Làm gì để nâng Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công của tỉnh? (bài cuối)

VIẾT TRỌNG 06:53, 14/08/2023
 

Bài 2: Để cải thiện Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công

 

Trên cơ sở Báo cáo Chỉ số Hiệu quả quản trị và Hành chính công (PAPI) cấp tỉnh năm 2022, Sở Nội vụ Lâm Đồng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đưa ra một số giải pháp cơ bản để cải thiện chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian đến.

Người dân và các tổ chức trong tỉnh đã ngày càng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính nhiều hơn. Trong ảnh: Thu phí hỗ trợ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng
Người dân và các tổ chức trong tỉnh đã ngày càng sử dụng dịch vụ công trực tuyến trong giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính nhiều hơn. Trong ảnh: Thu phí hỗ trợ thanh toán trực tuyến tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Lâm Đồng

TĂNG CƯỜNG SỰ THAM GIA CỦA NGƯỜI DÂN Ở CẤP CƠ SỞ

Trước nhất cần đa đạng hóa việc tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến người dân; công khai, minh bạch trong việc bầu cử, sử dụng kinh phí hoạt động; nâng cao trách nhiệm của Ban Thanh tra nhân dân ở cấp cơ sở.

Sở Nội vụ và ngành chức năng cũng đề nghị các địa phương trong tỉnh tăng cường công tác truyền thông, kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy trình rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo hằng năm theo quy định; tăng cường truyền thông công tác giảm nghèo ở cấp xã, thôn thông qua nhiều hình thức, trong đó có phổ biến tại các cuộc họp dân; đối thoại với hộ nghèo nhằm đánh giá việc thực hiện chính sách, thu nhận các phản ảnh, góp ý của người nghèo; tạo điều kiện thuận lợi để người dân tham gia nhiều hơn vào quá trình xây dựng kế hoạch, giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo tại địa phương; bản thân hộ nghèo, cận nghèo cần chủ động đăng ký nhu cầu cần hỗ trợ nhà nước để hộ gia đình vươn lên thoát nghèo.

Các địa phương trong tỉnh cũng cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân để phản ánh, kiến nghị với các cấp chính quyền, nhằm tăng cường sự tương tác giữa chính quyền và người dân; tập huấn nâng cao năng lực đối với cán bộ làm công tác giảm nghèo tại cơ sở; thực hiện nghiêm túc việc bình xét hộ nghèo và niêm yết công khai danh sách hộ nghèo.

Các cấp chính quyền cũng cần tăng cường chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện niêm yết công khai, minh bạch, kịp thời các quy hoạch sử dụng đất trên địa bàn, kế hoạch sử dụng đất hàng năm, quy hoạch xây dựng, khung giá đền bù thu hồi đất; các quy định, chính sách liên quan đến đền bù, hỗ trợ, giải tỏa, tái định cư; kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; tiếp tục thực hiện rà soát các cơ chế chính sách trong lĩnh vực tài nguyên - môi trường, nhất là lĩnh vực đất đai nếu còn bất cập thì đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế và đúng theo quy định của pháp luật quy định.

Các cấp cũng cần thực hiện tốt hơn việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo kỳ trước chuyển sang và giải quyết kịp thời các vụ việc mới phát sinh, bảo đảm thời hạn quy định, hạn chế thấp nhất đơn thư quá hạn.

ĐƠN GIẢN HÓA THỦ TỤC HÀNH CHÍNH 

Các cấp chính quyền, địa phương cần thường xuyên, kịp thời cập nhật, công bố, công khai thủ tục hành chính (TTHC) dưới nhiều hình thức khác nhau, tạo thuận lợi cho người dân, tổ chức tìm hiểu và thực hiện, đồng thời vận hành và khai thác có hiệu quả Cơ sở dữ liệu TTHC trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Đồng thời, chú trọng thực hiện có hiệu quả Đề án đổi mới thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC theo quy định; cho rà soát, phê duyệt danh mục TTHC đủ điều kiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến từng phần và toàn trình, danh mục dịch vụ công trực tuyến tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia địa bàn tỉnh Lâm Đồng năm 2023.

Cần nâng cao chất lượng giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông; thực hiện nghiêm việc tiếp nhận, giải quyết TTHC, dịch vụ công; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới phương thức, lề lối làm việc, kiên quyết xử lý theo đúng quy định cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, tự ý đặt ra TTHC không đúng quy định hoặc để chậm, để muộn hồ sơ nhiều lần.

