Những bác sỹ mang áo lính

09:03, 05/03/2015

Không khoác áo blouse, làm việc trong môi trường đặc thù đầy khắc nghiệt nhưng những người bác sỹ trên đảo xa với trình độ và lòng nhiệt tâm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ thực sự là những chiến sỹ chiến đấu với tử thần cứu ngư dân giữa lằn ranh sinh tử. 

Không khoác áo blouse, làm việc trong môi trường đặc thù đầy khắc nghiệt nhưng những người bác sỹ trên đảo xa với trình độ và lòng nhiệt tâm vẫn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Họ thực sự là những chiến sỹ chiến đấu với tử thần cứu ngư dân giữa lằn ranh sinh tử. 
 
Những ca bệnh đặc biệt ở An Bang
 
Vùng biển quanh đảo An Bang giàu, nhưng dữ, có nhiều trường hợp ngư dân ra khơi đánh bắt và gặp tai nạn ở khu vực này. Và, Bệnh xá An Bang là nơi tiếp nhận và tiến hành cứu chữa.
 
Đại úy, bác sỹ Lê Hải Nam - Bệnh xá trưởng đảo An Bang cho biết: Trong năm 2014, Bệnh xá đảo An Bang đã khám và cấp thuốc cho gần 400 lượt, cấp cứu 5 ngư dân, trong đó có những ca rất đặc biệt. Ngư dân Lê Văn Ninh (53 tuổi, trú tại Nha Trang - Khánh Hòa) vào cấp cứu ở bệnh xá ngày 23/10 trong tình trạng chấn thương ngực bụng kín, do cẩu hàng bị đứt dây cáp, lưới chứa 13 tấn cá rơi đè lên nửa người, làm gãy xương sườn số 9, 10, 11 bên phải; chảy máu trong ổ bụng và vỡ gan. Đây là ca bệnh rất nguy hiểm, nếu không tiến hành giải quyết ngay sẽ dễ dẫn tới tử vong. Ở An Bang sóng gió quá mạnh nên không thể đưa bệnh nhân vào bờ. Trong lúc nguy cấp, chỉ huy đảo An Bang và kíp bác sỹ ở bệnh xá đã đưa ra quyết định phẫu thuật cứu sống ngư dân Lê Văn Ninh ngay tại đảo. “Sau hơn 2 giờ nỗ lực với quyết tâm cao nhất, không chỉ của các y, bác sỹ, chỉ huy đảo lo lắng; mà tất cả các chiến sỹ làm nhiệm vụ khác, như nghẹt thở ngóng chờ từng giờ để biết kết quả của bệnh nhân” - Thiếu úy Lê Bá Kình vẫn còn nhớ như in cảm giác đó. Ca phẫu thuật thành công, anh Ninh tiếp tục được điều trị ở Bệnh xá đảo An Bang 40 ngày cho đến khi hồi phục hoàn toàn. Anh Nguyễn Hoa - Trưởng tàu của ngư dân Lê Văn Ninh cho biết: “Các bác sỹ ở đảo cứu được anh Ninh, tất cả chúng tôi cũng mừng như vừa “chết đi sống lại”. Lênh đênh đánh bắt trên biển, nhiều bất ngờ có thể xảy ra nhưng có đảo, có các bác sỹ khiến chúng tôi cũng yên tâm hơn nhiều”.
 
Đại úy, bác sỹ Huỳnh Thanh Bình giới thiệu về hệ thống hội chẩn trực tuyến
Đại úy, bác sỹ Huỳnh Thanh Bình giới thiệu về hệ thống hội chẩn trực tuyến
 
Ngư dân Lê Duy Hội (23 tuổi, trú tại Núi Thành - Quảng Nam) câu cá ngừ đại dương, một lần câu được con cá lớn, lúc kéo lên do quá nặng nên dây câu bị đứt, lưỡi câu bật ngược móc vào bắp tay. Do chủ quan, Hội vẫn cố gắng đi đánh bắt thêm 3 ngày nữa mới vào đảo khi đã có dấu hiệu hôn mê. “Đây không phải là ca khó, nhưng là ca kéo dài nhất (4 tiếng) trong suốt thời gian nhận nhiệm vụ ở Bệnh xá An Bang. Móc câu cắm mạnh vào bắp tay, móc cùng một lúc 3 dây thần kinh chính, nếu không gỡ khéo léo có thể dẫn đến bại liệt hoàn toàn cánh tay. Hội còn rất trẻ, cũng là trụ cột của một gia đình, áp lực đó càng làm chúng tôi tuyệt đối không để xảy ra sơ suất nào dù là nhỏ nhất. Mỗi dây thần kinh được gỡ ra, tôi lại thở nhẹ nhàng hơn một tý”, bác sỹ Nam bộc bạch. Sau phẫu thuật 5 ngày, Hội hoàn toàn bình phục và trở về trong niềm hân hoan của cả gia đình.
 
