Đổi thay toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số

09:07, 16/07/2015

Thực hiện đồng bộ các chính sách từ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các chương trình mục tiêu hỗ trợ người dân tộc thiểu số (DTTS) đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội… đã làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS ở huyện Di Linh trong 5 năm qua.  

Thực hiện đồng bộ các chính sách từ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt, các chương trình mục tiêu hỗ trợ người dân tộc thiểu số (DTTS) đến xây dựng cơ sở hạ tầng, chính sách an sinh xã hội… đã làm thay đổi toàn diện vùng đồng bào DTTS ở huyện Di Linh trong 5 năm qua.  
 
Di Linh là một trong các huyện có tỷ lệ đồng bào DTTS sinh sống cao nhất tỉnh Lâm Đồng. Theo thống kê, dân số huyện Di Linh có trên 160.000 người, gồm 28 dân tộc anh em, trong đó đồng bào các DTTS chiếm 36%, tương đương khoảng 60.000 người. Đa số người DTTS sinh sống ở địa bàn các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tập trung ở 75 thôn thuộc 16 xã trong huyện. Vì vậy, để tạo bước đột phá phát triển toàn diện kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, huyện Di Linh đã tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, sinh hoạt của người dân nơi đây.  
 
 Nhờ phát triển sản xuất, nhiều hộ người DTTS ở Di Linh có nhà cửa khang trang - Ảnh: NDong B’rừm
Nhờ phát triển sản xuất, nhiều hộ người DTTS ở Di Linh có nhà cửa khang trang - Ảnh: NDong B’rừm

Ba mục tiêu phát triển kinh tế
 
Phó trưởng Phòng Dân tộc huyện Di Linh K’ Lao cho hay: Hiện trong vùng đồng bào DTTS của huyện cơ bản đã hình thành cơ cấu kinh tế nông nghiệp - lâm nghiệp, đầu tư thực hiện thắng lợi 3 mục tiêu: xây dựng vườn hộ, chăn nuôi, quản lý bảo vệ rừng. Và để hiện thực hóa 3 mục tiêu đó, huyện đã thực hiện hiệu quả nhiều chương trình, kế hoạch phát triển vùng đồng bào DTTS trong huyện. Theo đó, trong giai đoạn 2011-2015, toàn huyện đã tổ chức được 234 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi gắn với chương trình khuyến nông cho 12.336 người và 15 cuộc hội thảo đầu bờ với 697 lượt người tham dự. Triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất như mua phân bón, cước vận chuyển, máy móc thiết bị nông nghiệp phục vụ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi với tổng giá trị lên đến hơn 21,3 tỷ đồng. Trong 5 năm các ngành liên quan đã tổ chức tham quan, học tập kinh nghiệm làm ăn, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi gia súc, gia cầm được 5 đợt với 150 người tham gia; xây dựng các mô hình giống bắp lai, giống lúa cao sản, trồng cà phê ghép… với tổng kinh phí thực hiện hơn 22,5 tỷ đồng. Bên cạnh đó, khuyến khích đồng bào các DTTS dùng phân bón cải tạo vườn, đồng ruộng, mở rộng hệ thống thủy lợi nhỏ để tưới tiêu trong mùa khô. Bà con ở những vùng gần rừng luôn thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ và chăm sóc rừng nên đã có 1.479 hộ được giao khoán quản lý bảo vệ rừng với tổng diện tích 37.270ha. Cùng đó là việc thực hiện các chính sách hỗ trợ làm nhà ở cho đồng bào dân tộc với kinh phí trên 18,7 tỷ đồng; hỗ trợ kinh phí đào 1.250 cái giếng, nâng cấp và xây mới 22 giếng khoan, mở rộng nâng cấp 2 hệ thống nước tự chảy và xây 50 bể chứa nước với kinh phí trên 8,6 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ nói trên, bà con nhân dân tại các xã nghèo, thôn nghèo, cận nghèo trên địa bàn huyện còn được vay vốn từ các chương trình tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội để đầu tư phát triển sản xuất với 2.809 lượt hộ được vay số tiền gần 40 tỷ đồng. Và hiện tại 100% số xã và trên 97% số hộ trong vùng đã được sử dụng điện lưới quốc gia, trên 70% số hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh...
 
Đời sống vật chất tinh thần đổi thay
 
Trong  5 năm qua đã nâng cấp được 140km đường giao thông nông thôn, đường vào khu sản xuất với tổng vốn 272,1 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 2 công trình thủy lợi, đào 40 hồ chứa nước với tổng vốn đầu tư 26,3 tỷ đồng; cải tạo, lắp đặt hệ thống điện cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sinh hoạt và sản xuất vùng đồng bào DTTS... tạo sự chuyển biến trong nhân dân vươn lên thoát nghèo. Nhìn chung, thông qua thực hiện các chính sách, cùng với sự nỗ lực vươn lên của các hộ nên trong 5 năm qua đã có 1.120 hộ nghèo thoát nghèo bền vững, 2 xã nghèo có tỷ lệ hộ nghèo trên 30% vào năm 2009 nay giảm xuống dưới 15%; số thôn nghèo và cận nghèo giảm từ 29 thôn còn 13 thôn,  góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa vùng đồng bào DTTS và các khu vực khác trong huyện. Qua đó, tỷ lệ hộ nghèo đồng bào DTTS giảm còn 4,96% với 658 hộ, hộ cận nghèo còn 6,74% với 873 hộ. Số xã đặc biệt khó khăn giảm từ 3 xã xuống còn 2 xã, số thôn đặc biệt khó khăn từ 54 thôn giảm còn 20 thôn. Bên cạnh phát triển sản xuất nhằm xóa đói giảm nghèo, đầu tư cơ sở hạ tầng, việc đầu tư trường, trạm cũng được quan tâm. Đến nay hầu hết các xã vùng DTTS đã được đầu tư cơ bản phòng học và cơ sở vật chất, trang thiết bị, sách giáo khoa phục vụ cho nhu cầu dạy và học. Đồng thời huyện đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện mạng lưới y tế cơ sở, qua đó từng bước nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, đặc biệt có tới 48.066 đồng bào DTTS được cấp thẻ BHYT, tạo được niềm tin trong cộng đồng các dân tộc trong huyện. Đáng chú ý qua phong trào thực hiện nếp sống văn minh, văn hóa trong cộng đồng đồng bào DTTS, đến nay có 9.361 hộ được công nhận gia đình văn hóa, 47/75 thôn, tổ dân phố được công nhận thôn văn hóa, 1 xã được công nhận xã văn hóa cấp tỉnh. 
 
Theo đánh giá của Phòng Dân tộc huyện, trong 5 năm qua, đời sống vùng DTTS trong huyện đã có sự phát triển toàn diện về mọi mặt.
 
Xuân Trung