Ngày truyền thống Y học cổ truyền, suy ngẫm về quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông

09:02, 08/02/2017

Hằng năm cứ vào ngày 15 tháng giêng - ngày giỗ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngày truyền thống Y học cổ truyền là những người làm công tác Y học cổ truyền trong tỉnh nhà lại tới Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch - Lâm Đồng dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.

Hằng năm cứ vào ngày 15 tháng giêng - ngày giỗ của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, ngày truyền thống Y học cổ truyền là những người làm công tác Y học cổ truyền trong tỉnh nhà lại tới Bệnh viện Y học cổ truyền Phạm Ngọc Thạch - Lâm Đồng dâng hương tưởng nhớ Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
 
Là một người làm trong lĩnh vực Y học cổ truyền, nghiên cứu, học tập tác phẩm “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh” của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tôi nhận thấy nhiều quan điểm của ông có giá trị nhân văn mà người hành nghề y ngày nay vẫn cần suy ngẫm và học tập.
 
Quan điểm về cuộc sống
 

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác là vị danh y của nước ta, ông sinh ngày 12 tháng 11 năm Canh Tý (ngày 11 tháng 12 năm 1720) tại Liêu Xá - Mỹ Văn - Hưng Yên, ông hành nghề y ở quê mẹ - Sơn Quang - Hương Sơn - Hà Tĩnh. Ông để lại cho đời sau trước tác “Hải Thượng Y tông tâm lĩnh”.

Ông sinh ra và sống trong thời kỳ đất nước phân chia Đàng trong và Đàng ngoài, Trịnh - Nguyễn phân tranh. Ông thổ lộ: cái chí bon chen trong trường danh lợi mình đã vứt bỏ từ lâu - Y huấn cách ngôn. Ông tìm hướng đi cho mình khi dưỡng bệnh tại Rú Thành lúc ông hơn 30 tuổi. “Nghề y thiết thực cho mình và giúp đỡ được mọi người”. Và ông đã quyết tâm: “Tôi đã hiến thân cho nghề thuốc nên lúc nào cũng muốn làm hết sức mình trước thuật cho nhiều để dựng cờ hồng trong ngành y”.

 
Quan điểm về nghề nghiệp và ý thức phục vụ
 
- Nghề thuốc là một nghề thanh cao, là một nghề có lòng nhân.
 
- Đạo làm thuốc là một nhân thuật có nhiệm vụ giữ gìn sinh mệnh người ta, phải lo cái lo của người, vui cái vui của người, chỉ lấy việc giúp người làm phận sự của mình mà không cầu lợi kể công.
 
- Thầy thuốc là người bảo vệ sinh mạng con người, tử sinh họa phúc đều ở tay mình quyết định... mình phải hết sức suy nghĩ, đem hết khả năng để làm kế tìm cái sống trong cái chết cho người ta.
 
Quan điểm về trước tác và truyền thụ
 
- Quan điểm về viết sách: “Tôi nghĩ việc trước thư lập ngôn không phải dễ. Ngạn ngữ có câu: cho thuốc không bằng cho phương. Vì thuốc chỉ cứu được một người, cho phương thì giúp được người ta vô tận. Nhưng nghĩ cho kỹ, nếu trong phương có một vị không đúng thì hàng trăm nhà chịu tai hại. Huống chi viết lên sách, mỗi lời nói đều thành khuôn phép nhất định khó mà thay đổi được, nhỡ trong câu có điều sai lầm thì tai hại còn lớn hơn những bài thuốc nhiều. Kê đơn chữa bệnh nếu có chỗ sơ suất, chỉ chết người bệnh đó và thầy thuốc có thể rút kinh nghiệm tránh cho lần khác. Khi giảng thầy nói dạy có điều sai, một số người nghe sau về chữa bệnh gặp điều sai đó cũng sẽ rút kinh nghiệm, nhưng số người bị hại sẽ nhiều hơn. Còn như việc viết sách cho hàng ngàn, hàng vạn… người học thì sẽ tai hại vô cùng, điều gây tai họa ấy cũng dây dưa từ đời này qua đời khác. Viết sách quan hệ như vậy, không thận trọng sao được! Không những sách chuyên môn mà các loại sách khác cũng vậy”.
 
- Trong việc truyền thụ nghề nghiệp cho môn đệ, ông cũng rất chu đáo, ông dạy bằng nhiều cách để người học nắm vững được chuyên môn.
 
Quan điểm về thừa kế và học tập
 
- Nêu cao tinh thần “khổ học”: tìm hiểu sách vở của khắp các nhà, nghiên cứu ngày đêm, mỗi khi được một câu cách ngôn của hiền triết xưa thì ghi ngay tại chỗ và biện luận kỹ càng.
 
- Học tập có chọn lọc: “tâm lĩnh” là cách học có chọn lọc, lĩnh hội những điều hay thì mới đưa vào sách, chắt lọc tinh hoa của sách, vốn quý của dân gian về y học để đưa vào một bộ sách tóm gọn để tiện xem, tiện đọc…
 
- Học tập có sáng tạo: ông nghiên cứu sách xưa nhưng không rập khuôn hoàn toàn như xưa mà có đóng góp mới về lý thuyết, phương thang và sáng chế một số bài mới ghi lại ở Quyển: Hiệu phỏng tân phương.
 
