Đà Lạt - vùng đô thị trong sương những ngày tháng Tư lịch sử

NGUYỄN NGHĨA 05:59, 27/04/2024

Đà Lạt, thành phố mờ sương, chốn bình yên thơ mộng, trong những năm tháng chiến tranh ác liệt cũng là một chiến trường quan trọng. Nơi đây tập trung nhiều cơ quan đầu não, là trung tâm giáo dục quân sự của địch. Ngay từ những ngày đầu kháng chiến, cơ sở cách mạng đã âm thầm bám trụ, phát triển trong công nhân, trí thức thanh niên, học sinh và các tầng lớp Nhân dân lao động. Nơi đây trở thành đầu mối quan trọng để truyền tải chủ trương, chính sách của Đảng, đồng thời, cung cấp nguồn nhân lực, vật lực cho cuộc chiến.

Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết bên chiếc máy đánh chữ sử dụng để in truyền đơn chuẩn bị cho Ngày Giải phóng Đà Lạt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng
Học sinh Trường Tiểu học Đoàn Kết bên chiếc máy đánh chữ sử dụng để in truyền đơn chuẩn bị cho Ngày Giải phóng Đà Lạt đang được lưu giữ tại Bảo tàng Lâm Đồng

ĐỘI CÔNG TÁC THANH NIÊN, SINH VIÊN, HỌC SINH - LỰC LƯỢNG TIÊN PHONG

Khác với những chiến trường sôi động, đạn bom, Đà Lạt ngày giải phóng diễn ra không tiếng súng, nhưng không kém phần quyết liệt. Nhắc đến những chiến công thầm lặng trong lòng thành phố sương mù ngày ấy, không thể không nhắc đến Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh - một lực lượng nòng cốt hoạt động trong nội thành. Họ âm thầm thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng, góp phần vào chiến thắng chung của cả nước.

Những ngày tháng Ba lịch sử năm 1975, khi chiến dịch giải phóng miền Nam đang diễn ra sôi nổi và ác liệt ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước, Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh hoạt động dưới sự lãnh đạo của Thị ủy Đà Lạt của ta được giao phó những nhiệm vụ đặc biệt: Điều tra nắm tình hình về các trạm xăng, dầu, kho lương thực, các cửa hàng bán xăng, dầu,... tổ chức in và rải truyền đơn kêu gọi Nhân dân nổi dậy, vận động binh lính nguỵ quân, nguỵ quyền bỏ súng quay về với cách mạng; tổ chức bảo vệ mục tiêu là các cơ sở quan trọng và chuẩn bị sẵn sàng dẫn đường cho quân giải phóng khi vào thành phố theo nhiều hướng khác nhau.

Chia sẻ về kỷ niệm thời tuổi trẻ tham gia hoạt động trong Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh, ông Nguyễn Tri Diện - nguyên Chủ tịch UBND TP Đà Lạt (giai đoạn 1998 - 2006), thành viên Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh thuộc Thị ủy Đà Lạt giai đoạn đó, xúc động kể: “Để chuẩn bị cho Ngày Giải phóng Đà Lạt, chúng tôi bắt đầu được nhận nhiệm vụ từ ngày 20/3/1975. Lúc đó, Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt được lãnh đạo Thị ủy Đà Lạt giao cho 4 nhiệm vụ gồm: điều tra nắm lại toàn bộ các kho xăng, dầu, trạm xăng, dầu, các kho lương thực và các cửa hàng bán xăng, dầu trong Đà Lạt; tổ chức in và rải truyền đơn; bảo vệ các mục tiêu quan trọng không để bị phá hoại như Nhà máy nước, chợ Đà Lạt, Nha địa dư quốc gia, Bưu điện, Viện Hạt nhân, Đại học Đà Lạt, Đài Phát thanh…; tổ chức lực lượng để khi quân giải phóng đánh vào các mục tiêu trong thành phố thì dẫn đường cho các cánh quân”.

Ông Nguyễn Tri Diện cùng với ông Trần Đình Tài lúc đó được giao nhiệm vụ in truyền đơn với nội dung kêu gọi Nhân dân nổi dậy để giải phóng Đà Lạt và kêu gọi binh lính của nguỵ quân, nguỵ quyền bỏ súng quay về với cách mạng, với Nhân dân. Truyền đơn sau đó được rải vào 5 giờ sáng ngày 26/3.

Quang cảnh Đà Lạt ngày nay
Quang cảnh Đà Lạt ngày nay

• LÁ CỜ CÁCH MẠNG TUNG BAY

Ngày 1/4/1975, Nha Trang được giải phóng. Đêm 31/3, trước nguy cơ sụp đổ, nguỵ quân, nguỵ quyền ở Đà Lạt vội vã tháo chạy về Phan Rang. Sáng 1/4, một nhóm của Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh tập trung tại Rạp Hòa Bình, sử dụng loa phóng thanh để tuyên truyền chính sách 10 điểm của Chính phủ lâm thời, đồng thời, tổ chức giữ gìn an ninh trật tự trong nội thành và bảo vệ các mục tiêu.

