Những "đóa hồng" của chiến khu xưa

03:04, 16/04/2015

(LĐ online) - Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được gặp những "đóa hồng" của chiến khu Tuyên Đức - Lâm Đồng năm xưa...  

(LĐ online) - Những ngày tháng Tư lịch sử, tôi may mắn được gặp những “đóa hồng” của chiến khu Tuyên Đức - Lâm Đồng năm xưa...  
 
Trong hàng chục câu chuyện từ người thật, việc thật về những chiến công oai hùng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử mùa xuân năm 1975, thống nhất đất nước của các chị. Trong tôi trào dâng niềm cảm phục về các nữ anh hùng một thời kinh qua đạn bom khói lửa chiến tranh, hy sinh xương máu, tuổi xuân cho sự nghiệp độc lập dân tộc. 
 
Nữ pháo thủ đơn vị 8/3
 
Tôi gặp chị bên hành lang của hội trường Tỉnh đội Lâm Đồng vào dịp họp mặt nữ chiến khu Tuyên Đức - Lâm Đồng năm 2015. Nếu như không được giới thiệu trước, có lẽ mãi mãi chỉ biết đến chị với cái tên Lưu Thị Thanh An - nguyên Chủ tịch Hội LHPN Bảo Lộc, Uỷ viên Ban Thường vụ tỉnh, Bí thư Thị ủy Bảo Lộc, Phó Chủ tịch Hội Nạn nhân Chất độc da cam Lâm Đồng, chứ không thể nào nhận ra chị từng là nữ pháo thủ oai hùng của đơn vị pháo binh 8/3 - Đơn vị nữ pháo binh duy nhất của Lâm Đồng đóng chân tại địa bàn Bảo Lộc trong thời kỳ chống đế quốc Mỹ cứu nước. 
 
Nữ pháo thủ đơn vị pháo binh 8/3 Lưu Thị Thanh An
Nữ pháo thủ đơn vị pháo binh 8/3 Lưu Thị Thanh An

Với vẻ mặt phúc hậu, chị An nhớ lại: “Năm 1964, cùng với chính sách bình định hóa, Mỹ - Ngụy mở rộng vùng chiến sự ra khắp miền Nam. Trước tình cảnh đó, tôi xung phong vào bộ đội và trở thành chiến sỹ nữ pháo binh 8/3”. Cũng theo chị, trong những ngày ác liệt đó, cùng với đồng đội, chị đã tham gia đánh địch hàng trăm trận, với đủ các hình thái chiến thuật: đánh pháo binh, đánh bộ binh, đánh độc lập, đánh phối hợp; vận động quần chúng, địch vận…” 
 
Nối tiếp câu chuyện, như được khai mở dòng cảm xúc về một thời oanh liệt, với những chiến công oai hùng của đơn vị nữ pháo binh 8/3, chị em thường gọi là đơn vị nữ pháo binh 83. Bà Phan Thị Hùng (71 tuổi, quê Phú Hòa Đông, Củ Chi, TP HCM; nay ngụ tại thị trấn Di Linh, huyện Di Linh), cho biết: “Năm 16 tuổi (tháng 5/1961), tôi tham gia cách mạng, lúc đầu chỉ làm công việc nấu cơm ở ban quân sự Lâm Đồng, sau thời gian được đi học may và về làm việc ở Quân nhu hậu cần. Đến năm 1968, chuyển qua đơn vị pháo binh 83. Năm 1971, xuống làm Bí thư Đội công tác của F16 ở K3 Di Linh. Sau giải phóng về được đi học bổ túc văn hóa tại Đà Lạt, xong về làm Hội trưởng Hội Phụ nữ huyện Di Linh, tiếp đến là Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam, đến năm 1992 về nghỉ hưu tại địa phương”. 
 
