Tà Nung lặng lẽ chuyển mình

09:12, 31/12/2014

Tròn 35 năm hình thành và phát triển, xã Tà Nung lặng lẽ chuyển mình giữa núi rừng trầm mặc. Thuộc thành phố Đà Lạt, nhưng Tà Nung ít mang hơi hướng phố thị, vẫn còn đậm nét sơn cước của người dân tộc thiểu số bản địa. Nếu không có con đường tỉnh lộ DT 725 từ Đà Lạt đi Lâm Hà băng ngang qua đây thì Tà Nung vẫn như nàng công chúa trong rừng đang say sưa giấc nồng.

Tròn 35 năm hình thành và phát triển, xã Tà Nung lặng lẽ chuyển mình giữa núi rừng trầm mặc. Thuộc thành phố Đà Lạt, nhưng Tà Nung ít mang hơi hướng phố thị, vẫn còn đậm nét sơn cước của người dân tộc thiểu số bản địa. Nếu không có con đường tỉnh lộ DT 725 từ Đà Lạt đi Lâm Hà băng ngang qua đây thì Tà Nung vẫn như nàng công chúa trong rừng đang say sưa giấc nồng.
 
Bí thư xã Tà Nung Nguyễn Thành Lý nói ngắn gọn về những công việc đánh thức “nàng sơn nữ Tà Nung”, đó là: mở đường thảm nhựa 7km thuộc tỉnh lộ 725 giúp cho việc thông thương của xã thuận lợi; chuyển đổi diện tích cà phê cằn cỗi sang trồng rau hoa công nghệ cao; chuẩn bị mở dịch vụ du lịch trên đồi Yên Ngựa với dự án 3 tỷ đồng; mở lớp truyền dạy cồng chiêng cho 24 thanh thiếu niên để phục vụ trong các lễ hội của xã; xây dựng nông thôn mới vận động nhân dân đóng góp trên 400 triệu đồng làm đường liên thôn và nội đồng; tập trung xóa đói giảm nghèo cho 13 hộ nghèo và 28 hộ cận nghèo để hết năm 2014 xã chỉ còn 6 hộ nghèo. 
 
Bên đập Cam Ly Thượng
Bên đập Cam Ly Thượng
 
Tà Nung có 1.037 hộ, 4.725 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 50% với 13 dân tộc anh em, phần đông dân số vẫn là người Kinh, Cill, K’Ho, Lạch. Nhân dân trong xã đang tập trung chăm sóc cây cà phê với 1.117ha và đang thu hoạch cà phê catimo, dự kiến sản lượng thấp hơn so với niên vụ trước từ 30% - 40%. Đó là do ảnh hưởng của đợt mưa đá vào cuối tháng 8 trên địa bàn xã làm thiệt hại hoa màu, thủy sản, vật nuôi ước tính 554 triệu đồng, gây thiệt hại cho cây cà phê khoảng 100ha đang chuẩn bị thu hoạch bị rụng trái làm giảm sản lượng đáng kể; lượng nước tưới chủ động đảm bảo cho 890ha cà phê, còn lại nhờ nước trời. Bên cạnh cây cà phê chủ lực trong kinh tế của xã, bà con cũng gieo cấy 7ha lúa, 48ha rau màu, 14ha hoa các loại. Nhân dân đã chuyển đổi 3ha cà phê già cỗi sang trồng rau hoa công nghệ cao, chủ yếu là trồng hoa đồng tiền, hồng môn, cẩm chướng, lyly, cúc. Bí thư xã cho biết: Đất Tà Nung rất thích hợp cho việc trồng hoa, cho nên hoa ở đây đẹp không kém gì hoa ở các phường trong thành phố Đà Lạt.
 
