Ba vấn đề lớn của dân số Việt Nam

09:12, 28/12/2015

Quy mô dân số nước ta từ 25 triệu người năm 1945 đã lên 90 triệu người năm 2013, theo tính toán của giới chuyên môn, tốc độ dân số VN tăng chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua VN đã tránh sinh được hơn 20,8 triệu trường hợp. 

Đó là: Cơ cấu dân số vàng, già hóa dân số và mất cân bằng giới tính khi sinh.
 
Dân số vàng
 
Quy mô dân số nước ta từ 25 triệu người năm 1945 đã lên 90 triệu người năm 2013, theo tính toán của giới chuyên môn, tốc độ dân số VN tăng chậm hơn so với dự báo 11 năm và hơn 20 năm qua VN đã tránh sinh được hơn 20,8 triệu trường hợp. Mức sinh được kiểm soát, số người tăng bình quân hàng năm đã giảm từ mức gần 1,2 triệu người/năm (giai đoạn năm 1979 -1999) xuống còn 952.000 người/năm (giai đoạn 1999-2009). Nhờ thành công của chương trình dân số - KHHGĐ từ hàng thập kỷ trước, VN đang có cơ cấu dân số vàng, chính thức bước vào giai đoạn dân số vàng từ năm 2007 với hơn 62 triệu người trong độ tuổi lao động, chiếm 68,5% dân số. Số người bước vào tuổi lao động gấp 5,71 lần số người bước ra (nếu so với tuổi 65) và gấp 3,46 lần số người bước ra (so với tuổi 60). 
 
Lợi thế của dân số vàng là số người trong độ tuổi lao động lớn (chiếm 68,5% tổng dân số), là nguồn nhân lực khổng lồ cho sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, một tương lai về già hóa dân số đã được chuẩn bị. Mặc dù VN đang ở thời kỳ cơ cấu “dân số vàng” nhưng chất lượng nguồn nhân lực và chất lượng dân số còn rất nhiều hạn chế. Tình trạng thiếu việc làm, thất nghiệp với hơn 1,1 triệu người thất nghiệp, tạo ra các dòng di cư lớn và các thách thức từ di cư. Theo thống kê, tiền lương trung bình của lao động làm công ăn lương 4,6 triệu đồng/tháng (năm 2015) so với 4 triệu đồng/tháng (năm 2013) thì mức cải thiện thu nhập không đáng kể. Lực lượng lao động nông thôn chiếm 69,9%, dân số từ 15 tuổi trở lên được đào tạo chuyên môn kỹ thuật chiếm 13,4% (thành thị 25,4% và nông thôn 8%), nhu cầu việc làm tăng nhưng sức bền, kỷ luật lao động, kỹ năng làm việc, trình độ quản lý còn nhiều hạn chế.
 
Giải pháp phát huy lợi thế cơ cấu dân số vàng: Tăng cơ hội việc làm, đa dạng hóa ngành nghề ở khu vực nông thôn và ở các ngành sử dụng nhiều lao động. Tăng năng suất lao động, hướng đến những việc làm tạo giá trị gia tăng cao. Mở rộng, nâng cao chất lượng đào tạo nghề theo nhu cầu thị trường lao động, trong đó chú trọng đến cơ hội đào tạo, việc làm cho phụ nữ, cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đầu tư cho giáo dục và đào tạo, mở rộng và nâng cao chất lượng với một cơ cấu hợp lý. Có chính sách đầu tư và tái đầu tư cho phát triển, đặc biệt cho phát triển con người, trước hết là y tế, dân số. 
 
Lớp học có nhiều bé trai hiếu động
Lớp học có nhiều bé trai hiếu động
Già hóa dân số
 
VN đang ở giai đoạn “già hóa dân số”, năm 2011 đã chính thức bước vào giai đoạn “già hóa dân số” với tỉ lệ người già từ 65 tuổi trở lên chiếm 7% dân số. Thời gian chuyển đổi từ già hóa dân số sang dân số già tại VN rất nhanh, nếu như các nước phát triển mất hàng thập kỷ, hàng thế kỷ thì VN chỉ mất 16 - 18 năm, tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới. Theo tính toán của Liên hiệp quốc, đến năm 2050 VN sẽ bước vào dân số “siêu già”. 
 
