(LĐ online) - Đó là nhấn mạnh của ông Trần Hùng Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương tại hội nghị triển khai kế hoạch phát động phong trào thi đua phát triển xã hội số, xây dựng công dân số, văn hóa số trên địa bàn huyện vào chiều 25/7.
Quang cảnh hội nghị |
Huyện Đơn Dương xác định phát triển xã hội số, đẩy nhanh xây dựng công dân số, giúp người dân có khả năng kết nối, tương tác và thành thạo kỹ năng số để sử dụng các dịch vụ số, từ đó hình thành các mối quan hệ mới trong môi trường số, thói quen số và văn hóa số. Huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị trong công tác tuyên truyền, hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng công nghệ thông tin, tham gia tích cực vào quá trình chuyển đổi số toàn dân, toàn diện.
Phong trào thi đua phát triển xã hội số, văn hóa số, công dân số được phát động từ ngày 1/8 đến 31/12/2023, triển khai sâu rộng đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang, học sinh và toàn thể Nhân dân.
Mục tiêu hướng dẫn người dân sử dụng thành thạo kỹ năng số để có thể truy cập và tương tác với các dịch vụ công và tư về tài chính, giáo dục, y tế, giao thông và nhiều tiện ích khác bằng công nghệ số, từ đó phát triển công dân số với nội dung, hình thức phong phú, thiết thực, phù hợp và đạt hiệu quả.
Các nội dung cụ thể như: Phát triển xã hội số trên địa bàn huyện, đảm bảo mỗi công dân đều được tiếp cận các ứng dụng, dịch vụ số, có khả năng thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử và tham gia các nền tảng số phục vụ đời sống xã hội; phát triển công dân số, tổ chức tuyên truyền, phổ biến lợi ích của các ứng dụng, dịch vụ số đến với người dân; hỗ trợ người dân cài đặt và sử dụng các ứng dụng, dịch vụ số; phát triển văn hóa số để người dân có khả năng truy cập các nguồn thông tin số, khả năng giao tiếp trong môi trường số, kỹ năng số cơ bản, mua bán hàng hóa trên mạng, chuẩn mực đạo đức trong môi trường số, bảo vệ thể chất và tâm lý trước các ảnh hưởng từ môi trường số, quyền và trách nhiệm trong môi trường số, định danh và xác thực, dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư trong môi trường số; từng bước hình thành thói quen sử dụng mạng internet để thực hiện các hoạt động, giao dịch và hình thành văn hóa giao tiếp, ứng xử trên môi trường mạng.
Huyện Đơn Dương cũng đề ra chỉ tiêu thi đua đợt cao điểm. Trong đó, có 100% cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang, giáo viên, học sinh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo chuyển đổi số huyện, thành viên các Tổ công nghệ số cộng đồng được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số dưới mọi hình thức; 100% các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch hoạt động Tổ công nghệ số cộng đồng và hoạt động có hiệu quả; 80% người dân thực hiện thủ tục hành chính có tài khoản trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 50% người dân có điện thoại thông minh cài ứng dụng “Đơn Dương trực tuyến”; 100% người dân trong độ tuổi đủ điều kiện, đăng ký và sử dụng tài khoản định danh điện tử mức 2 (VNeID)…
Bên cạnh đó, hội nghị cũng bàn các giải pháp triển khai mô hình “Chợ 4.0 - QR code” thanh toán điện tử QR Code tại chợ Thạnh Mỹ và Lạc Nghiệp. Thời gian hoàn thành trước 30/9/2023.
Bộ tiêu chí nông thôn mới kiểu mẫu có quy định mô hình thôn thông minh, gồm: Tổ công nghệ số cộng đồng; giao tiếp thông minh; thương mại điện tử; du lịch thông minh; dịch vụ xã hội. Đây là một trong những nội dung mới trong giai đoạn 2021 - 2025. Đây chính là tiền đề ứng dụng chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu mà huyện Đơn Dương đang hướng đến.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin