Đưng K'Nớ… không còn xa

09:05, 14/05/2015

Những ngày tháng Tư phủ lên đất trời Tây Nguyên cái nắng hanh hao của tiết giao mùa, đôi khi lại ào ào cơn mưa vội vã, khó đoán… Tháng Tư thấm vào lòng người bằng nắng gió, sắc đỏ bazan và chập chờn những cánh bướm. Đi giữa Tây Nguyên những ngày này, âm vang đâu đó giai điệu tự hào của những ngày lịch sử, của tháng Tư 40 năm về trước, 40 năm thống nhất đất nước.

Những ngày tháng Tư phủ lên đất trời Tây Nguyên cái nắng hanh hao của tiết giao mùa, đôi khi lại ào ào cơn mưa vội vã, khó đoán… Tháng Tư thấm vào lòng người bằng nắng gió, sắc đỏ bazan và chập chờn những cánh bướm. Đi giữa Tây Nguyên những ngày này, âm vang đâu đó giai điệu tự hào của những ngày lịch sử, của tháng Tư 40 năm về trước, 40 năm thống nhất đất nước.
 
Chúng tôi đến Đưng K’Nớ một ngày tháng Tư như thế, đầy nắng và tự hào… Cảm xúc ấy càng khó tả khi đi trên con đường Đông Trường Sơn huyền thoại để đến với xã vùng ba, thuộc diện khó khăn nhất của Lâm Đồng. “Tháng Tư này khác rồi, có đường mới rồi thì bà con đang mong mưa, không còn sợ mưa đến sớm như những năm trước nữa”- Phi Srỗn Ha Nràng, Chủ tịch xã Đưng K’Nớ đón chúng tôi bằng câu nói nửa đùa nửa thật.
 
Đường vào Đưng K’Nớ
Đường vào Đưng K’Nớ
 
“Ốc đảo” Đưng K’Nớ
 
Chưa kịp thắc mắc câu nói của vị chủ tịch xã trẻ măng, tôi đã tự tìm được câu trả lời từ trong câu chuyện của già làng Rơ Ông Ha Tang. Già làng đã đi qua hơn 70 mùa mưa - nắng Tây Nguyên, cười rung cả chùm râu bạc khi nghe anh đồng nghiệp tôi hỏi: “Già ơi, đường vô đây bây giờ đẹp quá già nhỉ?”.
 
“Ừ! Đẹp lắm, hết khó đi rồi”… Trong ánh nhìn xa xăm về phía đường 722, già làng nhớ lại ký ức của những ngày mưa năm trước, nhất là thời điểm từ năm 2009, khi mà người ta gọi đường vô xã Đưng K’Nớ là “dòng sông bùn”, “con đường đau khổ”. Bởi: “Năm nào cũng vậy, Đưng K’Nớ đều có một vài tháng bị cô lập hoàn toàn như “ốc đảo” giữa rừng, không có đường vào, nhu yếu phẩm đắt đỏ và không có bất kỳ một chiếc xe nào có thể đến được, kể cả xe đặc chủng của quân đội” - già Ha Tang chậm rãi. Những lúc dân làng chia nhau từng hạt gạo, nắm muối cầm cự chờ tiếp viện, rồi thì bao nhiêu ca bệnh không kịp đưa ra trung tâm vì giao thông cách trở, bao nhiêu ca đẻ “rớt” trên đường tìm cách ra trạm y tế ở Lán Tranh… già Ha Tang đều nhớ như in, kể lại vanh vách.
 
Những mùa mưa trước, bắt đầu từ thôn Lán Tranh (cách cầu Suối Vàng - điểm đầu của công trình đường Trường Sơn Đông gần 20km) đến trung tâm xã, đường lầy lội dày đặc, ngập bùn đất đỏ quánh, bùn ngập ngang gối, chỉ duy nhất có một lằn ranh vừa đủ cho bánh xe chạy qua. Có những thời điểm bị cô lập, người dân phải đi bộ ra thôn Lán Tranh nhận gạo cứu trợ của chính quyền địa phương. 
 
“Ốc đảo” Đưng K’nớ những ngày ấy, đúng nghĩa trong tiếng Cơ Ho - là một bãi đất bằng chật hẹp giữa núi non, với tứ phía là rừng Bidoup Núi Bà và rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim. Lại có người kể rằng, Đưng K’nớ là điểm nối giữa vùng đất cao Lang Biang và vùng đất thấp Đầm Ròn. Con đường nối thông 3 vùng đất này thực chất là con đường mòn xuyên qua giữa rừng, theo một tài liệu cũ, con đường này được Đệ nhất phu nhân của chính quyền Sài Gòn Trần Lệ Xuân mở làm đường chiến lược nối thông qua Buôn Ma Thuột, nhưng không thành công. Chẳng rõ sự chính xác của thông tin này nhưng sự thật vào cao điểm mùa mưa, đường tới Đưng K’Nớ ngập ngụa trong bùn lầy, trở thành “ốc đảo” bị cô lập là chuyện ai cũng biết, cũng sợ.
 
Vậy là tôi đã hiểu, vì sao bà con nơi đây lo sợ khi mùa mưa vào cao điểm?
 
Buôn làng đổi thay, lại gần phố thị
 
Câu chuyện về những ngày mưa ấy dài dằng dặc và ám ảnh trong ký ức của già làng Ha Tang và người dân Đưng K’Nớ đến nỗi già bảo: “Vừa đi vừa kể thì qua bao nhiêu ngọn đồi cũng không hết chuyện!”. Chủ tịch xã Ha Nràng ngắt lời: “Bây giờ hết rồi mà già, thay đổi, khởi sắc rồi”. Buôn xa đã được kéo lại gần phố thị và khu trung tâm của huyện từ khi con đường Đông Trường Sơn qua xã hoàn thành cơ bản và chính thức thông xe. Buôn làng đã đổi thay, lại gần hơn với phố, gần với hiện đại, với ấm no.
 
Đưa tay chỉ con đường trải nhựa láng tưng chạy ngang qua xã, Ha Nràng chia sẻ với niềm vui hiện rõ trong ánh mắt lẫn nụ cười: Từ ngày con đường này hình thành thì việc kết nối giao thương, vận chuyển hàng hóa đã được thông suốt hoàn toàn. Hiện các trục đường trong thôn hầu hết đã được bê tông hóa, thôn 1 là 2 con đường với chiều dài 1,7km, thôn 2 chiều dài 585m và 200m đường giao thông nông thôn Đưng Trang. 
 
Những trục đường bê tông hóa đã chấm dứt cảnh mưa lầy nắng bụi, các sản phẩm của người dân làm ra không còn bị thương lái ép giá, các nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày không còn bị đẩy giá lên cao như trước. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nơi đây từng bước được cải thiện rõ rệt, cái đói cái nghèo đã dần được đẩy lùi, bà con còn tích cực hưởng ứng và xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã đạt 7 tiêu chí xây dựng nông thôn mới là điện, nhà ở khu dân cư, quy hoạch, văn hóa, thủy lợi, an ninh trật tự và cơ cấu lao động.
 
Theo chân ông Bon Niêng Ha Lương (thôn 1, xã Đưng K’Nớ) chúng tôi ghé thăm vườn cà phê rộng 60ha trồng xen canh các loại cây ăn trái của gia đình ông. Ông bảo: “Giờ có con đường mới chạy qua, bán cái gì cũng được giá hơn ngày trước. Ngày trước, bán 2 bao cà phê bằng bây giờ bán 1 bao đó. Mua phân, giống, thuốc cũng rẻ hơn nhiều rồi. Mừng hơn là con cháu mình đi học đỡ vất vả, không lo đường đến lớp ngày mưa nữa. Thiệt là mừng trong bụng quá!”.
 
Đưng K’Nớ là một xã nghèo của huyện Lạc Dương, có 98% dân cư là người đồng bào thiểu số Cơ Ho, toàn xã có 415 hộ, 1.910 nhân khẩu, phần lớn sinh sống bằng nghề nông nghiệp, chủ yếu là cây cà phê, lúa nước và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tỷ lệ hộ nghèo của xã được kéo giảm nhanh mỗi năm, nếu như năm 2009 xã Đưng K’Nớ có tỷ lệ hộ nghèo là 47,32% thì đến năm 2014 chỉ còn 16,6%, được đánh giá là nơi có tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhất 2 năm trở lại đây trong 4 xã nghèo huyện Lạc Dương. 
 
Trẻ em Đưng K’Nớ đã được vui chơi trong ngôi trường khang trang
Trẻ em Đưng K’Nớ đã được vui chơi trong ngôi trường khang trang
 
Ông Phạm Triều - Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương ghi nhận: “Xã Đưng K’Nớ đang từng bước vươn lên thoát nghèo. Đời sống bà con đang ngày càng ấm no, đầy đủ cả về vật chất và tinh thần. Chỉ tiêu giảm nghèo của Đưng K’Nớ năm 2015 còn dưới 14%. Xã đang phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt 17 triệu đồng/người/năm; giải quyết trên 200 lao động có việc làm mới; tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn dưới 20%; 100% hộ được sử dụng nước sạch và điện lưới quốc gia, duy trì kết quả đạt chuẩn giáo dục đúng độ tuổi.
 
Ngày chúng tôi đến, cũng là ngày mà hơn 200 hộ dân của xã đang nô nức xếp hàng nhận tiền quản lý bảo vệ rừng. Theo lời Chủ tịch xã thì hơn một nửa hộ dân của xã đang nhận tiền bảo vệ rừng từ dự án Flitch -  “Từ mấy năm nay bà con ý thức giữ rừng lắm, nạn phá rừng hầu như không còn. Đó cũng là nguồn thu nhập đáng kể giúp bà con thay đổi cuộc sống”. Vừa hồ hởi nhận tiền chị Ka Mai (thôn 2) vừa tâm sự: “Cảm ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền đã quan tâm đến đời sống của chúng tôi. Từ ngày được nhận tiền giữ rừng và rất nhiều hỗ trợ của tỉnh để trồng trọt, làm kinh tế, cho con đi học… nhà tôi hết khổ rồi”.
 
Những ngày cuối mùa khô, “xứ Ruồi vàng” - Đưng K’Nớ đang mong chờ những cơn mưa đầu mùa tưới tắm cho 400ha cà phê bạt ngàn và hơn 30ha lúa nước vụ Đông Xuân. Có con đường mới, việc thông thương nhiều thuận lợi nên đời sống của bà con cũng sẽ khởi sắc, thông suốt như những chuyến xe đang bon bon chở hàng hóa ra trung tâm.
 
Tôi lại hiểu thêm vì sao từ đây bà con không còn sợ mưa nữa, mà là mong chờ!
 
Con đường lịch sử
 
Đứng trên con đường Trường Sơn Đông chạy qua xã Đưng K’Nớ khang trang, những chuyến xe tấp nập vận chuyển hàng hóa, nông sản chạy qua, xua tan cái nắng buổi trưa oi ả là những nụ cười trong veo của bầy trẻ nhỏ đi học về. Lòng nhẹ tênh!
 
Những đứa trẻ này, rồi đây, trong một tiết học Lịch sử nào đó sẽ được các thầy cô giáo nơi đây nhắc nhớ về 40 năm trước, con đường rộng thênh thang các em đang đi chính là nơi cha ông đã đi qua thời gian khó, chiến đấu và hy sinh. Giống như cô giáo Phi Srôn Ka In (thôn 1, Đưng K’Nớ) cười kể rằng: “Bọn trẻ bây giờ đi học sướng lắm, đường sá sạch sẽ không còn cảnh mang theo bùn đất vào lớp nữa. Con đường lịch sử năm xưa đã bắt kịp với hiện đại rồi, nhưng chúng tôi vẫn thường ôn lại lịch sử cho các học trò”.
 
Trong chiến tranh, đường Trường Sơn (Trường Sơn Tây và Trường Sơn Đông) là tuyến vận tải chiến lược, nơi đấu trí - sức giữa ta và địch trong suốt cuộc chiến giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đến nay, tuyến Trường Sơn Tây mà trục chính là đường Hồ Chí Minh - QL14 đã tạo sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống người dân Tây Nguyên. Còn Trường Sơn Đông với Dự án đường Đông Trường Sơn do Ban quản lý dự án 46 (thuộc Bộ Quốc phòng) làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí trên 10.000 tỷ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 670km đi qua 7 tỉnh, gồm: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum, Gia Lai, Phú Yên, Đắc Lắc và Lâm Đồng. Riêng đoạn cuối thuộc tỉnh Lâm Đồng có chiều dài 60km, nhờ ưu tiên đầu tư nên đã hoàn thành được hơn 50km và chính thức thông xe kỹ thuật đoạn nối thành phố Đà Lạt với xã Đưng K’Nớ, huyện Lạc Dương vào đầu tháng 3/2015.
 
