Vẫn còn những khoảng cách trong "bình đẳng giới"

09:07, 09/07/2015

Dù đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ nữ làm lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị tại Lâm Đồng vẫn còn khá thấp.

Dù đã được cải thiện rất nhiều trong những năm gần đây nhưng tỷ lệ nữ làm lãnh đạo trong các cơ quan, đơn vị tại Lâm Đồng vẫn còn khá thấp.
 
Vượt qua khó khăn
 
Năm 2000, sau khi tốt nghiệp Đại học Luật TP HCM chuyên ngành Quản lý hành chính, Trần Thị Vũ Loan về công tác ở phường 5, TP. Đà Lạt. “Đó là một quyết định rất khó khăn, đấu tranh tư tưởng rất nhiều khi về làm việc ở phường” - Chủ tịch UBND phường 5, TP. Đà Lạt Trần Thị Vũ Loan nhớ lại. Là người Đà Lạt, cả gia đình đều sinh sống ở thành phố này nên cả gia đình ai cũng muốn chị trở về làm việc ở Đà Lạt nhưng lúc đó có một số văn phòng luật tại TP HCM tuyển chị vào làm. Thôi thì về Đà Lạt, chị nộp hồ sơ vào nhiều cơ quan trong đó có UBND phường 5. Phường là nơi gọi chị đi làm trước tiên. Thấy chị phân vân, bố chị trước đây cũng công tác ở UBND phường 5 động viên con gái cứ nhận việc làm. Công việc của chị ở đây là cán bộ văn phòng. Một tháng sau, một cơ quan cấp tỉnh gọi chị đi làm, nhưng đã lỡ nhận việc ở phường, chị đắn đo thôi không đi nữa. 
 
Rất nhiều khó khăn cho những năm đầu làm việc ở phường này. Trong khi các bạn mình ra trường làm việc ở cơ quan hàng tỉnh, nhiều người ở lại TP HCM được đi đây đi đó, còn chị cứ cắm đầu với trăm công nghìn việc của một cán bộ văn phòng ở phường. Lương cực thấp, có bằng cấp đại học nhưng cũng không được xếp ngạch bậc gì. Phải 4 năm sau đó chị mới cầm được tấm thẻ Bảo hiểm Y tế. Đã rất nhiều lúc chị phân vân có nên tiếp tục làm ở phường hay không? Làm ở phường, chị được sống gần nhà, có thời gian sớm hôm giúp đỡ gia đình, cha mẹ nên cũng thuận tiện nên chị cứ chần chừ. Rồi chị lập gia đình, gia đình chồng cũng người trong phường, thế là “an tâm” làm việc ở phường luôn.
 
Cho đến nay đã 15 công tác ở phường, qua nhiều vị trí trước khi là Chủ tịch UBND phường như hiện nay, và là nữ duy nhất trong số các chủ tịch UBND khối phường, xã của Đà Lạt. Điểm thuận lợi của nữ, theo chị Loan đó là mềm mỏng, nhẹ nhàng, dễ nói chuyện hơn khi tiếp xúc với mọi người trong rất nhiều việc. Chẳng hạn như chuyện lập lại trật tự trong xây dựng trên địa bàn phường vốn khá phức tạp và nhạy cảm, những chỗ khó chính chị cùng cán bộ phường phải đến tận nơi thuyết phục, trực tiếp giải quyết. “Tất nhiên, nữ cũng có điểm hạn chế hơn nam giới như mức độ quan hệ xã hội chẳng hạn, sự mạnh mẽ, quyết đoán nhưng nữ giới cũng có sức mạnh của mình như cẩn thận, tỉ mỉ, chu đáo trong mọi việc” - chị nói. 
 
Điểm thuận lợi khi công tác ở phường theo chị là được mọi người ủng hộ, từ cán bộ phường đến các tổ dân phố, hầu hết người dân đều quen biết nên mọi việc theo chị đều phải có tình có lý. Chính sách cho cán bộ xã phường hiện nay đã thay đổi rất nhiều nhưng theo chị vẫn còn có những người rất khó khăn như cán bộ bán chuyên trách, nữ văn thư, phó đoàn thể với mức lương còn rất thấp. Bận rộn công việc phường nhưng gia đình chị, cụ thể là chồng chị luôn tạo điều kiện giúp đỡ cho chị hoàn thành công việc. Hiện chị đã tốt nghiệp Cao học luật tại TP HCM.  
 
