Vịn điệu ví về với Nguyễn Du

10:12, 07/12/2015

Ngày 5 tháng 11 - điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) - Danh nhân văn hóa thế giới được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh. Không phải đợi đến 300 năm như trắc ẩn của Cụ lúc sinh thời (Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như), 

Ngày 5 tháng 11 - điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Nguyễn Du là Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 250 năm Ngày sinh Đại thi hào Nguyễn Du (1765-2015) - Danh nhân văn hóa thế giới được tổ chức tại thành phố Hà Tĩnh. Không phải đợi đến 300 năm như trắc ẩn của Cụ lúc sinh thời (Bất tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như), mà trước đến nay và cả ngàn năm nữa, thiên hạ vẫn sẽ còn khóc với nỗi lòng của Tố Như - Nguyễn Du qua kiệt tác “Truyện Kiều” vọng mãi ngàn thu, nuôi dưỡng tâm hồn người Việt...
 
Một góc Khu lưu niệm họ Nguyễn Tiên Điền
Một góc Khu lưu niệm họ Nguyễn Tiên Điền

32 năm trước (năm 1984), đoàn sinh viên ngành ngữ văn Trường Đại học Sư phạm Vinh chúng tôi qua cầu phao Bến Thủy sang huyện Nghi Xuân viếng mộ Đại thi hào Nguyễn Du (tên chữ Tố Như, hiệu Thanh Hiên) và chiêm bái khu di tích họ Nguyễn Tiên Điền... Từ đó đến nay, có dịp tôi lại tranh thủ lui tới thắp hương cho Cụ vào những lần hồi hương đất Lam núi Hồng... Gần đây, tôi cùng 2 người bạn tri âm thời phổ thông trường Phan Đình Phùng, Hà Tĩnh - kỹ sư xây dựng Hồ Thạch Sơn và Kỹ sư kinh tế Nguyễn Xuân Bảo công tác ở quê nhà, đồng hành đến tựa đền viếng mộ Cụ... Dẫu là thắp hương thủa còn men lối mòn giữa “Một vùng cồn bãi trống trênh/Cụ cùng thập loại chúng sinh nằm kề”, năm 1982; hay ngôi mộ đã được xây cất bằng đá (năm 1997) và bây giờ thực sự khang trang..., trong tôi vẫn lâng lâng cảm xúc bồi hồi, man mác giữa trời xanh Nghi Xuân, chung chao bờ cỏ Lam Hồng...Nắng ong vàng, chầm chậm lắng ngừng trầm mặc khu lưu niệm. Những mái nhà xưa neo hồn dưới sum suê cây muỗng hàng trăm năm, thân tùng, thân bách cổ kính... Nhịp thời gian chậm trôi qua những bia đá Nguyễn Quỳnh, Hoàng Giáp - Tể tướng Nguyễn Nghiễm...Nhà Tư văn bảng lãng nhạt nhòa sáng, nhà thờ Nguyễn Du u tịch thâm nghiêm... Thềm đá dẫn lối đồng vọng ngàn đời. Phía đó, cổng sau Khu lưu niệm, đền thờ Nguyễn Nghiễm 2 con voi đá phủ phục sâu đằm; phía xa kia, mộ Cụ Nguyễn Du linh nghiêm yên nghỉ... 
 
Khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền phân bố trên vùng đất rộng chừng 20ha, từ bờ nam sông Lam đến xứ Đồng Cùng, thuộc xã Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, cách Bến Thủy 7km về phía đông. Dòng họ Nguyễn Tiên Điền là dòng họ “trâm anh thế phiệt” có nhiều người tài năng, thành đạt về khoa bảng, công danh, về sự nghiệp văn chương, y học, sử học cũng như sự nghiệp xây dựng đất nước. Đặc biệt, Đại thi hào Nguyễn Du, người con của Đại tư đồ - Tể tướng Hoàng Giáp Nguyễn Nghiễm rất mực tài hoa, phóng khoáng, uyên bác và mẹ là bà Trần Thị Tần duyên dáng, giàu lòng nhân ái, say mê văn nghệ dân gian. Nguyễn Du là kết tinh của 3 đỉnh tam giác vùng văn hóa: xứ Nghệ hùng vĩ, Thăng Long văn vật, Kinh Bắc thanh lịch. Sau những biến cố của đất nước, Cụ về sống ở quê Tiên Điền 6 năm, buông bỏ kinh luân, đắm mê theo những điệu ví, giặm quê nhà, hun đúc nên kiệt tác Truyện Kiều về sau. 
 
Khu lưu niệm Nguyễn Du rộng chừng 2ha. Từ cổng chính đi vào, qua bệ đá khắc 2 chữ “Hạ mã” (xuống ngựa), lần lượt là nhà Tư văn 1 và Tư văn 2, bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh (ông nội Nguyễn Du), đền thờ Nguyễn Du, tượng đài và nhà trưng bày bảo tàng Nguyễn Du. Nhà Tư văn làm bằng gỗ lim, lợp ngói vảy, là trung tâm sinh hoạt văn hóa của những người trong họ Nguyễn và bạn bè thân thích. Trong nhà còn 5 câu đối, đáng chú ý là câu “Thâm tai viễn vọng xuyên Ngư hải/Cao hỉ giao quan đỉnh Hồng sơn” (Thăm thẳm xa trông xuyên biển Hội/Nguy nga mãi ngắm ngất non Hồng). Bia tưởng niệm Nguyễn Quỳnh lập từ năm 1762, hiện còn cột đá tế trời. Trên đầu bia khắc chữ “Hồng nguyên tuấn lưu” (nguồn lớn dòng mạnh). Trong bia có khắc vị hiệu, câu đối...; sau bia khắc chữ Hán lớn “Phúc”; cạnh bia có 2 cây muỗng và bồ lỗ tương truyền gần 300 tuổi, là nơi buộc ngựa của gia đình họ Nguyễn. 
 