Đường Đông Trường Sơn được xây dựng chủ yếu theo tiêu chuẩn đường cấp IV miền núi, nền đường rộng 7,5m, mặt đường rộng 5,5m. Kết cấu mặt đường cấp cao bê tông xi măng và bê tông nhựa. Toàn tuyến có 125 cầu các loại, 2 đường đôi và 2 hầm giao thông. Dự án được bố trí vốn và bắt đầu triển khai thi công từ đầu năm 2007 theo đúng Nghị quyết của Quân ủy Trung ương là ưu tiên hoàn thành đoạn giữa trên Tây Nguyên kết hợp với phát triển dần ra hai đầu tuyến.
 
Đại tá Hà Huy Hùng, Trưởng phòng Mặt bằng - Quản lý thi công (thuộc Ban QL Dự án 46, Bộ Quốc phòng) chia sẻ: Làm con đường này là sự trả ơn của Đảng và Nhà nước đối với đồng bào các dân tộc đã chở che, nuôi giấu bộ đội trong kháng chiến. Đồng thời, còn để dự phòng khi chiến tranh hay thiên tai xảy ra.
 
Lễ Thông xe đường Đông Trường Sơn qua xã Đưng K’Nớ diễn ra vào tháng 3/2015
Lễ Thông xe đường Đông Trường Sơn qua xã Đưng K’Nớ diễn ra vào tháng 3/2015
 
Cất cánh tương lai
 
Đường từ Tp. Đà Lạt vào xã Đưng K’Nớ dài hơn 60km đã được thông suốt, láng tưng, chỉ chạy xe mất hơn 1 tiếng rưỡi đồng hồ là đến tận trung tâm xã. “Mạch máu” này thông suốt sẽ trở thành đường dẫn đến cuộc sống ấm no, phát triển cho bà con đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu vùng xa của huyện Lạc Dương và trở thành động lực cất cánh cho tỉnh Lâm Đồng trong tương lai gần.
 
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã nhận định: “Con đường đi qua đã góp phần thay đổi lớn, có thể nói là thay đổi ngàn đời đối với đời sống của người dân ở đây. Trước đây, từ một giá trị chỉ bán ra bằng 30% so với Đà Lạt và giá nhu yếu phẩm lại cao gấp 5-7 lần so với giá trị thật, bây giờ con đường đã thay đổi hoàn toàn, góp phần nâng cao đời sống kinh tế, văn hóa, dân trí của người dân. Đặc biệt, đối với tỉnh Lâm Đồng sẽ kết nối nhanh với các tỉnh miền Trung - Tây Nguyên, sau này sẽ thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, du lịch và nhiều mặt với các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ, là động lực lớn cho tỉnh Lâm Đồng phát triển”.
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cùng đoàn công tác trong đợt kiểm tra thực tế trên toàn tuyến mới đây đã đánh giá: Dự án này có tầm quan trọng đặc biệt về chiến lược phòng thủ quốc gia, củng cố an ninh - quốc phòng và phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền Trung - Tây Nguyên. 
 
Con đường huyền thoại Đông Trường Sơn năm xưa cùng với đồng bào các dân tộc sinh sống trên dải Trường Sơn hùng vĩ một lòng theo cách mạng, cùng các lực lượng làm nên chiến thắng vẻ vang, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau 40 năm lại được Nhà nước đầu tư, có ý nghĩa chiến lược về quốc phòng - an ninh và là mạch máu mang đến no ấm cho đồng bào miền Trung - Tây Nguyên.
 
Và, một tương lai Lâm Đồng với gam màu tươi sáng sẽ theo “dải lụa” huyền thoại Đông Trường Sơn cất cánh, chắc chắn, không còn xa…
 
DIỄM THƯƠNG