Đổi thay giáo dục - y tế - văn hóa ở huyện nghèo

09:12, 29/12/2014

Khởi đầu với cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều, trình độ dân trí thấp; sau 10 năm nỗ lực xây dựng, huyện nghèo Đam Rông đã khoác lên mình chiếc áo mới. Trong đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa đã có nhiều bước chuyển mình đáng kể.

Là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước, Đam Rông có 8 xã, 52 thôn buôn, diện tích tự nhiên trên 89ha; dân số hơn 43.000 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 70%. Khởi đầu với cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, chất lượng cán bộ, công chức, viên chức không đồng đều, trình độ dân trí thấp; sau 10 năm nỗ lực xây dựng, huyện nghèo Đam Rông đã khoác lên mình chiếc áo mới. Trong đó, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, y tế, văn hóa đã có nhiều bước chuyển mình đáng kể.
 
Đam Rông thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
Đam Rông thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi
 
Nỗ lực phát triển giáo dục, y tế
 
Cô Phạm Thị Ngũ - Phó Phòng Giáo dục huyện Đam Rông chia sẻ: “Từ những ngày bắt đầu từ con số không, thầy cô giáo được tăng cường về Đam Rông còn phải vào rừng chặt cây làm trường tạm, vắt bám đầy tay. Đội ngũ cán bộ, giáo viên, công nhân viên mang tính chắp vá, chất lượng không đồng đều. Việc vận động bà con dân tộc thiểu số (DTTS) đưa con em tới trường là chuyện tưởng chừng như không thể. Sau 10 năm nỗ lực, đến nay, diện mạo ngành giáo dục huyện nhà đã có nhiều tín hiệu vui”.
 
Hiện nay, mạng lưới trường lớp ở Đam Rông được phủ kín đến tận thôn. Chất lượng đội ngũ được nâng lên, tăng số lượng giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn. Hàng năm duy trì kết quả phổ cập giáo dục THCS và phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. 8/8 xã được công nhận đạt chuẩn phổ cập mầm non 5 tuổi. Cơ sở vật chất trường lớp được đầu tư theo hướng chuẩn hóa, kiên cố hóa, trang thiết bị đồ dùng dạy học đã tương đối đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ huy động học sinh ra lớp ở bậc mầm non đạt trên 43%, tỷ lệ học sinh THCS bỏ học giảm xuống chỉ còn 3,2%, tốt nghiệp THCS đạt trên 99%; tỷ lệ học sinh THPT bỏ học giảm còn 3,4%, tốt nghiệp THPT cũng đạt trên 99%. Những con số trên có thể là bình thường so với những địa phương khác, song đó lại là sự nỗ lực rất lớn của ngành giáo dục ở một huyện vùng sâu, vùng xa như Đam Rông.
 
Chăm lo sức khỏe, khám chữa bệnh cho người dân luôn được quan tâm đúng mức, vì vậy khi huyện Đam Rông được thành lập, Trung tâm y tế huyện là một trong những đơn vị được gấp rút đầu tư xây dựng đầu tiên. Ông K’Ngọc Hùng - Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Đam Rông cho biết: Cách đây 10 năm, Trung tâm Y tế huyện Đam Rông được thành lập với gần 70 cán bộ, nhưng chỉ có 6 cán bộ đã tốt nghiệp đại học (6 bác sỹ). Đến nay, Trung tâm đã có đội ngũ cán bộ, y bác sỹ lên đến 166 người, trong đó, cán bộ có trình độ đại học và sau đại học chiếm 20,5%. Năm 2009, huyện đã xây dựng được 8/8 xã đạt chuẩn quốc gia về y tế xã theo bộ tiêu chí năm 2001- 2010. Hiện nay, đánh giá theo bộ tiêu chí quốc gia mới về y tế xã giai đoạn 2011-2020, toàn huyện đã xây dựng được 3/8 trạm y tế đạt chuẩn.
 
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa
 
Là huyện vùng sâu, vùng xa, có 24 dân tộc anh em cùng sinh sống bao gồm cả các dân tộc gốc Tây Nguyên và những dân tộc từ các tỉnh phía Bắc di cư vào, Đam Rông thực sự là nơi hội tụ của nhiều nét đẹp văn hóa. Với lợi thế đó, công tác xây dựng thiết chế văn hóa đồng bộ, cũng như phát huy những nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc được chính quyền và nhân dân huyện Đam Rông hết sức quan tâm.
 
Ông Nguyễn Hoàng Mai - Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Đam Rông tâm sự: “Được thành lập từ năm 2004, đời sống KT-XH của bà con nơi đây gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn. Tuy nhiên, sau 10 năm hình thành và phát triển, cùng với sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, nhiều yếu tố thuộc các lĩnh vực văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao đã phát triển tương đối toàn diện”.
 
Được biết, ở Đam Rông hiện nay đã hoàn thiện công trình trung tâm văn hóa và sân vận động cấp huyện. Ngoài ra, 8/8 xã đã có nhà văn hóa xã, 23/52 thôn đã có nhà sinh hoạt cộng đồng tại thôn và tất cả các thôn đều có quỹ đất sử dụng cho các hoạt động thể dục thể thao. 
 
Không chỉ có vậy, để phát huy những giá trị văn hóa của địa phương, ngành văn hóa thông tin huyện Đam Rông đã tiến hành nhiều biện pháp góp phần gìn giữ nền văn hóa dân gian. Cụ thể, từ năm 2005 đến nay, đã có 5 lớp truyền dạy cồng chiêng cho 100 học viên được mở tại các xã Đạ MRông, Đạ Tông, Đạ K Nàng… Việc mở các lớp học này ngoài việc gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, còn góp phần phục vụ đời sống sinh hoạt văn hóa của bà con tại địa phương cũng như đại diện cho huyện Đam Rông tham dự các sự kiện văn hóa lớn trong và ngoài tỉnh. Hiện tại, toàn huyện có 80 đội cồng chiêng, trong đó có khoảng 35 đội hoạt động chuyên nghiệp, liên tục và quy mô bài bản. Đam Rông cũng là địa phương có nhiều nghệ nhân cồng chiêng từng tham gia nhiều sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và được trao tặng giấy khen. Không chỉ dừng lại ở đó, trong kế hoạch phát triển của mình, ngành văn hóa huyện Đam Rông đã xây dựng đề án phục dựng các lễ hội văn hóa của một số dân tộc thiểu số trên địa bàn, trước hết là lễ hội của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên như Cơ Ho, Chu Ru, Mạ.
 
Với những nỗ lực không ngừng, hiện Đam Rông đã có 1/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới về văn hóa, 47/52 thôn văn hóa, tỷ lệ gia đình văn hóa đạt gần 70%.
 
Khởi đầu từ muôn vàn khó khăn, sau chặng đường 10 năm phát triển, Đam Rông đang dần khoác cho mình tấm áo mới. Tuy nhiên, Đam Rông vẫn đang là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và cả nước nói chung. Còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm cao và nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân địa phương, tin rằng Đam Rông sẽ thoát nghèo vào ngày không xa.
 
NGỌC NGÀ