Bức hình có bút tích của Đại tướng

02:10, 06/10/2015

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bút tích của Đại tướng, là món quà vô giá của những người cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng. Tháng 10 về, những người cựu binh ấy lại mang tấm hình ra lau chùi ngắm nghía, để nhớ về  một con người vĩ đại - một danh tướng anh hùng đã đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới.

Bức ảnh chụp Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp có bút tích của Đại tướng, là món quà vô giá của những người cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng. Tháng 10 về, những người cựu binh ấy lại mang tấm hình ra lau chùi ngắm nghía, để nhớ về  một con người vĩ đại - một danh tướng anh hùng đã đi vào huyền thoại của dân tộc Việt Nam và lịch sử quân sự thế giới.
 
Tấm hình có bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Tấm hình có bút tích của Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Đứng tần ngần nhìn bức tranh nhỏ treo hơn 13 năm nay trong nhà, cựu chiến binh, Trung tá Phạm Quang Ý kể: “Năm 2002, vào dịp Đại hội đại biểu Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2, anh em cựu chiến binh đã đề nghị với Thiếu tướng Phạm Văn Kha, lúc ấy là Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh, sẽ tìm một món quà gì đó thật ý nghĩa để làm quà lưu niệm tặng các đại biểu về tham dự dự hội nghị. Ý kiến đó được Thiếu tướng Kha đồng ý. Thiếu tướng Phạm Văn Kha lúc đó là thành viên trong Ban Thường vụ Ban Chấp hành Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Đúng dịp ấy, bác Kha có dịp ra Hà Nội, khi trở về mang theo tấm hình có bút tích và chữ ký của Đại Tướng. Anh em chúng tôi mừng vui khôn xiết. Bức ảnh sau này được in ra hàng trăm tấm tặng các địa biểu về tham dự hội nghị”.
 
Cũng như Trung tá Phạm Quang Ý, một góc trang trọng trong căn nhà nhỏ của Thiếu tướng Phạm Văn Kha, trên đường Thông Thiên Học - thành phố Đà Lạt, được dành để treo bức hình Cụ Hồ và Tướng Giáp. Trên đó có bút tích và chữ ký của Đại Tướng. Thiếu tướng Kha tiếp tục kể cho tôi nghe những chuyện xảy ra ở Hà Nội năm 2002: “Đợt ấy ra Hà Nội, tôi đem tâm nguyện của mình và anh em cựu chiến binh Lâm Đồng về việc muốn tìm món quà lưu niệm gì đó ý nghĩa cho Đại hội đại biểu Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2, nói với đồng chí Xuân Mai - thành viên Ban Tuyên huấn Trung ương Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Anh Xuân Mai trầm ngâm rồi nói: “Có tấm hình chụp Cụ Hồ và Tướng Giáp tại vườn Bắc Bộ phủ mà cháu mua lại của một nhà báo Pháp. Ảnh này là ảnh đen trắng, nhưng bây giờ có thể in màu rồi. Bác thấy được không?”. Nghe anh Mai nói, tôi vội xin xem. Và khi cầm tấm hình ấy trên tay, tôi đề nghị anh Mai in giúp ảnh màu ngay. Sau đó ít ngày, tôi gửi tấm hình và nhờ anh Mai chuyển giúp lời tôi đến Thư ký của cụ Giáp rằng “Hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng có bức ảnh này, muốn xin Đại Tướng - Tổng tư lệnh ghi cho ít chữ vào đây làm kỷ niệm”. 
 
Gần 15 năm trôi qua, Thiếu tướng Phạm Văn Kha, Trung tá Phạm Quang Ý đều đã già, mắt không còn nhìn rõ dòng chữ ghi trên bức ảnh treo ở tường nhà. Nhưng họ vẫn nhớ như in những dòng lưu niệm của Đại tướng. Trong câu chuyện với chúng tôi, những người cựu chiến binh ấy đã không kìm được xúc động khi đọc lại bút tích của Người: “Chúc cựu chiến binh Việt Nam, mãi mãi xứng danh là “Bộ đội Cụ Hồ”, một ngày xuân 2002” và chữ ký của Người.
 
Tấm ảnh ấy sau này trở thành món quà quý cho đại biểu các tỉnh về dự Đại hội Cựu chiến binh tỉnh Lâm Đồng lần thứ 2. Bởi danh xưng Việt Nam - Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã vượt khỏi biên giới quốc gia, đi vào lòng nhân loại yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Và cho đến tận bây giờ, tấm ảnh có bút tích ấy của Đại tướng vẫn như là báu vật của tất cả những người cựu chiến binh ở tỉnh Lâm Đồng. 
 
Tháng mười này, tròn hai năm Đại tướng ra đi. 103 mùa xuân cống hiến cho dân tộc, Người đã để lại cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, niềm tiếc thương vô hạn. Nhưng trong sâu thẳm trái tim và khối óc của nhân dân cả nước, Người vẫn còn sống mãi. Đạo đức tài năng và sự nghiệp của Đại tướng mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ noi theo.
 
N. NGÀ