Bà Hùng cho biết, từ 1968 - 1971, bà làm Chỉ huy trưởng đơn vị pháo binh 83. Giai đoạn này, đơn vị 83 chủ động đánh địch rất nhiều trận, trong đó trận ra quân đầu tiên ngay sau khi thành lập, đơn vị bị mất hai khẩu đội cối 82, nên phải hỏa tốc về Miền nhận hai khẩu đội khác về đánh địch. Có đủ súng, đạn, đơn vị liền đánh vào Chi khu Bảo Lộc, nhưng trên đường hành quân không may gặp địch, bị chận đánh ngang hông, làm một nữ pháo thủ hy sinh tại chỗ, 3 chị em khác trong đơn vị bị thương nên phải rút quân. Một tuần sau, đơn vị lại tập hợp chị em, đánh cấp tập vào Chi khu và tiêu diệt được 25 tên địch, phá hủy một máy bay cùng nhiều súng đạn. 
 
Nữ chỉ huy đơn vị pháo binh 8/3 Phan Thị Hùng
Nữ chỉ huy đơn vị pháo binh 8/3 Phan Thị Hùng

Cũng theo người nữ chỉ huy đơn vị 83, sau hiệp định Paris 1973, liên tục trong 14 ngày, đơn vị đã đánh Chi khu Bảo Lộc, Sở Chi huy Cảnh sát Bảo Lộc, đánh địch ở Đạ Nghịt… Nói chung đánh rất nhiều trận, nhưng nhớ nhất là trận đánh ngày 19/5/1969. Trong khi chuẩn bị chiến trường chị em nghe tin Bác bệnh nặng, đến khi chuẩn bị xong trận địa lại nhận được tin Bác mất, tất cả chị em đều khóc ngất. 
 
Biến đau thương thành hành động, lập công đền ơn Bác, ngay sau đó chị em tập trung học sơ đồ để đánh địch. Trước khi vào trận, chị em làm lễ để tang Bác và thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Đúng giờ G, đơn vị pháo binh 83 điểm hỏa, hỗ trợ cho Đại đội 200C (C200) đánh đồi Pasteur; đơn vị 730, 742, 744 đánh vào Chi cảnh sát, còn đơn vị pháo binh 83 dùng 120 quả đạn đánh cấp tập vào khu vực đóng quân ở chợ cũ Di Linh, đồng thời bắn hỗ trợ cho các đơn vị tiến quân tiêu diệt địch. Trận đánh kéo dài trong 4 giờ, ta tiêu diệt trên 200 tên địch, trong đó đơn vị 83 diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 93 tên. Với chiến công này, đơn vị nữ pháo binh 83 được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba cùng nhiều giấy khen cho chị em trong đơn vị. 
 
Vượt qua gian khổ, một lòng theo cách mạng 
 
Đảm nhận một công việc khác với các nữ pháo thủ 8/3, nhưng có cùng chí hướng, niềm tin vào cách mạng, chị Đào Thị Tâm Mai, nguyên Giám đốc Công ty XSKT Lâm Đồng, người tham gia cách mạng từ năm mới lên 14 tuổi, nhớ lại: “Năm 1968, khi vừa tròn 14 tuổi, tôi bước vào con đường hoạt động cách mạng với vai trò là học viên y tá của Huyện đội Đức Trọng”. 
 
Chị Đào Thị Tâm Mai
Chị Đào Thị Tâm Mai

Chị Mai cho biết, năm 1969, chị được biên chế về Ban Dân y Khu 6, vừa học tập vừa đảm nhiệm công tác pha chế thuốc và quản lý kho dược, sau đó được điều động về Văn phòng Tỉnh ủy Tuyên Đức đóng tại hang đá Ông Già Râu (sau Núi Voi, Đức Trọng). Tại đây, chị cùng các đồng chí đã phải trải qua những ngày tháng gian khổ nhất, luôn phải đối mặt với cái đói, cái rét. Có đợt địch càn quét, lùng sục, bố ráp gắt gao, cơ quan phải di chuyển tránh càn liên tục, 4-5 tháng không được ăn cơm, chỉ ăn toàn mì với bắp. Cơ quan ở trong rừng thiếu thốn mọi bề, hạt muối cũng không có, một lần chú Trinh Luyện khi đó là Trưởng ban Dân vận có cho một gói muối Cà Ná đúng 3 hạt, bốn năm chị em mừng quá đập ra cho vào miệng ngậm thấy ngon vô cùng… Vậy nhưng, tất cả anh chị em đều một lòng tin tưởng vào cách mạng, tin vào ngày toàn thắng nên đã vượt qua gian khổ mà tưởng chừng như không thể. 
 
