Hội thảo lồng ghép giới trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (sửa đổi)

05:12, 09/12/2016

(LĐ online) - Ngày 9/12, tại Đà Lạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Lâm Đồng tổ chức Hội thảo lồng ghép giới trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) với sự tham dự của 30 đại biểu đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, văn phòng luật sư trong tỉnh. 

(LĐ online) - Ngày 9/12, tại Đà Lạt, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam phối hợp với Hội LHPN Lâm Đồng tổ chức Hội thảo lồng ghép giới trong dự thảo Luật trợ giúp pháp lý (TGPL) (sửa đổi) với sự tham dự của 30 đại biểu đang công tác tại các cơ quan, ban, ngành, văn phòng luật sư trong tỉnh. 
 
Đóng góp ý kiến về lồng ghép giới trong dự thảo Luật TGPL sửa đổi
Đóng góp ý kiến về lồng ghép giới trong dự thảo Luật TGPL sửa đổi

Bà Bùi Thị Hòa - Phó Chủ tịch Hội LHPN VN phát biểu khai mạc cho biết mục đích của hội thảo là tham vấn ý kiến của Tổ tư vấn cộng đồng, cán bộ Hội LHPN các cấp, các chuyên gia về lồng ghép giới trong dự thảo Luật TGPL (sửa đổi) nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật đảm bảo bình đẳng giới, tiến bộ, phù hợp với thực tiễn triển khai. Dự kiến Luật này sẽ trình Quốc hội khóa XIV thông qua vào năm 2017.
 
Luật TGPL được Quốc hội khóa XI thông qua ngày 29/6/2006 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng thúc đẩy công tác TGPL phát triển, đáp ứng tốt hơn nhu cầu TGPL, góp phần nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật nói chung, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, đối tượng chính sách và người có hoàn cảnh khó khăn, nói riêng. Qua 9 năm triển khai thi hành Luật TGPL, các tổ chức thực hiện TGPL đã giải quyết hơn 1 triệu vụ việc với hơn 1,1 triệu lượt người được TGPL. Trong đó có 61.120 vụ việc tham gia tố tụng, 982.442 vụ việc tư vấn pháp luật, 11.732 vụ việc khác. 
 
Tuy nhiên, hoạt động TGPL đã bộc lộ những hạn chế, bất cập như: diện người được TGPL chưa đầy đủ; hoạt động TGPL với bản chất là giúp đỡ các đối tượng yếu thế giải quyết các vụ việc cụ thể khi họ phải đối mặt với pháp luật chưa được quan tâm đúng mức. Bên cạnh đó là chất lượng vụ việc TGPL nhiều lúc còn chưa được bảo đảm, chưa chuyên nghiệp; vẫn còn hiện tượng chưa đáp ứng nhu cầu TGPL; tổ chức bộ máy TGPL còn cồng kềnh, hiệu quả xã hội hóa còn hạn chế; quy trình, thủ tục tiếp nhận và thực hiện TGPL chưa tạo điều kiện thuận lợi cho người được TGPL. Trong bối cảnh đó, cùng với việc triển khai thực hiện Đề án đổi mới công tác TGPL giai đoạn 2015 -2025 thì việc nghiên cứu, sửa đổi Luật TGPL là cần thiết.
 
AN NHIÊN