Đền thờ Nguyễn Du xây dựng năm 1825 trên mảnh vườn nhà và năm 1940 Hội Khai trí Tiến Đức dời về vị trí hiện tại. Qua thời gian, đền thờ bị hư hỏng, năm 1956 Ty Văn hóa Hà Tĩnh tu sửa lại như bây giờ. Bức hoành phi “Hồng Sơn thế phả” trên bàn thờ xưa do Hoàng Phù Phái tước Trung hiến đại phu đời nhà Thanh tặng năm thứ 55 triều Càn Long (1790) nay không còn. Phía ngoài nhà thờ có ghi 4 chữ Hán “Địa linh nhân kiệt”; 2 vế đối ở tiền sảnh, một do vua Minh Mạng tặng: “Nhất đại tài hoa vi sứ vi khanh sinh bất thiển/Bách niên sự nghiệp tại gia tại quốc tử do vinh” (Một đời tài hoa, lúc đi sứ, lúc làm quan sống không hổ thẹn/Trăm năm sự nghiệp việc nhà, việc nước, chết vẫn còn vinh); và một câu do cụ Nghè Mai (cháu 10 đời của họ Nguyễn Tiên Điền) tặng: “Lễ nhạc bách niên văn hiến địa/Giang sơn tứ vọng thái bình thiên” (Trời thái bình non sông bốn mặt/Đất văn hiến lễ nhạc trăm năm). Trên bàn thờ đề chữ “Thanh Hiên Nguyễn Tiên sinh”. Nhà trưng bày bảo tàng vốn là đình chợ Trổ (huyện Đức Thọ) xưa dời về năm 1963. Ngôi đình làm bằng gỗ mít, kiến trúc cuối Lê đầu Nguyễn, chạm trổ trau chuốt, trưng bày một số tài liệu, tranh ảnh minh họa tác phẩm của Nguyễn Du và đặc biệt có một số hiện vật quý như nghiên mực, đĩa mai hạc Nguyễn Du được tặng trong thời gian đi sứ; nậm và chén uống rượu, gạc nai treo áo, địa bàn dùng đi săn… Đền thờ Nguyễn Nghiễm (đền Đức Đại vương) tạo dựng năm Nhâm Tuất (1742), trùng tu năm 1864. Đền thờ Nguyễn Trọng (chú ruột Nguyễn Du) có bức hoành phi “Hồng Ngư linh khí” do Cao Đoan sáng tác năm Nhâm Dần đời Cảnh Hưng (1782) tặng cho Nguyễn Nghiễm… 
 
Góc nhìn từ nhà Tư văn
Góc nhìn từ nhà Tư văn

Ngày 16/9/1820, đại thi hào Nguyễn Du qua đời và được an táng tại xã An Ninh, huyện Quảng Điền, phủ Thừa Thiên. Mùa hạ năm Giáp Thân (1824), Nguyễn Ngũ cải táng cha mình về an táng tại quê nhà thuộc xứ Đồng Mát (thôn Lương Năm), sau lại dời về xứ Đồng Thánh gắn với khu vườn Nguyễn Du lúc về sống tại Tiên Điền. Khoảng 100 năm sau, con cháu họ Nguyễn lại đem hài cốt của Đại thi hào cải táng tại xứ Đồng Cùng, vị trí mộ hiện nay. Ngôi mộ cũng biến đổi theo thời gian trùng tu cải táng, từ là mộ đất, sau đến xây gạch đơn sơ và đến năm 1989 ngành văn hóa địa phương mới tôn tạo khang trang như hiện giờ, gồm 3 phần: bàn thờ, phần mộ, vườn cây bao quanh. Phần bàn thờ có bia, tường hình cuốn thư, bàn thờ và lư hương bằng đá; bia đá có chữ quốc ngữ “Danh nhân văn hóa thế giới - Đại thi hào Nguyễn Du”. Quanh bia có khắc hoa văn thế kỷ XVIII theo luật đường triện; tường hình cuốn thư tượng trưng cho sự nghiệp văn hóa - nghệ thuật của Cụ. Mộ hình khối chữ nhật xây bằng gạch nghiêng, không trát; phần giữa trên mộ trồng cỏ xanh...
 
Những năm 1999-2003, Khu lưu niệm Nguyễn Du và dòng họ Nguyễn Tiên Điền được Bộ Văn hóa Thông tin đầu tư tôn tạo 17 hạng mục; năm 2012, đền thờ Nguyễn Du được nhà nước đầu tư xây dựng mới phía sau đền thờ cũ, với kiến trúc nhà gỗ 3 gian bằng gỗ lim, mái lợp ngói âm dương... Ngày 28/4/1962, Khu lưu niệm Nguyễn Du xếp hạng di tích quốc gia và ngày 27/9/2012 trở thành di tích quốc gia đặc biệt. Những ngày tháng 11 năm nay, nhiều quốc gia trên thế giới đồng điệu hồn với con dân nước Việt cùng hướng về Đại thi hào - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du. Nghĩa là, một dòng chảy nhân văn đang và sẽ mãi dạt dào giữa nhân gian, khởi nguồn từ Nguyễn Tiên sinh cách 250 năm trước...
 
Ghi chép: PHAN TĨNH XUYÊN