Nữ “thủ lĩnh” phong trào sinh viên
 
Trong khi đó, nữ Tiến sỹ Hóa học, Viện Khoa học CHLB Đức Lê Thị Quyền (bí danh Sáu, quê Quảng Ngãi), từng theo học ngành báo chí và Đại học Khoa học Sài Gòn, một trong những nữ “thủ lĩnh” của phong trào sinh viên trước 1975. Sau giải phóng, chị nhận công tác tại Thành Đoàn Đà Lạt (phụ trách tuyên huấn), sau đó về làm việc ở Báo Nhân Dân với bút danh Hồng Kiên. Năm 1977, chuyển sang công tác ở Viện Khoa học Việt Nam phía Nam, đi nghiên cứu sinh ở CHDC Đức, rồi làm việc ở Viện Khoa học CHLB Đức, cho biết: Tháng 10/1970, chị được ông Vũ Linh (phụ trách an ninh tỉnh Tuyên Đức) và ông Nam Dư (Bí thư Đà Lạt thời bấy giờ) phân công phụ trách phong trào sinh viên ở Đà Lạt, nên đã chuyển lên học tại Đại học Đà Lạt để tạo vỏ bọc hoạt động. 
 
Nữ “thủ lĩnh” phong trào sinh viên Lê Thị Quyền
Nữ “thủ lĩnh” phong trào sinh viên Lê Thị Quyền

Tại đây, chị đã vận động sinh viên, phụ nữ, trí thức tham gia cách mạng; tổ chức các hoạt động biểu tình phản chiến, phản đối bầu cử tổng thống Mỹ; tham gia phong trào đòi quyền sống ở Đà Lạt, Tuyên Đức, phong trào phản chiến của phật tử do Ni sư trưởng Huỳnh Liên đứng đầu. Trong những ngày sôi sục 3/4/1975, chị cùng anh Nguyễn Trọng Hoàng (con của đồng chí Vũ Linh), đã kêu gọi học sinh, sinh viên, nhân dân xuống đường biểu tình giành chính quyền, lúc đó chị đảm nhận phụ trách Đài phát thanh, viết bài đăng báo, tuyên truyền (công tác chính trị). Cũng theo chị Quyền, hoạt động của học sinh, sinh viên Đà Lạt lúc đó đã góp phần không nhỏ cho việc giải phóng Đà Lạt. 
 
Còn rất nhiều “đóa hồng” của chiến khu xưa, trong đó có người đã không kịp về với ngày chiến thắng, có người chưa tròn giấc mơ cắp sách đến trường, chưa nói xong lời hò hẹn với tình yêu đôi lứa và cũng có người chưa kịp nấu cho gia đình thân yêu của mình một bữa cơm trọn vẹn nghĩa tình. Nhưng lý tưởng, hòai bão, ước mơ thôi thúc các chị gặp nhau trên những nẻo đường kháng chiến, trong chiến khu, trên chiến hào đạn bom ác liệt… Sự cống hiến to lớn của các chị đã góp phần cùng nhân dân cả nước hoàn thành sứ mệnh lịch sử, đánh đuổi giặc ngoại xâm ra khỏi bờ cõi thiêng liêng của Tổ quốc, để non sông thu về một mối và ngày càng phát triển xinh đẹp như ngày hôm nay.
 
Thụy Trang ghi