Đà Lạt Trên 100 tỷ đồng xây dựng trường lớp cho năm học mới

VIẾT TRỌNG 16:36, 02/09/2023

(LĐ online) - Trên 100 tỷ đồng từ nguồn ngân sách tỉnh và ngân sách thành phố được sử dụng để đầu tư xây dựng mới cũng như sửa chữa nâng cấp nhiều công trình trường lớp chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 tại Đà Lạt.

Dãy phòng học mới của Trường THCS Nguyễn Du vừa xây dựng để đưa vào sử dụng trong năm học mới 2023-2024

THÊM NHỮNG PHÒNG HỌC MỚI KHANG TRANG

Cùng chúng tôi làm một vòng quanh dãy nhà vừa hoàn tất với các phòng học rộng rãi, bàn ghế bảng đen sẵn sàng, tường thơm mùi sơn mới, ông Nguyễn Văn Ánh, Hiệu trưởng Trung học cơ sở (THCS) Nguyễn Du Đà Lạt vui vẻ cho biết toàn bộ số phòng học này sẽ được đưa vào sử dụng cho học sinh trong năm học 2023-2024 này.

Nằm trong khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt, Nguyễn Du là một ngôi trường có số lượng học sinh đứng đầu của cấp học THCS tại Đà Lạt hiện nay. Toàn trường trong năm học mới này có gần 2900 học sinh, với 62 lớp học từ lớp 6 đến lớp 9. Công tác tại đây có 117 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

Công trình phòng học này có tổng vốn đầu tư khoảng 43 tỷ đồng, được nhà trường bàn giao mặt bằng từ tháng 11/2021 để xây mới hoàn toàn với tổng cộng 28 phòng học, 9 phòng bộ môn cùng các công trình phụ trợ đi theo. Đến trước thời điểm khai giảng năm học mới 2023-2024  này, toàn bộ công trình sau 2 năm thi công đã cơ bản hoàn tất để đưa vào sử dụng, chỉ còn một số hạng mục nhỏ còn lại sẽ sớm được lắp đặt.   

“Vì ưu tiên phòng học cho các lớp nên chúng tôi sử dụng thêm 4 phòng bộ môn vừa xây, cộng với 28 phòng học mới để có được 32 phòng học, đủ số phòng cho học sinh trong trường năm học này ”, ông Ánh cho biết.

THCS Nguyễn Du là ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của bậc học THCS tại thành phố Đà Lạt hiện nay. Trong 3 năm gần đây, trường có thành tích rất tốt về các hoạt động phong trào, về chất lượng giáo dục đại trà cũng như giáo dục mũi nhọn. Không chỉ có nhiều học sinh giỏi các cấp, các học sinh của trường còn giành rất nhiều giải cao trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học của tỉnh.

“Các phụ huynh và giáo viên trong trường rất vui khi thấy con em, học sinh của mình được học trong những phòng học khang trang như vậy”- ông Ánh tươi cười. Ông bày tỏ mong muốn trong thời gian đến nhà trường sẽ sớm tiếp tục được các cấp đầu tư cho giai đoạn 2 của trường, trong đó có việc xây mới một khu hiệu bộ để thay thế khu nhà đã xuống cấp hiện nay cùng một nhà thi đấu đa năng cho học sinh.

TRÊN 102 TỶ ĐỒNG ĐẦU TƯ TRƯỜNG LỚP CHO NĂM HỌC MỚI

Toàn thành phố Đà Lạt hiện nay có 77 trường và 3 cơ sở giáo dục với tổng cộng khoảng 59 nghìn học sinh, trong đó có 33 trường mầm non (17 trường công lập, 16 trường công lập); 27 trường tiểu học (TH); 5 trường THCS; 5 trường có cấp THCS và trung học phổ thông (THPT); 5 trường THPT; có 1 trường có 2 cấp học (TH và THCS Athena); 1 trường có 3 cấp học (Phổ thông Hermann Gmeiner). Có 3 cơ sở giáo dục là trường Khiếm thính Lâm Đồng; trường Thiểu năng Hoa Phong Lan và Trung tâm Giáo dục thường xuyên tỉnh Lâm Đồng tại Đà Lạt. Trong tổng số các trường trên, Phòng Giáo dục Đào tạo (GD ĐT) Đà Lạt quản lý 49 trường với khoảng 46 nghìn học sinh, còn lại do Sở GD ĐT Lâm Đồng quản lý.

Trong 49 trường cấp thành phố quản lý này, theo Phòng GD ĐT Đà Lạt, có tổng cộng 1.886 cán bộ, giáo viên, nhân viên đang làm việc căn cứ vào con số được giao cho năm 2023, trong đó số hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo là 1.791 người, số hưởng lương từ nguồn thu học phí 95 người. Tính đến nay số cán bộ quản lý giáo viên nhân viên làm việc đã được tuyển dụng 1.725 người, trong đó số hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo là 1.675 người, số hưởng lương từ nguồn thu học phí 50 người. Trong 156 người làm việc nhưng chưa tuyển dụng, có 111 người hưởng lương từ nguồn ngân sách nhà nước đảm bảo; 45 người còn lại hưởng lương từ nguồn thu học phí. Để chuẩn bị cho năm học 2023-2024, UBND thành phố Đà Lạt đã lên kế hoạch tiếp nhận viên chức từ nơi khác về thành phố, theo đó tổng tiếp nhận là 53 chỉ tiêu, dự kiến sẽ tiếp nhận khoảng 30 người.

