Phát huy tình đoàn kết các dân tộc

VIẾT TRỌNG 00:05, 06/06/2023

Tại một địa bàn với đông đảo các dân tộc cùng sinh sống, một Bí thư Chi bộ thôn đã phát huy vai trò của người uy tín tiêu biểu trong cộng đồng, đoàn kết các dân tộc để cùng nhau xây dựng nông thôn mới, xây dựng cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn trên vùng đất mới Lâm Hà.

Bà Triệu Thị Sa (đầu tiên bên phải) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Hát then, đàn tính
Bà Triệu Thị Sa (đầu tiên bên phải) cùng các thành viên trong Câu lạc bộ Hát then, đàn tính

Đó là bà Triệu Thị Sa - Bí thư Chi bộ thôn Thanh Bình, xã Tân Thanh, huyện Lâm Hà. Năm nay 63 tuổi (sinh năm 1960), bà Sa người dân tộc Tày, quê ở Cao Bằng, cùng gia đình vào Lâm Đồng lập nghiệp từ năm 1992, đến nay đã sinh sống và làm việc trên 30 năm tại vùng đất mới Tân Thanh, Lâm Hà.

Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Thái Nguyên nên khi vào Lâm Hà bà làm giáo viên rồi cán bộ quản lý của Trường Trung học cơ sở (THCS) Hoài Đức, THCS Tân Thanh, THCS Lê Văn Tám trên địa bàn Lâm Hà. Bà nghỉ hưu từ năm 2015 và bắt đầu tham gia các hoạt động cộng đồng tại thôn, xã nơi mình sinh sống.
Thôn Thanh Bình hiện có 243 hộ với 928 khẩu trong đó có 58 hộ đồng bào dân tộc thiểu số Tày, Nùng phía Bắc, 39 hộ dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên, 3 hộ dân tộc Mường; 3 hộ dân tộc Thái, còn lại là người Kinh. Chi bộ thôn hiện có 9 đảng viên.

Là thôn có nhiều dân tộc thiểu số cùng sinh sống, nên bà đã dành thời gian đến thăm các gia đình người dân trong thôn, đặc biệt là các gia đình khó khăn, gia đình người dân tộc thiểu số để biết được hoàn cảnh của từng hộ gia đình. Với những gia đình khó khăn, bà bàn với địa phương tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ trong công tác giảm nghèo, vận động các hộ nỗ lực vươn lên thoát nghèo, phát triển sản xuất.

Bà cũng đi đầu trong việc vận động dân trong thôn cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, làm đường giao thông, lắp đặt đường điện chiếu sáng, phòng, chống dịch bệnh COVID-19, giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc địa phương.

Trong 5 năm gần đây, bà cùng các đoàn thể đã vận động người dân trong thôn đối ứng hơn 2 tỷ đồng để làm đường bê tông với tổng chiều dài 4,2 km; đóng góp gần 550 ngày công để trồng và chăm sóc hoa cỏ lạc ven đường, làm sân bê tông hội trường thôn, ra quân tổng vệ sinh đường làng, ngõ xóm.

Gia đình bà cũng tự nguyện hiến 2.000 m2 đất làm đường liên thôn. Bản thân bà luôn tích cực ra quân cùng mọi người tham gia trồng hoa, trồng cây xanh tạo bóng mát cho thôn xóm. “Cơ bản là nói sao cho người dân hiểu lợi ích của việc làm đường, làm các công trình công cộng để người dân đồng tình. Có đường giao thông thuận lợi thì bộ mặt nông thôn sẽ khác hẳn. Bản thân mình cũng phải làm gương, để vận động người dân tham gia thì mình cũng phải đi đầu”, bà Sa cho biết.

Bà Sa tại thôn đã cùng nhiều người vận động dân đóng góp được 50 triệu đồng xây dựng Quỹ Đội tự quản bảo vệ an ninh trật tự của thôn. Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát trong tỉnh, bà cùng đoàn thể trong thôn đã vận động người dân đóng góp, ủng hộ được 3,6 tấn rau, củ các loại cho bà con vùng dịch.

Từng là giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục nên khi về hưu, bà tích cực tham gia công tác khuyến học của thôn và của xã Tân Thanh. Hiện, bà là Chủ tịch Hội Cựu giáo chức liên xã Hoài Đức - Tân Thanh và Phó Chủ tịch Hội Khuyến học của xã. Trong nhiều năm nay, Hội Khuyến học xã đã tích cực vận động xây dựng Quỹ Khuyến học ở các thôn, các dòng họ và các trường học trên địa bàn. Đến nay, tổng Quỹ Khuyến học của xã Tân Thanh đạt 234,6 triệu đồng, trong đó Chi hội Khuyến học các thôn có quỹ 29,6 triệu đồng; của các dòng họ 39 triệu đồng và của các trường học trên địa bàn do phụ huynh học sinh đóng góp 166 triệu đồng. Hội Khuyến học xã dùng quỹ này để khen thưởng học sinh có thành tích trong học tập và rèn luyện cũng như tặng học bổng khuyến học cho học sinh gia đình có hoàn cảnh khó khăn hiếu học. “Hầu như không có học sinh dân tộc thiểu số bỏ học. Đã có không ít các em học sinh dân tộc thiểu số trong xã đạt thành tích cấp trường, cấp huyện và có cả cấp tỉnh. Có 2 em học sinh người Dao, người Tày của xã tham dự kỳ thi giỏi tiếng Việt cấp tỉnh cho học sinh tiểu học”, bà cho biết.

Năm 2019, bà đứng ra thành lập Câu lạc bộ Hát then, đàn tính tại xã nhằm gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Nùng trên vùng đất mới Tân Thanh. Câu lạc bộ được coi như một sân chơi giao lưu, trao đổi và chia sẻ giữa các gia đình, nơi để các hội viên thể hiện năng khiếu và niềm đam mê văn nghệ, đặc biệt là trình diễn những bài then tự đặt lời có nội dung tình yêu quê hương, đất nước, tình đoàn kết gắn bó của các dân tộc, góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị tại địa phương. Đến nay, câu lạc bộ này đã có 29 thành viên tham gia. Câu lạc bộ đến nay đã tổ chức nhiều chuyến giao lưu đến các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh; từng cử thành viên tham gia hát then tại các tỉnh, thành như: Hà Giang, Đồng Nai, Đắk Lắk, TP Hồ Chí Minh... Tại Hội thi Tiếng hát dân ca và nhạc cổ truyền do Nhà Văn hóa Lao động tỉnh Lâm Đồng tổ chức năm 2019, Câu lạc bộ của xã từng đoạt giải Nhì và giải Ba; trong năm 2022 vừa qua đoạt cả giải Nhất và giải Nhì. Nhiều cá nhân trong Câu lạc bộ được địa phương khen vì những đóng góp của mình trong phong trào văn hóa văn nghệ.

Những thành tích, đóng góp cho cộng đồng của bà Triệu Thị Sa đã được các cấp ghi nhận, khen thưởng. Bà cũng chính là 1 trong 5 điển hình tiên tiến của Lâm Đồng, được tỉnh giới thiệu tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc nhân dịp 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948-11/6/2023) tại Hà Nội sắp đến.