- Học tập có phương pháp: đọc rộng, tham khảo nhiều, có tư liệu rồi thì phải biết sắp xếp tóm gọn cho hệ thống để tránh tản mát, lộn xộn mâu thuẫn nhau. Ông nói: “học được rộng, biết được nhiều điều xa lạ mà quy hẹp lại cho thật đơn giản và sát đúng mới là đặc sắc trong y thuật”. Phải có sự “biến thông linh hoạt” giữa học và hành.
 
- Học tập với tinh thần suy nghĩ độc lập: ông toàn tâm toàn ý thừa kế sách xưa: “Khi có chút thì giờ nhàn rỗi là nghiên cứu các sách thuốc xưa nay, luôn luôn phát huy biến hóa, thâm nhập được vào tâm, thấy rõ được ở mắt thì tự nhiên ứng vào việc làm mà không sai lầm”.
 
Tuy nhiên, ông cũng có tinh thần suy nghĩ độc lập, vấn đề đặt ra là có nên công bố những suy nghĩ độc lập ấy không? Ông nghĩ: không công bố là một thứ “khiêm tốn giả tạo”, giữ làm của riêng ích kỷ, hoặc bỏ hoài phí cái hay, người khác không được biết tới. Công bố thì lại có người cạn nghĩ cho là ông hợm mình, tự cho mình có phần hơn người xưa. Ông tránh được cái sáo đó và quyết định: Tôi thà mắc tội với tiền bối, chứ không phụ cái sở học của mình mong làm sáng tỏ thêm những chỗ văn chưa sáng nghĩa, những phần lý luận trước đây chưa đầy đủ, lưu lại một chút khổ tâm của tôi trong việc nghiên cứu y học.
 
Quan điểm về phong cách đối xử
 
- Đối với mọi người: người lớn tuổi hơn mình phải kính trọng; người học giỏi thì coi như bậc thầy; người kiêu ngạo thì mình nhân nhượng; người kém mình thì dìu dắt. Ông luôn khiêm tốn, không tự cao tự đãi, khoe khoang mà luôn tranh thủ sự đồng tình của người khác để cầu học hoặc thu kết quả trong việc làm.
 
- Đối với người bệnh: tận tình cứu chữa, bệnh gấp thì cứu bệnh như cứu hỏa, đối với bệnh nguy thì ông tìm hết cách cứu vãn cho đến khi âm dương ly thoát mới đành chịu thôi. Đối với phụ nữ: “Khi xem bệnh cho đàn bà con gái, đàn bà góa, ni cô cần phải có người nhà ở bên cạnh mới bước vào phòng mà xem bệnh để tránh hết sự nghi ngờ. Dù cho đến hạng người buôn son bán phấn cũng vậy, cũng phải đứng đắn, coi họ như con nhà tử tế, chớ nên đùa cợt mà mang tiếng bất chính, sẽ bị hậu quả về tà dâm”.
 
- Đối với việc nhận quà cáp: thông thường thì ai giúp mình một việc gì thì mình cảm ơn người đó, huống hồ bệnh nặng, nguy, có thể chết được, người ta cứu cho thì ít nhiều mình có mang ơn. Nhân dân ta vốn có tính thuần hậu, không khi nào quên ơn người đã giúp mình, muốn bày tỏ lòng chịu ơn bằng lời nói, bằng vật chất, bằng việc làm điều đó được coi là chính đáng, hợp lý hợp tình mà người bệnh không làm luôn tự thấy băn khoăn. Nhưng điều đáng chê trách là món quà quá đáng với sự việc, hoặc quá với khả năng của người bệnh, hoặc kèm theo với những động cơ không đúng, hoặc đem lại những hậu quả không trong sạch, lành mạnh. Những món quà không chính đáng đó có thể hạ thấp nhân phẩm của người thầy thuốc, biến thầy thuốc thành kẻ phụ thuộc, người nô lệ của vật chất hoặc quyền uy. Ông cho rằng: “Nghề thuốc là nghề thanh cao ta càng phải giữ khí tiết cho trong sạch. Khi chữa cho ai khỏi bệnh rồi, chớ có mưu cầu quà cáp, vì người nhận quà hay sinh nể nang, huống chi những kẻ giàu sang tính khí thất thường, mình cầu cạnh hay bị khinh rẻ...”.
 
Cả đời ông gắn bó với nghiệp chữa bệnh cứu người “Quên mình cứu chữa người ta; ngoài ra tất cả chỉ là mây trôi - Y huấn cách ngôn”.
 
Ngày nay, những người làm công tác ngành y nói chung, làm công tác Y học cổ truyền nói riêng, suy ngẫm và học tập các quan điểm của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác sẽ góp phần thực hiện Quyết định 2151/QĐ-BYT ngày 4 tháng 6 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch triển khai “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” ngày càng tốt hơn.
 
BSCKII, Thầy thuốc Ưu tú NGUYỄN VĂN TRỊNH