Bơsre Sinh - người lưu giữ văn hóa truyền thống

08:01, 19/01/2017

Cùng với các lễ hội truyền thống, thì nhà dài, cồng chiêng, chóe… là những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Theo thời gian, những nét văn hóa truyền thống này đã bị mai một. Bằng tâm huyết của mình, già Bơsre Sinh ở buôn Gràng Njàn, xã Đinh Trang Thượng (Di Linh) vẫn bảo tồn cho thế hệ con cháu.

Cùng với các lễ hội truyền thống, thì nhà dài, cồng chiêng, chóe… là những nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS gốc Tây Nguyên. Theo thời gian, những nét văn hóa truyền thống này đã bị mai một. Bằng tâm huyết của mình, già Bơsre Sinh ở buôn Gràng Njàn, xã Đinh Trang Thượng (Di Linh) vẫn bảo tồn cho thế hệ con cháu.
 
Trong ngôi nhà dài của già Bơsre Sinh vẫn lưu giữ nhiều chóe cổ. Ảnh: N.Brừm
Trong ngôi nhà dài của già Bơsre Sinh vẫn lưu giữ nhiều chóe cổ. Ảnh: N.Brừm

Sinh ra và lớn lên trong hai thời kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tuy không may mắn được học cái chữ đến nơi, đến chốn, nhưng tuổi thơ của già Bơsre Sinh luôn gắn liền với nương rẫy, những câu hát dân gian, tam pla… mượt mà của các chàng trai, thiếu nữ nơi núi rừng. Có lẽ cũng từ hồi ấy đã nhen nhóm trong lòng ông một niềm đam mê cháy bỏng với văn hóa truyền thống cho đến ngày nay.
 
Già Bơsre Sinh, cho biết: “Tôi theo đạo từ trước giải phóng, đến giờ tôi vẫn không có quan niệm các hiện vật như chiêng, chóe, trống… của tổ tiên để lại là những thứ ma quỷ, sẽ gây hại cho mình và gia đình cả. Hơn nữa, tôi còn tuyên truyền cho con cháu biết, đây không chỉ là vật gia bảo, quý giá, mà còn là bản sắc văn hóa của một tộc người, nên phải biết trân trọng và bảo tồn”.
 
Từ những nỗ lực vượt khó trong lao động sản xuất, đến nay, già Bơsre Sinh cũng đã xây dựng được ngôi nhà kiên cố, nhưng già không phá bỏ, mà vẫn giữ lại hai ngôi nhà gỗ truyền thống dùng sinh hoạt hằng ngày và làm nơi cất giữ chiêng, chóe, các vật dụng sinh hoạt truyền thống.
 
Trong ngôi nhà dài truyền thống của già vẫn lưu giữ được một số loại chiêng, gần 100 chóe quý, như: N’tàng bla, N’tàng lồng (đổi được 1 nô lệ), Tang bơng (đổi ngang một con trâu), drăp suh, tang bơng yau, yang yau, yang suh, yang mạ… Ngoài ra, còn có khá đầy đủ các tư liệu sản xuất, vật dụng sinh hoạt truyền thống, như: đồng, nir, sớ, sah, khiơu kăc kòi, sớ bài, kiah yur…
 
Đến nay, già Bơsre Sinh chuẩn bị bước sang tuổi 80, tuy tuổi đã cao, sức yếu, nhưng sự nhiệt huyết lưu giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống luôn thôi thúc già. Đấy cũng là tâm nguyện lớn nhất mà già muốn để lại cho thế hệ sau. “Để bảo tồn những gia sản của ông bà, tổ tiên, thời gian tới tôi có dự tính sẽ phục dựng lại ngôi nhà dài truyền thống, xem đây như một “bảo tàng” văn hóa truyền thống của đồng bào thiểu số ở xã vùng sâu, vùng xa này; làm nơi cho các thế hệ sau đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Qua đó, mong muốn góp phần giáo dục cho con cháu cần ý thức trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc” - già Bơsre Sinh tâm niệm.
 
Đến với vùng sâu, vùng xa Đinh Trang Thượng hôm nay, thật khó để kiếm được ngôi nhà dài truyền thống. Bởi vì, những năm gần đây, khi kinh tế phát triển, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, nên bà con đã phá bỏ ngôi nhà truyền thống và thay vào đó đầu tư xây dựng những ngôi nhà xây mái ngói kiên cố, hiện đại.  
 
Ông Noa Lê Tiên, Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Thượng, cho biết: “Chính quyền địa phương luôn đánh giá cao những nỗ lực của ông Bơsre Sinh. Ông Sinh không chỉ là người mẫu mực trong việc tuyên truyền, vận động con cháu làm kinh tế giỏi, xây dựng thôn buôn…, mà ông còn là tấm gương tiêu biểu góp phần lưu giữ những nét văn hóa truyền thống của dân tộc trên địa bàn xã”. 
 
NDONG BRỪM