Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S làm việc với Trung tâm Y tế Đà Lạt và Lạc Dương

AN NHIÊN 17:34, 23/05/2023

(LĐ online) - Chiều 23/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S đã làm việc với Trung tâm Y tế Đà Lạt và Lạc Dương.  Đây là 2 đơn vị cuối cùng trong chương trình kiểm tra tình hình hoạt động của hệ thống y tế cơ sở toàn tỉnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S  phát biểu chỉ đạo tại Trung tâm Y tế Đà Lạt
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu chỉ đạo tại Trung tâm Y tế Đà Lạt

Tại TP Đà Lạt, Thạc sỹ - Bác sỹ Nguyễn Thị Hiếu Hòa - Giám đốc Trung tâm Y tế Đà Lạt báo cáo tóm tắt tình hình hoạt động của đơn vị; trong đó, có công tác phòng chống và tiêm ngừa Covid-19 và các hoạt động y tế dự phòng.

Hiện nay, Trung tâm Y tế Đà Lạt là Trung tâm Y tế tuyến huyện đa chức năng, thực hiện nhiệm vụ y tế  dự phòng, điều trị, dân số - KHHGĐ. Trung tâm không có cơ sở điều trị nội trú, chỉ được bố trí các giường lưu bệnh, xử trí ban đầu và chuyển tuyến; có 2 khoa chuyên môn và 20 đơn vị trực thuộc. Nhân lực có 203 người, so với chỉ tiêu nhân lực giao 234 (còn thiếu 29, chưa tuyển dụng được). Trong đó, có 45 bác sĩ, 4 chuyên khoa I y tế công cộng, 9 dược sĩ và 119 điều dưỡng, kỹ thuật viên, nữ hộ sinh, y sĩ... 
Ngành y tế Đà Lạt thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực y tế, ứng dụng hiệu quả hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ký số văn bản điện tử 99%; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khám chữa bệnh, lập hồ sơ sức khỏe điện tử cho người dân, tỷ lệ tạo lập 94%. Thanh toán không dùng tiền mặt trong hầu hết các hoạt động thu chi. Thực hiện quét mã QR trong thanh toán viện phí cho người dân tại các cơ sở khám chữa bệnh tuyến thành phố. Triển khai sử dụng căn cước công dân gắn chíp khi người dân đến khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế. 
Định hướng phát triển từ nay đến 2025, ngành y tế TP Đà Lạt tiếp tục thực hiện tốt công tác phòng chống các dịch bệnh lây nhiễm, phòng và kiểm soát bệnh không lây; đảm bảo công tác an toàn vệ sinh thực phẩm; các chương trình dự án y tế; đảm bảo tiêm chủng đầy đủ, an toàn; thực hiện tốt công tác dân số trong tình hình mới. Tiếp tục thực hiện Đề án Củng cố và hoàn thiện y tế cơ sở trong tình hình mới; thực hiện chuyển đổi số y tế, thực hiện các giải pháp nhằm tăng thu hút bệnh nhân về khám chữa bệnh tại tuyến y tế cơ sở. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng; đảm bảo cung ứng thuốc, vật tư y tế…; đề xuất bổ sung các phương tiện, trang thiết bị phục vụ hoạt động.  
Tuy nhiên, hiện Trung tâm Y tế Đà Lạt có cơ sở phân tán (4 địa điểm), mô hình tổ chức hoạt động đặc thù không có giường bệnh nội trú, khó khăn cho quản lý và tổ chức các hoạt động. Vì vậy, lãnh đạo Trung tâm Y tế Đà Lạt kiến nghị UBND tỉnh bố trí quỹ đất, xây dựng Trung tâm Y tế đa chức năng để tổ chức hoạt động theo mô hình chung, đảm bảo thực hiện nhiệm vụ theo quy định. Xem xét hỗ trợ cho các đối tượng (hiện đang làm việc tại Trung tâm Y tế các huyện, thành phố) chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo Nghị quyết 05/NQ-CP bằng với mức quy định tại Nghị quyết 05/NQ-CP hoặc kiến nghị Chính phủ bổ sung quy định đối tượng được hưởng. Có chính sách thu hút đặc thù; quy định tiêu chuẩn bổ nhiệm trưởng, phó trạm y tế trong thời gian chuẩn hóa chuyên môn viên chức y tế. Bố trí kinh phí để nâng cấp cơ sở hạ tầng thiết bị, thuê phần mềm, kinh phí điều tra cơ sở dữ liệu hộ gia đình để lập hồ sơ sức khỏe điện tử, hỗ trợ cho các hoạt động. Quy định định mức chi cụ thể các hoạt động; điều chỉnh quy định đền bù kinh phí sau đào tạo. 
Lãnh đạo Sở Y tế và UBND TP Đà Lạt cũng đã có một số ý kiến xung quanh vấn đề kiến nghị của ngành y tế Đà Lạt và đề xuất UBND tỉnh xem xét tháo gỡ. 
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S phát biểu trên cơ sở các kiến nghị của Trung tâm Y tế Đà Lạt từ địa phương đến cấp ngành, UBND tỉnh sẽ xem xét theo thẩm quyền. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh ghi nhận,  cảm ơn đội ngũ y bác sỹ vì sự nghiệp chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tỉnh nói chung và TP Đà Lạt nói riêng, đặc biệt trong phòng chống dịch Covid-19. So với các địa bàn khác thì Trung tâm Y tế Đà Lạt đạt các chỉ số về tỉ lệ bác sỹ/dân số cao. Tuy nhiên, hạn chế về cơ sở vật chất phân tán; thiếu nhân lực, thực hiện không đủ chỉ tiêu biên chế. Lãnh đạo tỉnh thống nhất phương hướng hoạt động của đơn vị, tập trung phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm; đảm bảo thuốc phục vụ khám chữa bệnh; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị; tiếp tục thực hiện chuyển đổi số; xây dựng đề án, phương án phát triển trung tâm y tế đa chức năng.  