Ngành y tế có tỷ lệ nữ làm việc khá cao
Ngành y tế có tỷ lệ nữ làm việc khá cao
 
Vẫn còn ít lãnh đạo nữ 
 
Đánh giá của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Lâm Đồng cho biết đã có những tiến bộ nhất định trong thực hiện “Bình đẳng giới” tại Lâm Đồng những năm qua. Cấp ủy Đảng các cấp trong tỉnh hiện đã chú ý hơn đến công tác tạo nguồn cán bộ nữ thông qua qui hoạch, đào tạo, bố trí sử dụng, đặc biệt là cán bộ nữ người dân tộc thiểu số.  
 
Tuy nhiên, như một thống kê cho biết tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy, tham gia công tác lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan đơn vị trong tỉnh tuy có tăng lên nhưng vẫn còn thấp, chưa đạt yêu cầu so với Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị. Cụ thể, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy trong khối chính quyền tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh chỉ đạt gần 17,3% (321/1.856 người), trong đó có 41 nữ là Ủy viên Ban Thường vụ, 8 nữ Bí thư, 15 nữ Phó Bí thư, 4 Chủ tịch UBND, 28 Phó Chủ tịch UBND, 7 Chủ tịch HĐND, 28 Phó Chủ tịch HĐND. Với cấp huyện tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy đạt 12,9% (64 người/496), trong đó có 11 nữ là Ủy biên Ban Thường vụ, 3 Phó Chủ tịch UBND, 3 Phó Chủ tịch HĐND. Đối với cấp tỉnh, tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy chỉ đạt 9% (5/55 người), trong đó có 1 nữ là Ủy viên Ban Thường vụ, 1 Phó Chủ tịch HĐND. Với khối cơ quan ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể, ở cấp tỉnh chỉ có 8/39 nữ Giám đốc, Trưởng phòng ban, đạt 23%; có 31/97 nữ Phó Giám đốc, phó trưởng phòng ban, đạt 32%. Ở cấp huyện có 65/452 là trưởng phòng ban, đạt trên 14,%; cấp phó có 139/581 người, đạt gần 33%. Ở cấp xã, phường, thị trấn có 235/925 là cấp trưởng Mặt trận đoàn thể, chỉ đạt trên 25%.
 
Rất nhiều nguyên do được chỉ ra cho sự thiếu “bình đẳng giới” này tại Lâm Đồng hiện nay. Trước nhất là công tác qui hoạch cán bộ nữ vẫn còn thiếu chủ động, chưa đảm bảo tính kế thừa, còn khép kín, đối phó; tỷ lệ nữ đưa vào diện quy hoạch nhiều chỗ còn làm cho có, thiếu tính khả thi, việc đề bạt, bổ nhiệm còn thấp so với yêu cầu, nhất là ở cấp huyện và tỉnh; tỷ lệ nữ đào tạo về lý luận chính trị của một số cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp còn thấp; chưa có sự hỗ trợ thích đáng khi tham gia đào tạo bồi dưỡng. Cùng đó, bản thân giới nữ nhiều người vẫn chấp nhận an phận, chưa đủ tự tin để vươn lên.   
 
Theo tinh thần Nghị Quyết 11 của Bộ Chính trị (khóa X) “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Lâm Đồng phấn đấu đến 2020 cán bộ nữ tham gia các cấp đạt từ 25% trở lên, nữ đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp đạt từ 35-40%; các cơ quan có tỷ lệ nữ từ 30% trở lên nhất thiết phải có lãnh đạo chủ chốt là nữ.
 
Để đạt được điều này, theo Hội LHPN Lâm Đồng, trong công tác cán bộ nữ hiện nay cần tránh định kiến giới; nên mạnh dạn đề bạt cán bộ nữ vào các chức vụ quan trọng trong các cơ quan. Cùng đó, các cơ quan đơn vị cần xây dựng một kế hoạch dài lâu trong công tác cán bộ nữ, tránh tư duy nhiệm kỳ. Các cấp cũng cần làm tốt công tác phát hiện nguồn cán bộ nữ từ cơ sở, nhất là các đơn vị sự nghiệp vì lực lượng nữ ở đây chiếm tỷ lệ cao, tránh việc cử đi đào tạo bồi dưỡng nhưng lại không sử dụng.
 
VIẾT TRỌNG