Hệ lụy do thẻ BHYT ghi sai tên

09:09, 25/09/2015

Việc ghi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sai tên người sử dụng là "lỗi" thuộc về đơn vị cấp thẻ, nhưng phía chịu thiệt lại là người sử dụng.

Việc ghi thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) sai tên người sử dụng là “lỗi” thuộc về đơn vị cấp thẻ, nhưng phía chịu thiệt lại là người sử dụng.
 
Cấp thẻ BHYT sai, người sử dụng chịu thiệt
 
Lấy lý do tên người sử dụng ghi trên thẻ BHYT không trùng khớp với tên người ghi ở giấy chứng minh nhân dân, nhân viên thu viện phí của Bệnh viện II Lâm Đồng đã từ chối điều trị theo chế độ BHYT cho bà Ka Triều (ở thôn 2A, xã Đinh Trang Hòa, huyện Di Linh). “Sai sót này là do nơi cấp thẻ. Lỗi đâu phải của chúng tôi. Tại sao chúng tôi lại không được thanh toán theo chế độ BHYT?” - bà Ka Triều phản ứng. “Những năm trước, tên, tuổi, địa chỉ của tôi ghi trên thẻ BHYT đều hoàn toàn trùng khớp. Nhưng trong đợt phát hành thẻ năm 2015, không hiểu vì lý do gì tên của tôi ghi trên thẻ BHYT lại bị ghi sai” - bà Ka Triều cho biết thêm. 
 
Theo ghi nhận của chúng tôi, không chỉ ghi sai tên, nhiều bà con người dân tộc thiểu số ở Di Linh còn bị ghi sai cả ngày, tháng, năm sinh trên thẻ BHYT, khiến cho việc khám, chữa bệnh cũng gặp rất nhiều khó khăn. Và, điều đáng nói ở đây là nguyên nhân sai sót này đều xuất phát từ đơn vị cấp thẻ, không phải do người mua bảo hiểm. Thế nhưng, người mua bảo hiểm vẫn phải “è cổ” đóng viện phí, mặc dù phần đông trong số này đều là những người được cấp phát thẻ BHYT theo diện ưu tiên. “Chúng tôi biết rằng, tên của người dân tộc thiểu số có những chữ phức tạp (so với tiếng phổ thông), nhưng chỉ cần bộ phận tiếp nhận hồ sơ ban đầu của đơn vị Bảo hiểm Xã hội làm kỹ ngay từ đầu, thì sẽ tránh được những rắc rối không đáng có cho người tham gia bảo hiểm” - một cán bộ là người dân tộc thiểu số ở huyện Di Linh trao đổi.  
 
Làm gì khi thẻ BHYT bị sai
 
Ông Đinh Tiến Văn, Giám đốc Bảo hiểm Xã hội huyện Di Linh, thừa nhận thiếu sót trên là điều khó tránh khỏi, khi mà Di Linh có đến hơn 36% dân số là người dân tộc thiểu số. “Ở đây, chúng tôi có một nhân viên là người dân tộc thiểu số, chuyên lo việc kiểm tra, đối chiếu thông tin (tên, tuổi, địa chỉ...) của các đối tượng tham gia bảo hiểm là người dân tộc thiểu số, trước khi tiến hành giao dịch, nhưng nhiều lúc cũng phải lắc đầu. Vì có nhiều cái tên của bà con hết sức phức tạp” - ông Đinh Tiến Văn cho biết. 
 
Theo ông Văn, không chỉ phức tạp về tên gọi, một số bà con người dân tộc thiểu số còn không nhớ nổi ngày, tháng, năm sinh của mình. Chính vì không nhớ rõ, chỉ nói áng chừng, nên khi đối chiếu, kiểm tra với dữ liệu (tên, tuổi) ghi trên giấy chứng minh nhân dân, thì xảy ra tình trạng không trùng khớp. Tuy nhiên, Bảo hiểm Xã hội huyện Di Linh căn cứ hồ sơ của đối tượng tham gia bảo hiểm tại nơi đăng ký bảo hiểm ban đầu (xã, thị trấn) để cấp thẻ. Do đó, nếu đối tượng tham gia bảo hiểm phát hiện thẻ của mình bị ghi sai, nên liên hệ với UBND xã, thị trấn (nơi mình cư trú) để đề nghị đổi lại thẻ. Khi đề nghị đổi lại thẻ, những ai gặp lỗi sai sót mang theo giấy chứng minh nhân dân và thẻ BHYT đã ghi sai để đề nghị được đổi lại. “Còn không, có thể trực tiếp hoặc gửi hồ sơ qua đường bưu điện đến Bảo hiểm Xã hội huyện Di Linh. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của đối tượng tham gia bảo hiểm, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện việc kiểm tra, đối chiếu thông tin. Nếu thông tin hoàn toàn trùng khớp, chúng tôi sẽ giao dịch ngay để cho người tham gia bảo hiểm được hưởng chế độ bảo hiểm hiện hành” - ông Đinh Tiến Văn nói.
 
TRỊNH CHU