Phát huy vai trò lãnh đạo của phụ nữ trong tình hình mới

NHẬT MINH 06:41, 09/04/2024

Lâm Đồng đã và đang tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ nữ ngang tầm nhiệm vụ, tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo đến năm 2030.

Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo. (Trong ảnh: Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024)
Lâm Đồng đã và đang triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo. (Trong ảnh: Ban Vì sự tiến bộ phụ nữ tỉnh triển khai nhiệm vụ năm 2024)

Trong những năm gần đây, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan, cán bộ nữ ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Theo Sở Nội vụ, để tăng cường sự tham gia bình đẳng của phụ nữ trong các vị trí lãnh đạo và quản lý ở các cấp hoạch định chính sách giai đoạn 2021-2030, trên cơ sở hướng dẫn của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các kế hoạch, văn bản để tuyên truyền, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới và vai trò, vị trí, tiềm năng của phụ nữ trong thời kỳ mới cho cán bộ, công chức (CBCC) viên chức các cấp về trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, người đứng đầu trong việc tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bình đẳng giới và công tác cán bộ nữ và triển khai thực hiện các nội dung về công tác cán bộ nữ.

Số lượng cán bộ nữ đưa vào quy hoạch ngày càng tăng, phần lớn cán bộ nữ quy hoạch đều được đào tạo đạt chuẩn về chuyên môn, lý luận chính trị, có phẩm chất đạo đức và năng lực công tác. Công tác quy hoạch cán bộ nữ được thực hiện theo đúng quy trình, quy định, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ vào nguồn quy hoạch cấp ủy các cấp. Việc tổ chức rà soát, bổ sung, điều chỉnh quy hoạch đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo được thực hiện thường xuyên và định kỳ, tăng tỷ lệ cán bộ nữ ở các cấp, cán bộ nữ là người đồng bào dân tộc thiểu số.

Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí đề bạt cán bộ nữ có chuyển biến tích cực; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ theo tiêu chuẩn, chức danh, yêu cầu công việc được mở rộng về quy mô; đa dạng về hình thức như: Đào tạo, bồi dưỡng qua thực tiễn, hướng dẫn kèm cặp, đào tạo trực tuyến, cung cấp các kiến thức nghiệp vụ, kỹ năng bổ trợ cho cán bộ nữ, chú trọng về chất lượng và đạt được nhiều kết quả. Đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý nữ ngày càng trưởng thành cả về số lượng lẫn chất lượng.

Tính đến cuối tháng 12/2023, tổng số cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh là 29.631 người (CBCC nữ là 17.977 người, chiếm tỷ lệ 60,67%), trong đó, CBCC cấp tỉnh là 1.116 người (CBCC nữ là 305 người, chiếm tỷ lệ 27%); CBCC cấp huyện là 1.097 người (CBCC nữ là 428 người, chiếm tỷ lệ 39,02%); viên chức 24.566 người (viên chức nữ là 16.272 người, chiếm tỷ lệ 66,24%); CBCC cấp xã là 2.838 (CBCC nữ là 972 người, chiếm tỷ lệ 34,25%).

Toàn tỉnh có 104/155 đơn vị có cán bộ chủ chốt là nữ, chiếm tỷ lệ 67,1%; có 2.774 cán bộ nữ/10.558 cán bộ lãnh đạo quản lý, chiếm tỷ lệ 26,2%, đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ trong quy hoạch từ 25% trở lên theo quy định của Đảng; tỷ lệ CBCC, viên chức nữ trong diện quy hoạch các chức danh quản lý, lãnh đạo các cấp được đào tạo, tập huấn, nâng cao năng lực đạt tỷ lệ 82%; tỷ lệ nữ đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo chính quyền: 303 nữ/1.515 người, chiếm tỷ lệ 20%; tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy các cấp: 847 nữ/4.130, chiếm tỷ lệ 20,51%; tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội: 1, chiếm 14,29%; tỷ lệ nữ tham gia HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là 1.030 đại biểu, chiếm tỷ lệ 27,79%...

Bên cạnh đó, công tác phát triển đảng viên nữ cũng được chú trọng; Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo cho các thành ủy, huyện ủy và đảng ủy trực thuộc tiến hành điều tra, khảo sát, xây dựng và triển khai thực hiện công tác phát triển đảng viên nữ, nhất là ở các chi bộ, đảng bộ cơ sở tạo nguồn phát triển đảng viên nữ, đặc biệt quan tâm các địa phương vùng khó khăn, vùng đồng bào tôn giáo, dân tộc thiểu số. Trong vòng 5 năm qua, toàn tỉnh phát triển mới trên 1.000 đảng viên nữ.

 Để tăng tỷ lệ cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ dân tộc thiểu số giữ các chức danh lãnh đạo chủ chốt trong các cơ quan Đảng, Nhà nước trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo cấp ủy Đảng, các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, cấp xã quan tâm tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện, thực hiện hiệu quả công tác cán bộ nữ nói chung, cán bộ nữ dân tộc thiểu số tạo nguồn cán bộ nữ chất lượng cao, đặt biệt trong khâu tuyển dụng công chức, viên chức (đưa chỉ tiêu riêng để tuyển dụng là người dân tộc thiểu số); bảo đảm nguyên tắc bình đẳng giữa nam và nữ trong các khâu công tác cán bộ, nhất là quy hoạch, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm... Mặt khác, tiếp tục quan tâm công tác tạo nguồn, phát triển đảng viên nữ. Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị cho cán bộ làm công tác Hội Phụ nữ các cấp, nhất là cấp cơ sở để có đủ kiến thức, kỹ năng vận dụng vào thực tiễn...