Lợi thế tuổi thọ tăng là một trong những thành tựu vĩ đại của loài người; người cao tuổi là nguồn lực mới cho sự phát triển kinh tế -xã hội. Khó khăn thách thức không nhỏ là: Trên 70% người cao tuổi sống với con cháu trong khi xu hướng cấu trúc gia đình có thay đổi (quy mô gia đình nhỏ); đời sống vật chất còn khó khăn với 68,2% ở nông thôn, 70% không có tích lũy vật chất, 18% nghèo; hệ thống bảo trợ, an sinh xã hội chưa đủ đáp ứng: chỉ có 30% có lương hưu hoặc trợ cấp từ ngân sách nhà nước; sức khỏe người cao tuổi còn nhiều hạn chế trong khi hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi chưa bắt kịp với sự thay đổi này.
 
Khuyến nghị thích ứng với vấn đề già hóa dân số: xây dựng hệ thống chăm sóc sức khỏe người cao tuổi trên toàn quốc, xây dựng các mô hình chăm sóc người già tại gia đình và cộng đồng; đảm bảo an sinh xã hội: cải cách cơ cấu hệ thống bảo trợ xã hội, mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm hưu trí, y tế; khuyến khích việc làm cho người cao tuổi, tuổi nghỉ hưu, tiếp cận vốn vay...
 
Mất cân bằng giới tính khi sinh
 
VN đang đối mặt với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh liên tục từ năm 2006 đến nay: 109,8 bé trai/100 bé gái (năm 2006) lên 113,8 bé trai/100 bé gái (năm 2013), xu hướng vẫn tiếp tục tăng, mất cân bằng cả ở nông thôn và thành thị; người có điều kiện kinh tế, học vấn cao hơn lại lựa chọn giới tính khi sinh nhiều hơn. Theo dự báo đến năm 2050, VN thừa 3-4 triệu đàn ông không lấy được vợ. 
 
Nguyên nhân do mong muốn có con trai và phải có con trai, dùng công nghệ lựa chọn giới tính thai nhi. Mất cân bằng giới tính khi sinh tác động trực tiếp đến các chỉ báo nhân khẩu học và các vấn đề xã hội: Thừa nam, thiếu nữ đặc biệt nghiêm trọng ở độ tuổi kết hôn; nam giới khó lấy được vợ; tan vỡ cấu trúc gia đình; phụ nữ kết hôn sớm; tỉ lệ ly hôn cao; bạo hành gia đình; bạo lực giới; bất bình đẳng giới; thiếu hụt lao động tại nhiều ngành nghề: giáo viên mầm non, tiểu học, hộ lý, y tá...; mất an ninh - trật tự xã hội: tệ nạn mại dâm, HIV/AIDS; buôn bán phụ nữ, trẻ em. Một thập kỷ qua trên thế giới có 115 triệu phụ nữ biến mất, trong đó xảy ra tại Trung Quốc 50 triệu phụ nữ và Ấn Độ 30 triệu phụ nữ biến mất. 
 
Giải pháp quyết liệt, triệt để mới giải quyết được vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh: Truyền thông, giáo dục, vận động để nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi; thực hiện các chính sách hỗ trợ nữ giới, hỗ trợ những gia đình sinh con một bề là nữ; tăng cường thực thi pháp luật về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi. Điều kiện tiên quyết phải tăng cường cam kết chính trị, sự quan tâm vào cuộc của hệ thống chính trị trong việc giải quyết vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường và ưu tiên nguồn lực cho việc giải quyết các mục tiêu về mất cân bằng giới tính khi sinh.
 
DIỆU HIỀN