăm - Ninh Thuận diễn ra tại Bảo tàng Lâm Đồng vào hạ tuần tháng 4/2023, ông Lê Phú Dũng - Giám đốc Bảo tàng Ninh Thuận, chia sẻ: “Đó là một hoạt động rất cần thiết giữa những người làm công tác bảo tàng. Bởi sự liên kết không chỉ góp phần làm tăng tính đa dạng của các hiện vật văn hóa, còn bổ sung cho nhau những thiếu khuyết trong việc cung cấp các dịch vụ văn hóa đến với công chúng. Tôi mong, thời gian tới, 2 bảo tàng sẽ có nhiều chương trình liên kết hơn nữa, giới thiệu sâu rộng hơn nữa những giá trị văn hóa đặc trưng của 2 tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng”. Rõ ràng, việc Bảo tàng Lâm Đồng và Bảo tàng Ninh Thuận tổ chức trưng bày gần 160 hiện vật, hình ảnh, tư liệu về văn hóa Chăm tại Bảo tàng Lâm Đồng đã mang đến cho người dân Đà Lạt một trải nghiệm mới. “Thông qua những hiện vật, hình ảnh, tư liệu được trưng bày ở đây đã cho tôi biết thêm những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của người Chăm - Ninh Thuận. Tôi thật bất ngờ khi đến Đà Lạt mà vẫn có cơ hội chiêm ngưỡng những di sản văn hóa Chăm”, chị Ngô Khánh Ngân, một du khách đến từ TP Hồ Chí Minh, tỏ rõ sự phấn khích. Ông Bá Văn Quyến, chuyên viên Bảo tàng Ninh Thuận, chia sẻ thêm: “Bên cạnh 2 di tích kiến trúc - tháp Pô Klong Garai và tháp Hòa Lai - đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích cấp Quốc gia đặc biệt, người Chăm còn có 2 bảo vật Quốc gia - bia Hòa Lai và phù điêu tượng vua Pô Rômê, cùng 3 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia gồm lễ hội Katê, nghệ thuật làm gốm ở làng Bàu Trúc và nghi lễ đầu năm của làng Bỉnh Nghĩa”.

Theo ông Bá Văn Quyến, ngay cả những công cụ lao động, đồ tự khí, nhạc cụ, văn tự, phục trang của người Chăm cũng mang một dấu ấn rất riêng. Chưa kể, người Chăm còn rất giỏi nghề thủ công. Nổi trội hơn cả trong những nghề thủ công, là nghề nặn gốm và nghề dệt thổ cẩm. Trước đó, dịp Festival Hoa Đà Lạt 2022, Bảo tàng Lâm Đồng phối hợp với bảo tàng các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum cùng sưu tập, tuyển chọn, trưng bày trên 100 tượng gỗ Tây Nguyên trong không gian rừng thông đã mang lại cho người dân Đà Lạt và du khách rất nhiều sự thiện cảm.

Trong bối cảnh hiện nay, việc chủ động liên kết giữa bảo tàng và bảo tàng, giữa bảo tàng và công ty lữ hành là đòi hỏi khách quan và tất yếu để tạo ra sức mạnh, tăng tính cạnh tranh trên cơ sở chia sẻ lợi ích. Đa dạng các hoạt động nghiệp vụ thông qua việc kết nối cũng là cách để bảo tàng có khách hàng thường xuyên, chứ không còn bó hẹp trong những sự kiện của địa phương, hay các dịp lễ lớn của đất nước.