10 năm "xây" một phong cách

08:03, 13/03/2015

Giáo dục kỹ năng sống, định hướng mục tiêu học tập và đào tạo học sinh DTTS trở thành cán bộ "nguồn" cho địa phương là mục tiêu quan trọng của Trường DTNT Bảo Lâm trong suốt hơn 10 năm qua. Tháng 1/2005, tách ra từ Trường THCS Lộc Thắng, Trường DTNT Bảo Lâm chính thức được thành lập. 

Bây giờ những cô cậu học trò các khóa đầu tiên của Trường Dân tộc nội trú (DTNT) Bảo Lâm đã là những y tá, dược sỹ, bác sỹ, giáo viên, cán bộ công chức ở nhiều vị trí công tác, nhưng tất cả đều có chung một cảm nhận khi nhắc về ngôi trường cũ trong ngày trở về họp mặt nhân kỷ niệm 10 năm thành lập: “Đó là một mái trường và cũng là gia đình, là cánh cửa giúp các em mở ra những trang mới trên con đường học tập, rèn luyện và trưởng thành”.
 
Học sinh của trường trong giờ hướng nghiệp
Học sinh của trường trong giờ hướng nghiệp
 
Tốt nghiệp ngành dược Trường Đại học Y Tây Nguyên về công tác tại Trung tâm Y tế Bảo Lâm, Mông Thị Điệp (người dân tộc Nùng, xã B’Lá) là thế hệ học trò đầu tiên của Trường DTNT Bảo Lâm những ngày trường còn chưa chia tách. Điệp kể: “Năm 1997, hệ DTNT còn trực thuộc Trường cấp II - III Bảo Lâm. Trường rất đông giáo viên và học sinh, cả người Kinh và dân tộc thiểu số. Lúc đó, việc dạy và học cho người DTTS còn rất khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm thầy dành cho trò thì không bao giờ thiếu. Tôi còn nhớ, hồi đó, các thầy cô giáo thường hay xuống các lớp để cùng giúp đỡ và trò chuyện với học sinh DTTS, giúp chúng tôi vượt khó, “trụ” lại với trường. Thầy cô còn dạy chúng tôi cách nghĩ, cách sống để có thể hòa nhập với cuộc sống, trưởng thành là một người tốt, người có ích”. Cùng với Điệp trong ngày trở về thăm trường còn có nhiều cựu học sinh. Thầy giáo Nguyễn Ry, Hiệu trưởng Trường DTNT Bảo Lâm, cho biết: “Trong 10 năm qua, trường đã tiễn hơn 600 học sinh ra trường; trong đó, có hơn 130 em đã tiếp tục học lên cao và hiện đang công tác, đóng góp cho sự phát triển của nhiều vùng DTTS ở địa phương”. 
 
Giáo dục kỹ năng sống, định hướng mục tiêu học tập và đào tạo học sinh DTTS trở thành cán bộ “nguồn” cho địa phương là mục tiêu quan trọng của Trường DTNT Bảo Lâm trong suốt hơn 10 năm qua. Tháng 1/2005, tách ra từ Trường THCS Lộc Thắng, Trường DTNT Bảo Lâm chính thức được thành lập. Quy mô ban đầu chỉ có 94 học sinh với 4 khối lớp, 8 giáo viên và 8 nhân viên. Năm đầu tiên, trường phải đi mượn cơ sở vật chất để dạy và học, giáo viên thiếu, học sinh “đầu vào” yếu. Mọi thứ, từ nơi ăn, chốn ở cho đến trang thiết bị dạy và học đều tạm bợ. “Ngày đó, chúng tôi cùng nhau vượt khó bằng tinh thần đoàn kết, lòng cầu tiến và sự yêu thương để ổn định và duy trì chất lượng giáo dục. Mất 5 năm đầu, trường mới có thể ổn định, vận hành thông suốt và bắt đầu nhắm đến mục tiêu xây dựng một phong cách đào tạo của riêng mình” - thầy giáo Ry cho biết.
 
Đến bây giờ, chất lượng giáo dục của Trường DTNT Bảo Lâm được nâng lên rõ rệt; cơ sở vật chất khang trang; 20/25 giáo viên đạt trên “chuẩn” (14 giáo viên giỏi cấp huyện) và học sinh hiện có 274 em. Thầy giáo Phạm Trường Lâm, Phó Hiệu trưởng, trao đổi: “Qua 10 năm, trường đã đạt được nhiều bước tiến vượt bậc, đáng kể nhất là đã hình thành được phong cách riêng trong giáo dục kỹ năng sống cho học sinh DTTS, giúp các em tiếp cận với xã hội và đem kiến thức của mình về cải thiện cuộc sống ở buôn làng”. Các em không chỉ được học chữ, mà còn được học cách sống vì tập thể; học kỹ năng sản xuất, trồng trọt... Em Hoàng Ngọc Hưng (dân tộc Mèo, xã Lộc Thành) cho biết: “4 năm học ở Trường là quãng thời gian em rất thích. Ngoài kiến thức về khoa học tự nhiên và xã hội, em còn được hướng nghiệp, biết lao động sản xuất và biết cách tự chăm sóc bản thân. Cùng với các bạn, khi trở về buôn làng, em cũng động viên gia đình cải tạo đất để trồng khoai, trồng rau để cải thiện bữa ăn”.
 
Nếu những năm đầu thành lập, trường không có học sinh giỏi thì những năm gần đây, nhờ tập trung đẩy mạnh chất lượng giáo dục mũi nhọn, mỗi năm, Trường có từ 2 - 3 học sinh giỏi cấp huyện. Tỷ lệ học sinh cuối cấp thi vào các trường PTTH đạt điểm cao luôn chiếm trên 50%. Đặc biệt, bằng sự nhiệt tình của mình, đội ngũ giáo viên xem trò như con, luôn động viên các em đến lớp. Nhờ vậy, tỷ lệ duy trì sĩ số của Trường qua các năm luôn ổn định ở mức trên 80%. Thầy cô giáo của Trường luôn thi đua tự rèn luyện, tự học để nâng tầm kiến thức, kỹ năng giáo dục. Nhiều thầy cô giáo liên tục đạt giải cao trong các hội thi giáo viên giỏi, giáo viên trẻ tài năng các cấp. Chi bộ của Trường từ 4 đảng viên nay đã phát triển thêm 15 đảng viên mới. Nhiều năm liền, Chi bộ Trường đạt TSVM. Tập thể Công đoàn, Chi đoàn và các đoàn thể khác trong Trường luôn duy trì thành tích vững mạnh hàng năm, góp phần hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ dạy và học. Nhiều năm liền, Trường được UBND tỉnh, Sở Giáo dục và Đào tạo tặng nhiều bằng khen, giấy khen và được chọn là trường “điểm” của tỉnh thực hiện phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. “Trong chiến lược phát triển, chúng tôi sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, cố gắng phấn đấu xây dựng Trường đạt chuẩn quốc gia, Trường tiên tiến của tỉnh” - thầy giáo Phạm Trường Lâm trao đổi.
 
HẢI UYÊN