Những người “giữ lửa” ở Trường Sa

11:06, 28/06/2012

(LĐ online) - “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tôi lại chuyện trò với người của đảo. Nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người phụ nữ “giữ lửa” cho mái ấm không giống bất kỳ nơi nào ở đất liền…

(LĐ online) - “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngày Gia đình Việt Nam (28/6), tôi lại chuyện trò với người của đảo. Nơi tiền tiêu Tổ quốc, những người phụ nữ “giữ lửa” cho mái ấm không giống bất kỳ nơi nào ở đất liền…

Cô giáo Nhung hướng dẫn học sinh làm bài
Cô giáo Nhung hướng dẫn học sinh làm bài


Kể từ tháng 4 năm 2008, 21 hộ dân rời đất liền vượt mấy trăm hải lý để trở thành dân đảo Trường Sa. Mỗi đảo có 7 hộ, xã Sinh Tồn, xã Song Tử Tây và thị trấn Trường Sa Lớn. Xóm đảo Trường Sa Lớn, mỗi hộ gắn với một con số. Hộ số 1 chị Hoàng Thị Quyên, 51 tuổi, quê Nam Định, hộ số 2 chị Lương Thị Tình, 38 tuổi, quê Hà Tĩnh, hộ số 3 chị Trần Thị Hoa 44 tuổi, quê Khánh Hoà, hộ số 4 chị Nguyễn Thị Thanh Thuý, 40 tuổi, quê Khánh Hoà, hộ số 5 chị Bùi Thị Nhung, 33 tuổi, quê Khánh Hoà, hộ số 6 chị Nguyễn Thị Hạnh, 40 tuổi, quê Khánh Hoà và hộ số 7 là chị Nguyễn Thị Kim Huệ, Khánh Hoà, 33 tuổi. Chị Bùi Thị Nhung vừa là cô giáo của 7 đứa trẻ tiểu học và mầm non, vừa là Phó Chủ tịch HĐND kiêm Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn.

Các chị có 12 người con, 8 nữ và 4 nam. Hiện, 7 cháu đang học tại đảo, 4 cháu vào bờ học THCS và cháu Nguyễn Anh Tài sinh ngày 11/3 vừa rồi, đang ở với mẹ (chị Tình) tận Hà Tĩnh. Chị Nhung kể: “Em gọi điện hỏi thăm, chị ấy kêu mệt… ngày hôm sau, chị gọi lại báo chị sinh rồi. Mọi người đều gọi điện chúc mừng. Khi nào mẹ con chị ấy ra tụi em sẽ tặng quà. Theo quy định, tặng sữa, quần áo, hỏi chị thích cái gì vì chị em sống gần gũi với nhau mà, tụi em sẽ nhờ mua gửi theo tàu ra anh ạ”. Nguyễn Anh Tài là con thứ 3 của chị Tình và anh Trung, sinh ra tại Cam Lâm, cân nặng 3,7 kg. Hôm tôi đến nhà thì chị đang lên Bệnh xá đảo khám lần cuối trước khi vào bờ “vượt cạn”. Gia đình anh chị cùng xuống tàu Trường Sa 22 vào đất liền với chúng tôi. Bây giờ, cháu Tài là công dân nhỏ tuổi nhất ở Trường Sa. Ngày 26/6, chị Tình cho tôi biết: “Ba cha con ra đảo rồi anh ạ. Đến hôm nay là 3 tháng 15 ngày rồi anh, em xin ra mà họ chưa cho ra. Em nhớ các con quá, không có mẹ không biết chúng nó ăn ngủ thế nào ngoài đó ?!”.