Sáng 2/4, hình ảnh lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay trên đỉnh Rạp Hòa Bình là khoảnh khắc xúc động vô cùng. Đó là biểu tượng cho chiến thắng của ý chí, lòng dũng cảm và tinh thần đoàn kết của Nhân dân Đà Lạt.

“Sáng ngày 2/4/1975, khoảnh khắc lá cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng tung bay kiêu hãnh trên nóc Rạp Hòa Bình vẫn in đậm trong tâm trí tôi như một bức tranh lịch sử đầy xúc động. Lúc đó, khoảng 10 giờ sáng, đồng đội tôi - những người con của Đà Lạt đã vinh dự thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng này. Chỉ một ngày sau, vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 3/4/1975, niềm hân hoan vỡ òa khi Quân khu 6 và các lực lượng cách mạng tiến vào tiếp quản thành phố, dẫn đầu bởi Đại tá Đinh Sĩ Uẩn - Phó Tổng Tham mưu trưởng Quân khu. Hình ảnh đoàn quân chiến thắng tiến vào trung tâm Hòa Bình thật oai hùng và xúc động. Trên chiếc xe Jeep, Đại tá Đinh Sĩ Uẩn đã trang trọng công bố Chính sách 10 điểm của Chính phủ Cách mạng lâm thời và tuyên bố quân giải phóng đã hoàn toàn giải phóng và tiếp quản Đà Lạt”, ông Nguyễn Tri Diện bồi hồi, xúc động kể.

Với sự mưu trí, dũng cảm và lý tưởng cách mạng cao cả, Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh Đà Lạt ngày ấy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hình ảnh lá cờ tung bay khắp nơi vào những ngày tháng 4 năm 1975 sẽ không thể nào quên trong ký ức của những người thanh niên, chiến sỹ yêu nước, những người hoạt động cách mạng vì lý tưởng, vì độc lập, tự do của dân tộc. 

Trong khi tỉnh Tuyên Đức, TP Đà Lạt và nhiều địa phương khác đã giải phóng thì cuộc Tổng tiến công mùa Xuân năm 1975 bước vào những giờ phút quyết định. Mặc dù bản thân cũng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn do chiến tranh gây ra, nhưng quân và dân Đà Lạt đã không quản ngại, huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho chiến dịch. Hàng trăm tấn gạo, hàng ngàn lít xăng, dầu được chuyển đến tiền tuyến để tiếp tế cho bộ đội. Đặc biệt, với tinh thần trách nhiệm cao và ý thức thời gian cấp bách, Nha Địa dư nhờ được bảo vệ an toàn, không bị phá hoại sau đó được tiếp quản đã dốc toàn lực hoạt động cả ngày lẫn đêm. Chính nơi đây đã in ấn hàng vạn ảnh Bác Hồ, cờ Mặt trận, cờ đỏ sao vàng và bản đồ TP Sài Gòn - Gia Định để kịp thời cung cấp cho các đơn vị chủ lực trên đường tiến quân thần tốc vào giải phóng Sài Gòn, thống nhất đất nước.

Các thành viên Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh thuộc Thị ủy Đà Lạt ngày ấy sau đó tiếp tục để lại dấu ấn đầy hào hùng, khí phách của tuổi trẻ trên mảnh đất cao nguyên. Rất nhiều thanh niên, sinh viên, học sinh ngày ấy sau đó tiếp tục trưởng thành, ghi dấu ấn đậm nét trong thời bình, tham gia tích cực, có nhiều đóng góp quan trọng vào quá trình xây dựng và phát triển địa phương.

• LỜI KẾT

Bài báo này chỉ là một góc nhìn nhỏ bé về lịch sử oanh liệt của Đà Lạt - Lâm Đồng trong những năm tháng chiến tranh gian khổ. Do giới hạn dung lượng, không thể nào tái hiện đầy đủ tất cả những câu chuyện lịch sử, những kỷ niệm hào hùng của các thành viên Đội Công tác thanh niên, sinh viên, học sinh.

Tuy nhiên, hy vọng qua những thông tin được chia sẻ, thế hệ trẻ hôm nay sẽ có cái nhìn sâu sắc hơn về mảnh đất Đà Lạt vốn nổi tiếng mộng mơ, xinh đẹp nhưng cũng ẩn chứa biết bao câu chuyện anh hùng của cha ông trong cuộc kháng chiến giành độc lập, thống nhất đất nước.