Xây dựng nông thôn mới: Diện mạo khởi sắc, tư duy thay đổi

HOÀNG SA 06:09, 05/05/2023

Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng Nông thôn mới (NTM) những năm qua luôn được các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam trong tỉnh chú trọng phát huy vai trò lãnh đạo; tạo sự đồng thuận, nhất trí trong hệ thống chính trị và quần chúng Nhân dân để thực hiện tốt những mục tiêu đề ra. Qua đó, bộ mặt nông thôn trên địa bàn tỉnh ngày thêm khởi sắc, phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên.

Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên
Thu hoạch lúa trên cánh đồng mẫu lớn tại xã Gia Viễn, huyện Cát Tiên

HUY ĐỘNG HƠN 1.000 TỶ ĐỒNG XÂY DỰNG NTM

Theo UBND tỉnh, đến nay, toàn tỉnh đã có 107/111 xã (98,2%) đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Trong đó, giai đoạn 2010-2015 có 44 xã; giai đoạn 2016-2020 có 57 xã; năm 2021 có 6 xã. Bên cạnh đó, còn 4 xã đạt 17/19 tiêu chí thuộc huyện Đam Rông; có 33 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, trong đó có 9 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Mặt khác, hiện có 5 huyện được công nhận đạt chuẩn NTM gồm huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà; 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM là Đà Lạt và Bảo Lộc. Hiện nay, các huyện còn lại tiếp tục rà soát hoàn thiện, nâng cao các tiêu chí huyện nông thôn mới, lập hồ sơ đề nghị công nhận huyện NTM theo quy định.

Ngoài ra, toàn tỉnh Lâm Đồng đã có 100% số xã hoàn thành công tác quy hoạch chung xây dựng NTM, đã công bố công khai và ban hành quy định quản lý quy hoạch chung xây dựng NTM. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch xây dựng vùng huyện được thực hiện tại 10/10 huyện. Trong đó, có 4/7 huyện đã được UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt gồm Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà. Bên cạnh đó, quy hoạch vùng huyện Di Linh và Đam Rông đang hoàn thiện lại đồ án và quy hoạch vùng Bảo Lâm đang điều chỉnh nhiệm vụ theo ý kiến UBND tỉnh cùng với việc tổ chức lập đồ án quy hoạch vùng huyện Đơn Dương, Lạc Dương.

Riêng trong giai đoạn 2021-2023, tổng nguồn vốn huy động để thực hiện Chương trình NTM trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng là 1.009.245 triệu đồng; bao gồm, nguồn vốn Trung ương là 349.367 triệu đồng, nguồn vốn ngân sách địa phương là 659.878 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, UBND tỉnh đã phân bổ để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ đời sống, sản xuất của người dân tại các xã NTM; đồng thời, nâng cao chất lượng và hoàn thành các tiêu chí NTM tại các xã theo kế hoạch. Qua đó, trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã khởi công xây dựng mới và nâng cấp 284 công trình với 209 km đường giao thông, 166 m cầu, cống và nhiều công trình phúc lợi công cộng trên các xã NTM.

CHÚ TRỌNG ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, NÂNG CAO THU NHẬP

Trong xây dựng NTM, mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng cuộc sống người dân nông thôn, xây dựng nên những vùng quê trù phú. Chính vì thế, việc đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn được các cấp, chính quyền tỉnh Lâm Đồng chú trọng thực hiện trong việc xây dựng NTM.

Đến nay, các địa phương tích cực thực hiện công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng với 12.123 ha được trồng mới, chuyển đổi; trong đó, tái canh, cải tạo cà phê 5.349 ha, tái canh cải tạo và chuyển đổi diện tích điều 1.368 ha, chuyển đổi cây trồng trên đất lúa 752 ha, chuyển đổi cây trồng khác 3.624 ha. Đặc biệt, trong sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tiếp tục phát triển trên nhiều đối tượng cây trồng với 63.896 ha, tăng 788 ha so với năm 2021. Ngoài ra, có trên 377 ha canh tác áp dụng công nghệ số trong quản lý chăm sóc cây trồng.

Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2022, trên địa bàn toàn tỉnh có 4 liên hiệp hợp tác xã (HTX) đang hoạt động theo Luật HTX năm 2012 với 25 HTX thành viên. Các liên hiệp HTX đang phát huy tốt vai trò giới thiệu, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên tự sản xuất và tự ký kết hợp đồng. Mặt khác, toàn tỉnh hiện có 375 HTX nông nghiệp, tăng 9 HTX so với năm 2021 với 8.459 thành viên. Doanh thu bình quân các HTX ước đạt khoảng 2,25 tỷ đồng/năm; lợi nhuận bình quân khoảng 358 triệu đồng/HTX/năm. 

Ngoài ra, toàn tỉnh hiện đang có 190 chuỗi liên kết với 18.631 hộ liên kết (16,178 hộ trồng trọt và 2.453 hộ chăn nuôi), quy mô liên kết trong trồng trọt đạt 30.528 ha với sản lượng 437.226 tấn; chăn nuôi đạt 850.817 con với sản lượng đạt 126.560 tấn. Triển khai thực hiện Đề án liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ nông sản, tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo đơn vị chuyên môn thực hiện quản lý chuỗi thường xuyên phối hợp với các địa phương, chủ trì liên kết để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đã được phê duyệt. 

Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm xây dựng nông thôn mới, UBND tỉnh đã đưa ra những tiêu chí và nội dung cụ thể trong Chương trình xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025. Trong đó, chú trọng nâng cao hiệu quả cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao hiệu quả quản lý và thực hiện xây dựng NTM theo quy hoạch nhằm nâng cao đời sống kinh tế - xã hội nông thôn gắn với quá trình đô thị hóa; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, cơ bản đồng bộ, hiện đại, bảo đảm kết nối nông thôn - đô thị và kết nối các vùng, miền; nâng cao chất lượng giáo dục, y tế và chăm sóc sức khỏe người dân nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống văn hóa của người dân nông thôn; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống theo hướng bền vững gắn với phát triển kinh tế du lịch nông thôn...