Đến nay, bác sỹ Nam đã có những kinh nghiệm khi nhận định chính xác tàu có ngư dân gặp nạn: “Nếu trên đài quan sát mà phát hiện có tàu đánh cá từ xa tít, nhưng có hướng chạy thẳng vào đảo, sóng rẽ mạnh hai bên, vừa chạy vừa thả thúng xuống thì ngay lập tức chỉ huy đảo thông báo cho y, bác sỹ tổ chức chuẩn bị sẵn sàng đón ngư dân, đồng thời cho chiến sỹ ra bãi cát hỗ trợ”.
 
“Phải cứu sống ngư dân” 
 
Bác sỹ Huỳnh Thanh Bình - Bệnh xá trưởng Bệnh xá đảo Trường Sa Lớn cho biết: “Các bác sỹ khi nhận nhiệm vụ làm việc ở các đảo đều trải qua sự lựa chọn, huấn luyện kỹ của các bệnh viện từ đất liền và cả quân đội để có thể đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trên các đảo. Tất cả vì mục tiêu “phải cứu sống ngư dân”.
 
Được biết, Trường Sa Lớn và An Bang là hai đảo nổi trong 5 đảo ở Nam Trường Sa nên hầu như các ngư dân gặp nạn đều đưa về hai đảo này. Trường hợp các bệnh xá không thể xử lý có thể chuyển về đất liền bằng máy bay của Sư đoàn không quân 370. 
 
Trường Sa Lớn là đảo cấp 1, nơi đây có trang bị thiết bị y tế hiện đại nhất trong số các đảo. Năm 2013, Bệnh xá Trường Sa Lớn đã được trang bị hệ thống máy Hội chẩn trực tuyến từ Bệnh viện 175. Nhờ hệ thống hội chẩn này, những ca khó sẽ được các bác sỹ, chuyên gia đầu ngành từ đất liền hỗ trợ. Đồng thời, đây cũng là phương tiện cập nhật những thông tin y học mới cho các bác sỹ ở ngoài đảo. Trong năm 2014, đã có 8 ca tiến hành hội chẩn trực tuyến, trong đó có 7 ca được tiến hành phẫu thuật thành công ngay tại Trường Sa. 
 
Bác sỹ Bình kể “Có nhiều trường hợp ngư dân đi biển, thấy đau bụng âm ỉ, nhưng chủ quan vẫn đi đánh bắt, đến khi đau quá vào đảo, qua hội chẩn thì phát hiện ngư dân đã bị viêm ruột thừa cấp. Các y, bác sỹ của bệnh xá tiến hành phẫu thuật gấp, ruột thừa của bệnh nhân đã bị viêm, nên công tác gỡ, cắt rất khó khăn, bởi nếu không khéo léo sẽ dẫn tới nguy cơ xì rò manh tràng. Cuộc sống mưu sinh đã vất vả lắm rồi. Bởi thế, chúng tôi luôn nhắc nhở ngư dân, tuyệt đối không được chủ quan, khi có dấu hiệu gì về sức khỏe cần vào đảo ngay”.
 
Vị bác sỹ này cũng tâm tình: “Ngành nào cũng vậy, chứ không chỉ ngành y, càng thực hành nhiều bao nhiêu, thì tay nghề sẽ cao bấy nhiêu. Ngoài nhiệm vụ, chúng tôi còn phải tự học qua sách vở nhờ gửi ra từ đất liền. Khi về bờ vẫn phải tiếp tục học hỏi để có thể đáp ứng được nhiệm vụ”.
 
Nơi đầu sóng ngọn gió, giữa muôn vàn khó khăn, trong trang phục của người lính, anh Nam, anh Bình và cả những người bác sỹ vừa ra với đảo họ vẫn không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt nhiệm vụ thiêng liêng. Để cho bất cứ ngư dân nào khi ra khơi, đều cảm thấy an tâm khi có đảo, có những người trên đảo làm chỗ dựa vững chắc.
 
NGỌC NGÀ