Đường đưa xã nghèo đến đích nông thôn mới trong năm 2016

09:03, 22/03/2016

Xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) là một trong những xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều kiện kinh tế - xã hội của xã còn thấp so với mặt bằng chung của huyện, nên sức mạnh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đa Nhim chưa cao. Nhưng với sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều chủ trương đúng hướng để Đa Nhim hoàn thành việc xây dựng NTM vào năm 2016 này. 

Xã Đa Nhim (huyện Lạc Dương) là một trong những xã nghèo của tỉnh Lâm Đồng với khoảng 87% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Điều kiện kinh tế - xã hội của xã còn thấp so với mặt bằng chung của huyện, nên sức mạnh xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới (NTM) ở Đa Nhim chưa cao. Nhưng với sự nỗ lực trong công tác lãnh đạo, Đảng bộ xã đã đề ra nhiều chủ trương đúng hướng để Đa Nhim hoàn thành việc xây dựng NTM vào năm 2016 này. 
 
Một góc con đường nông thôn mới ở Đa Nhim
Một góc con đường nông thôn mới ở Đa Nhim
Bí thư Đảng ủy xã Đa Nhim Tạ Đức Tuấn cho biết: “Để từng bước hoàn thành các tiêu chí NTM vào năm 2016, Đảng bộ xã luôn đề cao vai trò của tổ chức Đảng. Bộ máy chỉ đạo, điều hành chương trình được kiện toàn từ xã đến thôn. Nhiệm vụ xây dựng NTM được triển khai đến từng cán bộ đảng viên và nhân dân trong toàn xã, tạo thành phong trào thi đua sôi nổi. Đồng thời, nêu cao tinh thần tiên phong, gương mẫu của mỗi cán bộ, đảng viên trong mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo”.
 
Đảng ủy xã đã phát huy tối đa vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền và các đoàn thể trong xã. Thông qua các đoàn thể như Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên... để giúp đỡ bà con làm kinh tế. Đồng thời, thông qua đó tuyên truyền đến các hội viên hiểu về tầm quan trọng, quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi người đối với việc xây dựng NTM. Cụ thể như Hội Nông dân xã đã giúp bà con hiểu lợi ích của việc cắt lá, tỉa cành để nâng cao năng suất cà phê bằng cách chọn một vài hộ làm điểm và sau đó đối chiếu năng suất. Vận động nông dân đào hồ chứa nước nhằm chủ động nước tưới cho cây trồng. Cách làm này cho thấy rõ hiệu quả nên bà con tin tưởng làm theo. Đó là động lực để tiếp tục những bước đi kế tiếp trong xây dựng NTM.
 
Đảng ủy xã xác định rõ vai trò tiên phong gương mẫu của cán bộ đảng viên trong quá trình thực hiện NTM. Đa Nhim hiện có 42 đảng viên là người DTTS, chiếm trên 50% số đảng viên trong toàn xã. Lực lượng đảng viên này cùng với sự vào cuộc mạnh mẽ của các chi bộ thôn đã làm chuyển đổi về tư tưởng và nhận thức của nhân dân. Đồng chí Kơ să K’ Kim - Bí thư Chi bộ thôn Liêng Bông, cho biết: “Thông qua hoạt động tuyên truyền của cán bộ thôn, nhất là các đảng viên đã từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước; giúp bà con hiểu được rằng trong xây dựng NTM, mọi thành quả không chỉ mình mà con cháu mình đều được hưởng”. Cũng từ công tác vận động của chi bộ và các đảng viên ở thôn, bà con đã cùng hiến đất, góp công, góp tiền làm đường NTM. Cụ thể, trong toàn xã đã có 15 tuyến đường được bê tông hóa với kinh phí 6,7 tỷ đồng. Bà con nhân dân đã hiến 2.300 ngày công, hơn 6 ngàn mét vuông đất, chặt bỏ gần 3.000 cây cà phê... để làm đường giao thông. Hiện tại 5/5 thôn của xã đều đăng ký làm đường. Bà con tự chuẩn bị mặt bằng và thi công, chính quyền địa phương hỗ trợ về mặt kỹ thuật và vật liệu.
 
Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện xây dựng NTM, Đảng ủy xã Đa Nhim đã xác định rõ những vấn đề cơ bản, trọng tâm, cấp bách cần giải quyết trước như: tổ chức lại sản xuất cho nông dân, đầu tư vào các cơ sở thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh như đường giao thông, nước sinh hoạt... Qua đó, bà con thấy rõ những hiệu quả mang lại từ chương trình NTM, tạo điều kiện thực hiện các tiêu chí khác. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng thuận của nhân dân nên bộ mặt NTM của xã đã có diện mạo mới. Đa Nhim hôm nay đã có đường giao thông nông thôn được bê tông hóa, trường học được xây dựng mới kiên cố, nhà cửa của bà con sạch đẹp, khang trang... Thu nhập bình quân đầu người của bà con đạt trên 23 triệu đồng/ người/ năm, chất lượng cuộc sống ngày càng tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh. Nếu như cuối năm 2010, Đa Nhim có trên 30% dân số là hộ nghèo, thì đến cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn trên 3%.
 
 Đến thời điểm hiện tại, Đa Nhim đã đạt 17/19 tiêu chí. Hai tiêu chí còn lại là thủy lợi và hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh, Đa Nhim cũng đang có những cách tiến hành rất linh động. Với tiêu chí thủy lợi, do địa hình của xã dốc, nhiều suối, bà con sản xuất tập trung thành từng khu vực nên xã đã đề xuất lên cấp trên, thay vì xây dựng kênh mương theo nội dung của tiêu chí thủy lợi, xã sẽ vận động bà con đào các hồ trữ nước. Quy mô hồ lớn, nhỏ tùy vào diện tích canh tác ở từng khu vực. Cách làm này vừa tiết kiệm chi phí cho Nhà nước, vừa phù hợp với đặc điểm tình hình địa phương nên rất được nhân dân ủng hộ. Còn tiêu chí xây dựng hệ thống tổ chức chính trị - xã hội vững mạnh ở Đa Nhim vẫn còn vướng mắc. Do đặc điểm tại địa phương trình độ dân trí chưa cao nên cán bộ chưa đủ tiêu chuẩn. Trên cơ sở đó, Đa Nhim đã tập trung vào công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. Điều đó góp phần nâng cao nhận thức và phát huy mối quan hệ gắn bó mật thiết giữa Đảng với nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp trong quá trình thực hiện các mục tiêu trở thành xã NTM. Ngoài ra, từ năm 2011 trở lại đây, xã đã cử nhiều cán bộ đi học các lớp đại học, lý luận chính trị... để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Theo như lời của đồng chí Bí thư Đảng ủy xã, việc thay đổi cán bộ đột ngột sẽ gây nhiều xáo trộn cho hoạt động của xã, bởi thế phải lựa chọn thời điểm thích hợp. Cụ thể là sau cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân sắp tới, bộ máy cán bộ của xã sẽ có nhiều sự đổi thay tích cực.
 
“Với những nỗ lực của Đảng ủy và người dân toàn xã, Đa Nhim sẽ về đích NTM trong năm nay”, Bí thư Tạ Đức Tuấn khẳng định.
 
N. NGÀ