Cháu lớn tuổi nhất tại Trường Sa Lớn hiện là Nguyễn Thị Mi Sen 11 tuổi, học lớp 5, con chị Trần Thị Hoa. Vợ chồng anh Nguyễn Xuân Yên - Trần Thị Hoa vẫn còn nhớ cảm xúc đầu tiên khi cùng 2 đứa con nhỏ ra lập nghiệp ở thị trấn Trường Sa. Chị tâm sự: "Khi mới ra đảo, gia đình tôi gặp nhiều khó khăn do chưa quen với điều kiện sống tại đây. Nhưng nhờ sự hỗ trợ của lãnh đạo thị trấn Trường Sa và các anh bộ đội trên đảo, cuộc sống của gia đình giờ đã ổn định. Được sự quan tâm của chính quyền địa phương, chúng tôi thực sự yên tâm tiếp tục vun đắp cho cuộc sống lâu dài trên đảo". Khuôn mặt người mẹ ấy rạng rỡ khi cho chúng tôi xem bức ảnh con gái Mi Sen được vào đất liền đón Trung thu và gặp Chủ tịch nước Trương Tấn Sang năm 2010.

Vợ chồng cùng chuyển hàng lên đảo
Vợ chồng cùng chuyển hàng lên đảo

Năm 2011, cả đảo Trường Sa Lớn ai cũng biết sự kiện chị Nguyễn Thị Thanh Thuý “vượt cạn” trên đảo. Chị Nhung kể lại: Chị Thuý sinh 8 giờ sáng, ngày 4/4. Tất cả chị em rộn ràng ở Bệnh xá. Bác sĩ, thạc sĩ chuyên khoa sản Nguyễn Xuân Lãng của Bệnh viện Khánh Hoà được cử ra từ đầu tháng 3 để theo dõi. “Bác sĩ rất giỏi và tận tình lắm anh ạ”, chị Nhung nói. Nơi sóng cả xa xôi, mẹ tròn con vuông. Cậu bé Nguyễn Ngọc Trường Xuân nặng 3,2 kg, là công dân đầu tiên sinh ra trên đất đảo chủ quyền. Nhìn vợ chồng chị cùng chăm bé Xuân uống sữa thật hạnh phúc viên mãn. Chị Thuý nói: “Cuộc sống ở đây ngày càng yên ổn anh ạ, chị em anh em đùm bọc lấy nhau, quý lắm !”. Ở đảo, kỳ sinh nở, các chị giành cho nhau cân đường hộp sữa và giúp nhau tưới rau, nấu cơm, giặt giũ… Rồi trao đổi cách chăm sóc sức khoẻ bản thân, giúp nhau cùng điều trị. Mỗi lần về phép, trước khi ra đảo chị em nào có bệnh gì chữa từ đất liền.

Tuy chỉ có 7 phụ nữ nhưng Hội phụ nữ thị trấn luôn duy trì sinh hoạt. Hàng quý, chị em họp sơ kết, rút kinh nghiệm và làm báo cáo gửi về Hội phụ nữ huyện Trường Sa. Tàu ra là có văn bản chỉ đạo của phụ nữ huyện, tỉnh. Chủ tịch Bùi Thị Nhung cho biết: Hội thành lập quỹ, mỗi tháng 10 ngàn đồng/hội viên. Quỹ bao gồm tiền hội viên và các nơi từ bờ ra tặng, tuy là ít nhưng dùng để thăm hỏi chiến sĩ trên đảo có người thân qua đời hoặc hoàn cảnh khó khăn. Hội triển khai nhiều công việc: về vệ sinh môi trường, gia đình hạnh phúc, nuôi con khoẻ, dạy con ngoan… Hội cũng là nơi gỡ rối những vấn đề phát sinh trong gia đình. “Khi đã ra đây sống xa gia đình, họ hàng thì vợ chồng xác định cố gắng thương yêu nhau. Kinh tế cơ bản ổn định, một số gia đình có con cái sống trong đất liền thường lo lắng nên đôi khi cuộc sống vợ chồng cũng xáo trộn. Phụ huynh là người mẹ hay lo nghĩ, gọi điện vào hỏi thăm con thế này thế nọ, rồi cha mẹ bức xúc... Chị em tâm sự với hội, đôi khi chồng ứng xử thái quá, hội can thiệp; đôi khi nhờ cả chính trị viên trên đảo góp ý khuyên bảo các anh ấy nữa”, Chủ tịch Nhung tâm sự. Các chị còn tham gia viết bài dự thi với tỉnh Hội Phụ nữ Khánh Hoà về bảo vệ môi trường, chống lãng phí, bạo lực gia đình… Chị nào thấy chữ xấu quá thì nhờ ông xã viết.

