Hành động vì người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn

09:09, 29/09/2015

Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện "Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam" theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.

Năm 2015 là năm đầu tiên thực hiện “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Phóng viên Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn ông Đàm Xuân Đêu - Trưởng Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng để giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
 
PV: Xin ông cho biết vài nét về vai trò của người cao tuổi và những kết quả nổi bật về các hoạt động chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi trong tỉnh thời gian qua?
 
Ông Đàm Xuân Đêu: Người cao tuổi Việt Nam theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi Việt Nam “... là công dân Việt Nam từ đủ 60 tuổi trở lên” có vai trò quan trọng trong quá trình dựng nước và giữ nước; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nêu gương sáng về phẩm chất đạo đức, lối sống mẫu mực; giáo dục thế hệ trẻ giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc; gương mẫu chấp hành và vận động gia đình, cộng đồng chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền đạt kinh nghiệm quý cho thế hệ sau;...
 
Ở tỉnh ta, những năm qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các ngành, đoàn thể và sự nỗ lực, cố gắng của cán bộ làm công tác Hội, công tác chăm sóc, phát huy vai trò người cao tuổi theo quy định được bảo đảm. Theo thông tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chỉ riêng trong năm 2015, tỉnh đã chi hơn 60 tỷ đồng cho 18.185 người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên không có chế độ hưu trí được hưởng bảo trợ xã hội hàng tháng; được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Việc thăm, tặng quà, tổ chức chúc thọ, mừng thọ hàng năm theo quy định được lãnh đạo Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc quan tâm thực hiện, với số tiền hàng tỷ đồng. Hiện nay, toàn tỉnh có gần 100 ngàn người cao tuổi, với 83.162 hội viên, chiếm 85% số người cao tuổi. Trong đó, có 5.783 người cao tuổi tham gia công tác xã hội, là Bí thư, Phó bí thư chi bộ; Tổ trưởng, Tổ phó dân phố; Trưởng thôn, Phó thôn; Trưởng, Phó ban công tác Mặt trận; Trưởng, Phó Ban vận động Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; Tổ trưởng tổ an ninh nhân dân; Trưởng ban Thanh tra Nhân dân, Ban giám sát đầu tư cộng đồng; Chi hội trưởng các đoàn thể; Tổ hòa giải cơ sở;... Theo báo cáo chưa đầy đủ, hiện có 25.761 người cao tuổi và 739 tập thể đạt danh hiệu “Tuổi cao - Gương sáng”; 4.063 người cao tuổi làm kinh tế giỏi, trong đó, chủ trang trại: 121 người; chủ doanh nghiệp: 94 người; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục dưỡng sinh, đi bộ, thơ ca, bóng chuyền hơi, cờ tướng phù hợp với lớp người cao tuổi được triển khai sâu rộng.
 
PV: Được biết, từ năm 2015, Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam” thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, kêu gọi toàn xã hội cùng chung tay phụng dưỡng, chăm sóc người cao tuổi. Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về những nội dung mới này? 
 
Ông Đàm Xuân Đêu: Để tiếp tục cụ thể hóa Luật Người cao tuổi Việt Nam đã được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 23/11/2009; ngày 25 tháng 4 năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam”, tháng có Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10); nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão, trọng thọ của dân tộc Việt Nam; thu hút sự quan quan tâm chăm lo của tổ chức, cá nhân và toàn xã hội tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò người cao tuổi, nhất là người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa, neo đơn, gia đình chính sách, dân tộc thiểu số,...   
 
Với chủ đề “Tháng hành động vì người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn”, Ban Đại diện Hội Người cao tuổi tỉnh Lâm Đồng chúng tôi rất mong  nhận được sự quan tâm của Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, của các sở, ngành, các đơn vị, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm để cùng chung tay giúp đỡ người cao tuổi nghèo, neo đơn, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với mức 500.000đ/suất quà. Hiện, chúng tôi đang chủ động phối hợp các ngành, đoàn thể rà soát người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn toàn tỉnh để có số liệu chính xác. Ban đã có công văn gửi UBMTTQ xin hỗ trợ 60 suất quà từ nguồn “Quỹ vì người nghèo” tỉnh để hỗ trợ người cao tuổi nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh.  Bên cạnh đó, chỉ đạo Ban Đại diện Hội Người cao tuổi huyện, thành phố hướng dẫn tổ chức Hội cơ sở tiếp tục thực hiện “Đề án củng cố, phát triển Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi cơ sở giai đoạn 2014-2020” theo Quyết định số 113/QĐ-NCT ngày 14/4/2014 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam để tạo tiền đề phát triển Hội vững mạnh. 
 
PV: Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
 
Nguyệt Thu (thực hiện)