Nông dân Tà Nung bắt đầu học cách canh tác hiện đại. Chương trình tái canh cây cà phê đã tổ chức chuyển giao cho 85 hộ dân với 46.200 cây cà phê TRS1 theo chương trình gieo ươm có trợ giá. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đà Lạt đã giải ngân được 700 triệu đồng trên diện tích 4,38ha theo chương trình vay vốn để tái canh, ghép cải tạo cà phê vối. Theo chương trình trợ giá cây trồng, 158 hộ ở các thôn đăng ký trồng bơ ghép, đến nay đã chuyển giao 2.000 cây cho 55 hộ. Để chuyển đổi cây trồng hiệu quả, Hội Nông dân xã bình xét chọn 3 hộ tại các thôn 3, 4, 6 thực hiện mô hình trồng hoa hồng môn trong nhà lưới với 1.940 cây giống. Nhà nước hỗ trợ gần 40 triệu đồng và nhân dân đóng góp hơn 93 triệu đồng để chuyển giao vật nuôi là 19 con heo giống cho 8 hộ với tổng số tiền hơn 133 triệu đồng. Hội Nông dân xã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các công ty tổ chức tập huấn cho 443 nông dân tham gia sản xuất cà phê bền vững 4C, còn có hơn 100 nông dân trong xã học cách trồng chăm sóc cây mắc ca, cà phê ghép, nuôi cá nước ngọt. 
 
Xã Tà Nung đã hoàn thành cơ bản 16/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, còn 3 tiêu chí phấn đấu đạt trong năm 2014 là: chợ nông thôn, giao thông, cơ sở vật chất văn hóa. Bà con trong xã đã hiến 12.000m 2 đất làm đường với nhiều tuyến đường liên thôn, nội đồng được khởi công xây dựng trong năm 2014, trong đó có tuyến đường thôn 6 được làm theo chương trình dân vận của lực lượng vũ trang thành phố và hệ thống chính trị của xã, cùng nhân dân thôn 6. Bên cạnh hiến đất làm đường, nhân dân xã Tà Nung đã đóng góp vốn đối ứng hơn 400 triệu đồng và lực lượng vũ trang thành phố hỗ trợ 50 triệu đồng để cùng chung tay góp sức hoàn thành tiêu chí giao thông nông thôn. Xã Tà Nung cũng đã phối hợp với Dự án cạnh tranh ngành chăn nuôi và an toàn thực phẩm chuẩn bị xây chợ thực phẩm tươi sống tại Tà Nung để đảm bảo tiêu chí về chợ của nông thôn mới. UBND xã Tà Nung cũng đang xin chủ trương và kinh phí xây dựng, sửa chữa hội trường 6 thôn. Mục tiêu đến năm 2015, xã Tà Nung đạt 19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
 
Phó Chủ tịch xã - Krã Jăn Ha Djiệp cho rằng, sức bật của Tà Nung được nhìn thấy từ điểm sáng thôn 6 vươn lên thoát nghèo. Thôn 6 có 233 hộ, 912 khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 78%, diện tích đất nông nghiệp bình quân 0,41ha/khẩu, đời sống bà con trong thôn chủ yếu nhờ vào cây cà phê. Năm 2009, thôn 6 có 79 hộ nghèo và được xếp vào thôn nghèo vì điểm xuất phát thấp, đất sản xuất nằm xa khu dân cư, đường đi lại khó khăn, phần lớn các hộ nghèo do thiếu vốn sản xuất, kỹ thuật canh tác lạc hậu, độc canh cây cà phê. Nhờ thực hiện NQ 30a của Chính phủ và chương trình  xây dựng nông thôn mới, thôn 6 đã giảm nghèo nhanh và bền vững. Trong 3 năm qua, thôn 6 đã được đầu tư 577 triệu đồng hỗ trợ về giống, cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; 2,4 tỷ đồng nâng cấp đường liên thôn, đường nội đồng; 1,2 tỷ đồng xây dựng cầu Suối Nước Trong… Cùng với sự hỗ trợ của nhà nước, nhân dân thôn 6 đã đóng góp trên 500 triệu đồng vào xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, các nguồn vốn tín chấp ủy thác với số vốn 2,1 tỷ đồng đầu tư sản xuất; hỗ trợ xây dựng 18 căn nhà… Nhờ vậy, đời sống của bà con thôn 6 cải thiện rõ rệt, từ 79 hộ nghèo đến nay giảm còn 6 hộ nghèo. 
 
Cùng với phát triển kinh tế, phá thế độc canh, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, bà con thôn 6 điển hình giảm nghèo và cả xã Tà Nung vẫn còn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, kết hợp hài hòa giữa luật tục và luật pháp, giữa truyền thống và hiện đại, loại bỏ các phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng Tà Nung phát triển theo hướng văn minh, hiện đại, giàu bản sắc.
 
DIỆU HIỀN