Chị Tình cho biết: Trong đất liền thì khác, ở đây chỉ trồng ít rau xanh, nuôi mấy con gà con vịt cải thiện bữa ăn. Ngày nào biển lặng, biển êm, đảo tạo điều kiện cho mấy anh đi biển, đánh bắt hải sản bán cho bếp ăn để tăng thêm thu nhập, mấy chị em đi nấu ăn cho bộ đội. “Ngày đầu mới ra, trên đảo chưa quen, trồng cây gì, nuôi con gì. Bây giờ quen rồi, cuộc sống thích nghi rồi. Ở đây đảo quy định không được nuôi heo để đảm bảo môi trường. Còn trồng được nhiều loại rau xanh, mùa trời nắng: muống, cải, xà lách, rau thơm các loại, mướp, bầu, bí, cà…; mùa gió mặn trồng cái gì cũng khó, sang đầu năm, trồng bầu có bầu, trồng bí có bí, trồng mướp có mướp..., nhiều thì chỉ trồng được mồng tơi thôi”, chị Tình kể.

Tết nhất hay các ngày lễ như 8/3, 20/10… chị em cũng tổ chức với nhau. Dịp tàu ra, các hộ chung tiền gửi vào bờ nhờ mua heo, ai chưa có thì chị em cho vay. Tình quân dân gần gũi thân thiết, cùng tổ chức hái hoa dân chủ, cùng gói bánh chưng. Đất liền có kiệu, dưa hành đầy đủ, ở đây chỉ có đu đủ thôi, cũng làm thành đĩa dưa hành tượng trưng cho có vẻ tết cổ truyền. Nhang gửi đất liền ra mỗi năm 2 lần. Tàu chưa ra thì xúm vào cùng làm chay, từ trái cây đến hoa. Tâm thành, chụm đầu cùng hướng ra phía thăm thẳm của biển cả vọng khấn an lành. Ngày giỗ tổ tiên không bỏ, nội bộ 7 hộ mời nhau tập trung lên UBND. Các ông uống trà, đánh cờ còn các chị nấu cháo cá, làm chả cá với bún khô ngâm nước, rồi làm các món ăn cổ truyền như bánh xèo, bánh tai vạc, bánh bèo. Mời lãnh đạo cùng xì xụp với dân…

Công việc khá bộn bề nhưng với Bùi Thị Nhung lúc nào cũng thường trực nụ cười tươi. Chị nói: "Em mãn nguyện với cuộc sống ở đây anh ạ. Giờ vợ chồng hạnh phúc, hai đứa con có nếp có tẻ, học hành chăm ngoan thì còn mong chi nữa". Còn mẹ con chị Tình mấy ngày nữa sẽ trở lại Trường Sa. Chị sẽ ngỡ ngàng rất nhiều. Đảo của chị đã có đại đức Thích Giác Hải và đại đức Thích Ngộ Thành thay chị nhang đèn chăm sóc chùa Trường Sa Lớn. Đảo của chị vừa khánh thành bức tranh và lá cờ khổng lồ bằng gốm sứ thiêng liêng. Trường Sa trường tồn trong lòng Mẹ Việt Nam bởi có sự góp phần quý giá của các chị, những ngọn lửa sưởi ấm lòng người nơi đảo xa …  

Ghi chép: TĨNH XUYÊN