* Tại huyện Lạc Dương, BSCKII Hoàng Ngọc Túy – Giám đốc Trung tâm Y tế huyện báo cáo tóm tắt hoạt động của đơn vị từ năm 2022 đến nay. 
Trung tâm Y tế huyện có 1 Bệnh viện hạng III quy mô 30 giường bệnh, đạt chỉ số 8,7  bác sỹ /10.000 dân với  28 bác sỹ (toàn tỉnh 8,23 bác sĩ/10.000 dân); mới đạt 9,3 giường bệnh/10.000 dân (toàn tỉnh 20,5 giường bệnh/10.000 dân). Tổng số nhân lực 98 người, chưa đạt chỉ tiêu biên chế giao (106 người). 

Ông Cill Poh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương kiến nghị về tình hình thiếu thuốc
Ông Cill Poh – Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương kiến nghị về tình hình thiếu thuốc

Thời gian qua, ngành y tế huyện Lạc Dương tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc men, hoá chất, vật tư phục vụ công tác phòng chống dịch, bệnh; đảm bảo chế độ thông tin báo cáo dịch theo quy định. Đảm bảo bao phủ vắc xin phòng Covid-19 đạt tỉ lệ cao. Triển khai thực hiện đầy đủ các hoạt động y tế dự phòng và dân số đạt chỉ tiêu và tiến độ.
Định hướng 2023 -2025, ngành y tế huyện Lạc Dương tập trung đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; nâng cao chất lượng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và phục hồi chức năng. Phát triển danh mục kỹ thuật tại Trung tâm Y tế và các Trạm Y tế. 
Hiện tại, Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương đã lập tờ trình đề nghị phân vùng cho các xã theo Bộ tiêu chí năm 2023 phấn đấu 6 trạm đạt bộ tiêu chí về y tế giai đoạn đến 2030.
Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Lạc Dương đề xuất, kiến nghị UBND tỉnh có ý kiến về chế độ đối với một bộ phận cán bộ, viên chức chưa được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề theo nghị định 05/2022/NĐ–CP. Đồng thời, kiến nghị UBND huyện tiếp tục chỉ đạo UBND các xã, thị trấn và các ban ngành, đoàn thể tại địa phương phối kết hợp chặt chẽ với ngành y tế trong công tác thực hiện Bộ tiêu chí quốc gia về yvtế xã đến năm 2030 và công tác phòng chống dịch.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Sở Y tế và UBND huyện Lạc Dương cũng đã phát biểu về một số vấn đề đặt ra cho ngành y tế Lạc Dương hiện nay và định hướng trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S ghi nhận sự nỗ lực của ngành y tế huyện Lạc Dương trong công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn. Cơ sở vật chất y tế cơ sở vùng sâu, vùng xa được đầu tư và đạt chỉ số bác sĩ/dân số cao. 
Tuy nhiên, hạn chế rõ nhất là chỉ số giường bệnh, công suất sử dụng giường bệnh thấp. Vì vậy, lãnh đạo tỉnh yêu cầu trong thời gian tới, ngành y tế Lạc Dương tiếp tục phát huy mặt làm được, khắc phục khó khăn, nhất là tình trạng thiếu thuốc, tổng hợp báo cáo Sở Y tế về các loại thuốc hiếm đang thiếu (yêu cầu chung trong toàn tỉnh); rà soát các tiêu chí về Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; rà soát các nội dung để đầu tư công trung hạn. Về sửa chữa nhỏ cơ sở vật chất các trạm y tế, đề nghị huyện xem xét các nguồn kinh phí đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Về thu hút nguồn nhân lực cho ngành y tế nói chung, UBND tỉnh đang giao Sở Nội vụ tham mưu chính sách này. Riêng về đào tạo, đơn vị cần xem xét tạo điều kiện cho anh em tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.