Trong quá trình thực hiện, cần đề xuất loại bỏ các thủ tục rườm rà, chồng chéo dễ bị lợi dụng để tham nhũng, gây khó khăn cho người dân, tổ chức; loại bỏ các thành phần hồ sơ không cần thiết, không hợp lý; tích hợp, cắt giảm mạnh các mẫu đơn, tờ khai và các giấy tờ không cần thiết hoặc có nội dung thông tin trùng lặp trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số và các cơ sở dữ liệu sẵn có (cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư).

Bên cạnh đó, các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện tốt Quy chế phối hợp tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh; đẩy mạnh việc kiểm tra xử lý phản ánh, kiến nghị về TTHC liên quan đến sự chậm trễ, hành vi gây phiền hà, không thực hiện hoặc thực hiện không đúng quy định hành chính trong giải quyết TTHC của các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh.

LÀM TỐT VIỆC CUNG ỨNG DỊCH VỤ CÔNG

Với y tế công lập, ngành Y tế Lâm Đồng trong thời gian đến cần tiếp tục chỉ đạo các cơ sở khám,chữa bệnh sửa chữa, nâng cấp cơ sở vật chất, tăng thêm giường bệnh đảm bảo không để xảy ra tình trạng nằm ghép và nằm chung phòng nam nữ, phấn đấu đến năm 2025 đạt 3.670 giường bệnh trên địa bàn toàn tỉnh.

Ngành Y tế cũng được yêu cầu tiếp tục nâng cao chất lượng chuyên môn từ tuyến tỉnh đến tuyến cơ sở, tập trung phát triển các kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân; thực hiện các quy định về kê đơn thuốc bằng hình thức điện tử; tiếp tục tổ chức các diễn đàn lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân viên y tế; định kỳ cuối năm Sở Y tế nên lấy phiếu khảo sát ý kiến của nhân viên y tế tại biểu mẫu số 03 được quy định tại Quyết định số 3869, ngày 28/8/2019 của Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành các mẫu phiếu và hướng dẫn khảo sát hài lòng người bệnh và nhân viên y tế. Thông qua đó Sở Y tế và các đơn vị, tổ chức có liên quan cùng phối hợp để có phương án nhằm giảm bớt khó khăn, động viên kịp thời lực lượng y tế các tuyến của ngành Y tế tỉnh Lâm Đồng, nâng cao tinh thần phục vụ người bệnh ngày càng tốt hơn.

Với ngành Giáo dục, trong giáo dục tiểu học công lập, cần tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng theo yêu cầu Thông tư số 13, ngày 26/05/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đối với khu vực TP Đà Lạt, Bảo Lộc cần ưu tiên quỹ đất quy hoạch phát triển thêm các trường tiểu học ngoài công lập, trường quốc tế chất lượng cao nhằm giảm áp lực sĩ số trong từng lớp đối với các trường tiểu học công lập; tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia. 

Ngành Giáo dục tỉnh cũng cần tham mưu cấp có thẩm quyền thực hiện hiệu quả và hợp lý việc cắt giảm biên chế hiện nay do số học sinh ngày càng tăng theo đà tăng dân số của tỉnh. Cần nâng chuẩn trình độ giáo viên tiểu học theo Luật Giáo dục 2019; củng cố kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng trường học an toàn, lành mạnh, thân thiện, không bạo lực; quản lý chặt chẽ việc dạy thêm trái quy định; bồi dưỡng đạo đức, tác phong của đội ngũ quản lý, giáo viên trong nhà trường, gắn với việc khảo sát đo lường sự hài lòng của phụ huynh học sinh và người dân đối với chất lượng giáo dục theo quy định.

Một số giải pháp liên quan trong các lĩnh vực khác dịp này cũng được các ngành chức năng đưa ra để cải thiện Chỉ số PAPI của tỉnh trong thời gian đến, trong đó có việc tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng căn bản ở cơ sở; công tác đảm bảo an ninh trật tự khu dân cư; thực hiện tốt công tác quản trị môi trường, tăng cường thu gom xử lý bao bì hóa chất bảo vệ thực vật đã qua sử dụng trong tỉnh hiện nay...