Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng

03:03, 07/03/2017

(LĐ online) - Sáng ngày 7/3, tại TP. Đà Lạt, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Hội thảo có sự tham dự của tổ chức JICA, Nhật Bản.

(LĐ online) - Sáng ngày 7/3, tại TP. Đà Lạt, Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công thương) đã phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức hội thảo Nâng cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng. Hội thảo có sự tham dự của tổ chức JICA, Nhật Bản.
 
Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
Tham dự hội thảo có bà Natto Yuko - Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam, bà Saori Sorin - Phó Chủ tịch điều hành trung tâm bảo vệ người tiêu dùng Nhật bản; ông Cao Xuân Quảng- Trưởng Phòng Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh, Bộ Công thương; lãnh đạo Sở Công thương Lâm Đồng, cùng trên 100 doanh nghiệp của Lâm Đồng và một số địa phương.
 
Tại Hội thảo, ông Cao Xuân Quảng - Trưởng Phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Quản lý cạnh tranh đã trình bày về thực trạng và trách nhiệm của DN đối với công tác bảo vệ người tiêu dùng tại Việt Nam. Trong đó, các vi phạm phổ biến được nhắc đến chủ yếu như không chấp nhận bảo hành sản phẩm, không đổi mới hoặc hoàn tiền cho khách khi đã qua bảo hành ba lần, không cung cấp hàng hóa thay thế trong thời gian bảo hành, các doanh nghiệp vẫn thiếu tính chủ động trong công tác bảo vệ người tiêu dùng…
 
Phát biểu tại hội thảo, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công thương Lâm Đồng cũng đã tóm tắt thực trạng công tác quản lý nhà nước về triển khai quy định pháp luật liên quan đến trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Theo đó, sau 5 năm Luật Bảo vệ người tiêu dùng có hiệu lực (từ ngày 1/7/2011 – nay), tỉnh Lâm Đồng cũng đã tiến hành triển khai, tuyên truyền mạnh mẽ, phổ biến các quy định của Luật, nâng cao nhận thức của xã hội, trách nhiệm của doanh nghiệp với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Riêng năm 2016, đã có nhiều thắc mắc của người tiêu dùng gởi đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng với nhiều hình thức: gọi điện, đơn thư và trực tiếp đến văn phòng hội để phản ánh. Trong đó, giải quyết 11 vụ, phạt hành chính 1 vụ.
 
Hội thảo cũng bàn luận các giải pháp trong công tác quản lý nhà nước để bảo vệ người tiêu dùng như: Nâng cao năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ thực thi, đa dạng hoá các hình thức tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho xã hội và doanh nghiệp, duy trì và nâng cao chất lượng các chuyên mục liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng…
 
Hội thảo cũng nhận được nhiều câu hỏi tranh luận và ý kiến đóng góp từ các doanh nghiệp tham dự. Hội thảo cũng nghe các chuyên gia Nhật Bản trao đổi nhiều thông tin bổ ích và các kinh nghiệm đáng học tập từ Nhật Bản cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp trong việc nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
 
Diễm Thương