Đẩy mạnh xã hội hóa công nghệ thông tin

04:01, 14/01/2014

Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tin học hóa trong hoạt động quản lý và đời sống xã hội.

Lâm Đồng được đánh giá là tỉnh dẫn đầu khu vực Tây Nguyên về phát triển hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), tin học hóa trong hoạt động quản lý và đời sống xã hội. Điều này không những tạo cơ sở cho sự phát triển nhanh, bền vững mà còn góp phần nâng cao thứ hạng của tỉnh trên “bản đồ” CNTT quốc gia.
 
Việc phát triển và ứng dụng CNTT, tin học hóa trong các lĩnh vực không những đẩy mạnh công cuộc cải cách hành chính, nâng cao năng suất lao động, chất lượng và hiệu quả công việc mà còn thể hiện khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp và hệ thống hành chính công của tỉnh. Đồng thời thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, địa bàn, tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc của người dân và doanh nghiệp.
 
Từ các nguồn vốn đầu tư, đến nay hệ thống cáp quang, internet băng thông rộng đã được xây dựng và cung cấp đến tất cả các xã, phường trong toàn tỉnh. Theo đó, số trạm thu phát sóng di động BTS được đầu tư là 1.365, cùng với các dịch vụ viễn thông khác sẵn sàng đáp ứng mọi nhu cầu kết nối của các tổ chức, cá nhân. Chính sự phát triển của mạng lưới viễn thông và internet phủ sóng tới cả các địa bàn vùng sâu, vùng xa với dung lượng ngày càng tăng đã đáp ứng nhu cầu ứng dụng CNTT tại các cơ quan, đơn vị, đồng thời “kích cầu” sử dụng dịch vụ viễn thông trong dân. 
 
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, hiện tại, 100% các cơ quan Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị xã hội cấp tỉnh, cấp huyện đã được trang bị máy tính làm việc, với số lượng máy tính khoảng gần 3.000 chiếc. Qua thống kê, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh sử dụng máy tính tại khối cơ quan Đảng là 1 máy/người; khối sở, ban, ngành đạt tỷ lệ 0,85 máy/người và khối các tổ chức chính trị xã hội đạt tỷ lệ 0,65 máy/người. Tương tự, tỷ lệ máy tính trang bị cho cán bộ cấp huyện đó là, khối cơ quan huyện ủy đạt tỷ lệ 0,89 máy/người, khối chính quyền huyện đạt tỷ lệ 0,65 máy/người và khối tổ chức chính trị xã hội cấp huyện đạt tỷ lệ 0,58 máy/người. Đó là chưa kể 30% cán bộ, công chức, viên chức cấp xã, phường được trang bị máy tính làm việc. 
 
Bên cạnh đó, hiện có 48 trường THPT được trang bị 3.324 máy tính, 144 trường THCS có 4.892 máy tính và 261 trường tiểu học được trang bị 2.512 máy tính trong tổng số trường từ bậc tiểu học đến trung học các cấp toàn tỉnh. Tại các trạm y tế xã cũng đã trang bị 205 máy tính làm việc, đặc biệt 110 điểm bưu điện văn hóa xã trang bị 375 máy tính phục vụ giao dịch, cung cấp dịch vụ thông tin cho người dân. 
 
Thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông còn cho thấy, trên địa bàn tỉnh hiện có 45.675 hộ đã trang bị máy tính với tổng số máy lên tới gần 50 ngàn chiếc. Riêng đối với khối kinh doanh sản xuất, hiện có 5.334 doanh nghiệp đã kết nối internet băng thông rộng, đạt tỷ lệ 100%. Từ việc ứng dụng tin học trong các cơ quan nhà nước đến các doanh nghiệp, hộ dân đã đưa số lượng máy tính lên đến trên 60 ngàn chiếc. Đây là điều kiện cần để sẵn sàng kết nối thông tin phục vụ công tác, kinh doanh và liên lạc trao đổi. Tổng hợp số liệu từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, đến cuối năm 2013, tổng số thuê bao điện thoại bao gồm điện thoại cố định và di động trên địa bàn tỉnh gần 1,3 triệu thuê bao. Nếu chia bình quân trên dân số Lâm Đồng, mật độ thuê bao điện thoại đạt trên 100 máy/100 dân. Đáng nói hơn có tới gần 76.000 thuê bao internet, trong đó chủ yếu là thuê bao internet băng thông rộng tạo nên một “xã hội kết nối thông tin” vô cùng phong phú, phục vụ đắc lực nhu cầu trao đổi, kết nối thông tin trên môi trường mạng.
 
Sự phát triển và ứng dụng CNTT sẽ tiếp tục được đẩy mạnh bằng nguồn vốn đầu tư từ ngân sách và các doanh nghiệp viễn thông. Mặc dù trong tình hình kinh tế khó khăn, nhưng mạng lưới viễn thông vẫn tiếp tục phát triển, nâng cao dung lượng và mở rộng vùng phục vụ đến các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Điều nay được thể hiện thông qua các chỉ tiêu kinh doanh của các doanh nghiệp bưu chính, viễn thông trong năm 2013 với tổng doanh thu từ bưu chính, viễn thông là 2.050 tỷ đồng, nộp ngân sách 93 tỷ đồng, vượt 6% so với kế hoạch và tổng giá trị đầu tư thực hiện 60 tỷ đồng, vượt 10% so với kế hoạch. Với những kết quả nêu trên, nhiệm vụ trong năm 2014 mà Sở Thông tin và Truyền thông đặt ra là tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước, hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển, xây dựng các chương trình xã hội hóa CNTT và tiếp tục phấn đấu nâng cao thứ hạng của tỉnh trên bản đồ CNTT quốc gia.
 
KHẢI NHIÊN