Về học sinh các cấp học thuộc Phòng quản lý, trong năm học mới 2023-2024 này, bậc học mầm non với 33 trường, số lượng có tăng hơn năm học trước trên 100 học sinh; số lớp cũng tăng hơn năm trước 8 lớp, nâng từ 429 lên 437 lớp với tổng số trên 13 640 học sinh. Trong bậc TH, tổng số trong niên học mới này trên 21400 học sinh, giảm hơn năm học trước gần 800 học sinh. Trong khi đó, lượng trong bậc THCS năm học này trên 21400 học sinh, tăng trên 1100 học sinh so với năm học trước. Tuy nhiên, theo bà Tăng Thị Hằng, Phó Trưởng phòng GD ĐT Đà Lạt, số học sinh các cấp học này sẽ còn biến động một ít, phải đến khi vào học chừng 1 tuần thì mới có con số chính xác.

Về xây dựng cơ sở vật chất cho năm học mới 2023-2024, THCS Nguyễn Du chỉ là một trong số rất nhiều ngôi trường tại Đà Lạt được đầu tư xây mới các phòng học và được đưa vào sử dụng trong năm học này. Các trường cùng được đầu tư xây dựng, sửa chữa khác để đưa vào sử dụng trong năm học này gồm Mầm non 9, TH Xuân Thọ, TH Đoàn Thị Điểm, TH Nam Thiên. Tổng cộng trong niên học mới này Đà Lạt đưa vào sử dụng 28 phòng học, 63 phòng chức năng và nhà hiệu bộ, 29 phòng vệ sinh tại các trường học, tổng kinh phí trên 76,3 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách tỉnh trên 40,7 tỷ đồng; ngân sách thành phố trên 35,6 tỷ đồng. Cùng đó thành phố trong hè chũng cho sửa chữa nâng cấp 48 công trình học đường chuẩn bị cho năm học mới 2023-2024 với tổng kinh phí 26,38 tỷ đồng.

Đi đôi với việc xây dựng mới và sửa chữa, Đà Lạt cũng trang bị 8754 bộ thiết bị dạy học cho các trường học trên địa bàn trong đó cấp mầm non180 bộ, TH 4.331 bộ, THCS 4.243 bộ. Phòng cũng bổ sung máy móc thiết bị, đồ dùng đồ chơi ngoài trời cho các trường bằng nguồn sự nghiệp giáo dục với tổng kinh phí trên 5,3 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10/2023.

PHẤN ĐẤU TOÀN BỘ CÁC TRƯỜNG HỌC ĐẠT CHUẨN QUỐC GIA TRONG 4 NĂM ĐẾN

Đến thời điểm này Đà Lạt có 52  trong tổng số 77 trường trên địa bàn đạt chuẩn quốc gia, chiếm tỷ lệ 68% trong đó có 49/58 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 84,5%.

Trong xây dựng trường chuẩn quốc gia, cái khó cho Đà Lạt chính là nhiều trường hiện nay thiếu đất để mở rộng trường lớp khi số lượng học sinh tăng lên hằng năm. Học sinh tăng, thiếu phòng học nên sỹ số học sinh từng lớp cao dẫn đến tỷ lệ học sinh/lớp cũng như tỷ lệ giáo viên trên số lớp chưa đạt theo quy định, nhất là khi phải bảo đảm tổ chức dạy học 2 buổi/ngày khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thành phố cho biết trong thời gian đến sẽ tiếp tục rà soát mạng lưới trường học, tham mưu sửa chữa, bổ sung, điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển của địa phương; tập trung nguồn lực đầu tư cho các trường có quỹ đất rộng; xây dựng theo hướng trường chất lượng cao hoặc trường học kiểu mẫu; nâng cấp các trường, điểm trường xuống cấp, mất an toàn; xây dựng bổ sung các phòng học, phòng bộ môn, sân thể dục thể thao đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông mới; bổ sung xây dựng, sửa chữa, cải tạo phòng học, các phòng chức năng, bếp ăn, nhà vệ sinh, công trình nước sạch và mua sắm bổ sung các thiết bị dạy học còn thiếu.

Chỉ tiêu đặt ra cho Đà Lạt phấn đấu trong năm đến 2024 sẽ tăng thêm được 2 trường đạt chuẩn quốc gia (gồm1 trường công lập và 1 trường ngoài công lập). Đến hết năm 2027, Đà Lạt phấn đấu toàn bộ các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trên địa bàn đều đạt chuẩn quốc gia.